23/05/2024
Vùng an toàn có thực sự “an toàn” như chúng ta thường nghĩ?
Ý chính trong bài:
Nhà văn người Mỹ, Max DePree từng nói: “Chúng ta không thể trở thành những gì mình mong muốn nếu cứ đứng yên tại chỗ.” Ngoài ra, còn rất nhiều lý do quan trọng khác khuyến khích bạn nên bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
1. Bạn sẽ thấy mình “cứng cáp” hơn khi đối diện khó khăn
Dù bạn cảm thấy yên tâm đến đâu trong vùng an toàn của mình, thì nơi đó cũng không thể bảo vệ bạn khỏi những vấn đề luôn thường trực trong cuộc sống vốn bất định. Nếu bạn không quen với việc thay đổi, những vấn đề này có thể làm chúng ta mất thăng bằng và thậm chí có thể dẫn đến những rối loạn về tâm lý. Học cách thích nghi với cuộc sống bên ngoài vùng an toàn, đối mặt với những điều mới mẻ, những tình huống không lường trước và sự bất định sẽ khiến chúng ta trở nên kiên cường hơn, từ đó có khả năng ứng phó tốt hơn với những tình huống khó.
2. Năng suất của bạn sẽ tăng lên
Khi không cảm nhận thấy chút lo lắng nào vì công việc không có “deadline” hay kỳ vọng thử thách, chúng ta có xu hướng chỉ làm vừa đủ để đạt kết quả ở mức cho phép, có thể chấp nhận được. Rõ ràng, sự thoải mái đó có thể làm giảm năng suất, vùng an toàn đó dẫn chúng ta những sự “bình bình”, khiến ta hài lòng với thứ không quá tệ nhưng cũng chẳng hề xuất sắc. Một nguy cơ khác, chúng ta có thể sa vào “cái bẫy công việc”, lấy lý do rằng mình “quá bận” để rời khỏi vùng an toàn và tránh né làm những điều mới lạ. Việc dám bước ra khỏi giới hạn của bản thân có thể giúp ta tìm lại những sự kích thích cần thiết và cải thiện năng suất bằng nhiều cách khác nhau, thậm chí còn phát huy tính sáng tạo.
3. Giới hạn của bạn sẽ được mở rộng
Khi chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình, giới hạn của chúng ta cũng được nới rộng theo. Điều này đồng nghĩa với việc ta sẽ dễ dàng thích nghi với những thay đổi. Thái độ này giúp ta không chỉ đối mặt mà còn tận dụng “vùng lo lắng lý tưởng” để phát triển bản thân, biến nó thành nguồn năng lượng hữu ích.
4. Sự sáng tạo của bạn sẽ tăng lên
Vùng an toàn đại diện cho tất cả những gì chúng ta đã biết, tuy nhiên bên ngoài vùng an toàn là cả một thế giới khác đang chờ được khám phá. Sẽ không bao giờ có ý tưởng nào lớn hay phát hiện nào mới tồn tại bên trong vùng an toàn. Chúng ta cần vượt ra vùng đất quen thuộc đó để tìm đến nguồn cảm hứng kích thích sáng tạo. Chỉ khi như vậy, ta mới có thể tạo ra những ý tưởng mới mẻ, nhìn nhận những vấn đề cũ từ một góc độ mới và có những kết nối độc đáo. Theo một nghiên cứu tại Đại học Florida, các sinh viên dành chỉ một học kỳ học tập ở nước ngoài có điểm các bài kiểm tra về sáng tạo cao hơn so với những sinh viên chỉ học tập tại trường.
5. Bạn sẽ tự tin hơn
Việc rời khỏi vùng an toàn ban đầu có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng, nhưng một khi bạn thực hiện và đạt được mục tiêu, bạn sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thực tế là khi đối mặt và vượt qua những tình huống có nguy cơ gây đe dọa, bạn sẽ nhận ra bạn thực sự có khả năng hơn bạn nghĩ. Điều này giúp chúng ta củng cố niềm tin vào bản thân. Hơn nữa, qua mỗi thử thách được chinh phục, bạn tích lũy thêm những kỹ năng mới và nó sẽ trở thành hành trang giúp bạn bước vào đời. Một nghiên cứu tại Đại học Duke cũng chỉ ra rằng, những người thường xuyên bước ra khỏi vùng an toàn sẽ tự tin hơn trong việc giải quyết các nhiệm vụ gây khó khăn.
6. Bạn sẽ thấy mình giàu sức sống hơn
Khi rời khỏi vùng an toàn, chúng ta sẽ gặp gỡ những người mới và trải nghiệm những điều mới mẻ. Một số những trải nghiệm này có thể không mấy tích cực, nhưng cũng sẽ có những trải nghiệm khiến bạn cảm thấy được truyền động lực và năng lượng. Chẳng bao lâu, bạn sẽ phát hiện ra, cảm giác trống rỗng lúc đầu biến mất, bởi vì bạn bắt đầu học cách tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Các nhà tâm lý học thuộc đại học Haifa (University of Haifa, Israel) đã phát hiện, những người được khuyến khích rời khỏi vùng an toàn của mình thường cảm thấy hài lòng với cuộc sống và hạnh phúc hơn so với những người chỉ ở trong giới hạn của những thói quen hằng ngày lặp đi lặp lại.
7. Bạn sẽ giữ được sự minh mẫn lâu hơn
Một nghiên cứu từ Đại học Texas chỉ ra rằng, việc rời bỏ vùng an toàn giúp chúng ta giữ gìn các năng lực nhận thức kể cả khi ở độ tuổi lão niên. Việc giữ cho tâm trí luôn năng động bằng cách đối diện với những thách thức mới là rất quan trọng bởi nó cung cấp nguồn kích thích quan trọng cả về mặt tinh thần và xã hội. Vì vậy, việc ở lại trong vùng an toàn đồng nghĩa với việc bạn đang đặt mình ở ngoài vùng phát triển.
Làm cách nào để rời khỏi vùng an toàn mà vẫn “an toàn”?
Để thoát khỏi vùng an toàn mà không gây hại cho bản thân, trước hết chúng ta cần nhận thức được thế nào là vùng an toàn và những rắc rối mà sự lệ thuộc vào thói quen và những điều quen thuộc có thể xảy ra. Rõ ràng, chúng ta cần phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Điều quan trọng là phải chấp nhận rằng việc thỉnh thoảng trải qua một chút lo lắng là điều cần thiết vì nó giúp ta cảm thấy cuộc đời mình vô cùng sống động, giúp ta trở nên mạnh mẽ và phát triển chính mình.
Tuy nhiên, việc kiểm soát mức độ lo lắng này cũng rất quan trọng. Điều đó có nghĩa là bạn không cần phải “nhảy ngay” vào vùng không an toàn, mà có thể từng bước cơi nới vùng an toàn ấy, dừng lại khi cảm thấy sự lo lắng và sợ hãi bắt đầu trở nên quá lớn.
Có những người có thể bứt phá khỏi vùng an toàn của họ chỉ bằng một bước nhảy vọt vì họ có khả năng kiểm soát mức độ lo lắng của bản thân. Nhưng cũng có người cần phải bước đi từng bước nhỏ, chậm rãi. Điều quan trọng không phải là bạn làm điều đó như thế nào hay tốc độ ra sao, mà là bạn có khả năng ngày càng mở rộng giới hạn của mình.
Trong mọi trường hợp, bí quyết nằm ở việc tìm ra một sự cân bằng, nơi mà sự lo lắng về những điều mới mẻ tạo nên một trạng thái tích cực, chứ không khiến ta quá khó chịu. Để đạt được điều này, chúng ta phải chắc chắn bản thân đang ở trong vùng phát triển (growth zone).
Trong biểu đồ bên dưới, chúng ta có thể thấy vùng phát triển là nơi ta có thể trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, thông qua việc đối mặt với những thách thức mới ở một mức độ lo lắng chấp nhận được. Ở trong vùng phát triển, chúng ta có thể học hỏi những điều mới, làm phong phú thêm những quan điểm của bản thân, thay đổi các thói quen và cho phép việc trải nghiệm.
Ngược lại, rơi vào vùng hoảng loạn (panic zone) có thể làm cho chúng ta trở nên tê liệt và sợ hãi, dẫn đến việc ta có thể chạy trốn trở lại vùng an toàn cũ cùng với sự hoang mang. Trong vùng hoảng loạn, chúng ta sẽ cảm nhận rõ rệt sự mất kiểm soát và sự lo sợ mất đi những thành tựu đã đạt được.
Có người cho rằng, nếu bước qua vùng hoảng loạn, chúng ta sẽ tiến đến vùng đất diệu kỳ. Nhưng thực tế là chúng ta không cần phải trải qua cảm giác khó chịu đó nếu chúng ta liên tục mở rộng vùng phát triển của mình. Các bài tập giúp bạn vượt ra khỏi vùng an toàn sẽ cho phép bạn mở rộng vùng phát triển của mình mà không cần phải đối mặt với quá nhiều sự lo lắng.
Thật ra, chúng ta cần hiểu việc vượt qua vùng an toàn sẽ đi kèm với một mức độ bất định và khó chịu tương ứng. Chúng ta cần phải sẵn lòng đón nhận những điều không chắc chắn ấy. Bởi nếu ta quá sợ hãi trước những tình huống không thể dự đoán, đặc biệt là những sự kiện thách thức đến năng lực và đe dọa nhu cầu muốn kiểm soát mọi thứ của chúng ta, thì rất có thể ta sẽ tự giới hạn bản thân trong vùng an toàn để cảm thấy sự yên tâm.
Chúng ta không nên quên rằng sự bất định và khó lường có thể đe dọa đến sự ổn định tâm lý, nó là một thách thức lớn đối với bản thân mỗi người. Nghiên cứu phát hiện rằng, khi cần phải đưa ra các quyết định, chúng ta thường có xu hướng giữ nguyên hiện trạng và tránh né thực hiện những giải pháp mới.
Đôi khi, chúng ta chọn ở lại với những gì chúng ta quen thuộc vì sợ thất bại, hoặc đôi khi, chúng ta làm vậy chỉ vì lười biếng. Duy trì trạng thái như hiện tại đòi hỏi ít nỗ lực hơn và ít gây đe dọa về tâm lý hơn so với việc thay đổi. Chính vì thế, việc ý thức đầy đủ về tất cả những thách thức đang chờ đợi chúng ta phía trước (bên ngoài vùng an toàn) là rất quan trọng. Điều này nhằm đảm bảo việc bước ra khỏi vùng an toàn không trở thành một trải nghiệm đau thương.
Không nhất thiết lúc nào cũng phải bước ra khỏi vùng an toàn
Việc rời khỏi vùng an toàn là quan trọng, nhưng cũng không nên ám ảnh bởi điều đó. Chúng ta cần nhớ rằng, ta không thể sống liên tục ngoài vùng an toàn. Thỉnh thoảng, ta cần trở lại với nơi khiến ta cảm thấy yên tâm để suy ngẫm và “tiêu hoá” các trải nghiệm trong sự bình tâm.
Thực tế là, nếu ta hoàn toàn lãng quên vùng an toàn của bản thân, chúng ta có thể đối mặt với nguy cơ gặp phải hiện tượng “Hedonic Adaptation” (tạm dịch: thích nghi Khoái lạc). Điều này có nghĩa là những trải nghiệm mới không còn hấp dẫn hay sống động với ta nữa, bởi vì ta đã quá quen với cảm giác hồi hộp, phấn khích mà chúng đem lại. Đó là lý do tại sao những điều tuyệt vời lại trở nên bình thường chỉ trong thời gian ngắn.
Hãy nhớ rằng: vùng an toàn không phải là “vùng tiêu cực”! Nhiều chuyên gia đã xác nhận, vùng an toàn không chỉ là cơ hội để phát triển bản thân mà còn là nơi để chúng ta có thể tìm về để xoa dịu tâm hồn.
Tác giả: Jennifer Delgado
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATETheo Psychology Spot
Bình luận (0)