23/10/2023
Bất đồng quan điểm là chuyện vẫn thường xảy ra, điều quan trọng là chúng ta biết cách bày tỏ quan điểm của bản thân mà vẫn tôn trọng người khác.
Ý chính trong bài:
Đồng ý dễ dàng hơn là không đồng ý. Nhưng chúng ta có thể học được rất nhiều điều khi bất đồng xảy ra – đó là khi chúng ta có thể lắng nghe và trò chuyện một cách hợp lý.
Thật không may, nhiều người trong chúng ta hoàn toàn né tránh những bất đồng hoặc không thể hiện suy nghĩ đó khi mọi thứ không diễn ra theo đúng hình dung. 5 mẹo sau có thể giúp bạn nói ra những bất đồng mang tính xây dựng — cho dù bạn đang nói chuyện với cha mẹ, bạn bè hay bất kỳ ai khác:
1. Đừng biến nó thành chuyện cá nhân
Nếu bạn khó chịu, hãy nhớ rằng bạn đang tức giận với ý tưởng hoặc khái niệm mà cha mẹ (hoặc bạn bè, huấn luyện viên, đồng nghiệp,…) đề cập, chứ không phải người đó.
2. Tránh hạ thấp ý tưởng và niềm tin của người khác
Nếu bạn đã từng phải hứng chịu những lời chỉ trích hoặc sỉ nhục của ai đó, bạn sẽ biết việc sử dụng ngôn ngữ và hành vi tôn trọng có thể có giá trị như thế nào. Vì vậy, thay vì nói ra rằng “Đó là một ý tưởng ngu ngốc!”, hãy thử “Tôi không nghĩ vậy, và đây là lý do”. Hãy cố gắng không la hét, mỉa mai hoặc đưa ra những nhận xét xúc phạm và bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để truyền đạt quan điểm của mình.
3. Sử dụng câu bắt đầu bằng ngôi thứ nhất “Tôi/Mình…” để truyền đạt cảm xúc của bạn, điều bạn nghĩ và điều bạn muốn hoặc cần
Khi bạn bắt đầu bằng việc khẳng định điều đối phương đã làm gì, ví dụ “Bạn đã/ Ba mẹ đã/…” thì cuộc trò chuyện sẽ dễ biến thành cuộc tranh cãi và trách móc. Chẳng hạn, bạn nói với bố mẹ rằng “Thứ Tư nào bố mẹ cũng nhắc con phải làm việc nhà, trong khi bố mẹ biết con có rất nhiều bài tập mà!”, sẽ rất khác nếu nói “Con cảm thấy áp lực vì tối nay con có rất nhiều bài tập về nhà. Việc nhà để ngày mai con làm được không ạ?”
4. Hãy lắng nghe những góc nhìn khác
Lắng nghe là cách thể hiện rằng bạn tôn trọng và hiểu quan điểm của người khác. Điều đó khiến đối phương có thể sẽ làm điều tương tự với bạn. Khi người khác đang nói, hãy cố gắng ngăn bản thân suy nghĩ về lý do tại sao bạn không đồng ý hoặc bạn sẽ nói gì tiếp theo. Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì đang được nói. Khi đến lượt bạn, hãy lặp lại bất kỳ điểm chính nào mà người khác đã đưa ra để thể hiện rằng bạn đã lắng nghe. Sau đó hãy bình tĩnh trình bày tình huống của bạn và lý do bạn không đồng ý.
Đây là điều quan trọng nhất bạn có thể làm để duy trì cuộc trò chuyện. Tất nhiên, việc giữ bình tĩnh và suy nghĩ lý trí là một thách thức lớn khi bạn cảm thấy tức giận hoặc tâm huyết với điều gì đó – đặc biệt nếu người đang nói chuyện với bạn trở nên nóng nảy. Lúc này bạn nên giữ cho mình “cái đầu lạnh” để định hướng lại cuộc trò chuyện, ngay cả khi người kia là cha mẹ hoặc người lẽ ra phải biết rõ hơn điều này.
Tất nhiên, tôn trọng là điều cần có cả trước khi trò chuyện bắt đầu. Việc giúp đỡ và quan tâm đến những hoạt động thường ngày của các thành viên trong gia đình, giáo viên hoặc huấn luyện viên sẽ giúp tất cả chúng ta (bao gồm cả cha mẹ) tạo nên mối quan hệ vững chắc, khó bị phá vỡ dù có bất đồng quan điểm xảy ra.
Theo TeensHealth
Biên dịch: Thạc sĩ Tâm lý học Trần Lâm Thuý Vy
Biên tập: Thạc sĩ Tâm lý học Đào Thị Nguyên Hoàng
Bình luận (0)