21/06/2024

6 dấu hiệu cho thấy đối phương đang dần rút lui khỏi mối quan hệ và cách xử lý

Chấm dứt “slow fade”: Hành trình lấy lại sự tự tin và xây dựng mối quan hệ lành mạnh.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: unsplash

Liệu đối phương có vẻ ít hào hứng hơn khi có bạn trong cuộc sống của họ so với trước đây? Trực giác của bạn có cho rằng đối phương đang dần xa rời bạn hay không? Nếu đúng như vậy, có thể bạn đang rất lo lắng và sợ hãi cho tương lai của mối quan hệ này.

Trong thế giới hẹn hò hiện đại, cùng với sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi của các chuẩn mực xã hội, cách thức tương tác trong một mối quan hệ cũng thay đổi. Có một hiện tượng không mấy lành mạnh nhưng ngày càng trở nên phổ biến gọi là “slow fade” (Tạm dịch: từ từ biến mất), nói về sự xa cách dần dần hoặc sự giảm kết nối và quan tâm trong mối quan hệ lãng mạn.

Giống như việc “ghosting” (chú thích của ND: khi một người đột ngột cắt đứt mọi liên lạc với ai đó mà không có lời giải thích hay thông báo trước),”slow fade” không phải là cách kết thúc mối quan hệ tử tế hay trưởng thành về mặt cảm xúc. Trái lại, nó rất độc hại. Người “slow fade” thực ra đã quyết định không muốn tiếp tục liên quan đến bạn nữa nhưng họ không nói ra quyết định đó. Thay vì chia sẻ thẳng thắn về cảm xúc của mình, họ vờ như mối quan hệ vẫn tiếp diễn bình thường nhưng họ lại gửi đi những tín hiệu lẫn lộn và ngày càng trở nên lạnh nhạt.

“Slow fade” là một kiểu thao túng kéo dài một cách đau đớn trong nhiều tuần và đôi khi là nhiều tháng. Người thực hiện “slow fade” hy vọng rằng đối tác của họ sẽ tự hiểu và chấm dứt mối quan hệ. Hành vi này không chỉ hèn nhát mà còn ích kỷ, vì họ muốn chấm dứt mối quan hệ nhưng vẫn giữ được hình ảnh đẹp. Những người này không muốn đối mặt với những cảm giác khó chịu khi phải nói chuyện thẳng thắn.

Nhận ra các dấu hiệu của “slow fade” càng sớm bạn càng có thể tránh được những xáo trộn cảm xúc không cần thiết. Hiểu về những cách xử lý khi gặp “slow fade” có thể giúp bạn đối phó với tình huống một cách khéo léo và tôn trọng bản thân. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá 6 dấu hiệu chính cho thấy ai đó đang từ từ biến mất và gợi ý các chiến lược thực tế để đối phó với trải nghiệm khó khăn và thường gây tổn thương cảm xúc này.

Giảm giao tiếp

Đối phương có mất nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày để trả lời bạn không? Một trong những dấu hiệu đầu tiên của việc từ từ biến mất đó là tần suất giao tiếp giảm đáng kể. Nếu đối phương từng phản hồi nhanh chóng và tích cực nhưng đột nhiên mất nhiều thời gian hơn để trả lời các tin nhắn, cuộc gọi của bạn, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của họ đang giảm dần. Đối phương có thể đưa ra những lý do mơ hồ hoặc giải thích về việc họ không có thời gian, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy bối rối và không chắc chắn về ý định của họ.

Cách xử lý: Ban đầu, hãy cho đối phương không gian thay vì liên tục gửi tin nhắn hoặc trực tiếp đối chất, phòng trường hợp họ không thực sự đang “slow fade”. Tập trung vào các hoạt động và sở thích của bạn, quan sát và xem xét sự nỗ lực của đối phương trong việc duy trì kết nối. Nếu sự thiếu giao tiếp vẫn diễn ra, hãy cân nhắc việc có một cuộc trò chuyện cởi mở và chân thật về những gì bạn cảm nhận và quan tâm.

Hủy bỏ các kế hoạch

Một dấu hiệu cảnh báo khác là việc liên tục hủy bỏ các kế hoạch hoặc khi dành thời gian bên nhau, đối phương đột nhiên giảm hứng thú so với trước đây. Một tình huống khác, đối phương có thể đợi đến sát giờ, khi mà bạn tưởng rằng cả hai sẽ gặp nhau, đối phương mới nói với bạn rằng họ bận. Nếu đối phương thường xuyên viện cớ hoặc có vẻ miễn cưỡng trong việc lên kế hoạch cho những lần gặp gỡ sau, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang muốn dần rút lui khỏi mối quan hệ.

Cách xử lý: Hiểu lý do chính đáng của việc hủy kế hoạch là cần thiết, nhưng hãy để ý xem điều này có thường lặp đi lặp lại không. Đối phương có thông báo sớm cho bạn về việc huỷ hẹn không hay họ thiếu tôn trọng và coi bạn như một lựa chọn sau cùng? Nếu việc hủy hẹn diễn ra liên tục, hãy nhẹ nhàng bày tỏ cảm xúc của bạn và hỏi rõ lý do cho sự thay đổi này của họ.

Trò chuyện qua loa, hời hợt

Khi ai đó muốn “slow fade”, các cuộc trò chuyện có thể trở nên thiếu chiều sâu và xa cách. Những cuộc trò chuyện sâu sắc trước đây có thể bị thay thế bằng những câu chuyện vụn vặt, không quan trọng khiến việc giao tiếp trở nên gượng gạo. Sự thay đổi này có thể khiến người khác cảm thấy buồn bã và mất tinh thần, đây là biểu hiện của sự giảm kết nối về mặt cảm xúc.

Cách xử lý: Nếu đối phương không chủ động, bạn hãy chủ động trò chuyện để thúc đẩy đối thoại sâu hơn. Hãy chia sẻ về những suy nghĩ, ước mơ và cảm xúc của bạn để tạo một không gian gần gũi. Việc này có thể cũng khuyến khích đối phương chia sẻ nhiều hơn một chút. Tuy nhiên, hãy sẵn sàng cho trường hợp họ sẽ không đáp lại những nỗ lực của bạn vì họ không còn muốn làm điều đó.

Thiếu những kế hoạch cho tương lai

Những cuộc trò chuyện về tương lai thường xuất hiện ở giai đoạn đầu của mối quan hệ, khi cả hai cùng khám phá khả năng gắn bó lâu dài với đối phương. Nếu người ấy của bạn né tránh thảo luận về những kế hoạch hoặc trở nên “đánh trống lảng” khi đề cập đến vấn đề này, điều đó có thể cho thấy sự thiếu cam kết hoặc không quan tâm.

Cách xử lý: Tránh gây áp lực buộc đối phương phải cam kết khi họ chưa sẵn sàng. Thay vào đó, hãy chia sẻ những mong muốn và mục tiêu của bạn và quan sát phản ứng của họ. Nếu họ có vẻ không quan tâm, có lẽ đã đến lúc nhận ra rằng bạn và họ không cùng chung suy nghĩ.

Ít thể hiện tình cảm

Khi một người muốn từ từ rời khỏi mối quan hệ, những biểu hiện tình cảm như ôm ấp, nắm tay hoặc hôn thường ít đi. Sự ấm áp và gần gũi từng có có thể nhường chỗ cho thái độ xa cách hơn. Bạn bắt đầu tự hỏi, liệu mình có thật sự hiểu người này hay không?

Cách xử lý: Hãy chủ động thể hiện tình cảm khi thích hợp, nhưng đừng quên chú ý đến phản ứng của đối phương. Nếu họ thường xuyên từ chối hoặc né tránh các cử chỉ âu yếm, bạn cần nói chuyện với đối phương về sự thay đổi này. Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn một cách cởi mở và lắng nghe quan điểm của họ.

Ít tương tác hơn trên mạng xã hội

Trong thời đại số như hiện nay, mạng xã hội có thể nói lên nhiều thứ có giá trị về cuộc sống và hoạt động của một người. Nếu bạn thấy đối phương ít tương tác với bạn hơn trên mạng hoặc giảm bớt các bài đăng liên quan đến bạn, điều đó có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang dần xa cách.

Cách xử lý: Mặc dù không nên vội vàng kết luận chỉ dựa vào những hoạt động trên mạng xã hội, những hãy cân nhắc nói chuyện với người ấy về những gì bạn nhận thấy. Chia sẻ cởi mở cảm nhận của bạn về những thay đổi này và hỏi xem họ cảm thấy thế nào về mối quan hệ.

Đôi lời chia sẻ

Đối mặt với việc ai đó có động thái dần rút lui khỏi mối quan hệ có thể là một trải nghiệm đầy khó khăn và đau đớn về mặt cảm xúc. Thực tế thì, không ai đáng trở thành nạn nhân của hành vi thiếu trưởng thành này, nhưng đáng tiếc thay, hành vi này ngày càng trở nên phổ biến. Bằng cách nhận biết các dấu hiệu từ sớm và đón nhận tình huống bằng sự giao tiếp trưởng thành, cởi mở; bạn có thể hiểu rõ vị trí của đối phương và đưa ra những quyết định sáng suốt cho tương lai của mối quan hệ.

Hãy nhớ rằng, hành động của người khác, trong trường hợp này là gây tổn thương và khó chịu, không nói lên giá trị của bạn. Khi ai đó sử dụng “slow fade” để chấm dứt mối quan hệ, điều này chỉ làm nổi bật sự ích kỷ và thiếu can đảm của họ. Dù mối quan hệ có thể chưa hoàn toàn kết thúc, nhưng bạn nên tự hỏi liệu bản thân có thực sự muốn ở bên một người không có đủ khả năng (về mặt cảm xúc) để nói chuyện thẳng thắn với bạn hay không? Câu trả lời có lẽ là không.

Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Dispeller

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *