17/12/2024

2 Cách đơn giản để xoa dịu một cuộc tranh cãi

Khám phá bí quyết giao tiếp thấu cảm để hóa giải xung đột và hàn gắn mối quan hệ.

5/5 - (1 vote)

Ý chính trong bài:

Trong lúc nóng giận, chúng ta dễ nói ra những lời gây tổn thương và hành động thiếu suy nghĩ, khiến mâu thuẫn leo thang, dù chúng ta không thực sự muốn như vậy. Vì quá tập trung vào việc bảo vệ quan điểm cá nhân, ta thường quên mất một điều cơ bản – đó là đối phương cũng muốn được lắng nghe như vậy.

Họ muốn được lắng nghe, thấu hiểu và ghi nhận. Họ muốn biết rằng cảm xúc và quan điểm của mình được coi trọng, dù cho bạn có đồng tình hay với quan điểm đó hay không.

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Frontiers in Psychology đã khám phá ra cách thức để đạt được “sự điều tiết cảm xúc từ bên ngoài” (extrinsic emotional regulation) – đó là điều chỉnh và điều hòa cảm xúc của người khác trong một cuộc xung đột. Bên cạnh việc giữ bình tĩnh và làm chủ cảm xúc của bản thân, việc này còn giúp xoa dịu tình hình và vun đắp cho mối quan hệ của bạn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, chìa khóa nằm ở việc “phản hồi với sự thấu cảm” (empathic paraphrasing). Đây là một kỹ thuật giao tiếp, trong đó người nghe nhắc lại những gì người nói đã trình bày bằng lời của mình, đồng thời phản ánh lại cảm xúc và những mối bận tâm ẩn sâu trong lời của họ. Điều này cho thấy bạn không chỉ lắng nghe mà còn hiểu được cảm xúc của người nói.

Các nhà nghiên cứu còn nhận thấy những người tham gia, khi nhớ lại một cuộc cãi vã gần đây, đã cảm thấy bớt tiêu cực và hạ giọng hơn sau khi nghe người phỏng vấn nhắc lại những gì họ đã nói.

Dưới đây là hai cách để luyện tập kỹ năng phản hồi bằng sự thấu cảm và “tranh luận đúng cách”.

1. Lắng nghe tích cực trước khi phản hồi

Phản hồi bằng sự đồng cảm đòi hỏi bạn phải thực sự lắng nghe khi đối phương đang nói, không ngắt lời hay nghĩ sẵn trong đầu câu trả lời của mình.

Một điều cũng quan trọng tiếp theo là, bạn diễn đạt lại nội dung mà người kia vừa đã nói, đồng thời thừa nhận cảm xúc đằng sau lời nói đó. Việc này cho thấy bạn đang lắng nghe họ ở cả hai phương diện: lý trí và cảm xúc. Khi cảm thấy được lắng nghe, người ta sẽ ít phòng thủ hơn, và đây chính là chìa khóa để xoa dịu căng thẳng.

Ví dụ, nếu người ấy nói: “Em rất bực mình vì anh đã không gọi điện như đã hứa”, thay vì phản ứng lại một cách phòng thủ hoặc bác bỏ, bạn có thể đáp lại bằng cách nói: “Anh hiểu vì sao em bực mình. Em đã mong anh gọi, nhưng anh lại không làm như vậy.”

“Chúng tôi nhận thấy rằng mọi người thường đánh giá thấp khả năng lắng nghe của những ai không đồng tình với họ.”, Bella Ren và Rebecca Schaumberg, tác giả của một nghiên cứu được công bố vào tháng 4 năm 2024 trên tạp chí Psychological Science, cho biết.

Các nhà nghiên cứu nói thêm: “Nhìn chung, người nói cảm thấy được lắng nghe tốt hơn khi người nghe tập trung vào họ, thể hiện sự thấu hiểu và tôn trọng, quan tâm đến những gì họ đang nói. Vì vậy, ngay cả khi bạn không đồng tình với người nói, bạn vẫn nên thể hiện những điều này.”

2. Khuyến khích một cuộc đối thoại tôn trọng lẫn nhau

Nếu bạn không chắc chắn về cảm xúc của đối phương hoặc lý do tại sao họ buồn bực, hãy đặt những câu hỏi làm rõ để tránh sự hiểu lầm.

Ví dụ, nếu đồng nghiệp của bạn nói: “Anh chẳng bao giờ coi trọng ý kiến của tôi cả“, bạn có thể đáp lại: “Hình như anh cảm thấy những đóng góp của mình không được coi trọng. Anh có thể chia sẻ thêm vì sao anh cảm thấy như vậy không?”. Câu hỏi này không chỉ cho thấy bạn quan tâm đến quan điểm của đối phương, mà còn khuyến khích họ chia sẻ nhiều hơn thay vì khép lại cuộc trò chuyện.

Bằng cách đặt thêm câu hỏi, bạn tạo cơ hội để người kia làm rõ hoặc chia sẻ thêm về cảm xúc của mình, đồng thời tránh được những hiểu lầm không đáng có. Biết đâu họ sẽ nói: “Ừ, nhưng quan trọng hơn là tôi cảm thấy bị coi thường“.  Sự thấu hiểu sâu sắc này có thể giúp cuộc trò chuyện đi đúng hướng để giải quyết vấn đề, vì người nói cảm thấy được lắng nghe và ít có khả năng phản ứng theo cảm xúc hơn.

Phản hồi với sự thấu cảm cũng bao gồm việc thừa nhận cảm xúc của người nói mà không phán xét hay áp đặt quan điểm của riêng bạn. Điều này có nghĩa, bạn cần tập trung vào cảm nhận của đối phương, ngay cả khi bạn không đồng ý với quan điểm đó, cố gắng đừng vội vàng sửa sai hay giải thích cho bản thân. Bằng cách này, bạn tạo ra một không gian an toàn để đối thoại, giúp xoa dịu xung đột một cách tự nhiên.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychological Science (2022) cho biết, khi phải lựa chọn giữa hai người không có cùng quan điểm – một người cố gắng thuyết phục mình thay đổi quan điểm, một người cố gắng lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của mình – thì đa số mọi người sẽ chọn người thứ hai. Con người luôn muốn ý kiến của mình được cân nhắc một cách thấu đáo, ngay cả khi có sự khác biệt trong quan điểm.

Ngoài ra, bằng cách nhìn nhận vấn đề dưới góc độ cảm xúc của người nói, bạn cho họ thấy bạn tôn trọng cảm nhận của họ mà không quan trọng  quan điểm của họ là đúng hay sai. Khi cảm xúc được thừa nhận, cuộc tranh luận sẽ không còn là cuộc chiến giành quyền lực nữa mà trở thành một cuộc trao đổi mang tính xây dựng.

Sự thấu cảm này đòi hỏi bạn phải để sang một bên những suy nghĩ của bản thân và nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan hơn, không chỉ để hiểu rõ đối phương mà còn để thấy được bức tranh toàn cảnh. Điều này cho phép bạn nhìn xa hơn việc ai đúng ai sai, để cùng nhau tìm ra giải pháp ôn hòa cho cả hai.

Ví dụ, khi tranh cãi với người bạn đời vì họ quên làm việc nhà, bạn có thể nhớ ra dạo này họ đang có rất nhiều việc phải lo toan và bình thường họ không hay quên như thế. Bạn có thể thông cảm với người ấy và tập trung vào mục tiêu lớn hơn là vun đắp cho mối quan hệ, thay vì cứ muốn “thắng” trong cuộc tranh luận.

Tất nhiên, thấu cảm không có nghĩa là phải đồng tình, càng không phải từ bỏ quan điểm của mình để chiều lòng đối phương. Quan trọng là bạn biết cân bằng giữa việc bảo vệ chính kiến và việc tôn trọng cảm xúc của người khác. Như vậy, ta có thể biến những cuộc tranh cãi thành cơ hội để hiểu nhau và vun đắp cho mối quan hệ.

Tác giả: Mark Travers Ph.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

5/5 - (1 vote)

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *