29/11/2024
Khám phá tầm quan trọng của sự trưởng thành về mặt cảm xúc để có một đời sống ý nghĩa và bình an hơn.
Ý chính trong bài:
Chữa lành cảm xúc giống như việc mở cánh cửa để thoát khỏi những vòng lặp đau khổ và sợ hãi, cho phép bạn trải nghiệm cuộc sống trọn vẹn hơn và kết nối sâu sắc hơn với mọi người. Bằng cách đối mặt với những tổn thương trong quá khứ, bạn xây dựng cho mình một sức bật tinh thần (resilience), chấp nhận bản thân và đạt được sự cân bằng cảm xúc – những yếu tố cần thiết cho sức khỏe tinh thần lành mạnh.
Trưởng thành về mặt cảm xúc là bước tiếp theo, giúp bạn nuôi dưỡng các mối quan hệ lành mạnh hơn, giao tiếp hiệu quả hơn và làm chủ bản thân tốt hơn. Nó giúp bạn hiểu rõ bản thân hơn và khuyến khích bạn sống đúng với những giá trị thật của mình. Nói một cách đơn giản, chữa lành và trưởng thành về cảm xúc cùng nhau sẽ giúp bạn sống vui vẻ, kết nối với mọi người sâu sắc hơn và sống chân thật hơn với chính mình.
Hành trình phát triển cảm xúc
Phát triển cảm xúc là một tiến trình chuyển đổi, thường diễn ra âm thầm, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tự nhận thức và quan tâm đến bản thân. Không giống như những vết thương thể lý, những vết sẹo cảm xúc cần có thời gian để chữa lành, điều này khiến chúng ta tự hỏi: “Liệu mình có thực sự đang chữa lành, hay chỉ đang cố gắng bước tiếp mà không thay đổi gì?” Con đường này giống như một vòng xoắn ốc hơn là một đường thẳng tuyến tính, nhưng vẫn có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang tiến bộ.
Dấu hiệu của sự phát triển về mặt cảm xúc
Chữa lành không có nghĩa là chúng ta đạt đến sự hoàn hảo hay không còn cảm thấy đau khổ, mà là ta có thể vun đắp một mối quan hệ lành mạnh hơn với chính mình và cảm xúc của bản thân. Điều này giúp chúng ta tăng cường sức bật tinh thần và khả năng phản ứng với mọi việc một cách phù hợp với con người mà ta muốn trở thành.
1. Bạn trải nghiệm cảm xúc mà không bị choáng ngợp
Một dấu hiệu quan trọng của sự chữa lành là khả năng cảm nhận những cảm xúc mà không bị chúng nhấn chìm. Trước đây, nỗi buồn, sự tức giận hay nỗi sợ có thể đã kích hoạt những phản ứng dữ dội, nhưng khi bạn đang được chữa lành, bạn sẽ có thể chấp nhận những cảm xúc này mà không mất đi sự kiểm soát.
Sự trưởng thành về mặt cảm xúc cho phép bạn quan sát cảm xúc của mình với sự tò mò thay vì phán xét. Bạn nhận ra chúng là một phần của trải nghiệm, nhưng không phải là toàn bộ thực tế diễn ra. Việc điều tiết cảm xúc, bao gồm: thừa nhận cảm xúc, hiểu nguyên nhân của chúng và phản ứng phù hợp với giá trị của bản thân (thay vì phản ứng bốc đồng) – là một dấu hiệu của sự trưởng thành.
2. Bạn thể hiện lòng trắc ẩn với chính mình
Chữa lành biến đổi cuộc đối thoại nội tâm của bạn từ sự tự phê bình gay gắt sang sự tử tế. Bạn bắt đầu đối xử với bản thân như một người bạn thân – bạn chấp nhận những khuyết điểm, ghi nhận những nỗ lực và tha thứ cho những sai lầm của mình.
Lòng trắc ẩn với bản thân này không đồng nghĩa với sự tự mãn, mà nó cho thấy bạn hiểu rằng mọi người, kể cả bạn, đều xứng đáng được đối xử tử tế. Việc chuyển từ sự tự phê bình sang tự chăm sóc bản thân là một dấu hiệu mạnh mẽ của sự trưởng thành về mặt cảm xúc.
3. Bạn có thể thiết lập và duy trì các ranh giới
Ranh giới lành mạnh là điều cần thiết cho sức khỏe cảm xúc. Nếu trước đây bạn gặp khó khăn trong việc cam kết quá mức hoặc duy trì các mối quan hệ không lành mạnh vì sợ hãi, thì khi trưởng thành hơn về mặt cảm xúc, bạn sẽ không còn như vậy nữa.
Bạn học cách thiết lập những ranh giới rõ ràng, tôn trọng, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, đồng thời nuôi dưỡng các mối quan hệ. Bạn mạnh dạn nói lên nhu cầu của mình, mà không cảm thấy tội lỗi hay áy náy, bạn hiểu rằng bản thân không chịu trách nhiệm cho những phản ứng của người khác. Đó là cách tôn trọng bản thân đồng thời vẫn quan tâm đến mọi người xung quanh.
4. Bạn cảm thấy thoải mái với sự khó chịu
Để chữa lành vết thương lòng, đôi khi ta cần phải đối mặt với những điều khó chịu, dù đó là những cuộc nói chuyện khó khăn, những cảm xúc đau buồn, hay việc phải phá bỏ những khuôn mẫu cũ. Người trưởng thành là người có thể đối diện với những điều không thoải mái, thay vì trốn tránh hay lờ nó đi.
Thay vì xem những cảm giác khó chịu là mối đe dọa, bạn bắt đầu xem chúng là dấu hiệu của sự chuyển đổi tích cực. Chấp nhận thử thách, dám bước ra khỏi vùng an toàn chính là cách bạn mở rộng cánh cửa dẫn đến sự trưởng thành và đạt được sức bật về tinh thần tốt hơn.
5. Bạn không còn tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài để khẳng định giá trị bản thân
Chữa lành thay đổi cách bạn nhìn nhận giá trị bản thân. Khi chưa được chữa lành, bạn dễ dàng dựa vào người khác để được công nhận. Khi trưởng thành, bạn nhận ra giá trị đích thực của bản thân, bạn không còn phụ thuộc vào sự công nhận của người khác hay những thành công bên ngoài.
Bạn tập trung vào việc cố gắng hết mình và mục tiêu mình hướng đến thay vì chỉ quan tâm đến kết quả. Bạn nhận ra rằng giá trị của bạn không gắn liền với những gì bạn đạt được hoặc cách người khác nhìn nhận bạn. Sự công nhận từ bên trong này trao quyền cho bạn sống chân thật hơn và theo đuổi những gì thực sự quan trọng với bạn.
6. Bạn phản ứng bình tĩnh hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn trước mọi việc.
Trước đây, chỉ cần một chuyện nhỏ cũng có thể khiến bạn phản ứng dữ dội. Nhưng khi trưởng thành hơn, bạn sẽ thấy mình bình tĩnh và chừng mực hơn hẳn. Thay vì phản ứng ngay tức thì, bạn biết cách dừng lại, suy nghĩ thấu đáo rồi mới hành động.
Khi những tổn thương dần được chữa lành, những chuyện vụn vặt sẽ ít khi có thể khiến bạn “xao động”. Bạn lấy lại bình tĩnh nhanh hơn. Bạn đã không còn dễ dàng bị kích động bởi những chuyện từng khiến mình buồn phiền. Bạn phản ứng một cách chín chắn, thay vì bốc đồng.
7. Bạn có thể tha thứ cho bản thân và người khác
Sự tha thứ là một dấu hiệu quan trọng của sự trưởng thành về mặt cảm xúc. Buông bỏ sự oán giận đối với người khác không có nghĩa là bào chữa cho hành vi của họ, mà là giải phóng bạn khỏi gánh nặng bám víu vào quá khứ.
Ngoài ra, điều quan trọng không kém là học cách tha thứ cho bản thân. Bạn buông bỏ những sự tự trách móc, chấp nhận những khuyết điểm của mình và mở đường cho sự chữa lành. Hành động giải thoát này cho phép bạn tiến về phía trước mà không hối tiếc, nuôi dưỡng sự bình yên lớn hơn trong tâm hồn.
8. Bạn có thể trải nghiệm những khoảnh khắc vui vẻ và biết ơn
Chữa lành không có nghĩa là nỗi đau biến mất hoàn toàn, mà là bạn có nhiều hơn những khoảnh khắc vui vẻ và biết ơn trong cuộc sống. Khi bị tổn thương, niềm vui dường như trở nên xa vời, nó bị che lấp bởi nỗi buồn. Nhưng khi bạn dần được chữa lành, bạn sẽ nhìn thấy vẻ đẹp trong những điều giản dị xung quanh.
Lòng biết ơn trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống, giúp bạn trân trọng những gì mình đang có, thay vì cứ mãi tiếc nuối những thứ đã mất. Những khoảnh khắc hạnh phúc và biết ơn này cho thấy bạn đang làm chủ cuộc sống của mình, bạn không còn để quá khứ chi phối hiện tại.
9. Bạn xem thử thách là cơ hội để phát triển
Một dấu hiệu rõ ràng của sự trưởng thành về mặt cảm xúc là khả năng nhìn nhận thử thách như một cơ hội để phát triển chứ không phải rào cản. Bạn không còn sợ thất bại nữa, mà xem đó là bài học để mình tiến bộ hơn.
Khi được “chữa lành”, bạn nhận ra rằng mỗi khó khăn đều dạy cho mình một bài học quý giá, và mỗi lần vấp ngã đều giúp mình thêm mạnh mẽ. Bạn tin rằng mình có thể vượt qua mọi sóng gió cuộc đời, bởi vì bạn biết mình đủ sức mạnh để đối mặt với bất cứ điều gì xảy đến.
10. Bạn đầu tư cho sức khoẻ của chính mình
Biết chăm sóc sức khỏe của bản thân là một dấu hiệu rõ ràng của sự trưởng thành. Bạn dành thời gian để nghỉ ngơi, hoạt động thể chất, trị liệu, theo đuổi sở thích hay gặp gỡ những người bạn tích cực. Bạn biết lựa chọn những điều tốt đẹp cho cơ thể và tâm hồn của mình.
Việc đầu tư cho bản thân không chỉ có lợi cho bạn mà còn cho mọi người xung quanh. Khi bạn khỏe mạnh về mặt cảm xúc, bạn sẽ có thể trở thành một người bạn đời, người bạn và một người công dân tốt hơn. Từ đó, truyền cảm hứng cho những người khác dấn thân vào hành trình trưởng thành của riêng họ.
Lời kết: Trưởng thành cảm xúc – Một hành trình từ bên trong
Chữa lành cảm xúc không phải là tìm kiếm hạnh phúc mãi mãi, mà là rèn luyện cho mình khả năng đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống bằng sự nhẹ nhàng, trắc ẩn và chân thực. Đó là học cách yêu thương và chấp nhận bản thân, để từ đó có thể kết nối sâu sắc hơn với những người xung quanh.
Dù chỉ là một thay đổi nhỏ thôi, nhưng nó cũng cho thấy bạn đang trưởng thành lên từng ngày. Hành trình chữa lành không phải lúc nào cũng suôn sẻ, sẽ có lúc bạn thấy mình tiến bộ, có lúc lại thấy mình chững lại. Điều quan trọng là bạn tiếp tục bước đi, tin tưởng vào bản thân và nhớ rằng mỗi bước chân đều đưa bạn đến gần hơn với con người toàn vẹn, mạnh mẽ và chân thực hơn của chính mình.
Tác giả: Moshe Ratson MBA, MFT
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today
Bình luận (0)