08/06/2023

5 Phương pháp thực hành chăm sóc bản thân từ mọi khía cạnh trong cuộc sống

Chăm sóc bản thân không đơn thuần là đáp ứng nhu cầu cơ bản, đó là cả quá trình thấu hiểu mọi khía cạnh của chính mình.

Rate this post

Được viết bởi Tiến sĩ Elizabeth Scott.

Ý chính trong bài:

  • Các nhu cầu cơ bản cần được đáp ứng trước tiên nếu muốn các hoạt động giải tỏa căng thẳng theo sau có hiệu quả.
  • Chăm sóc bản thân bao gồm cả việc chăm sóc cả mặt tâm trí, thể chất, cảm xúc, xã hội lẫn tinh thần.
  • Tìm thấy sự cân bằng ở từng khía cạnh trong cuộc sống và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của chính mình mới giúp bạn thật sự khỏe mạnh và hạnh phúc.

Chăm sóc bản thân (Self-care) chính là quan tâm và đảm bảo các nhu cầu về thể chất và cảm xúc của bạn đều được đáp ứng. Tất cả các hoạt động giảm stress đều sẽ không giúp ích nếu bạn không chăm sóc bản thân đúng cách. Thiền sẽ không có tác dụng gì nếu bạn không ngủ đủ giấc. Trên thực tế, bạn còn có thể ngủ gật khi thiền nếu nhu cầu ngủ của cơ thể không được đáp ứng đủ.

Tương tự, việc thỉnh thoảng tập thể dục sẽ không giúp giảm stress nếu bạn không thường xuyên nuôi dưỡng cơ thể bằng thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng. Bạn cần phải quan tâm đến các nhu cầu cơ bản của bản thân trước thì các hoạt động giải stress theo sau mới có hiệu quả.

Bài viết dưới đây sẽ thảo luận về một số hình thức chăm sóc bản thân khác nhau và tại sao chúng lại quan trọng. Kèm theo đó, bài viết cũng nêu lên một số gợi ý mà bạn có thể sử dụng để phát triển kế hoạch chăm sóc cho riêng mình.

Các kiểu chăm sóc bản thân khác nhau

Chăm sóc bản thân không chỉ là tìm cách thư giãn. Chăm sóc bản thân là chăm sóc mình ở cả mặt tâm trí, thể chất, cảm xúc, xã hội lẫn tinh thần. Để thật sự chăm sóc sức khỏe và tinh thần đúng cách, bạn cần  tìm được sự cân bằng khi xác định từng khía cạnh trên. Đôi lúc, bạn sẽ cần dành nhiều sự chăm sóc hơn cho một khía cạnh nhất định để giúp chính mình khôi phục sự cân bằng hoặc giải tỏa bản thân khỏi tác nhân gây stress.

Nguồn: Verywell Mind

Bảy trụ cột chính của việc chăm sóc bản thân bao gồm: thể chất, xã hội, tâm trí, tâm hồn, cảm xúc, giải trí và môi trường.

1. Chăm sóc thể chất

Bạn cần chăm sóc cơ thể của mình nếu muốn nó hoạt động hiệu quả. Hãy nhớ rằng cơ thể và tâm trí của bạn có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Khi bạn chăm sóc cơ thể của mình, bạn cũng sẽ suy nghĩ và cảm nhận tốt hơn.

Nguồn: Pexels

Chăm sóc thể chất bao gồm: cách bạn cung cấp năng lượng cho cơ thể, thời lượng bạn ngủ mỗi ngày, thời lượng bạn hoạt động thể chất và mức độ chăm sóc các nhu cầu thể chất đó. Tham dự các buổi thăm khám sức khỏe, uống thuốc theo đúng chỉ định và theo dõi sức khỏe đều là một phần của việc chăm sóc tốt thể chất.

Khi nói đến chăm sóc thể chất, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau để đánh giá xem có điểm nào bạn cần phải cải thiện:

  • Bạn có đang ngủ đủ giấc không?
  • Chế độ dinh dưỡng của bạn có đang cung cấp năng lượng tốt cho cơ thể?
  • Bạn có đang quan tâm theo dõi sức khoẻ của mình?
  • Bạn có đang tập thể dục đủ không?

2. Chăm sóc nhu cầu xã hội

Hòa nhập xã hội (Socialization) là chìa khóa trong việc chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, thật khó để dành thời gian cho bạn bè và các mối quan hệ khi cuộc sống dần trở nên bận rộn.

Nguồn: Freepik

Những kết nối gần gũi rất quan trọng đối với cảm nhận hạnh phúc của bạn. Cách tốt nhất để vun đắp cũng như duy trì các mối quan hệ thân thiết đó là dành thời gian và năng lượng cho những mối quan hệ ấy.

Không có số giờ quy định cho việc gặp gỡ bạn bè hay duy trì các mối quan hệ. Mỗi người đều có nhu cầu xã hội khác nhau. Điều quan trọng là tìm ra nhu cầu xã hội của bạn cụ thể là gì và xây dựng lượng thời gian cần thiết giúp tối ưu cuộc sống xã hội đó.

Để đánh giá khả năng chăm sóc nhu cầu xã hội của bạn, hãy tự xem xét:

  • Bạn có đủ thời gian để gặp gỡ bạn bè không?
  • Bạn đang làm gì để nuôi dưỡng mối quan hệ của mình với bạn bè và gia đình?

3. Chăm sóc tâm trí

Cách bạn suy nghĩ và những thứ mà bạn lấp đầy tâm trí sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm lý của bạn.

Chăm sóc tâm trí bao gồm làm những việc giúp đầu óc minh mẫn, chẳng hạn như giải câu đố hoặc tìm hiểu về một chủ đề khiến bạn hứng thú. Đọc sách hoặc xem các bộ phim bạn yêu thích cũng sẽ tiếp thêm năng lượng cho tâm trí của bạn.

Nguồn: Pexels

Chăm sóc tâm trí cũng bao gồm việc làm những điều giúp tinh thần của bạn khỏe mạnh. Ví dụ, thực hành lòng trắc ẩn và sự chấp nhận sẽ giúp bạn duy trì các cuộc đối thoại nội tâm lành mạnh hơn.

Dưới đây là một số câu hỏi cần lưu tâm khi bạn nghĩ về cách chăm sóc tâm trí của mình:

  • Bạn có dành đủ thời gian cho các hoạt động kích thích tâm trí không?
  • Bạn có đang chủ động làm những việc để giúp tâm trí bạn khỏe mạnh không?

4. Chăm sóc tâm hồn

Nghiên cứu cho thấy rằng một lối sống lành mạnh hơn thường có bao gồm các yếu tố tôn giáo hoặc tâm linh.

Tuy nhiên, nuôi dưỡng tâm hồn của bạn không nhất thiết phải liên quan đến tôn giáo. Nó có thể là bất cứ điều gì liên quan đến niềm tin cốt lõi, hệ giá trị của bạn, giúp bạn phát triển những suy nghĩ sâu sắc, thấu hiểu, và kết nối hơn với thế giới xung quanh.

Nguồn: Freepik

Quan trọng là bạn hiểu ý nghĩa của việc chăm sóc bản thân về mặt tâm hồn, không quan trọng bạn chọn hình thức như thế nào, chẳng hạn như: thiền, đi lễ (về tôn giáo) hay cầu nguyện.

Khi chăm sóc đời sống tâm hồn của mình, hãy tự hỏi:

  • Những câu hỏi nào bạn đã và đang đặt ra về cuộc sống và trải nghiệm của chính mình?
  • Bạn có đang tham gia những hoạt động thực hành về mặt tâm linh – tinh thần khiến bạn cảm thấy trọn vẹn hơn?

5. Chăm sóc cảm xúc

Kỹ năng đối phó lành mạnh với những cảm xúc khó chịu như tức giận, lo lắng và buồn bã là điều rất quan trọng với mỗi người. Việc chăm sóc cảm xúc có thể bao gồm các hoạt động giúp bạn nhận ra và bày tỏ cảm xúc của mình một cách an toàn và thường xuyên hơn.

Nguồn: Freepik

Cho dù bạn chọn chia sẻ cảm xúc bằng cách nói chuyện với một người tin tưởng hay đơn giản là tự dành thời gian cho các hoạt động giải trí giúp điều chỉnh cảm xúc thì điều quan trọng nhất vẫn là phải kết hợp việc chăm sóc những cảm xúc đó vào cuộc sống thường nhật của mình.

Khi xem xét về kế hoạch chăm sóc cảm xúc của bạn, hãy cân nhắc những câu hỏi sau:

  • Bạn có đang dùng những phương pháp lành mạnh để xử lý cảm xúc của mình?
  • Bạn có đang duy trì những hoạt động giúp bản thân “nạp năng lượng” mỗi ngày?

Phát triển kế hoạch chăm sóc bản thân của chính bạn

Một kế hoạch chăm sóc bản thân hiệu quả nên được điều chỉnh sao cho phù hợp với cuộc sống và nhu cầu của bạn. Nó phải là kế hoạch tạo ra bởi bạn, vì bạn. Tùy chỉnh kế hoạch của riêng bạn để đảm bảo rằng bạn sẽ không bị choáng ngợp, căng thẳng hay kiệt sức khi thực hành.

Đánh giá những khía cạnh nào trong cuộc sống mà bạn cần chú ý và chăm sóc chúng nhiều hơn. Và hãy thường xuyên điều chỉnh nhu cầu chăm sóc bản thân theo sự thay đổi của cuộc sống.

Các bước sau đây có thể sẽ hữu ích cho hành trình xây dựng kế hoạch chăm sóc bản thân của bạn:

  • Đánh giá nhu cầu của bản thân: Lập danh sách các thời điểm và hoạt động chính mà bạn tham gia mỗi ngày. Ví dụ như: việc học tập, kết nối với bạn bè và gia đình… hay các mối quan hệ xã hội khác.
  • Cân nhắc các yếu tố gây stress: Hãy suy nghĩ về các khía cạnh gây ra stress và xem xét một số cách bạn có thể giải quyết căng thẳng đó.
  • Đề xuất kế hoạch chăm sóc bản thân: Hãy nghĩ về một số hoạt động mà bạn có thể thực hiện để giúp mình cảm thấy tốt hơn. Ví dụ, dành thời gian với bạn bè hoặc đặt ra ranh giới cũng là cách để xây dựng các kết nối xã hội lành mạnh.
  • Lập kế hoạch cho những thách thức: Khi bạn phát hiện ra rằng mình đang bỏ bê một khía cạnh nào đó của bản thân, hãy lập một kế hoạch để thay đổi nó.
  • Thực hiện từng bước nhỏ: Bạn không cần phải giải quyết tất cả mọi thứ cùng một lúc. Xác định bước đầu tiên bạn có thể thực hiện chính là cách để bắt đầu chăm sóc bản thân tốt hơn.
  • Tập trung thời gian vào nhu cầu của bạn: Hãy ưu tiên chăm sóc bản thân ngay cả khi bạn cảm thấy mình không có thời gian để làm thêm việc nào nữa. Khi bạn toàn tâm yêu thương và chăm sóc chính mình, bạn sẽ hoạt động hiệu quả và năng suất hơn.

Tạm kết

Mỗi người sẽ có những kế hoạch chăm sóc bản thân khác nhau. Với cùng một cá nhân, kế hoạch ấy cũng khác nhau vào từng thời điểm. Bạn không cần phải vạch ra một kế hoạch chăm sóc bản thân “hoàn hảo” theo chuẩn của bất kì ai mà hãy lắng nghe nhu cầu của chính mình. Điều chỉnh và duy trì các phương pháp chăm sóc phù hợp với khả năng của bản thân, mức độ stress bạn đang gặp phải… sẽ đem lại nhiều lợi ích nhất cho bạn.

Nguồn tham khảo: Verywell Mind
Biên dịch: T.Trinh
Biên tập: Trinh 

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *