11/07/2024
Dù là cảm xúc “tiêu cực” hay “tích cực”, chúng ta cũng nên chấp nhận và để chúng diễn ra tự nhiên. Đây là bài học quý giá mà tôi có học được với vai trò là nhà trị liệu và cũng là một thân chủ.
Cách đây không lâu, một trong những người bạn thân thiết nhất của tôi ghé đến nhà, rồi ngồi khóc nức nở trong phòng bếp. Anh ấy và người yêu vừa mới chia tay, tôi có thể cảm nhận được nỗi buồn tuyệt vọng và cảm giác đau khổ tột cùng khi mất đi người mình yêu thương. Tôi đứng cạnh anh, cảm thấy bất lực vô cùng. Đối mặt với nỗi đau của anh ấy, tôi rất muốn kéo anh ấy ra khỏi sự khổ sở ấy, để nói với anh rằng rồi anh và người yêu sẽ quay lại với nhau, rằng mọi thứ sẽ ổn. Đó giống như một tình huống khẩn cấp về mặt cảm xúc và tôi muốn gọi “cảnh sát cảm xúc” đến để nhốt những cảm xúc tồi tệ của anh ấy lại.
Một trong những điều khó khăn nhất đối với tôi trong thời gian học để trở thành một nhà tâm lý trị liệu là ngừng cố gắng khiến thân chủ cảm thấy tốt hơn. Tất nhiên, nếu ai đó ở bên chúng ta đang cảm thấy tồi tệ, chúng ta muốn họ cảm thấy thoải mái, đó là một phản ứng rất tự nhiên. Cảm thấy khó chịu là xấu, cảm thấy dễ chịu là tốt – chúng ta cảm nhận điều đó một cách rất bản năng và ta chỉ muốn những điều tốt đẹp cho những người mình quan tâm. Nhanh lên! Phải dừng điều này lại!
Nhưng điều tôi đã học được ở vai trò là một nhà trị liệu và là một thân chủ, đó là cảm thấy tồi tệ thực sự không tệ như bạn nghĩ. Nó là một phần không thể thiếu của một đời sống trọn vẹn. Buồn bã, đau buồn, tức giận, thất vọng: tất cả những cảm xúc này và nhiều hơn nữa là những gì chúng ta phải trải qua để trưởng thành và phát triển, để cho phép bản thân yêu thương một cách tự do, để chấp nhận những rủi ro lớn và để có bạn bè, người thương, con cái và có những cuộc phiêu lưu. Nhiều thân chủ đến trị liệu mong đợi nhà trị liệu sẽ lấy đi nỗi buồn của họ, nhưng một tiến trình trị liệu hiệu quả sẽ “giúp thân chủ gia tăng khả năng đối diện với những đau khổ”, theo nhà phân tâm học Wilfred Bion. Đúng vậy, nó sẽ gây khó chịu, nhưng cảm thấy tồi tệ (đôi khi) là một phần không thể thiếu của một cuộc sống tốt đẹp.
Hiểu biết điều này về mặt lý thuyết là một chuyện, nhưng trải nghiệm nó bằng cảm xúc lại là chuyện khác hoàn toàn. Ở phương tây, định kiến “cảm xúc tiêu cực” là có hại đã ăn sâu đến mức chúng ta có thể cảm thấy lo lắng và stress ngay cả khi ta đang buồn bã – và stress kéo dài thực sự có hại cho sức khỏe.
Điều này được khám phá trong một nghiên cứu thú vị mang tên “Feeling Bad Is Not Always Unhealthy” (tạm dịch: Cảm thấy khó chịu không phải lúc nào cũng là điều không tốt) của Shinobu Kitayama, giáo sư tâm lý học tại Đại học Michigan, Ann Arbor. Ông đã khảo sát một nhóm người tham gia, gồm có: người Mỹ và người Nhật và thấy rằng ở những người Mỹ, có mối liên hệ giữa việc trải qua những cảm xúc được gọi là tiêu cực như buồn bã với tình trạng viêm nhiễm gia tăng – một phản ứng phòng thủ ban đầu của cơ thể chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn sau chấn thương và đây cũng là là dấu hiệu sinh học của cảm giác bị đe dọa. Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở người Nhật: không có bằng chứng cho thấy người Nhật cảm thấy bị nguy hiểm khi buồn bã. Ông Kitayama lý giải điều này là do: ở Mỹ, cảm thấy không tốt sẽ gây stress hơn vì nó là “mối đe dọa đến hình ảnh bản thân (self-image)”, trong khi đối với văn hóa Nhật Bản, điều đó được coi là “tự nhiên và là một phần tất yếu của cuộc sống”.
“Có một sự khác biệt quan trọng giữa việc an ủi hay vỗ về ai đó và cố gắng làm họ vui lên”
Vấn đề của việc cố gắng khiến ai đó cảm thấy tốt hơn nằm ở chỗ, vô tình bạn đang truyền đạt cho họ thông điệp rằng: “Tôi không muốn biết về nỗi buồn, sự chán nản, lo lắng hay tức giận của bạn. Tôi không thể chịu đựng được điều đó: hãy cất nó đi, làm ơn, và hãy tự mình giải quyết.”
Khi cảm thấy nỗi buồn của bạn không được những người xung quanh chấp nhận, rằng “cảnh sát cảm xúc” đã được gọi đến và bạn phải giấu đi cảm xúc thực sự của mình với những người thân yêu – điều đó gây ra rất nhiều sự lo lắng và căng thẳng. Hành động mà bạn cho là tử tế, cố gắng cải thiện tâm trạng của ai đó và làm họ vui lên, đôi khi có thể khiến ai đó cảm thấy bị bỏ rơi về mặt cảm xúc, giống như một kiểu đối xử tàn nhẫn với người kia.
Vậy thì giải pháp thay thế là gì? Tôi cho rằng có một sự khác biệt quan trọng giữa việc an ủi hay vỗ về ai đó và cố gắng làm họ vui lên. Đó là khoảng cách giữa việc đồng cảm với họ ở chính hoàn cảnh của họ, lắng nghe họ và việc cố gắng giả vờ rằng mọi chuyện đều ổn thỏa.
Khi bạn tôi gặp khó khăn, tôi nhận ra mong muốn gọi “cảnh sát cảm xúc”, nhưng tôi đã tự nhủ: Moya, chỉ cần ôm anh ấy và cho anh ấy biết anh ấy không một mình. Cuối cùng, anh ấy và người yêu đã quay lại với nhau và tôi nghĩ bước ngoặt quan trọng là khi anh ấy cho phép mình trải nghiệm nỗi đau đó một cách trọn vẹn. Cảm thấy tệ như vậy là bởi tình yêu của họ dành cho nhau rất sâu đậm và tôi nghĩ nó đã giúp anh ấy nhận ra rằng vẫn có những cách khác để hàn gắn mối quan hệ thay vì để nó tan vỡ hoàn toàn.
Đối với tôi, điều khó khăn nhất khi rơi vào trạng thái chán nản là phải kiềm chế bản thân khỏi việc “báo cảnh sát cảm xúc” cho chính mình. Nhưng tôi biết rằng, hành động đó sẽ dẫn đến sự nghèo nàn về cảm xúc và một cuộc sống khô cằn, tẻ nhạt. Thay vì kìm nén cảm xúc, hãy mở rộng trái tim và khối óc để đón nhận trọn vẹn mọi cung bậc cảm xúc của con người. Khi ấy, ta mới có thể diễn đạt chúng thành lời và lắng nghe những điều chúng tiết lộ về chính mình và các mối quan hệ của ta.
Tác giả: Moya Sarner – Nhà trị liệu
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo The Guardian
Bình luận (0)