15/09/2023

6 cách để ngừng nghi ngờ bản thân và mạnh mẽ tiến lên

Tự nghi ngờ bản thân có thể là một trở ngại to lớn trên con đường dẫn đến thành công. Dưới đây là một số cách giúp bạn ngừng nghi ngờ bản thân và bắt đầu tin tưởng vào chính mình.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Kể cả những người thành công nhất cũng từng có lúc nghi ngờ bản thân, không tin vào khả năng của chính mình. Nghi ngờ bản thân (self-doubt) thật sự phổ biến hơn bạn nghĩ rất nhiều. Nỗi sợ về tương lai bất định hoặc niềm tin rằng mình không đủ khả năng đạt được mục tiêu có thể chính là vấn đề, khi chúng ngăn cản bạn dám chấp nhận rủi ro, nắm bắt cơ hội và làm những điều bạn muốn.

Tự nghi ngờ bản thân là điều rất phổ biến
Nguồn: Freepik

Cảm thấy mình không đủ, không giỏi, là “kẻ mạo danh” (Imposter syndrome – hội chứng tâm lý, miêu tả trạng thái thường xuyên nghi ngờ về những thành công mình đã đạt được, liệu mình có xứng đáng nhận được điều đó hay không và lo sợ rằng người khác sẽ phát hiện ra mình không giỏi như vậy) có thể dẫn đến cảm giác cực kì thất vọng, stress và thậm chí là kiệt sức (burn-out). Đó có thể là lý do tại sao bạn không dám yêu cầu tăng lương hoặc quyết định không chấp nhận một cơ hội thăng chức quan trọng vì bạn nghĩ rằng mình chưa sẵn sàng cho việc đó hoặc có những người khác phù hợp hơn bạn.

Bạn có nghĩ rằng Jeff Bezos (Nhà sáng lập, CEO công ty công nghệ đa quốc gia Amazon-nd) cũng đã từng nghi ngờ bản thân và kế hoạch kinh doanh ông dành cho Amazon, trang thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu? Rất nhiều người đã ngăn cản khi ông quyết định biến Amazon, trang web bán sách online, thành thứ gì đó lớn hơn và khác biệt hơn. Họ cho rằng trang web chỉ nên hoạt động như hiện tại lúc bấy giờ, vì mọi việc đều đang rất tốt. Phớt lờ những nhận định trên và kể cả sự tự nghi ngờ, ông đã lắng nghe trực giác và thực hiện bước nhảy vọt đưa ông trở thành một trong những doanh nhanh giàu nhất thế giới.

Đôi khi nghi ngờ bản thân là điều bình thường. Ngược lại, chúng còn có thể mang lại lợi ích. Chúng ta tiến bộ và phát triển khi không ngừng học hỏi, không ngừng đặt câu hỏi cho bản thân để điều chỉnh, hoàn thiện kế hoạch và mục tiêu. Tuy nhiên điều quan trọng là đừng để bất kỳ nghi ngờ nào trở thành lý do khiến bạn không thể tiến lên phía trước.

Bạn có thường nghi ngờ chính mình? Các cách dưới đây có thể giúp bạn thay đổi thói quen này:

1. Chuẩn bị sẵn sàng và luôn luôn học hỏi

Khi bạn nghĩ rằng mình chưa đủ khả năng cho một nhiệm vụ mới, hoặc bạn còn thiếu nhiều kiến thức, có thể bạn đang nghi ngờ chính mình. Hãy thử suy ngẫm về lời khuyên của Bill Gates: không nên ngừng làm sinh viên chỉ vì bạn đã tốt nghiệp. Chúng ta không bao giờ là người giỏi nhất hay thông minh nhất, sẽ luôn có điều chúng ta có thể học hỏi và cải thiện, vì vậy hãy luôn trong tâm thế cởi mở để học hỏi.

Nếu bạn cảm thấy chưa sẵn sàng và điều đó khiến bạn do dự khi theo đuổi mục tiêu, hãy tham gia các khóa học, đọc và tìm kiếm các hướng dẫn hoặc thậm chí là một người cố vấn (mentor). Các bước này sẽ giúp xua tan mọi nghi ngờ và giúp bạn phát triển các kỹ năng đảm bảo bạn vẫn luôn là người quan trọng và phù hợp.

Luôn sẵn sàng học hỏi dù bạn ở độ tuổi nào
Nguồn: Freepik

2. Công nhận những thành tựu của bản thân

Một cách hiệu quả để giải quyết sự nghi ngờ bản thân là theo dõi tiến độ và thành tích của bạn. Bạn có thể dùng sổ theo dõi hoặc nhật ký như một bản ghi liên tục về tiến trình bạn đã trải qua. Hãy xem lại chúng bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình không đạt được mục tiêu và tiến độ đề ra.

Ghi nhận thành tích của chính mình giúp bạn gia tăng động lực và sự hài lòng với bản thân, cho bạn lý do để cố gắng, thúc đẩy bản thân, đồng thời giúp bạn nhận ra rằng bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho thế giới này.

3. Thực hành lòng tự trắc ẩn

Tự trắc ẩn và học cách “dễ tính”, bớt khắt khe với bản thân giúp bạn nhận ra rằng bất chấp mọi cuộc đối thoại tiêu cực trong nội tâm, bạn không phải là kẻ thất bại hay là người tồi tệ nhất trên đời chỉ vì bạn mắc một sai lầm. Những vấp ngã trên đường đời không dẫn đến ngày tận thế; thay vào đó, nó mang đến cơ hội học hỏi và phát triển bản thân. Chúng là thứ xảy ra với tất cả mọi người, ngay cả với những người đã đạt được thành công.

Không có điều gì là hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm, chấp nhận điều đó với lòng trắc ẩn là liều thuốc giải độc tốt nhất cho sự nghi ngờ bản thân.

4. Hãy thực tế về mục tiêu của bạn

Nếu bạn đặt mục tiêu quá cao và quá sớm, thì giống như Icarus (một nhân vật trong thần thoại Hy lạp, vì quên lời dặn của cha, Icarus bay quá cao và gần mặt trời. Đôi cánh sáp ong của Icarus dần tan chảy. Cậu rơi thẳng từ trên trời cao xuống biển-nd), bạn sẽ thấy đôi cánh của mình bị đốt cháy bởi những tia nắng mặt trời. Thất bại như vậy chắc chắn sẽ làm bạn gia tăng sự nghi ngờ bản thân.

Điều này không có nghĩa là bạn không thể đặt mục tiêu cao hoặc tham vọng, tuy nhiên hãy bắt đầu bằng cách đi từng chút một, từng bước một, tiến lên với tốc độ bền vững, đảm bảo rằng bạn không phải trở thành nô lệ cho công việc để đạt được những gì bạn đặt ra.

Trên thực tế, các chuyên gia khuyên rằng ngay cả khi bạn có một mục tiêu cao cả, bạn cũng nên đặt ra một số cột mốc nhỏ hơn dọc theo lộ trình của mình để giúp bạn tiến tới mục tiêu một cách dần dần mà không khiến bạn bị kiệt sức.

Đặt ra các cột mốc nhỏ để bước dần tới mục tiêu
Nguồn: Freepik

5. Động viên chính mình

Đôi khi bạn chính là người chỉ trích mình nhiều nhất, đó là lý do tại sao việc thay đổi cách nhìn nhận và diễn giải các câu chuyện bên trong nội tâm bạn là điều cần thiết. Thay vì suy nghĩ tiêu cực hoặc gây hấn, hãy lặp lại một số câu khẳng định mang tính động viên (“Hôm nay mình đã làm rất tốt”, “Cố gắng thêm chút nữa”, “Mình làm được mà!”…). Chúng bạn duy trì thái độ tích cực hơn, tập trung vào những điều tốt đẹp và những gì bạn có thể làm, thay vì chỉ để ý những thất bại mà bạn nhìn thấy ở chính mình.

Thay đổi thái độ đôi khi là tất cả những gì bạn cần để tiến về phía trước và tiến xa hơn.

6. Ở gần những người “phù hợp”

Trong một bài báo cho Harvard Business Review, Jenny Fernandez và Luis Vasquez đã viết rằng nếu bạn muốn thực sự thành công, bạn cần phải có những mối quan hệ chất lượng. Đừng hiểu lầm, “chất lượng” không mang nghĩa là những người có thể cho bạn một công việc hay một cơ hội có sẵn, mà là những người giúp bạn phát triển, tiến bộ, tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình và học hỏi những điều mới.

Mặt khác, bạn cũng nên gần gũi với những người luôn cổ vũ bạn – những người vui mừng trước thành tích của bạn, những người ủng hộ bạn khi bạn cảm thấy tồi tệ hoặc thất bại, và những người giúp bạn nhìn thấy những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Vài lời tạm kết

Ai cũng sẽ có lúc nghi ngờ bản thân, đó không hẳn là điều xấu. Tuy nhiên nếu sự nghi ngờ bản thân khiến bạn đau khổ hoặc chùn bước trước những cơ hội trong cuộc sống, thì bạn cần cân nhắc dừng lại điều này. Hãy tập cho mình những thói quen giúp nuôi dưỡng sự tự tin từng chút, từng chút một.

Tác giả: Paloma González
Biên dịch: Thạc sĩ Tâm lý Đặng Thị Thanh Tâm
Biên tập: AGATE
Theo GQ Magazine

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *