11/10/2024

5 cách đơn giản để quản lý tài chính cá nhân

Khi căng thẳng tài chính trở thành một vòng xoáy bất tận khiến bạn không thể hành động dù là những điều đơn giản nhất. Đọc ngay để thoát khỏi vòng luẩn quẩn ấy!

Rate this post

Ý chính trong bài:

Những năm gần đây là giai đoạn vô cùng khó khăn của tất cả mọi người. Chúng ta không chỉ phải đối mặt với những sự hạn chế đi lại, lệnh phong tỏa và nỗi sợ thiên tai hay dịch bệnh – mà nhiều người còn gặp khó khăn về tài chính.

Căng thẳng tài chính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra: nợ nần, chi phí bất ngờ hoặc sự thôi thúc mua những thứ vượt quá khả năng chi trả. Đây có thể là một thử thách lớn, nhưng với sự hỗ trợ phù hợp, bạn hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn này.

Nếu bạn đang gặp căng thẳng tài chính, hãy ghi nhớ hai điều sau:

1/ Bạn không đơn độc, có rất nhiều người và dịch vụ hỗ trợ sẵn sàng giúp đỡ bạn.

2/ Có nhiều cách hiệu quả có thể giúp bạn lấy lại quyền kiểm soát tài chính của mình.

1. Lập ngân sách, lập ngân sách, lập ngân sách

Cách dễ nhất để cải thiện tình hình tài chính của bạn là lập một ngân sách chi tiết, thực tế mà bạn có thể tuân theo. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng đối với nhiều người, sự căng thẳng tài chính tạo ra một vòng luẩn quẩn – vì cảm thấy quá căng thẳng, bạn cố tránh nghĩ về tiền. Điều này khiến bạn rơi vào cảnh nợ nần nhiều hơn, từ đó càng tăng thêm áp lực, và điều đó cứ tiếp diễn.

Điểm quan trọng của việc lập ngân sách không nằm ở việc đặt mục tiêu tiết kiệm hay tăng thu nhập quá cao. Thay vào đó, hãy dùng ngân sách này như một công cụ để hiểu rõ tình hình tài chính của bạn. Biết chính xác số tiền bạn kiếm được, chi tiêu và có thể tiết kiệm là bước đầu tiên hướng tới sự tự chủ tài chính.

Để bắt đầu, hãy tạo một bảng tính (bạn có thể sử dụng Google Sheets hoặc Microsoft Excel). Hãy viết ra các khoản chi tiêu hàng tháng của bạn ở cột bên trái. Chúng có thể bao gồm những thứ như:

Ở cột bên phải, điền số tiền bạn chi cho mỗi khoản và ghi ngày đến hạn thanh toán để nhắc nhở. Cộng tổng số tiền ở cuối để đảm bảo không chi tiêu vượt quá thu nhập. Xem xét những khoản chi tiêu có thể cắt giảm hoặc tăng lên.

2. Tạo một quỹ khẩn cấp

Một cách hiệu quả khác để giảm căng thẳng tài chính là bắt đầu xây dựng quỹ dự phòng cho những chi phí bất ngờ. Nếu bạn đang có nhiều khoản nợ và thu nhập thì còn hạn hẹp, việc tích lũy một khoản lớn có vẻ không khả thi. Tuy nhiên, chỉ cần để dành khoảng 800.000 vnđ – 1.000.000 vnđ mỗi tháng cũng có thể giúp bạn xây dựng một khoản tiết kiệm nho nhỏ hữu ích. Bạn cũng có thể cân nhắc việc bán những món đồ đã lâu không sử dụng như quần áo, sách để bắt đầu.

Bạn nên đặt mục tiêu có ít nhất 10 đến 15 triệu trong quỹ khẩn cấp của mình, ít nhất là cho đến khi bạn hết nợ. Khi bạn có đủ tiền để tiết kiệm thêm, hãy cố gắng tích lũy đủ tiền để trang trải chi tiêu sinh hoạt từ 3 đến 6 tháng trong trường hợp đột ngột mất thu nhập (sử dụng bảng ngân sách bạn đã lập ở trên để tính toán).

Một quỹ khẩn cấp có khả năng giảm bớt căng thẳng tài chính của bạn theo nhiều cách. Quan trọng nhất, quỹ này sẽ cho bạn sự an tâm về mặt tâm lý để giữ bình tĩnh trong những tình huống khó khăn nhất. Khi có việc bất ngờ như phải sửa xe hay đi thăm người thân gấp, bạn sẽ có sẵn tiền để giải quyết. Nhờ đó, bạn tránh rơi vào cảnh nợ nần thêm và không cần phải vay mượn hoặc nợ thẻ tín dụng vượt quá khả năng chi trả.

3. Thành thật với chính mình

Sau khi lập ngân sách và bắt đầu xây dựng một quỹ khẩn cấp, đã đến lúc bạn phải đối mặt với một số sự thật khó khăn. Nếu bạn đang bị căng thẳng tài chính, chẳng hạn như bạn đang mắc nợ, điều đó có nghĩa là (a) bạn đang chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được hoặc (b) bạn đang phải đối mặt với những áp lực khác, ví dụ như bạn phải lo cho gia đình hoặc những người thân khác.

Tin tốt là ngày nay kiếm thêm thu nhập dễ dàng hơn nhiều so với trước đây, phần lớn là do sự gia tăng của các cơ hội làm việc tự do trực tuyến. Chỉ cần làm thêm một ít giờ mỗi tuần, bạn có thể tăng thu nhập đáng kể và bắt đầu giảm nợ. Bạn có thể tìm hiểu một số website và nhóm cộng đồng giới thiệu việc làm thêm uy tín để tìm kiếm cơ hội cho nhiều lĩnh vực khác nhau.

Dù sao thì, trong khoảng thời gian ngắn nhất định, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh chi tiêu hơn là tăng thu nhập. Giảm chi phí bao gồm cả những việc đơn giản như tránh mua sắm vô tội vạ và hạn chế những cuộc vui chơi tốn kém. Tuy nhiên, bên cạnh những lựa chọn dễ thấy như cắt giảm chi tiêu cho những thứ không cần thiết, bạn còn phải tìm kiếm những cách tiết kiệm khác, đôi khi ít được chú ý đến.

Một trong số đó là chuyển đến một nơi ở giá rẻ hơn nếu bạn đang ở trọ. Đây có thể là một thay đổi vô cùng lớn nhưng tiền thuê nhà thường chiếm tới 30% chi phí sinh hoạt hàng tháng của hầu hết mọi người. Nếu bạn có thể chi trả khoản phí chuyển nhà ban đầu, hãy yên tâm rằng sống trong một nơi rẻ hơn trong vòng sáu tháng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản lớn, không chỉ tiền thuê nhà mà còn cả lãi vay (nếu có).

Bạn có thể áp dụng cách làm tương tự cho những khoản chi tiêu lớn hàng tháng khác, như tìm kiếm gói bảo hiểm y tế hoặc phương tiện đi lại tiết kiệm hơn.

4. Nhờ giúp đỡ

Đối với nhiều người, điều khó nhất khi đối mặt với căng thẳng tài chính là nó khiến họ cảm thấy có lỗi và xấu hổ vì tình trạng hiện tại của bản thân. Trong một xã hội vật chất như hiện nay, thừa nhận mình không giàu, thậm chí là đang gặp khó khăn về tài chính là điều không hề dễ dàng.

Vượt qua nỗi sợ này là điều cần thiết để thoát khỏi nợ nần và giảm bớt căng thẳng tài chính. Có rất nhiều dịch vụ có thể giúp bạn lấy lại quyền kiểm soát tài chính, từ lập kế hoạch tài chính, tư vấn tín dụng đến tư vấn quản lý nợ. Thậm chí một số trang web tài chính, chủ yếu tập trung vào đầu tư, cũng cung cấp lời khuyên miễn phí về giảm nợ và cân bằng ngân sách.

Dành thời gian tìm hiểu kỹ các dịch vụ này là điều đáng làm. Ưu điểm ở đây không chỉ là sự giúp đỡ chuyên nghiệp mà còn là việc giảm bớt gánh nặng cho bạn bè và gia đình. Mặc dù nên cởi mở với người thân về vấn đề tài chính, nhưng sự tư vấn ẩn danh của chuyên gia sẽ giúp bạn giảm áp lực khi tự mình giải quyết vấn đề. (Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn trọng khi lựa chọn các chuyên gia hay dịch vụ, cảnh giác với các hành vi dụ dỗ đóng phí lớn hay lừa đảo – AGATE).

5. Theo dõi tiến độ của bạn

Cuối cùng, chúng ta quay trở lại chiến lược đầu tiên về ngân sách. Trong suốt quá trình được mô tả ở trên, bạn nên xem xét và điều chỉnh ngân sách theo tình hình tài chính thực tế của bản thân. Hãy luôn theo dõi tiến độ của mình, để có thể tự quan sát được quá trình trả dần hết nợ và bớt cảm thấy căng thẳng về tiền bạc.

Hiểu rõ số tiền mình đang có thay vì sống trong mơ hồ sẽ giúp giảm căng thẳng tài chính và xây dựng mối quan hệ tích cực hơn với tiền bạc nói chung. Bạn thậm chí có thể tự thưởng cho mình vì những nỗ lực tiết kiệm. Ví dụ, cứ tiết kiệm được hai triệu, bạn có thể thưởng cho mình hai trăm ngàn để đi ăn ngoài một bữa.

Bây giờ thì, hãy bắt đầu thôi!

Tác giả: Kiara Taylor
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Harvard Business Review 

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *