18/07/2022

6 giải pháp tăng cường sự tập trung

Duy trì tập trung trong thời gian dài để đạt mục tiêu có thể là một thử thách. Đến với bài viết này, Agate mời bạn khám phá 6 giải pháp đơn giản mà hiệu quả nhé.

Rate this post

Tóm tắt: Để tăng cường sự tập trung, Agate gửi đến bạn 6 giải pháp đơn giản và nhanh chóng mà bạn có thể bắt đầu ngay. Chúng ta sẽ đi từ việc từ bỏ thói quen đa nhiệm tưởng chừng hữu ích nhưng lại phản tác dụng, tạm quên đi thiết bị điện tử, mang theo một quyển sổ ghi chép để vừa luyện kỹ năng viết tay bổ ích cho tâm trí. Bên cạnh đó, hãy thiết lập ranh giới tương tác để tránh bị lây sự xao nhãng, và đừng quên nạp năng lượng đầy đủ cho cơ thể và não bộ.

Trong thời đại này, dường như ai cũng có thể cập nhật tin tức mình quan tâm mỗi phút giây với báo điện tử và mạng xã hội. Nhưng đôi khi điều này lại trở thành một nỗi xao nhãng. Vừa học bài trong khoảng 15-30’ là chúng ta đã có thôi thúc rời mắt để xem điện thoại. Hay khi mình muốn ghi nhớ thông tin khi đọc sách, xem YouTube nhưng tâm trí dễ chạy đi đến chủ đề khác.

Khả năng tập trung rất cần thiết trong thời đại công nghệ luôn tràn ngập thông tin, để chúng ta làm việc hiệu quả hơn.

Hôm nay Agate sẽ giới thiệu với bạn 6 phương pháp dễ làm, nhằm giảm thiểu sự xao nhãng và giúp bạn cải thiện sự tập trung trong lúc làm việc.

Từ bỏ thói quen đa nhiệm

Kết quả nghiên cứu về khả năng điều khiển nhận thức của nhóm giáo sư tại trường Đại học Stanford, Hoa Kỳ, cho thấy trên thực tế, não bộ không thể thực hiện đa nhiệm trong cùng một thời điểm được. Nó chỉ thay đổi hướng tập trung từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác liên tục mà thôi.

hình ảnh minh họa thao tác làm việc đa nhiệm - multitasking
Thao tác làm việc đa nhiệm (multitasking) làm não bộ phân tán sự tập trung và giảm hiệu suất

Thoạt đầu sự chuyển đổi nghe có vẻ hữu ích, nhưng thật ra không phải như vậy. Sự chuyển đổi liên tục sẽ dần làm suy yếu khả năng tập trung, đồng thời giảm mật độ vùng vỏ não đai trước của bạn (anterior cingulate cortex) – vốn chịu trách nhiệm cho việc đồng cảm, định hướng tập trung, phân tích tình huống và đưa ra quyết định.

Tắt bớt thông báo điện tử

Những tiếng chuông thông báo kèm theo hình ảnh, ánh sáng chớp lóe từ màn hình sẽ dễ làm chúng ta phân tâm. Hãy thử tắt hết thông báo từ thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại, máy tính, tablet,… trước khi bạn bắt đầu học bài.

Nếu thao tác tắt thông báo vẫn chưa giúp bạn tạm quên đi các thiết bị, hãy đặt chúng ở một nơi khác ngoài tầm mắt. Chẳng hạn như cất vào túi xách, đặt vào tủ ở một góc khác trong phòng. Việc khó tiếp cận với thiết bị sẽ giảm đi sự thôi thúc muốn xem thông báo hay cập nhật mới nhất.

Ngoài ra, bạn có thể thông báo trước cho người quen về cách thức gọi điện thoại trực tiếp trong trường hợp có việc gấp. 

Ghi chép ý tưởng vào sổ

Mỗi khi có câu hỏi hoặc ý tưởng chạy qua trong đầu, chúng ta thường tạm dừng việc đang làm để nhảy vào Google tra ngay. Điều này sẽ làm gián đoạn tiến trình hiện tại và tiêu tốn rất nhiều thời gian vào việc mải mê chạy theo những ý tưởng bất chợt.

Một giải pháp đơn giản cho trường hợp này là xây dựng thói quen ghi chép. Hãy giữ một cuốn sổ tay để ghi lại những ý tưởng, câu hỏi mỗi khi chúng xẹt qua trong tâm trí. Sau khi hoàn thành công việc hiện tại, bạn có thể dành ra một khoảng thời gian để nghiên cứu ý tưởng được sâu hơn. 

Luyện kỹ năng viết tay

Chúng ta không thể phủ nhận sự tiện lợi của công nghệ, nhưng khi nói đến khả năng tăng cường sự tập trung, viết tay sẽ vượt qua đánh máy.

Khi bạn viết một điều gì trên giấy, não bộ sẽ phải tập trung trong suốt quá trình đưa ra ý tưởng, lựa chọn từ ngữ thích hợp, rồi định hình thành chữ viết. Rồi từ từng chữ ghép thành từ vựng, rồi từ vựng thành câu. Do vậy, nếu như cần ghi nhớ điều gì, hãy ghi chép ra giấy thay vì đánh máy nhé.

Thiết lập ranh giới tương tác

Xao nhãng bị lây là có thật đó bạn ạ! Nếu như bên cạnh bạn có người thường xuyên mất tập trung hay thậm chí họ còn có xu hướng kéo bạn ra khỏi công việc, bạn hãy tìm cách nói cho họ biết rằng mình cảm thấy không thoải mái. 

Lý tưởng nhất là hai bạn có thể cùng nhau đặt ra những nguyên tắc và sự rèn luyện chung để cả hai đều tập trung được vào việc mình đang làm và cùng đạt hiệu quả tốt nhất! 

Chăm sóc cơ thể của bạn

Nếu để cơ thể mệt mỏi và kiệt sức, bạn sẽ dễ tổn thương và xuất hiện nhiều cảm xúc khó khi cảm thấy quá tải, từ đó dẫn đến mất tập trung.

Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng chúng ta lại rất dễ có những sai lầm giống nhau. Càng bận rộn học bài hay hoạt động câu lạc bộ đội nhóm, ta lại càng dễ bỏ bê bữa ăn giấc ngủ của mình. Kết quả là sự thiếu sáng suốt vừa khiến công việc trễ nải mà chúng mình lại rất dễ “burn-out”.

hình ảnh minh họa hoạt động thiền định cho việc chăm sóc bản thân
Dành cho bản thân khoảng tĩnh lặng khỏi nhịp sống hằng ngày cũng là một cách chăm sóc chính mình

Hãy duy trì thói quen chăm sóc cho bản thân bằng việc ăn đủ bữa, ngủ đúng giờ, và có những khoảng thời gian nghỉ giữa các công việc, bạn nhé. Tạm gác điện thoại và bài tập qua một bên, để toàn tâm cho bữa ăn giấc ngủ cũng là một cách để não bộ khởi động lại, đưa vào trạng thái tập trung tốt hơn khi bạn quay lại với bài tập.

Lời kết

Agate mong rằng 6 phương pháp được chia sẻ trong bài viết có thể đồng hành cùng bạn trong quá trình rèn luyện, cải thiện khả năng tập trung. Mời bạn tham khảo chủ đề “4 bí quyết giúp bạn vượt qua sự trì hoãn” thuộc nhóm bài rèn luyện kỹ năng cho học tập và làm việc hiệu quả nhé!

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *