18/07/2022
Sự trì hoãn là trong những rào cản lớn của quá trình học tập, ảnh hưởng rõ rệt đến tiến độ. Trong bài viết này, Agate sẽ cùng bạn giải đáp cách khắc phục thói quen trì hoãn nhé.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng gặp trường hợp như thế này. Deadline bài tập gần tới nhưng mình vẫn loay hoay làm những việc khác, như lướt mạng xã hội, đọc truyện, chơi game,… nhưng chỉ mỗi công việc chính là mình không đụng tới.
Mặc dù bạn biết rằng việc đó cần hoàn thành, nhưng vẫn không có cảm giác muốn làm chút nào. Mỗi lần gặp tình trạng này, chúng ta có thể làm thế nào để vượt qua sự trì hoãn?
James Clear, tác giả của quyển sách “Thay Đổi Tí Hon, Hiệu Quả Bất Ngờ” (tựa đề gốc là “Atomic Habits”), bán chạy hàng đầu bảng xếp hạng New York Times, đã nhận định rằng “Rất nhiều người nghĩ họ thiếu động lực, trong khi cái họ thật sự thiếu là sự rõ ràng.”
Khi chúng ta quan sát trên thực tế, đúng là chúng ta thường cho rằng việc cải thiện sự trì hoãn là vấn đề của ý chí kiểm soát hành động.
Tuy nhiên, bạn có biết rằng ý chí kiểm soát cũng cần năng lượng để hoạt động? Đó chính là động lực.
Động lực thường đến từ sự mong đợi được đáp ứng nhu cầu hay nhận được phần thưởng nào đó sau khi hoàn thành nhiệm vụ – đây cũng chính là điều thúc đẩy chúng ta bắt tay vào làm và duy trì công việc.
Vậy khi động lực của chúng ta có sự suy giảm, thì có thể do các yếu tố nào? Sự trì hoãn có thể do một hoặc nhiều yếu tố diễn ra cùng một lúc.
Hãy bắt đầu với việc quay vào bên trong, lắng nghe các yếu tố có thể đang diễn ra, chẳng hạn như nỗi lo âu, nỗi sợ thất bại trong công việc.
Yếu tố tiếp theo bạn cần cân nhắc chính là công việc cần làm. Phải chăng công việc đó là một việc bạn không thích, nên nó mang đến cho bạn cảm giác khó chịu?
Ngoài ra, yếu tố về thể chất cũng ảnh hưởng đến động lực. Chúng ta sẽ không có mong muốn bắt đầu công việc với một thân thể mệt mỏi, kiệt sức.
Bên cạnh những yếu tố về tinh thần và thể chất, khoảng thời gian để đạt được kết quả sau khi hoàn tất công việc cũng đóng một vai trò quan trọng.
Mời bạn cùng phân tích ví dụ sau đây nhé:
Để đạt được vóc dáng mong muốn, chúng ta cần thời gian rèn luyện nhiều tháng hoặc năm. Kết quả mang đến cảm giác hài lòng, nhưng bạn phải trải qua thời gian dài mới đạt được, và không dễ nhìn thấy sự thay đổi. Vì vậy trong quá trình rèn luyện, việc trải qua thời gian dài để nhận được kết quả rõ rệt cũng dễ làm nản lòng và suy giảm động lực.
Bên cạnh các yếu tố tác động, chúng ta sẽ đến với phần tiếp theo, đó là phân tích sự trì hoãn.
Hãy nhớ lại những lúc bạn nảy ra ý tưởng mới và lên kế hoạch cho ý tưởng đó, nhưng sau đó lại rơi vào trạng thái trì hoãn. Khi đó bạn đang ở đâu, đang làm gì, có lời nói hay hoạt động của ai tác động đến,…
Bằng cách phân tích sâu hơn các yếu tố có thể góp phần tạo nên sự trì hoãn, bạn có thể tìm cách giải quyết hoặc tránh đi những điều có thể gây ảnh hưởng tới mình.
Một trong những nguyên nhân chính làm giảm động lực chính là do cảm thấy choáng ngợp trước lượng công việc lớn, từ đó sản sinh cảm giác né tránh.
Đối với trường hợp này, hãy chia công việc thành nhiều bước nhỏ để cảm thấy việc nhẹ hơn. Nếu vẫn còn cảm giác nặng nề, bạn có thể chia thành việc chi tiết hơn nữa, đủ để hoàn thành một cách thoải mái.
Sau khi đã chia nhiệm vụ thành nhiều phần nhỏ, hãy tiếp tục sắp xếp thời gian và lập kế hoạch chi tiết để thực hiện từng bước một. Mỗi ngày chỉ cần làm một bước nhỏ, tích tiểu thành đại, bạn sẽ từng bước hoàn thành được mục tiêu lớn của mình.
Khi ở trong phòng ngủ, bạn chăm chỉ học hành hay dễ cảm thấy buồn ngủ và muốn lên giường nằm? Thay đổi môi trường khuyến khích mức độ tập trung cao và tạo cảm hứng cho mình học tập, như thư viện, quán cafe sách yên tĩnh chẳng hạn.
Agate mong rằng bài viết này có thể giúp bạn chọn giải pháp khắc phục sự trì hoãn hiệu quả. Bạn có thể chọn một hoặc nhiều cách gần gũi nhất với trường hợp thực tế của mình. Sau khi đã áp dụng cách thức thành công, bạn đừng quên duy trì để xây dựng thói quen học tập mới, chủ động và tích cực hơn nhé.
Bình luận (0)