18/09/2023

5 thói quen của gia đình hạnh phúc

Những đứa trẻ được học cách hạnh phúc khi còn nhỏ sẽ mang bài học này theo suốt cuộc đời.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Khi được hỏi về việc mong muốn điều gì nhất ở con mình, hầu hết các bậc cha mẹ đều trả lời rằng họ mong con được hạnh phúc. Nghe tưởng chừng như mong ước đó thật đơn giản nhưng chúng ta đều biết hạnh phúc là điều khó tìm đối với một số người.

Cách để biến mong đợi đó trở thành hiện thực là xây dựng cho con thói quen hạnh phúc ngay từ nhỏ. Bài học về cách xây đắp niềm vui khi còn nhỏ sẽ là hành trang theo trẻ suốt cuộc đời.

Nguồn: Pinterest

Nghiên cứu tìm thấy một số điểm chung ở những gia đình vững vàng và hạnh phúc. Nếu bạn muốn con mình hạnh phúc và có thể trở thành những người lớn hạnh phúc về sau, hãy kết hợp 5 thói quen này vào cuộc sống của gia đình bạn:

  1. Cam kết. Alfred Adler, một trong những người đặt nền móng cho lĩnh vực tâm lý học vào đầu những năm 1900, khẳng định rằng nhu cầu cốt lõi của con người là cảm giác thuộc về. Nhu cầu đó bước đầu được lấp đầy bởi cảm thức mạnh mẽ về sự gắn kết trong gia đình. Khi một cặp đôi thực sự cam kết, cùng nhau trải qua những thăng trầm, giàu nghèo, ốm đau và khỏe mạnh, họ sẽ cùng tạo ra cảm giác an toàn và bình yên cho tất cả thành viên trong gia đình. Với sự tin tưởng lẫn nhau, họ có thể yên lòng biết rằng dẫu có vấn đề gì xảy ra, họ sẽ cùng nhau giải quyết. Khi con trẻ biết mình được mong đợi và yêu thương (ngay cả khi lúc đầu sự chào đời của con là một bất ngờ với cha mẹ), chúng sẽ cảm thấy an toàn và phát triển lành mạnh. Gia đình sẽ có gắn kết bền chặt khi mỗi thành viên đều biết rằng họ được yêu thương, trân trọng và là điều đặc biệt đối với những thành viên còn lại. Họ ủng hộ lẫn nhau và luôn ở bên nhau. 

Nguồn: Pinterest

  1. Chúc mừng lẫn nhau. Những gia đình hạnh phúc không cần chờ đến khi “có dịp” để chúc mừng, khích lệ, tán thưởng nhau. Họ để tâm cả những ‘chiến thắng’ nhỏ trong cuộc sống và khuyến khích nỗ lực của mỗi thành viên. Khi một thành viên trong gia đình tham gia thi đấu thể thao, biểu diễn âm nhạc, hay đơn giản chỉ là trò chơi hội thao trường học, những thành viên khác sẽ là những người hâm mộ nhiệt tình nhất. Những người họ hàng ở xa cũng thường xuyên có mặt hoặc kết nối gần gũi. Vẫn có sự cạnh tranh giữa các thành viên, nhưng là sự cạnh tranh vui vẻ thân thiện, vì điều họ quan tâm là được vui chơi cùng nhau thay vì chuyện thắng thua.
  2. Giao tiếp. Gia đình hạnh phúc luôn giao tiếp một cách cởi mở, để tâm, và chân thành. Họ đặt điện thoại xuống và gác lại việc đang làm để lắng nghe trọn vẹn khi một người khác muốn chia sẻ. Họ hỏi thăm về một ngày của nhau, và chăm chú chờ nghe câu trả lời. Họ chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình, cũng như phản ứng một thấu đáo và tinh tế với những suy nghĩ và cảm xúc của người còn lại. Trong những cuộc trò chuyện quan trọng, kể cả những thành viên nhỏ nhất cũng được tham gia vào. Mọi ý tưởng, quan điểm và suy tư đều được tôn trọng. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình như vậy sẽ trở thành những người trưởng thành hiểu biết và cởi mở. 
  3. Quan tâm. Những gia đình hạnh phúc thực sự quan tâm đến nhau và không ngại thể hiện điều đó. Tương tác trong các gia đình này mang màu sắc tích cực nhiều hơn sự tiêu cực hoặc chỉ trích. Trên thực tế, Barbara Fredrickson, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về tâm lý học tích cực (positive psychology), đã phát hiện ra rằng khi giao tiếp với tỷ lệ trao đổi tích cực gấp 3 lần nhận xét tiêu cực, con người sẽ hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống. Các thành viên trong gia đình hạnh phúc khẳng định tình yêu dành cho nhau bằng cả lời nói và hành động, bao gồm cả những biểu hiện nhỏ nhất của sự quan tâm chu đáo. Họ hiểu rằng những lời nói nhã nhặn (thưa gửi, cảm ơn, xin lỗi) là cách để thể hiện sự tôn trọng và yêu thương. Họ dành thời gian cho nhau, không phải vì bắt buộc mà vì họ thực sự muốn.
  4. Cử chỉ âu yếm. Tầm quan trọng của những cử chỉ yêu thương dường như chưa bao giờ được nhắc đến đủ ở bất cứ nơi đâu. Mọi người cần được cưng nựng, ôm ấp, vuốt ve và âu yếm. Dù là những cái ôm chặt hay chỉ những cái vỗ vai, xoa đầu nhẹ đều là một phần quan trọng trong giao tiếp phi ngôn ngữ của các gia đình hạnh phúc. Họ thoải mái trao và nhận sự ấm áp qua những tiếp xúc trìu mến dành cho nhau. Kể cả các bạn trẻ vị thành niên cũng cần điều này, dù đôi khi các bạn thể hiện sự phản kháng vì xấu hổ. Cha mẹ tinh tế sẽ duy trì được những cử chỉ yêu thương này, đồng thời cũng lưu ý cách làm để không khiến các con mình khó chịu.
Nguồn: deviantart

Niềm vui không phải là điều “vô thưởng vô phạt” của cuộc sống. Nó thực sự quan trọng. Những người hạnh phúc không chỉ cảm thấy dễ chịu hơn mà những người hạnh phúc còn thành công hơn trong cuộc sống cá nhân và công việc. Nói như vậy không có nghĩa hạnh phúc đến từ sự thành công, mà ngược lại, theo Sonja Lyubomirsky và nhóm nghiên cứu (Đại học California) – Thành công đến từ hạnh phúc.

Một gia đình vững chãi, hạnh phúc góp phần xây dựng sức bền tinh thần (resilience) ở những đứa trẻ, giúp chúng vượt qua những thử thách không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Jeanne và Jack Block (Đại học California ở Berkeley) phát hiện ra rằng những đứa trẻ hạnh phúc thường phát triển được khả năng thích ứng với sự thay đổi tốt hơn, và dễ phục hồi hơn sau những thăng trầm.

Nhà nghiên cứu Bethany Kok và Barbara Fredrickson đã chỉ ra rằng “những cảm xúc tích cực nhất thời được lặp đi lặp lại đóng vai trò như chất dinh dưỡng cho cơ thể con người”. Vì thế, những đứa trẻ hạnh phúc là những đứa trẻ khỏe mạnh – đây chẳng phải là một trong những mong muốn lớn nhất của cha mẹ cho con mình hay sao?

Tác giả: Marie Hartwell-Walker
Biên dịch: Kim Ngân
Biên tập: AGATE
Theo Psych Central

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *