17/12/2024

7 cách đơn giản giúp bạn khám phá mục đích sống đích thực

Khám phá sức mạnh của việc “sống có mục đích” để trở nên hạnh phúc, khỏe mạnh và thành công hơn.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nhiều người tôi biết dường như đều có mục đích sống rõ ràng. Dù là đấu tranh cho công bằng chủng tộc, dạy trẻ em biết đọc, sáng tạo nghệ thuật, hay quyên góp khẩu trang và kính chắn bọt cho các bệnh viện trong đại dịch, họ đều đã tìm ra cách để kết hợp niềm đam mê, tài năng và tình yêu với cộng đồng theo cách khiến cuộc sống của họ trở nên ý nghĩa hơn.

Họ thật may mắn, bởi vì có mục đích sống mang lại rất nhiều lợi ích. Nghiên cứu cho thấy, sống có mục đích còn giúp chúng ta khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn, và thậm chí là thành công hơn trong công việc. Cảm giác có mục đích sống thật sự rất tuyệt vời, bạn biết rằng mình đang sử dụng kỹ năng của bản thân để giúp đỡ người khác theo cách mà bạn thấy có ý nghĩa.

Nhưng nếu bạn chưa tìm thấy mục đích sống của mình thì phải làm sao? Liệu mục đích sống có tự nhiên xuất hiện trong đời hay không? Hay có điều gì bạn có thể thực hiện để tìm thấy mục đích sống của mình?

Kendall Bronk, trưởng Phòng thí nghiệm Phát triển Đạo đức Vị thành niên (Adolescent Moral Development Lab) tại Đại học Claremont Graduate, cho rằng câu trả lời có thể bao gồm cả hai yếu tố. Con người có thể tự nhiên hoặc thông qua việc rèn luyện và tự nhìn nhận bản thân mà tìm thấy mục đích sống của mình. Theo Bronk, đôi khi chỉ cần một cuộc trò chuyện về những điều quan trọng cũng đủ khiến ta suy nghĩ nghiêm túc hơn về cuộc sống và mục đích của bản thân.

Khi nghiên cứu về những người trẻ vị thành niên, Bronk nhận thấy có những người tìm được mục đích sống sau khi trải qua khó khăn. Ví dụ, một người trẻ từng bị phân biệt chủng tộc quyết tâm trở thành người đấu tranh cho quyền công dân. Hoặc một người từng bị bệnh nặng quyết định theo học ngành y. Dĩ nhiên, những khó khăn như nghèo đói, bệnh tật rất khó vượt qua nếu không có sự giúp đỡ. Nhưng nghiên cứu của Bronk cho thấy, có một mạng lưới hỗ trợ xã hội tốt – ví dụ như gia đình luôn yêu thương, những người bạn cùng chí hướng, hoặc một người cố vấn – sẽ giúp thanh thiếu niên biến khó khăn thành những thử thách, để từ đó họ có thể góp phần thay đổi mọi thứ theo hướng tốt đẹp hơn. Điều này có lẽ cũng đúng với cả người trưởng thành.

Mặc dù khó khăn có thể giúp chúng ta tìm thấy mục đích sống, nhưng Bronk cho rằng hầu hết mọi người tìm thấy mục đích sống theo cách tự nhiên hơn – nhờ có sự kết hợp giữa giáo dục, trải nghiệm và việc tự nhìn nhận bản thân, thường là nhờ sự khích lệ từ những người xung quanh. Tuy nhiên, việc tìm kiếm mục đích sống cũng có thể được thúc đẩy nếu có những công cụ phù hợp. Trong một bài báo có tiêu đề “Fostering Purpose Among Young Adults,” (Tạm dịch: Nuôi dưỡng mục đích sống ở những người vị thành niên), Bronk và các đồng nghiệp của bà đã phát hiện ra rằng các bài tập nhằm khám phá những giá trị, sở thích và kỹ năng của bản thân, cũng như việc thực hành các cảm xúc tích cực như lòng biết ơn, có thể giúp chúng ta xác định mục đích sống của mình.

Dựa trên nghiên cứu về mục đích sống của Bronk, bà đưa ra một số gợi ý sau đây:

1. Xác định những điều bạn quan tâm

Tìm thấy mục đích sống là khi bạn biết vận dụng những kỹ năng của mình để đóng góp cho một điều gì đó lớn lao, một điều gì đó thực sự có ý nghĩa với bạn. Vì vậy, bước đầu tiên chính là xác định điều bạn thật sự quan tâm.

Trong “Thử thách Mục đích sống” của Greater Good, Bronk và nhóm nghiên cứu yêu cầu học sinh lớp 12 suy nghĩ về thế giới xung quanh, từ ngôi nhà, cộng đồng đến thế giới rộng lớn – và hình dung điều gì họ muốn thay đổi nếu họ có một cây đũa thần (và tại sao họ muốn như vậy). Sau đó, các học sinh có thể dùng những điều mình đã nghĩ ra để làm những việc thiết thực, góp phần xây dựng một thế giới như mình mong muốn.

Jim Emerman của Encore.org, một tổ chức giúp người cao tuổi tìm thấy mục đích sống mới, cũng khuyến nghị một tiến trình tương tự. Thay vì hình dung về một thế giới tương lai lý tưởng, ông gợi ý chúng ta nên tự đặt ra ba câu hỏi:

Emerman cho rằng, khi suy ngẫm về những câu hỏi này, người cao tuổi có thể nảy ra những ý tưởng mới để tận dụng kỹ năng, theo đuổi sở thích họ đã phát triển trong đời, từ đó đóng góp cho thế giới.

2. Suy ngẫm về những điều có ý nghĩa nhất với chính mình

Đôi khi, thật khó để chọn ra một hoặc hai điều quan trọng nhất đối với bản thân, bởi vì bạn có thể quan tâm đến rất nhiều vấn đề lớn nhỏ khác nhau. Hiểu được điều gì là quan trọng nhất đối với bản thân có thể giúp bạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm mục đích sống của mình vào một điều gì đó vừa sức mà vẫn thực sự phù hợp với bạn.

Bạn có thể tham khảo một số bài khảo sát về giá trị bản thân được PositivePsychology.com khuyên dùng như “Bảng câu hỏi về Giá trị cuộc sống” (Valued Living Questionnaire), “Bảng câu hỏi về Giá trị chân dung” (Portrait Values Questionnaire) và “Bảng câu hỏi về Giá trị Cá nhân” (Personal Values Questionnaire). Các bài khảo sát này đều đã được sử dụng trong nghiên cứu và có thể hữu ích cho những ai đang phân vân trước nhiều lựa chọn thay đổi.

Bronk nhận thấy rằng, việc giúp mọi người xác định những giá trị quan trọng nhất đối với họ sẽ giúp ích cho việc tìm kiếm mục đích sống. Bài khảo sát được sử dụng trong thử thách tìm kiếm mục đích sống của Greater Good, yêu cầu học sinh xem xét các giá trị phổ biến và xếp hạng những giá trị nào là quan trọng nhất, ít quan trọng nhất và quan trọng mức vừa phải, đã được chứng minh là hiệu quả trong việc giúp mọi người xác định rõ mục đích sống của họ.

Sau khi đã xác định rõ những giá trị quan trọng nhất của bản thân, Bronk khuyên bạn nên tự hỏi mình:

Bài tập nhỏ này sẽ giúp bạn khám phá cách vận dụng những giá trị bạn vừa xác định vào cuộc sống.

3. Nhận ra thế mạnh và tài năng của bản thân

Tất cả chúng ta đều có những điểm mạnh và kỹ năng đã được trau dồi trong quá trình sống, chúng góp phần tạo nên tính cách độc đáo của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, cũng có một số người không chắc chắn lắm về những gì mình có thể làm được.

Nếu bạn cần sự trợ giúp, một bài khảo sát về Điểm mạnh tính cách VIA (VIA Character Strengths Survey) có thể giúp bạn nắm bắt những đặc điểm ấy một cách đầy đủ hơn. Sau khi có kết quả, bạn có thể suy nghĩ về cách để ứng dụng những điểm mạnh đó vào điều mà bạn thực sự quan tâm.

Nhưng cũng sẽ rất hữu ích nếu bạn hỏi ý kiến của những người khác – thầy cô, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, hoặc cố vấn. Trong Thử thách Mục đích sống, các học sinh được yêu cầu gửi email cho 5 người gần gũi nhất với họ và đặt ra những câu hỏi như:

Người lớn cũng có thể làm điều này nếu họ cần những phản hồi trực tiếp hay gián tiếp khi trò chuyện với những người đáng tin cậy. Những người biết rõ về bạn có thể nhìn thấy những điều ở bạn mà chính bạn không nhận ra, điều này có thể chỉ cho bạn những hướng đi bất ngờ. Mặt khác, bạn không cần phải quá phụ thuộc vào những phản hồi đó nếu chúng không phù hợp. Lắng nghe ý kiến của người khác rất hữu ích nếu nó giúp bạn nhận ra điểm mạnh của mình, bạn cũng có thể bỏ qua nếu chẳng thấy nó liên quan gì.

4. Thử làm công việc tình nguyện

Tìm kiếm mục đích sống không chỉ là sự tự suy ngẫm. Theo Bronk, đó còn là dấn thân trải nghiệm, để xem bạn có thể dùng những kỹ năng mình có để đóng góp cho cuộc sống xung quanh ra sao. Làm tình nguyện cho một tổ chức cộng đồng phù hợp với sở thích sẽ giúp bạn vừa có thêm kinh nghiệm, vừa góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi làm việc trong một tổ chức với mục tiêu giúp đỡ cộng đồng, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ những người cùng chung chí hướng, và họ sẽ là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho bạn. Thực tế cho thấy, việc tìm kiếm và duy trì mục đích sống sẽ dễ dàng hơn khi có sự ủng hộ của những người xung quanh. Một mạng lưới những người cùng chung lý tưởng sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội mới, và bạn sẽ được hòa mình vào một cộng đồng cùng chia sẻ những quan tâm của bạn. Hơn nữa, hoạt động tình nguyện còn có lợi cho sức khỏe và giúp bạn sống lâu hơn, ít nhất là đối với một số người.

Tuy nhiên, không phải hoạt động tình nguyện nào cũng giúp bạn tìm thấy mục đích sống. Nhà nghiên cứu Anne Colby đến từ Đại học Stanford cho biết: “Đôi khi, công việc tình nguyện có thể rất buồn tẻ. Bạn phải cảm thấy thú vị và có cảm giác như mình đang thực sự làm được điều gì đó có ích.” Khi bạn tìm được một công việc tình nguyện phù hợp, bạn sẽ cảm thấy “đúng” – bạn sẽ không thấy chán nản mà ngược lại, tràn đầy năng lượng.

5. Hình dung về phiên bản tốt nhất của bản thân

Bài tập này đặc biệt hiệu quả khi kết hợp với bài tập “cây đũa thần” được mô tả ở trên. Trong Thử thách Mục đích sống của Greater Good, các học sinh trung học được yêu cầu tưởng tượng bản thân ở tuổi 40, với một cuộc sống mà mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp nhất có thể. Sau đó, các học sinh sẽ trả lời một số câu hỏi, chẳng hạn như:

Bronk cho rằng điều quan trọng nhất chính là lý do đằng sau những điều bạn quan tâm. Nói cách khác, mục đích sống thường nảy sinh từ chính những điều “tại sao” đó.

Tất nhiên, những người lớn như chúng ta vẫn có thể thấy những câu hỏi này có giá trị. Tuy nhiên, Bronk cho rằng thay vì hướng về tương lai, ta nên nhìn lại quá khứ của mình. Bronk gợi ý chúng ta hãy thử nghĩ về những điều mình luôn khao khát thực hiện nhưng chưa thể làm được vì những trách nhiệm và nghĩa vụ khác (chẳng hạn như nuôi dạy con cái hay theo đuổi sự nghiệp). Việc hình dung ra những điều bạn thực sự mong muốn cho bản thân và cho thế giới có thể giúp bạn tiến gần hơn đến việc đạt được điều đó, có lẽ bằng cách tập trung sự chú ý của bạn vào những người và những trải nghiệm mà bạn gặp trên hành trình đó.

6. Nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực như lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ trước những điều kỳ diệu của cuộc sống

Để tìm thấy mục đích sống, việc nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực như lòng biết ơn và sự kinh ngạc là vô cùng quan trọng. Bởi vì những cảm xúc này đều gắn liền với hạnh phúc, lòng trắc ẩn và việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, tất cả đều giúp ta tập trung vào cách mình có thể đóng góp cho thế giới.

Trong nghiên cứu của mình với những người trẻ trưởng thành, Bronk nhận thấy, việc thực hành lòng biết ơn đặc biệt hữu ích trong việc giúp người trẻ tìm thấy mục đích sống. Khi suy ngẫm về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, người trẻ thường muốn “lan tỏa điều tốt” theo một cách nào đó, và đó chính là cách mà lòng biết ơn dẫn dắt họ đến với mục đích sống.

Có rất nhiều cách để nuôi dưỡng sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn. Sự ngưỡng mộ có thể được khơi dậy khi bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên hoặc khi hồi tưởng lại một khoảnh khắc đầy cảm hứng. Lòng biết ơn có thể được vun đắp bằng cách viết nhật ký biết ơn hoặc viết một bức thư bày tỏ sự cảm kích đến người đã giúp đỡ bạn trong cuộc sống. Cho dù bạn chọn cách nào, việc nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ đều mang lại lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe tinh thần của bạn, giúp bạn có thêm năng lượng và động lực để theo đuổi những mục tiêu ý nghĩa của mình.

7. Nhìn vào những người bạn ngưỡng mộ

Đôi khi, chính những người chúng ta ngưỡng mộ nhất trong cuộc sống sẽ cho chúng ta gợi ý về cách chúng ta có thể đóng góp làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Ví dụ như đọc về những nhà đấu tranh cho công bằng xã hội hay các nhà hoạt động vì môi trường có thể tiếp thêm động lực để mình cũng hành động vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, Bronk lưu ý rằng đôi khi những tấm gương quá vĩ đại có thể khiến chúng ta cảm thấy hơi “choáng”.  Nếu vậy, bạn có thể tìm đến những người bình thường xung quanh mình, những người đang âm thầm làm những việc tốt nho nhỏ. Ví dụ như, bạn có thể học hỏi từ một người bạn thường xuyên đi quyên góp đồ ăn cho người vô gia cư, hay một người đồng nghiệp luôn đấu tranh cho công bằng xã hội chẳng hạn.

Bạn không cần phải trở nên nổi tiếng mới có thể sống một cuộc đời ý nghĩa. Điều quan trọng là lắng nghe tiếng nói từ sâu bên trong mình, và bắt đầu bước những bước nhỏ đầu tiên trên con đường mà bạn cho là ý nghĩa nhất.

Tác giả: Jill Suttie, Psy.D
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Greater Good Magazine

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *