14/02/2025

Ba bài học tình yêu rút ra từ phim ảnh trong 10 thập kỷ qua

Tình yêu qua lăng kính điện ảnh: Từ lãng mạn đến thực tế, khám phá sự thay đổi quan niệm về tình yêu qua 3 bộ phim nổi tiếng.

Rate this post

Ý chính trong  bài:

“Nơi nào có tình yêu ngự trị, nơi đó không có ý chí quyền lực; và nơi nào quyền lực thống trị, nơi đó thiếu vắng tình yêu. Cái này là bóng tối của cái kia.” – C.G. Jung

Girl Shy (1924) được xem là bộ phim hài lãng mạn đầu tiên. Giờ đây, chỉ với một mẹo tâm lý nhỏ, ta có thể tận dụng thể loại phim đã có từ cả thế kỷ này để hiểu rõ hơn về sự thay đổi trong cách nhìn nhận của chúng ta về tâm lý học tình yêu.

Bằng cách áp dụng mô hình đầu tư của Rusbult (2001) từ lý thuyết trao đổi xã hội (social exchange theory), ta có thể phân tích sự biến chuyển của những lý tưởng lãng mạn qua thời gian. Mô hình này nảy sinh từ câu hỏi “tại sao nhiều cặp đôi vẫn gắn bó với nhau dù cái giá phải trả nhiều hơn lợi ích nhận được”, khẳng định rằng sự cam kết trong một mối quan hệ chịu ảnh hưởng bởi ba yếu tố: sự hài lòng (mức độ hạnh phúc với mối quan hệ), sự thay thế (những lựa chọn khác ngoài người yêu hiện tại), và sự đầu tư (thời gian, công sức, tiền bạc, “những chi phí chìm”).

Ba bộ phim – Serendipity, La La Land, và Marriage Story – minh họa cho những yếu tố này và phản ánh những thay đổi trong văn hóa về cách chúng ta nhìn nhận tình yêu.

Định mệnh và Sự lạc quan (Serendipity, 2001)

Serendipity, dưới bàn tay đạo diễn của Peter Chelsom, là một câu chuyện cổ tích về duyên số và định mệnh. Jonathan (John Cusack) và Sara (Kate Beckinsale) tình cờ gặp nhau tại thành phố New York, mở ra một câu chuyện tình lãng mạn đầy mộng mơ. Cốt lõi của bộ phim khai thác niềm tin vào định mệnh như một kim chỉ nam cho tình yêu, phản ánh sự lạc quan về những mối nhân duyên tình cờ vào đầu những năm 2000. Các nhân vật đã thách thức số phận bằng cách chủ động chia tay, tin tưởng rằng định mệnh sẽ đưa họ trở về bên nhau.

Trái tim của Serendipity nằm ở niềm tin vào định mệnh như một động lực dẫn dắt cho các mối quan hệ tình cảm. Nói cách khác, hai con người tìm thấy tình yêu bằng cách phó thác hoàn toàn cho số phận.

Mô hình đầu tư của Rusbult cho thấy mức độ hài lòng cao giữa Jonathan và Sara, được thúc đẩy bởi sự kết hợp của những cuộc gặp gỡ trực tiếp, lâu dài, cộng thêm sự diệu kỳ của “limerence” (cảm giác đắm chìm trong ảo mộng khi yêu), một trải nghiệm tâm lý mà không có bất kỳ sự lựa chọn thay thế nào có thể so sánh được (đặc biệt là trên mạng). Không giống như văn hóa hẹn hò trực tuyến ngày nay, sự đầu tư cảm xúc mãnh liệt của họ qua nhiều năm tìm kiếm nhau trái ngược với những nỗ lực tối giản trong tin nhắn và các mối quan hệ trên mạng. Serendipity nhấn mạnh các yếu tố ngoại cảnh – những cuộc gặp gỡ tình cờ và thời điểm – như là động lực chính của tình yêu.

Theo hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần (Zajonc, 1968), càng gặp ai đó nhiều, ta càng dễ thấy họ hấp dẫn, giống như những cuộc gặp gỡ “tình cờ” trong phim vậy. Bộ phim khép lại bằng một đám cưới hạnh phúc, hai nhân vật chính đều tìm thấy sự hài lòng, không còn sự lăn tăn về ai khác, họ đã dành rất nhiều tâm huyết cho nhau.  Bộ phim tô đậm cho một thời kỳ mà chủ nghĩa lãng mạn lý tưởng vẫn còn thăng hoa. Dù duyên số có sắp đặt, thì những lựa chọn và hành động của mỗi người cũng vô cùng quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ lâu bền.

Tham vọng và Sự cân bằng (La La Land, 2016)

La La Land, dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Damien Chazelle, khai thác mối quan hệ giữa tham vọng, khát vọng và tình yêu. Mia (Emma Stone) và Sebastian (Ryan Gosling) phải lòng nhau khi đang theo đuổi giấc mơ riêng. Bộ phim đào sâu vào cách mà những mục tiêu cá nhân ảnh hưởng đến sự gắn bó trong tình yêu, làm nổi bật sự mâu thuẫn giữa việc hoàn thiện bản thân và gìn giữ mối quan hệ.

Không giống như Serendipity, nơi các nhân vật đã có sự nghiệp vững chắc, Mia và Sebastian vẫn đang chật vật tìm kiếm thành công, điều này gây thêm rắc rối cho mối quan hệ của họ. Cái kết vừa ngọt ngào vừa nuối tiếc của phim ngụ ý rằng tình yêu có thể không phải lúc nào cũng chiến thắng khi tham vọng được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là trong môi trường hẹn hò đặc thù của Hollywood, nơi có vô số các lựa chọn thay thế, tương tự như xu hướng hẹn hò trực tuyến ngày nay.

La La Land phản ánh nỗi hoài niệm về sự cân bằng giữa sự nghiệp và tình yêu, một điều dường như ngày càng khó nắm bắt trong thời hiện đại. Giá như cặp đôi đầu tư nhiều hơn cho mối quan hệ của họ, mặc dù điều này có vẻ khác với những gì chúng ta thường thấy ở Hollywood, có lẽ họ đã hạnh phúc hơn bên nhau. Các yếu tố trong mô hình Rusbult xuất hiện một cách mơ hồ trong mối quan hệ của họ.

Câu chuyện nhắc nhở người xem về tầm quan trọng của việc vun đắp các mối quan hệ song song với việc theo đuổi mục tiêu cá nhân, một vấn đề có lẽ cũng phổ biến trong hẹn hò trực tuyến ngày nay như ở Hollywood thời điểm ấy.

Số phận và Sự bi quan (Marriage Story, 2019)

Trái ngược hoàn toàn, Marriage Story (2019), do Noah Baumbach đạo diễn, khắc họa sự đổ vỡ của một cuộc hôn nhân. Charlie (Adam Driver) và Nicole (Scarlett Johansson) tiến tới ly hôn giữa những áp lực của tham vọng sự nghiệp và sự bất đồng trong giao tiếp. Bộ phim phản ánh sự bi quan của xã hội đương đại về tình yêu, nơi mà các mối quan hệ thường dễ dàng gục ngã trước những cuộc chiến quyền lực và những nhu cầu không được đáp ứng.

Mô hình của Rusbult đã làm sáng tỏ nguyên nhân tan vỡ của cặp đôi: sự hài lòng thấp, thậm chí còn có quá nhiều mối quan hệ thay thế, và sự đầu tư ngày càng cạn kiệt đã đẩy mối quan hệ đến bờ vực thẳm. Những áp lực bên ngoài và sự lên ngôi của chủ nghĩa ái kỷ – đề cao bản thân hơn người khác – tạo ra một môi trường mà ở đó sự kết nối chân thành khó có thể tồn tại. Các yếu tố Rusbult hiện diện rất ít: lẽ tất yếu là họ ly hôn.

Câu chuyện nhấn mạnh vào việc tình yêu có thể biến chuyển thành nỗi đau, tình yêu có thể thúc đẩy sự phát triển cá nhân nhưng cũng gây ra những tổn thương sâu sắc. Marriage Story phản ánh một thực tế khác xa với lý tưởng hóa của Serendipity và sự cân bằng đầy tiếc nuối của La La Land.

Những suy ngẫm về tình yêu qua lăng kính văn hóa

Từ sự lý tưởng hóa trong Serendipity đến tham vọng trong La La Land và sự bi quan trong Marriage Story, những bộ phim này phản ánh những chuyển biến đáng kể trong văn hóa về thái độ đối với tình yêu. Vào năm 2001, sự lãng mạn vẫn còn được khắc hoạ bởi định mệnh và phép màu, trong khi đến năm 2016, nó tập trung vào việc cân bằng giữa mục tiêu cá nhân và chuyện tình cảm. Tới năm 2019, câu chuyện văn hóa đã chuyển hướng sang những cuộc đấu tranh quyền lực và hiện thực phũ phàng của các mối quan hệ hiện đại.

Quan sát của C.G. Jung về mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tình yêu và quyền lực giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự thay đổi trong cách nhìn nhận về tình yêu. Cuộc giằng co giữa tham vọng sự nghiệp và những ưu tiên trong mối quan hệ phản ánh những xu hướng xã hội rộng lớn hơn. Trong khi những bộ phim hài lãng mạn trước đây ca ngợi tình yêu như một lý tưởng, thì những câu chuyện ngày nay thường miêu tả tình yêu mong manh, dễ dàng bị lu mờ bởi lợi ích cá nhân và mục tiêu sự nghiệp.

Suốt một thế kỷ qua, không phải chúng ta trở nên kém lãng mạn đi, mà có thể chúng ta đã trở nên ái kỷ hơn, đề cao cái tôi cá nhân hơn là sự gắn kết. Dù tình yêu hay tham vọng chiến thắng trong những câu chuyện này, chúng vẫn nhắc ta về tầm quan trọng của việc cân bằng giữa bản thân và các mối quan hệ nếu muốn tìm thấy hạnh phúc lâu dài trong cuộc sống.

Tác giả: Paul Dobransky M.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *