18/03/2024
Có ai trong số chúng ta chưa từng trải qua chuyện biết điều gì là tốt nhưng vẫn làm điều ngược lại?
Có ai trong số chúng ta chưa từng trải qua chuyện biết điều gì là tốt nhưng vẫn làm điều ngược lại? Nếu bạn giống với hầu hết mọi người, có lẽ bạn đã nhiều lần trải qua sự trì hoãn (procrastination). Bạn có thể cũng đang đọc bài viết này để né không làm điều bạn thực sự cần phải làm.
Hầu hết mọi người đều xem trì hoãn là lười biếng, thiếu động lực hoặc là biểu hiện của sự yếu đuối. Tin tốt ở đây là gì? Có lý do cho việc bạn không thể đi từ những mục tiêu tốt đến những kết quả thành công – và nó không giống với điều bạn nghĩ.
Trì hoãn không đơn thuần chỉ là một quá trình tư duy. Mặc dù tâm trí ảnh hưởng đến tâm trạng và những lựa chọn của bạn, nhưng bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng sự trì hoãn trước hết là một quá trình sinh lý. Trì hoãn xảy ra khi não bạn nhận thấy một mối đe dọa dù nó là thật hay tưởng tượng.
“Tại sao bộ não của tôi lại nhận thấy mối đe dọa trong khi tôi nhận thức rõ ràng rằng tôi cảm thấy mình hoàn toàn ổn?”
Khi tư duy logic và chức năng sinh tồn của não đấu tranh với nhau, não thường chiến thắng. Cho dù não cảm thấy thiếu an toàn vì bất kỳ lí do gì, chẳng hạn như stress, choáng ngợp, kiệt sức hoặc sang chấn, hệ thống thần kinh tự trị của bạn sẽ triển khai phản ứng chiến đấu/ bỏ chạy /đóng băng (fight/flight/freeze). Những phản ứng sinh tồn về mặt sinh lý này (phát huy tác dụng khi chúng ta gặp nguy hiểm) thường bị gán nhãn sai là trì hoãn hoặc lười biếng.
Thường thì mọi người nói “Đợi một chút… nghe như cái cớ vậy.”
Việc nhận thức rằng trì hoãn là một chức năng của hệ thần kinh không nhằm mục đích bào chữa cho sự trì trệ; mà là để giải thích. Giải thích không đồng nghĩa với bào chữa. Khi bạn hiểu được hoạt động sinh lý đằng sau những thói quen của mình, bạn sẽ nắm giữ được chìa khoá để thay đổi thói quen này bền vững hơn. Để vượt qua trạng thái này, bạn cần biết rằng trì hoãn có hai kiểu.
Có hai kiểu trì hoãn là: trì hoãn hệ thần kinh phó giao cảm (parasympathetic nervous system procrastination – PNSP) và trì hoãn hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system procrastination – SNSP). Bạn khó vượt qua khoảng cách giữa ý định và hành động một phần là vì mỗi kiểu trì hoãn đòi hỏi một loạt biện pháp can thiệp khác nhau.
1. Trì hoãn hệ thần kinh phó giao cảm. Hệ thần kinh phó giao cảm chính là bàn đạp thắng của cơ thể bạn. Nó làm bạn chậm lại, thư giãn và tiêu hóa thức ăn. Nhưng nếu hệ thần kinh phó giao nhận thấy nguy hiểm, bạn có thể cảm thấy kiệt sức, mỏi cơ, dán mắt vào màn hình, nhốt mình trên ghế, uể oải và hay quên. Bạn có thể cảm thấy nặng nề hoặc sợ hãi và khó đưa ra quyết định. Đây là các phản ứng theo kiểu đóng băng. Giải pháp cho phản ứng đóng băng là tăng cường điều tiết. Các kỹ thuật tăng cường điều tiết bao gồm để mắt bạn từ từ đảo mắt quanh phòng, giãn cơ nhẹ nhàng và tiếp cận cơn giận theo cách an toàn và vừa sức.
2. Trì hoãn hệ thần kinh giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm của bạn là bàn đạp ga của cơ thể. Bạn cần nó để cảm thấy tràn đầy năng lượng, vận động và ra khỏi giường khi trời lạnh. Khi hệ thần kinh giao cảm nhận thấy mối đe dọa, bạn có thể trải qua những suy nghĩ dồn dập, “trì hoãn hiệu suất” (hay còn có nghĩa là bạn làm mọi việc nhưng không làm việc cần làm), không thể thư giãn, bồn chồn, cáu kỉnh và nhịp tim tăng nhanh. Đây là phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy. Giải pháp cho kiểu phản ứng này là giảm điều tiết. Các kỹ thuật giảm điều tiết bao gồm nhảy, đẩy hoặc kéo, nằm trên mặt đất và giao tiếp bằng mắt với người mà bạn tin tưởng.
Nếu bạn không thích làm việc này thì sao?
May mắn thay, bạn không cần cảm thấy có động lực thì mới thực hiện được kỹ thuật tăng cường điều tiết và giảm điều tiết. Động lực là kết quả của quá trình điều tiết cảm xúc chứ không phải là tiền đề. Đừng tự trách móc bản thân nếu bạn “không cảm thấy thích” làm điều gì đó – và đừng đợi cho đến khi bạn cảm thấy có động lực mới hành động. Làm một điều bé nhỏ giúp bạn tiến về phía trước vẫn tốt hơn là một bước hoành tráng chưa được thực hiện.
Vì vậy, hãy quên động lực đi – và thay vào đó hãy làm điều này: Khi bạn muốn tiến lên, đừng chỉ trích bản thân. Những cuộc đối thoại nội tâm mang tính xấu hổ sẽ tạo ra các hormone gây stress, điều này sẽ khiến phản ứng sinh tồn sinh lý trở nên trầm trọng hơn.
Thay vào đó, hãy tự hỏi bản thân xem bạn đang mắc kẹt trong phản ứng giao cảm (bàn đạp ga) hay phó giao cảm (bàn đạp phanh). Sau đó làm theo ba bước sau.
1. Nói với chính mình (tốt nhất là nói to): “Tôi chẳng có vấn đề gì cả. Tôi bị mắc kẹt vì hệ thống thần kinh của tôi đang cố gắng hoạt động theo cách hữu ích.”
2. Liệt kê ra 3 việc nhỏ mà bạn có thể làm ngay bây giờ.
3. Chọn việc dễ nhất trong ba việc và thực hiện.
Nên và không nên
Nên:
Không nên:
Lưu ý: Không có thủ thuật sinh học, mẹo điều tiết cảm xúc, hoặc kỹ năng ứng phó nào có thể khiến những mối nguy hiểm trở nên an toàn. Đôi khi bạn đã áp dụng nhiều cách nhưng không hiệu quả, nguyên nhân không phải do bạn chưa cố gắng đủ, mà là vấn đề về sức khỏe thể chất. Bạn nên thăm khám với bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân y khoa của triệu chứng trước khi can thiệp tâm lý.
Tác giả: Britt Frank MSW, LSCSW, SEP
Biên dịch: Trần Lâm Thuý Vy – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today
Bình luận (0)