07/06/2024

Tỉnh thức và hoá giải cơn giận trong 5 bước

Khám phá các bước vượt quá cơn tức giận và những cảm giác bị tổn thương.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: pexels

Cơn giận trong quá khứ – dù là một mối hận, sự phẫn uất, cơn thịnh nộ bị dồn nén, hay một sự xúc phạm từ ai đó bạn đã từng gần gũi và chưa thể tha thứ – giống như một tảng đá ghì nặng quanh cổ. Những con người và những câu chuyện mà bạn chưa thể vượt có thể gây ra những vấn đề về cảm xúc và thể chất ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Nó có thể khiến bạn trút giận lên những người vô tội xung quanh.

Chúng ta có thể làm gì?

Bạn có thể giải phóng sự tức giận theo một cách lành mạnh, có ý nghĩa. Hãy cho phép bản thân buông bỏ những cảm xúc này mãi mãi. Dưới đây là 5 bước tôi đã thực hiện điều đó.

Bước 1: Để cơn giận được khơi dậy

Bước đầu tiên để giải phóng cơn giận cũ là đánh thức nó – cho nó được trỗi dậy và khuấy động bên trong bạn.

Sau đó, hãy tập trung vào hơi thở. Bằng cách chú ý vào hơi thở, sự tỉnh thức (mindfulness) sẽ giữ bạn ở hiện tại, giúp bạn thư giãn và cảm nhận rõ ràng các cảm giác, cảm xúc cũng như các chuyển biến bên trong nội tâm, giúp bạn biết điều gì đang xảy ra với chính mình.

Bước 2: Giải tỏa cảm xúc thông qua viết lách

Tay, chân và giọng nói là những kênh chính để giải phóng năng lượng cảm xúc ra khỏi cơ thể. Vì vậy, việc viết lách – kết nối tâm trí và đôi tay – có thể giúp bạn giải tỏa cảm xúc một cách mạnh mẽ. Kỹ thuật này có thể giúp những cảm xúc bị dồn nén được đưa lên và thoát ra khỏi cơ thể, từ đó giảm bớt hoặc ngăn chặn sự tích tụ của các cảm xúc độc hại có thể lây lan trong cuộc sống của bạn.

Viết xuống những cảm xúc của mình – mà không phán xét – là một trong những cách nhanh nhất để nhận thức rõ ràng điều gì đang diễn ra bên trong bạn.

Bước 3: Chia sẻ câu chuyện của bản thân

Cách thứ ba để khám phá và thể hiện sự tức giận cũng như những cảm xúc khó chịu là chia sẻ chúng với người khác.

Khi biết rằng người khác cũng trải qua những tình huống đáng xấu hổ tương tự bạn, điều này có thể giúp bạn nhận ra mình không cô đơn và thay vì phán xét bản thân, bạn sẽ chấp nhận chính mình hơn.

Bước 4: Xây dựng một cách hiểu mới 

Khi những đứa trẻ gặp phải sang chấn hoặc bị tổn thương bởi mối quan hệ đến từ người nuôi dưỡng (thường đi kèm với những cảm xúc đau khổ), chúng hình thành một niềm tin và tự sáng tạo nên một câu chuyện để hiểu về những gì đã xảy ra và tìm cách vượt qua. Điều này vừa có lợi vừa có hại, vì những câu chuyện thường bị giới hạn và xuất phát từ nỗi sợ hãi.

Dù niềm tin này – tôi gọi là “old truth” (tạm dịch: một cách hiểu đã lỗi thời) – có thể giúp bảo vệ những đứa trẻ tại thời điểm đó, nhưng về sau, nó sẽ cản trở các mối quan hệ tình cảm của những đứa trẻ này khi chúng lơn. Những niềm tin được hình thành nhằm mục đích bảo vệ bản thân khỏi nỗi bất hạnh nào đó thường phiến diện và sẽ cản trở người ta đạt được những điều họ thực sự mong muốn trong cuộc sống.

Bước này sẽ giúp giải quyết điều đó. Mục tiêu là khám phá ra một cách hiểu mới về tình huống cho riêng mình; một thông điệp có thể bổ khuyết và thay thế cho những niềm tin có phần phiến diện kia mà người ta đã phát triển chúng khi còn nhỏ. Dù đã qua nhiều năm nhưng việc khám phá thông điệp ấy ngay lúc này có thể đem lại một trải nghiệm vô cùng “giải thoát”.

Bước 5: Thực hiện một nghi thức buông bỏ

Một cách hiệu quả để tiến thêm một bước trong việc buông bỏ những sự kiện gây tổn thương, cùng với những cảm xúc đau đớn, giận dữ và những niềm tin không còn phù hợp, là thực hiện một hành động buông bỏ thực sự về mặt thể lý.

Hãy tuỳ nghi sáng tạo và chọn một hoạt động phù hợp với bạn. Ví dụ, ném đá ở một nơi an toàn hoặc tìm một không gian riêng tư để lắc tay lắc chân nhằm giải phóng năng lượng tiêu cực. Hãy làm bài tập này nhiều nhất có thể và khi không thể thì dùng trí tưởng tượng của bạn. Nghiên cứu cho thấy cơ thể và tâm trí không phân biệt được giữa thực tế và tưởng tượng, vì vậy cả hai hình thức này đều có tác dụng.

Tất cả những bước này là công cụ giúp bạn gột rửa sự tức giận và những cảm xúc tổn thương mà mỗi chúng ta đều phải gặp trong cuộc sống. Cần nhớ rằng, để giải phóng những cảm xúc độc hại còn tồn đọng bên trong, ta phải tìm cách đưa chúng trồi lên và đối mặt với chúng. Dù thế nào thì những cảm xúc cũng là của chúng ta, chúng ta sẽ làm chủ được chúng và có thể khám phá ra những cách hiểu mới giúp bản thân tiến về phía trước một cách tích cực hơn.

Tác giả: Andrea Brandt, Ph.D
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *