05/11/2024

Bạn hợp với công việc freelance hay full-time?

Bạn khao khát sự tự do hay tìm kiếm sự ổn định trong công việc? Bài viết bên dưới có thể cho bạn vài gợi ý để đưa ra quyết định đúng đắn hơn cho tương lai!

Rate this post

Ý chính trong bài:

Trong vòng mười năm trở lại đây, “gig economy” (kiểu làm việc tự do, thời vụ) đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta làm việc. Việc có thể làm việc từ xa đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng ta về công việc và nơi làm việc. Nhiều người hiện nay làm việc tại nhà toàn thời gian hoặc làm tư vấn tự do. Một khảo sát cho thấy 53 triệu người Mỹ đang làm freelancer, và nhóm này đóng góp tới 715 tỷ đô la cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn theo đuổi con đường làm freelancer hoàn toàn. Doanh nghiệp thường thích sự cam kết và gắn bó lâu dài của nhân viên chính thức. Nhiều người lao động cảm thấy an toàn với một công việc toàn thời gian có đầy đủ các chế độ bảo hiểm, lương hưu.

Người làm công ăn lương thì khao khát được làm chủ, tự do sắp xếp thời gian. Người làm freelance lại ao ước có được sự ổn định và an toàn của một công việc toàn thời gian với mức lương đều đặn. Con người thường “Đứng núi này trông núi nọ”, nhưng để quyết định lựa chọn nào là tốt nhất cho mình, bạn cần phải xem xét kỹ những ưu tiên và hoàn cảnh của bản thân. Mỗi hình thức làm việc đều có ưu và nhược điểm riêng, điều quan trọng là bạn muốn làm việc như thế nào.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng so sánh những lợi thế của công việc freelance và công việc toàn thời gian, từ đó giúp bạn có được lựa chọn phù hợp nhất.

1. Sự ổn định và Sự linh hoạt

Nhân viên toàn thời gian: Bạn có hợp đồng lao động, lịch làm việc rõ ràng và thu nhập ổn định, giúp bạn dễ dàng lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm cho tương lai.

Freelancer: Thu nhập của bạn sẽ không cố định, có thể “tháng có tháng không”. Bạn sẽ không biết chắc mình sẽ làm bao nhiêu tiếng vào tuần sau, hay thậm chí là ngày mai có việc để làm hay không. Tuy nhiên, bù lại, bạn có quyền tự do làm việc bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu mình muốn. Bạn tự quyết định lịch trình của mình, có thể làm việc cho nhiều khách hàng cùng lúc và kiếm được nhiều tiền hơn nếu hoàn thành đúng hạn.

2. Phúc lợi và Khó khăn

Nhân viên toàn thời gian: Một lợi thế lớn là bạn sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ như bảo hiểm y tế, nghỉ phép có lương, nghỉ ốm, nghỉ thai sản và tham gia quỹ hưu trí. Nhiều công ty còn tổ chức các khóa đào tạo miễn phí để bạn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Freelancer: Bạn phải tự lo liệu mọi thứ. Tự đóng bảo hiểm y tế, không có lương khi nghỉ ốm hay nghỉ phép, phải tự lên kế hoạch tiết kiệm cho lúc về hưu và tự bỏ tiền túi ra để học thêm kỹ năng mới.

3. Sự an toàn và Sự bấp bênh

Nhân viên toàn thời gian: Bạn sẽ cảm thấy an toàn hơn vì có lương hàng tháng đều đặn. Kể cả khi bị cho thôi việc, bạn cũng sẽ được thông báo trước.

Freelancer: Công việc thường không ổn định, có thể tháng này bạn ngập đầu trong công việc, nhưng tháng sau lại chẳng có dự án nào. Điều này khiến cho việc quản lý chi tiêu, tiết kiệm trở nên khó khăn. Bạn cũng có thể bị mất khách hàng quen bất cứ lúc nào. Vì vậy, freelancer thường cố gắng làm việc cho nhiều khách hàng khác nhau để đảm bảo thu nhập.

4. Sự kiểm soát và Sự tự do

Nhân viên toàn thời gian: Bạn có sếp, người sẽ giao việc và chỉ đạo bạn phải làm gì. Bạn phải đi làm theo giờ hành chính và tuân thủ các quy định của công ty (nhiều quy định cũng khá oái oăm!). Nói chung là quyền kiểm soát của bạn bị hạn chế hơn và lúc nào cũng phải báo cáo với cấp trên.

Freelancer: Bạn muốn làm gì thì làm! Muốn làm lúc nào, làm bao lâu, làm ở đâu, tất cả đều do bạn quyết định. Gặp dự án nào không ưng ý bạn có quyền “next” cho nhanh. Mỗi dự án bạn sẽ làm việc với một người khác nhau, họ cũng sẽ đưa ra yêu cầu, nhưng nếu không thích thì bạn thường có thể “dừng cuộc chơi” bất cứ lúc nào.

5. Đời sống xã hội

Nhân viên toàn thời gian: Bạn có sẵn một môi trường để gặp gỡ, kết bạn. Vì ngày nào cũng làm việc cùng nhau nên bạn có nhiều cơ hội thân thiết với đồng nghiệp. Các công ty cũng thường tổ chức tiệc tùng, du lịch cho nhân viên.

Freelancer: Bạn thường làm việc một mình nên dễ cảm thấy cô đơn. Kể cả khi có dự án phải đến công ty làm việc thì thời gian cũng ngắn, khó mà thân với ai được.

Đi làm công ty thì bạn có ít thời gian dành cho gia đình, bạn bè và “người ấy” hơn vì phải theo giờ hành chính. Nhưng nếu làm freelancer, bạn có thể chủ động sắp xếp công việc để có thêm thời gian cho những người thân yêu.

6. Chính trị nơi công sở

Nhân viên toàn thời gian: Không phải chỗ làm nào cũng có các câu chuyện kiểu “chính trị”, nhưng ở nhiều công ty, bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề về quyền lực, mâu thuẫn giữa các cá nhân, những chuyện “thâm cung bí sử” nơi công sở.

Freelancer: Bạn không phải lo lắng về những chuyện này vì bạn không thuộc về một công ty nào cụ thể. Mỗi dự án bạn sẽ làm việc với một “sếp” khác nhau, nên cũng đỡ phải đau đầu với mấy chuyện “cơm văn phòng”.

7. Động lực

Nhân viên toàn thời gian: Bạn sẽ có động lực làm việc rõ ràng, chẳng hạn như được tăng lương, thưởng, thăng chức… Cuối năm nào cũng có đánh giá hiệu quả công việc và kết quả đánh giá sẽ quyết định thu nhập của bạn trong năm tới.

Freelancer:  Bạn phải tự tạo động lực cho bản thân. Bạn phải tự mình tìm kiếm khách hàng,  quảng bá dịch vụ của mình và thương lượng hợp đồng. Bạn phải luôn chủ động và biết cách quản lý thời gian để đảm bảo công việc luôn tiến triển tốt.

Làm Nhân viên toàn thời gian hay Làm Freelancer: Ưu và Nhược Điểm

1. Nhân viên truyền thống

Ưu điểm:

Nhược điểm:

2. Làm Freelancer

Ưu điểm:

Nhược điểm:

10 câu hỏi giúp bạn đưa ra quyết định

Để đưa ra lựa chọn phù hợp, hãy tự hỏi bản thân 10 câu hỏi sau, chúng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sở thích và tình hình của bản thân:

1. Điều gì thúc đẩy bạn làm việc?

Ví dụ câu trả lời đến từ một Freelancer: Tôi coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tôi thích làm việc từ xa và tự do lựa chọn dự án mình muốn làm.

Nhân viên toàn thời gian có thể trả lời như sau: Tôi muốn có sự an toàn về tài chính và công việc ổn định, nhưng tôi cũng muốn có thêm sự linh hoạt trong công việc.

2. Điều gì thu hút bạn ở công việc freelancer?

Freelancer: Tôi thích sự đa dạng trong công việc và được làm việc với nhiều khách hàng khác nhau.

Nhân viên toàn thời gian: Tôi nghĩ làm freelancer có nhiều khả năng kiếm tiền cao hơn so với một công việc toàn thời gian.

3. Điều gì thu hút bạn ở công việc truyền thống (nhân viên toàn thời gian)?

Freelancer: Nhiều người thích công việc truyền thống vì đã quen với việc làm công ăn lương và e ngại phải bắt đầu tự chủ động làm việc tự do.

Nhân viên toàn thời gian: Tôi thích có một mức lương ổn định, được hưởng các chế độ đãi ngộ và thu nhập có thể dự đoán trước được.

4. Bạn có những kỹ năng nào có thể “bán” được trên thị trường lao động không?

Freelancer: Có, những kỹ năng của tôi rất phù hợp với nhu cầu của thị trường freelancer hiện nay.

Nhân viên toàn thời gian: Tôi có chuyên môn trong nhiều lĩnh vực và sở hữu một bộ kỹ năng đa dạng.

5. Bạn có phải là người thích làm việc trong môi trường tập thể không?

Freelancer: Tôi thích hợp tác với người khác, nhưng tôi thích làm việc tại nhà hơn.

Nhân viên toàn thời gian: Tôi rất thích làm việc trong môi trường năng động, có sự tương tác với đồng nghiệp.

6. Bạn có thích tương tác với khách hàng không?

Freelancer: Tôi thích trò chuyện, trao đổi với khách hàng. Tôi cũng tự tin vào khả năng quảng bá dịch vụ của mình.

Nhân viên toàn thời gian: Tôi không thích những công việc phải tiếp xúc với nhiều với khách hàng, tôi thích làm việc phía sau cánh gà hơn.

7. Tình hình tài chính của bạn hiện tại như thế nào?

Freelancer: Tôi có một khoản tiết kiệm, nhưng tôi cần có thu nhập ổn định trong vòng 6 tháng tới.

Nhân viên toàn thời gian: Tôi không có khoản tiết kiệm nào đáng kể, nên nếu chuyển sang làm freelancer, tôi cần chắc chắn là mình vẫn kiếm được số tiền như hiện tại.

8. Bạn có nhiều mối quan hệ trong ngành không?

Freelancer: Tôi đã xây dựng được nhiều mối quan hệ trong ngành, và những mối quan hệ này có thể giúp tôi tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Nhân viên toàn thời gian: Tôi quen biết một số người trong ngành, nhưng tôi không thích giao tiếp, mở rộng mối quan hệ lắm.

9. Bạn có thể thử làm freelancer bán thời gian trước không?

Freelancer: Tôi sẵn sàng bắt đầu với những dự án nhỏ và dành thời gian để tìm kiếm việc làm thêm.

Nhân viên toàn thời gian: Công việc hiện tại của tôi quá bận rộn, tôi không có thời gian để thử sức với công việc freelancer.

10. Bạn có phải là người kỷ luật trong công việc không?

Freelancer: Tôi có động lực làm việc cao, luôn hoàn thành công việc đúng hạn và biết cách quản lý thời gian hiệu quả.

Nhân viên: Kỷ luật của tôi còn tùy thuộc vào mục tiêu công việc và môi trường làm việc nhóm.

Những câu hỏi ở trên sẽ giúp bạn đánh giá xem làm freelancer hay làm công ăn lương sẽ phù hợp hơn với mục tiêu, kỹ năng và sở thích của bạn hơn.

Bí quyết cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều vô cùng quan trọng để có một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và hiệu quả. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn đạt được sự cân bằng này:

1. Thiết lập ranh giới rõ ràng: Hãy xác định rõ giờ làm việc và tuân thủ nghiêm ngặt, giống như khi bạn làm việc ở công ty. Nhờ đó, công việc sẽ không lấn át hết thời gian dành cho cuộc sống riêng của bạn.

2. Ưu tiên chăm sóc bản thân: Đừng quên tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc. Những thói quen này sẽ giúp bạn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó làm việc hiệu quả hơn.

3. Học cách nói “không”:  Đừng ôm đồm quá nhiều việc, điều này có thể dẫn đến kiệt sức. Hãy đánh giá khối lượng công việc một cách thực tế và đừng ngần ngại từ chối những nhiệm vụ phát sinh nếu chúng ảnh hưởng đến sự cân bằng của bạn.

4. Nghỉ giải lao thường xuyên: Những khoảng nghỉ ngắn trong ngày làm việc có thể giúp bạn tăng năng suất và giảm stress, từ đó bạn sẽ tập trung tốt hơn khi quay lại làm việc.

5. Dành thời gian chất lượng cho gia đình, bạn bè và sở thích: Hãy dành thời gian cho những người thân yêu và những hoạt động mang lại niềm vui cho bạn. Ghi chú những việc này vào lịch của bạn như một cách “nhắc nhở” bản thân. Nuôi dưỡng các mối quan hệ và theo đuổi đam mê sẽ giúp bạn có một cuộc sống trọn vẹn hơn.

Lời kết

Bạn thấy đó, làm nhân viên toàn thời gian hay làm freelancer, mỗi lựa chọn đều có cái hay, cái dở riêng. Quan trọng là bạn hiểu mình là người thế nào, bạn muốn gì cho sự nghiệp và cuộc sống của mình. Không có con đường nào là “tốt hơn hẳn” con đường nào, chúng sẽ luôn có ưu điểm và nhược điểm.

Nếu bạn là người năng động, thích sự đa dạng, thích làm chủ công việc và tự do lựa chọn dự án mình muốn, hoặc nếu bạn cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống công sở với những quy định cứng nhắc, thì làm freelancer sẽ là lựa chọn tốt hơn. Và dù bạn chọn con đường nào, bạn không nhất thiết phải đi theo nó mãi mãi. Bạn hoàn toàn có thể chuyển đổi giữa làm freelancer và làm công việc toàn thời gian nếu nhu cầu và sở thích của bạn thay đổi.

Hãy dành thời gian để ngẫm nghĩ về bản thân, để hiểu rõ những gì bạn mong muốn cho sự nghiệp của mình và đưa ra quyết định phù hợp nhất. 

Tác giả: David Stefanovski
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Everything Freelance

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *