11/03/2025
Bạn có thường xuyên cảm thấy bất an trong các mối quan hệ? Bài viết giúp bạn nhận biết những dấu hiệu tinh vi của sự thiếu tự tin và cách vượt qua chúng.
*Cảm giác an toàn (secure) được nhắc đến trong bài chỉ sự an toàn về mặt tâm lý. Ngược lại, cảm giác không an toàn/ bất an/ tự ti (insecure) chỉ sự không hoặc thiếu an toàn cũng về mặt tâm lý.
Ý chính trong bài:
Chắc chắn rằng ai trong chúng ta cũng từng có lúc cảm thấy bất an, thiếu tự tin. Ngay cả những người tưởng chừng như luôn bình thản trước mọi sóng gió cũng có những nỗi bất an riêng. Là bởi vì, chúng ta thường nghĩ cảm giác tự ti hoặc bất an là điều gì đó dễ dàng nhận thấy, nhưng thực tế nó thường xuất hiện trong cuộc sống theo nhiều cách rất tinh vi. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng khám phá những biểu hiện khá kín đáo của cảm giác bất an, cách nó ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, công việc của chúng ta, cũng như các bước để bạn có thể trực diện đối mặt và giải quyết vấn đề này.
Hiểu về nỗi bất an* (Insecurity)
Một cách ngắn gọn, bất an là cảm giác không an toàn/ tự ti hoặc không chắc chắn về bản thân.
Nó bắt nguồn từ đâu? Theo chuyên gia tham vấn tâm lý được cấp phép Janice Holland, đồng thời là nhà trị liệu theo mô hình chấn thương được chứng nhận, bà có câu trả lời cho tất cả những thắc mắc này.
“Sự bất an thường bắt nguồn từ những tổn thương chưa được giải quyết hoặc những nhu cầu không được đáp ứng, dẫn đến trạng thái luôn đề cao cảnh giác, khiến chúng ta phải tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài, suy xét quá mức về hành động của bản thân và nghi ngờ giá trị cũng như năng lực của chính mình”, bà giải thích. Bạn cũng có thể cảm thấy tự ti (hoặc cảm thấy tự ti hơn bình thường) trong một số tình huống cụ thể hoặc khi ở cạnh một số người nhất định.
Bạn có biết?
Mặc dù bất an là cái gì đó chúng ta cảm nhận ở bên trong, nhưng nó có ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta tương tác với thế giới và những người xung quanh ở bên ngoài. Thay vì tự tin hành động, nỗi bất an có thể khiến chúng ta phản ứng thái quá hoặc hành xử trong sự e sợ.
9 dấu hiệu khó thấy của sự bất an
Vấn đề của cảm giác bất an là nó thường biểu hiện theo nhiều cách rất khó nhận ra. Trên thực tế, bạn thậm chí có thể không biết hoặc không nhận thấy sự bất an của chính mình trong các tương tác hàng ngày. Hãy chú ý đến một số dấu hiệu tinh vi sau:
1. Hay nói xin lỗi
Nói xin lỗi là điều mà tất cả chúng ta từng phải làm – chúng ta đều là những con người có khuyết điểm – nhưng nếu bạn thấy mình hoặc người khác làm điều này quá nhiều, thì đó có thể là một dấu hiệu của sự tự ti.
“Xin lỗi quá mức có thể phản ánh nỗi sợ trở thành gánh nặng hoặc sợ mắc sai lầm”, Holland giải thích. “Khi ai đó xin lỗi quá nhiều, điều đó có thể cho thấy họ không tin tưởng vào giá trị vốn có của mình và cảm thấy cần thu mình lại hoặc làm hài lòng người khác.”
Bà lưu ý, hành vi này thường là một nỗ lực vô thức nhằm giữ hòa khí và tránh bị từ chối. Hơn nữa, việc xin lỗi quá nhiều vì sợ “sai” có thể khiến bạn bị mọi người xa lánh. Nó cũng có thể khiến người khác tự hỏi liệu họ đã làm gì mà khiến bạn phải xin lỗi nhiều đến vậy, điều này dẫn đến căng thẳng không đáng có.
2. Khó chấp nhận lời khen
Trong khi sự tự ti có thể khiến mọi người xin lỗi quá mức, nghiên cứu cũng cho thấy nó cũng có thể khiến chúng ta bỏ qua hoặc gạt đi những lời khen ngợi từ người khác, theo Tiến sĩ Tâm lý Sanam Hafeez, nhà tâm lý học thần kinh tại Thành phố New York và là giám đốc của Trung tâm Comprehend the Mind.
“Không thể nói ‘cảm ơn’ khi được khen ngợi và cảm thấy cần phải nói điều gì đó “khiêm tốn” là một dấu hiệu của sự tự ti”, Tiến sĩ Hafeez nói. “Phản ứng như vậy thường cho thấy bạn đang gặp khó khăn trong việc chấp nhận bản thân.”
3. Luôn cần sự công nhận
Thường xuyên tìm kiếm sự xác nhận từ người khác là một dấu hiệu tinh vi nữa của sự bất an. Hành vi này thường biểu hiện dưới dạng liên tục tìm kiếm sự trấn an từ người khác hoặc tìm kiếm lời khen ngợi. Theo thời gian, nó có thể làm căng thẳng các mối quan hệ, vì những người khác có thể cảm thấy bị áp lực vì phải liên tục động viên hoặc nói lời khẳng định tích cực đối với bạn. Mặc dù thỉnh thoảng cần sự công nhận là điều bình thường, nhưng dựa dẫm quá mức có thể cho thấy sự thiếu tự tin vào các quyết định, khả năng hoặc giá trị bản thân của bạn.
4. Hành động thu rút
Ở khía cạnh khác, sự bất an của một số người có thể thể hiện qua việc tự cô lập. “Nếu bạn sợ bị đánh giá hoặc cảm thấy như mình không thuộc về nơi nào đó, có lẽ bạn đang tự cô lập mình, điều này sẽ chỉ nuôi dưỡng thêm cảm giác thiếu sót của bản thân”, Tiến sĩ Hafeez cho biết. Biểu hiện của việc này có thể là bạn hoàn toàn né tránh các buổi tụ tập bạn bè, đồng nghiệp… hoặc thường im lặng trong suốt các cuộc trò chuyện khi ở trong một nhóm.
Nhiều người có thể bỏ lỡ các cơ hội phát triển bản thân vì sự bất an khiến họ tin rằng họ chắc chắn sẽ thất bại hoặc sẽ bị lộ ra mình là người kém cỏi, điều này khiến họ mắc kẹt trong vùng an toàn của chính mình. – Janice Holland, LPC
5. Né tránh thử thách
Tránh né thử thách, loại mình ra khỏi cuộc chơi hoặc luôn chọn phương án an toàn là cách dễ nhất để tránh thất bại. (Về lâu dài, đó cũng là cách nhanh nhất cản trở thành công). Holland nói rằng, việc né tránh thường được che đậy dưới lớp vỏ bọc của tính thực tế hoặc núp bóng sự hài lòng với hiện tại, nhưng thực chất, nó lại thường che giấu nỗi sợ bị tổn thương hoặc thất bại.
“Nhiều người có thể bỏ lỡ các cơ hội phát triển vì sự bất an khiến họ tin rằng họ chắc chắn sẽ thất bại hoặc sẽ bị lộ ra mình là người kém cỏi, điều này khiến họ mắc kẹt trong vùng an toàn của bản thân.”, Holland lưu ý.
6. Thể hiện quá mức
Thể hiện quá mức là một dấu hiệu tinh vi của sự bất an, thường liên quan đến việc phóng đại điểm mạnh hoặc thành tích của chính mình để che giấu sự nghi ngờ bản thân. Điều này có thể biểu hiện qua việc liên tục khoe khoang hoặc luôn lấn lướt trong trò chuyện để đảm bảo người khác thấy được giá trị của họ. Mặc dù nó có thể tạm thời làm gia tăng sự tự tin, nhưng nó dễ làm người khác cảm thấy khó chịu và dần xa cách đồng thời làm mất đi sự cân bằng trong các mối quan hệ. Nếu lặp đi lặp lại, hành vi này không những khoét sâu thêm cảm giác bất an, mà còn làm cho những người xung quanh cảm thấy khó chịu.
7. Chủ nghĩa hoàn hảo
Hoàn thành xuất sắc mọi việc mọi lúc mọi nơi có vẻ là một điều tốt, nhưng trong một chừng mực thái quá, nó có thể là dấu hiệu tinh vi của sự bất an. “Chủ nghĩa hoàn hảo thường che giấu một cảm giác thiếu sót sâu sắc”, Holland nói.
“Những người theo đuổi sự hoàn hảo thường sợ bị chỉ trích, thất bại, hoặc bị từ chối, và họ tin rằng giá trị bản thân của họ phụ thuộc vào thành tích hoàn hảo, chứ không nằm ở giá trị vốn có của họ.”
Chủ nghĩa hoàn hảo có thể dẫn đến sự hoài nghi bản thân nghiêm trọng, khiến họ luôn cảm thấy mọi thứ mình làm đều không đủ tốt.
8. Ghen tị và so sánh
Ghen tị và so sánh cũng là những dấu hiệu tinh vi của sự bất an, nó làm suy yếu lòng tự trân trọng và làm căng thẳng các mối quan hệ. Hành vi này thường liên quan đến việc tập trung vào những thành tựu mà người khác có, dẫn đến cảm giác thiếu sót hoặc oán giận. Theo thời gian, nó có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn của những lời độc thoại tiêu cực và sự không hài lòng, khiến việc ghi nhận sự tiến bộ của bản thân trở nên khó khăn hơn. Những khuynh hướng này thường bắt nguồn từ sự thiếu hụt lòng tự trân trọng sâu sắc và nỗi sợ bản thân không đủ tốt đẹp.
9. Luôn muốn làm người khác hài lòng (People pleaser)
Những người hay làm hài lòng mọi người thường ưu tiên nhu cầu và hạnh phúc của người khác hơn chính mình, và đôi khi họ phải hy sinh rất nhiều. “Hành động này trông có vẻ tốt bụng, nhưng thực chất nó phản ánh nỗi sợ bị bỏ rơi hoặc bị từ chối”, Holland chia sẻ. “Ẩn sâu bên dưới hành động đó là niềm tin rằng tình yêu và sự thuộc về phải do nỗ lực mà có, hoàn toàn không phải những điều mà người khác có thể tự do cho đi.”
Những nỗi bất an tiềm ẩn thường khiến một người ngại bày tỏ cảm xúc hay nhu cầu thật của mình một cách cởi mở, từ đó tạo ra vòng luẩn quẩn của sự xa cách và hiểu lầm. – Sanam Hafeez, Tiến sĩ Tâm lý, Nhà tâm lý học thần kinh.
Tác động của những nỗi bất an tiềm ẩn
Những nỗi bất an tiềm ẩn có thể âm thầm ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, và thường người ta không hề hay biết mức độ ảnh hưởng sâu rộng của chúng. Từ việc làm căng thẳng các mối quan hệ cá nhân đến việc làm giảm sút sự tự tin trong công việc và ảnh hưởng đến lòng tự trân trọng, những tác động tinh vi này có thể tạo ra rào cản cho sự kết nối chân thành và sự trưởng thành của cá nhân.
“Tôi thường thấy sự bất an có thể biểu hiện trong các mối quan hệ theo nhiều cách, hoặc là tạo ra một khoảng cách cảm xúc nhất định và hạn chế việc thể hiện sự yếu đuối trước người khác hoặc là luôn cố gắng chứng tỏ bản thân một cách thái quá”, Tiến sĩ Hafeez cho biết. “Những nỗi bất an tiềm ẩn thường khiến người ta ngại bày tỏ cảm xúc hay nhu cầu thật của mình một cách cởi mở, từ đó tạo ra vòng luẩn quẩn của sự xa cách và hiểu lầm.”
Kết luận
Điểm mấu chốt là giá trị bản thân của một người không thể dựa vào sự công nhận từ bên ngoài bởi điều này vốn dĩ luôn thay đổi. Chỉ có chính bạn mới có thể là nguồn cổ vũ đáng tin cậy nhất cho bản thân.
Các chiến lược để vượt qua cảm giác bất an
Vượt qua nỗi bất an đòi hỏi sự tự nhận thức, kiên nhẫn và sẵn sàng thực hiện những thay đổi có ý nghĩa. Nếu bất kỳ dấu hiệu bất an nào ở trên có vẻ quen thuộc, đây là một số bước bạn có thể thực hiện.
Mặc dù thường được che đậy khéo léo và có vẻ như vô hại, cảm giác bất an hay tự ti lại có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cách ta nhìn nhận chính mình và tương tác với thế giới xung quanh. Nhận thức được những biểu hiện này và từng bước thay đổi, chúng ta có thể dần bồi đắp sự tự tin, cải thiện các mối quan hệ và sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Tác giả: Wendy Rose Gould
Biên dịch: Thạc sĩ Tâm lý học Đào Thị Nguyên Hoàng
Biên tập: AGATE
Theo Verywell Mind
Bình luận (0)