11/07/2024

8 triệu chứng kỳ lạ của Stress có thể bạn chưa biết

Khám phá những dấu hiệu kỳ lạ của stress mà bạn có thể bạn đã bỏ qua và tìm hiểu cách giải quyết chúng để sống một cuộc sống khỏe mạnh và cân bằng hơn.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: Unsplash

Bạn nghĩ rằng mình đã kiểm soát được mức độ stress của bản thân. Bạn không bị mất ngủ, tim đập nhanh, đau đầu căng thẳng hoặc bất kỳ dấu hiệu stress điển hình nào. Nhưng theo Viện Nghiên cứu Stress Hoa Kỳ, stress cũng có thể gây ra các triệu chứng ít được biết đến. Dưới đây là 8 dấu hiệu bất thường cho thấy bạn có thể cần giải tỏa stress.

Bạn không thể giữ mắt mở

Bạn có bao giờ quá tải đến nỗi ngủ thiếp đi không? Có thể bạn chỉ đơn giản là kiệt sức, nhưng cũng có khả năng bạn đang trải qua tình trạng mệt mỏi do stress, cơ thể đang cố gắng kiềm chế stress bằng cách nghỉ ngơi. Theo một khảo sát quy mô lớn năm 2015 của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), 32% những người trải qua stress báo cáo rằng, mệt mỏi là một triệu chứng.

Cực kỳ mệt mỏi có thể biểu hiện qua 3 dạng chính: Mệt mỏi do stress có thể mang tính cảm xúc, tương tự như cảm giác kiệt quệ sau một cuộc tranh cãi căng thẳng với bạn bè; nó có thể là về thể chất, giống như cơ thể bạn cảm thấy mệt mỏi sau một quãng đường chạy dài; và nó có thể là về nhận thức, tương tự như việc năng lượng của bạn giảm dần sau một cuộc họp kéo  nhiều giờ liền tại nơi làm việc.

Ngủ trưa có thể có lợi cho sức khỏe trong nhiều trường hợp, nhưng nếu bạn thấy mình ngủ gật mỗi khi cảm thấy stress, điều quan trọng là phải phân biệt giữa giấc ngủ ngắn giúp hồi phục và giấc ngủ như một sự phụ thuộc về mặt tâm lý. Một triệu chứng của trầm cảm là ngủ quá nhiều, vì vậy nếu bạn cảm thấy mệt mỏi giống như một dạng căng thẳng về tinh thần kéo dài thì việc tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý có thể hữu ích. Ngoài ra, thỉnh thoảng hãy tận hưởng những giây phút thư giãn để tái tạo năng lượng.

Bạn giống như quả bóng bị nhấn chìm trong biển cảm xúc

Nguồn: Unsplash

Khi bạn trải qua quá nhiều cảm xúc cùng một lúc – giận dữ, thất vọng, cô đơn, sợ hãi – điều này có thể khiến hệ thống tâm lý của bạn bị tấn công dữ dội. Ngực bạn có thể cảm thấy nặng trĩu, những suy nghĩ trong bạn chạy đua với nhau và bạn không thể tập trung vào hiện tại. Bạn có thể lo lắng về tương lai hoặc bị mắc kẹt với nỗi đau từ quá khứ. Đây được gọi là “flooding” (nghĩa là “bị ngập lụt trong cảm xúc”, hàm ý mô tả cảm giác bị choáng ngợp bởi cảm xúc – ND).

Cuộc sống thường ngày luôn đầy ắp những trải nghiệm về cảm xúc.  Tuy nhiên, những cảm xúc khiến ta cảm thấy khó kiểm soát, như sự thất vọng trong một cuộc tranh cãi gay gắt với vợ/chồng của mình, được xếp vào nhóm “bị ngập lụt cảm xúc”. 

Tiến sĩ Arielle Schwartz, một nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép ở Boulder, Colorado, chia sẻ: “Flooding là tình trạng một người trải qua quá nhiều phản ứng cảm xúc trong một khoảnh khắc, vượt quá khả năng kiểm soát và phản ứng hiệu quả của họ”. Thuốc giải cho những lúc như thế chính là tập trung vào hiện tại (here and now).

Bạn như bị đóng băng (bị đơ)

Trong một số tình huống gây stress, nỗi sợ hãi có thể khiến chúng ta bất động, đây được gọi là phản ứng đóng băng (freeze response). Điều này biểu hiện qua cảm giác cứng đờ, khó thở và cảm thấy bị tắc nghẽn ở một phần nào đó của cơ thể. Trong trường hợp đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng như bị tấn công thể chất hoặc thiên tai, cơ thể chúng ta có thể bước vào trạng thái phân ly (dissociation), một dạng phản ứng bản năng để ngăn chặn những rủi ro đe dọa đến tính mạng. Phản ứng đóng băng không chỉ xuất hiện trong những tình huống khắc nghiệt mà còn xảy ra trong những trường hợp chúng ta cảm thấy bất lực do tuổi tác (ví dụ như: những đứa bé vẫn đang học cách đối mặt với thế giới) hoặc bất lực do trạng thái tinh thần (có thể chúng ta đang hồi phục sau một sang chấn hoặc chưa phát triển hoàn thiện các năng lực cảm xúc).

Bạn thả trôi chính mình

Một phản ứng của stress ít được biết đến hơn là “fawning” (tạm dịch: lấy lòng người khác), thể hiện mong muốn hợp tác hoặc phục tùng kẻ đe dọa hay kẻ bắt giữ mình, theo Tiến sĩ Curtis Reisinger, Trưởng khoa Tâm thần và Dịch vụ Tâm lý tại Trung tâm Y tế Do Thái Long Island ở Manhasset, New York. Hành vi “fawning” là một dạng lấy lòng có nguồn gốc từ bản năng sinh tồn của loài người. Hãy nghĩ về một vụ cướp: chúng ta có thể phản ứng bằng cách tuân theo yêu cầu của kẻ có thể gây hại cho mình. Theo nghĩa căng thẳng về mặt cảm xúc, “fawning” tương tự như vậy, mặc dù mức độ đe dọa có thể thấp hơn.

Nghĩa gốc của từ “fawn” là thể hiện tình cảm hoặc cố gắng lấy lòng trong một tình huống nhất định thông qua những lời xu nịnh thái quá. Nếu bạn tranh cãi với người thân, bạn có thể kiềm chế cảm xúc thật của mình để tránh xung đột. Đây có thể là một ví dụ về việc phản ứng với stress bằng cách “fawning”. Theo nghĩa giảm nhẹ, “fawning” có thể được ví như việc cố gắng làm hài lòng mọi người, một hành vi mà một số người trong chúng ta đều quá quen thuộc.

Bạn cảm giác như muốn ngất xỉu

Nếu một cơn stress đi kèm với cảm giác choáng váng, mờ mắt hoặc buồn nôn, đây rất có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang sắp ngất xỉu. Bác sĩ Schwartz nói rằng, trong các trường hợp rối loạn stress sau sang chấn phức tạp (PTSD), các tác nhân gây stress kéo dài và dữ dội có thể dẫn đến các triệu chứng ngất xỉu. Nhiều người gặp phải những triệu chứng này thường kể về những trải nghiệm khiến họ buộc phải “đóng băng” để sinh tồn.

“Nhiều người học cách tách mình khỏi cảm xúc và nhu cầu của bản thân,” bà nói. Bà cho rằng cảm giác bất lực tập nhiễm (learned helplessness) này là do phản ứng stress vẫn còn tồn tại ngay cả khi những tình huống gây stress dữ dội đã qua. Đối với trường hợp này, bà gợi ý một loại liệu pháp tâm lý gọi là Giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức (Eye Movement Desensitization and Reprocessing – EMDR), đây cũng là hình thức điều trị PTSD.

Một bài tổng quan nghiên cứu được công bố vào năm 2017 trên Frontiers in Psychology cho thấy liệu pháp EMDR cũng có thể giúp điều trị các triệu chứng liên quan đến chấn thương ở những thân chủ mắc các rối loạn tâm thần kèm theo như: loạn thần, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, rối loạn sử dụng chất và đau lưng mãn tính.

Bạn bị đau nhức cơ thể

Bạn có bao giờ thức dậy với cảm giác đau nhức khắp người, như thể bạn đã chạy marathon vào ngày hôm trước, nhưng thực ra bạn chẳng hề bước chân vào phòng gym? Mặc dù việc cảm thấy cần phải đi lại sau khi ngồi quá lâu hoặc cần giãn cơ vì căng thẳng và căng cứng khớp là điều bình thường, nhưng trong nhiều trường hợp, đau nhức cơ thể lại là biểu hiện rõ ràng của stress. “Đau đầu, đau lưng dưới, đau cơ và các triệu chứng về đường tiêu hóa là những triệu chứng phổ biến nhất,” Tiến sĩ David Clarke, Chủ tịch Hiệp hội Rối loạn Tâm lý – Thân thể cho biết. “Nhưng còn nhiều triệu chứng khác nữa có thể xảy ra cùng một lúc.”. Nếu bạn thấy mình thường xuyên bị đau nhức cơ thể dai dẳng, bạn có thể đang đối mặt với stress gây nguy hiểm cho sức khỏe và có thể cần được điều trị.

Bạn thường hay nghiến răng

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 trên Journal of Dentistry (Tạp chí Nha khoa) cho thấy nghiến răng quá nhiều có liên quan chặt chẽ đến tính nhạy cảm cảm xúc (hay tính bất ổn cảm xúc-ND). Nghiến răng có thể dẫn đến đau đầu, đau quai hàm, đau mặt và các vấn đề nhạy cảm về răng nói chung. Nghiến răng trong thời gian dài do stress có thể khiến răng bị bào mòn, sứt mẻ hoặc lung lay. Nghiến răng hoặc siết chặt hàm thường xảy ra khi bạn đang nghỉ ngơi, vì vậy bạn có thể không nhận ra điều đó. Khám răng định kỳ có thể giúp bạn theo dõi phản ứng này. Vì cảm thấy áp lực trong miệng có thể là dấu hiệu của áp lực trong cuộc sống, việc đánh giá những gì đang gây stress cho bạn và sau đó đánh giá lại cuộc sống của bạn có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.

Bạn ăn vì cảm xúc

Ai trong chúng ta cũng từng nghe đến việc ăn vặt do stress. Vào những khoảnh khắc đó, khi chúng ta với lấy gói snack sau một cuộc gọi công việc căng thẳng hoặc ra ngoài mua trà sữa sau một cuộc tranh cãi với người yêu, thật sự rất khó để dừng lại và nhận ra rằng ta đang ăn vì cảm xúc thay vì giải quyết cơn đói về thể chất.

Việc ăn uống dĩ nhiên là luôn gắn liền với cảm xúc, nhất là khi nó vốn là một hình thức hưởng thụ cuộc sống và kết nối với người khác. Tuy nhiên, khi chúng ta tìm đến thức ăn để an ủi bản thân khỏi những đòi hỏi của cuộc sống, nó có thể dẫn đến tăng cân không mong muốn và các rủi ro sức khỏe khác. Elizabeth Trattner, một chuyên gia y tế tích hợp, cho biết, về mặt sinh lý, stress biểu hiện dưới dạng tăng cân quanh vùng thân; cổ, đầu và vai cũng có nguy cơ. Tin tốt là có những phương pháp để ngừng ăn theo cảm xúc và tin tốt hơn nữa là chế độ ăn uống của chúng ta có thể giúp ích cho việc kiểm soát stress nếu chúng ta ăn những thực phẩm giúp giảm stress.

Tác giả: Gina Ryder
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo The Healthy

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *