28/05/2024
Chào đón một chú cún con như một thành viên mới trong gia đình hẳn là một trải nghiệm vô cùng hào hứng.
Ý chính trong bài:
Thời điểm khi vừa chào đón một chú cún con như là một thành viên mới trong gia đình có lẽ là khoảng thời gian rất thú vị đối với bạn. Đây là lúc bạn làm quen với việc có một cục bông di động đáng yêu xuất hiện mọi nơi trong nhà, thậm chí hắn còn nhiều lần chiếm lấy chiếc ghế sofa yêu thích của bạn.
Dù rất thú vị nhưng đây cũng có thể là một khoảng thời gian vất vả – nhiều hơn những gì bạn có thể hình dung – và điều này có thể dẫn đến một số cảm xúc không mấy vui vẻ.
Cảm thấy hối tiếc sau khi nhận nuôi một chú cún con là điều hoàn toàn bình thường. Chăm sóc thú cưng đòi hỏi một sự cam kết lớn, là một trách nhiệm không đơn giản, đặc biệt là khi chúng còn nhỏ và cần được huấn luyện, hướng dẫn.
Cảm giác “post-puppy blues” hay “puppy blues” (tạm dịch: trầm cảm sau khi nuôi chó con) là một phản ứng tự nhiên trước sự mất tự do đột ngột và gia tăng trách nhiệm thấy rõ khi sở hữu một chú chó mới.
Trầm cảm sau khi nuôi chó con
Hầu hết mọi người đều yêu thích những chú chó con lém lỉnh, đáng yêu.
Thực tế, có khoảng 69 triệu hộ gia đình ở Hoa Kỳ nuôi chó. Hàng năm, những người nuôi thú cưng chi hàng tỷ đô la cho người bạn bốn chân của mình, họ mua mọi thứ từ thức ăn cao cấp đến đồ chơi phát ra tiếng và vòng cổ cho chó.
Đối với nhiều người, đặc biệt là những ai đã yêu thích chó từ lâu, việc sở hữu một chú chó có vẻ chỉ là điều sớm muộn. Tuy nhiên, giữa việc yêu chó và việc nuôi chó có những điểm khác nhau rõ rệt, sẽ có nhiều thứ đòi hỏi bạn phải thay đổi (hoặc đánh đổi) mà chính bạn cũng không ngờ, tài chính chỉ là một trong số đó.
Cún con thường cần sự giám sát và hướng dẫn liên tục. Chúng nhai, cắn, liếm hầu hết mọi thứ để khám phá môi trường xung quanh. Điều này có nghĩa bạn không thể để chú chó của bạn một mình quá lâu và đột nhiên không còn thời gian để gặp gỡ bạn bè hay tham gia các hoạt động xã hội như trước.
Thêm vào đó, phần lớn các chú chó mới về nhà chưa thể (ngay lập tức) ngoan ngoãn và vâng lời, quá trình huấn luyện chúng có thể trở nên rất vất vả.
Các vấn đề về hành vi của chó con như sủa và lo lắng khi xa chủ có thể làm trầm trọng thêm cảm giác “post-puppy blues” ở người nuôi thú cưng.
Puppy blues là gì?
“Post-puppy depression” hay “puppy blues”, không được xem là một bệnh lý y khoa. Thuật ngữ này dùng để mô tả những cảm xúc hối tiếc, thất vọng và chán nản mà người mới nuôi chó có thể trải qua.
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng việc nuôi một chú chó con có thể khiến chúng ta cảm thấy quá tải, bởi nhiều người vẫn nghĩ rằng nuôi thú cưng tốt cho sức khỏe tâm thần. Nhưng thực tế, việc nhận nuôi một chú cún mới có thể gây áp lực không kém gì việc chăm sóc cho một em bé sơ sinh.
Ví dụ, một cuộc khảo sát thực hiện ở Mỹ (2015) cho thấy, đàn ông độc thân nuôi thú cưng thường có nhiều triệu chứng trầm cảm hơn phụ nữ độc thân nuôi thú cưng. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, nam giới độc thân có thể cảm thấy bị áp lực hơn trong việc chăm sóc thú cưng, trong khi đó, phụ nữ độc thân thường nhận được nhiều lợi ích từ sự đồng hành này.
Một nghiên cứu ở Hàn Quốc (2019) cũng ghi nhận mối liên hệ có ý nghĩa giữa các triệu chứng trầm cảm của chủ sở hữu chó và thái độ hoặc cảm xúc khó chịu của họ đối với chó của mình.
Cảm giác trầm cảm khi mới nuôi chó con có thể xuất phát từ nhiều lí do, bao gồm:
Puppy blues và Trầm cảm bệnh lý
Cảm giác buồn nản khi mới nuôi chó con không đồng nghĩa với việc bạn đang mắc chứng trầm cảm bệnh lý.
Trầm cảm (depression), còn được biết với tên gọi khác là rối loạn trầm cảm dạng điển hình (major depressive disorder), là một bệnh lý tâm thần gây ra cảm giác buồn bã, tuyệt vọng, làm bạn mất hứng thú vào những hoạt động mà bình thường bạn vẫn thích làm.
Thông thường, “puppy blues” liên quan đến các vấn đề cụ thể từ chú chó nhà bạn, và các triệu chứng nhìn chung nhẹ hơn so với trầm cảm bệnh lý.
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của bạn nghiêm trọng hoặc diễn tiến kéo dài, bạn nên cân nhắc việc nói chuyện với một chuyên gia về sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ.
Dấu hiệu của Puppy blues
“Puppy blues” có thể không được công nhận là một bệnh lý, nhưng điều đó không có nghĩa những cảm giác chúng mang lại cho bạn là không có thật hoặc không gây khó chịu. Các dấu hiệu có thể bao gồm:
Ở một số thời điểm, bạn có thể thấy bản thân không ưa nổi chú chó của mình, bạn ước gì ngay từ đầu đã không nhận nuôi chúng. Đừng đánh giá bản thân vì những suy nghĩ đó, chúng không định nghĩa được bạn là người chủ tồi hay tốt. Chỉ vì có những khoảnh khắc bạn cảm thấy khó có thể hoà hợp với chú chó của mình không có nghĩa là bạn không yêu chúng.
Hỏi đáp nhanh
1. Puppy blues kéo dài bao lâu?
“Puppy blues” không có mốc thời gian cụ thể. Nó có thể kéo dài vài ngày, vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng và bạn thậm chí có thể cứ gặp lại cảm giác này mỗi khi đón thêm một chú chó mới.
Đối với nhiều người, những cảm giác như thế thường dần biến mất khi bạn và chó con của bạn bắt đầu thiết lập được thói quen hàng ngày và chó con có bắt đầu ngoan ngoãn và vô nề nếp hơn.
Mỗi chú chó đều khác biệt và một số giống chó có thể không phù hợp với các lối sống nhất định. Ví dụ, giống chó chăn cừu năng động có thể không thích hợp với lối sống bên trong một căn hộ chật hẹp. Bên cạnh đó, có những chú chó con thường hay sủa nhiều hơn hoặc cần nhiều thời gian hơn để huấn luyện.
2. Làm sao để xử lý stress xuất phát từ việc mới nuôi chó con tại nhà?
Giống như trẻ em, chó con đang trong giai đoạn học hỏi chính của cuộc đời chúng. Nhiều hành vi chúng thể hiện là cách chúng khám phá thế giới. Chẳng hạn như việc gặm giày, chúng không hề cố ý quậy phá đâu, mà chúng đang tìm hiểu về mùi và kết cấu theo cách duy nhất mà chúng biết.
Một cách để bạn có thể đối phó với “puppy blues” là hãy nhắc nhở bản thân:
Những thách thức ban đầu về nề nếp như nhai và sủa nếu không được giải quyết kịp thời có thể trở thành vấn đề lâu dài. Vì vậy, việc tìm hiểu và tham khảo ý kiến từ huấn luyện viên chó chuyên nghiệp là rất quan trọng.
Nếu bạn không biết nên tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu, hãy liên hệ các phòng khám thú y, họ có thể cho bạn danh sách các chuyên gia huấn luyện chó uy tín.
Bên cạnh việc làm mọi thứ bạn có thể để hỗ trợ chó con của mình cũng như xây dựng các quy tắc trong nhà, việc chú trọng giảm stress cho chính bản thân bạn cũng rất quan trọng. Thiết lập một khu vực trong nhà mà chó con không thể đi vào có thể cho phép bạn yên tâm dành thời gian để đi dạo, thư giãn trong vườn, hoặc tạm thời rời xa sự “làm phiền” liên tục từ cún con.
3. Việc huấn luyện chó sử dụng chuồng có hữu ích không hay chỉ làm gia tăng stress?
Phương pháp huấn luyện chó sử dụng chuồng (crate training) được Hiệp hội Bệnh viện Động vật Mỹ (AAHA) và Câu lạc bộ Chó giống Hoa Kỳ (AKC) ủng hộ, họ còn cung cấp các tài liệu để hỗ trợ bạn trong quá trình này.
Khi áp dụng đúng cách, “crate training” là phương pháp tạo ra một không gian an toàn cho chó con của bạn, nơi chúng có thể đến để cảm thấy thoải mái và an toàn. Nó có thể được dùng như một công cụ giảm lo lắng và là một cách để giúp chó của bạn bình tĩnh lại.
Tuy nhiên, mục đích của “crate training” không phải để ép chó nhịn tiêu tiểu hay nhốt chúng lại để phạt.
Ban đầu, chó con có thể chưa hiểu ý nghĩa của cái chuồng. Do đó, nếu chúng thường xuyên bị đưa vào chuồng để tránh việc chúng gây rối, điều này có thể khiến chúng nổi giận hoặc làm chúng sủa to. Một số chú chó thậm chí có thể phá hủy chuồng nơi chúng đang bị nhốt.
Chuồng không cần thiết phải trở thành nguồn gây căng thẳng cho chó con và bạn. Nếu không chắc làm thế nào để sử dụng phương pháp này hiệu quả, bạn nên cân nhắc việc tham khảo ý kiến từ bác sĩ thú y hoặc một huấn luyện viên về chó.
Tạm kết
Nếu bạn thấy mình có những dấu hiệu của “puppy blues”, điều đó không sao cả, bạn không phải một người nuôi thú cưng tồi chỉ vì cảm thấy như vậy. Mọi vật nuôi đều mang lại rất nhiều trách nhiệm; chúng cần được cung cấp thức ăn, nước uống, đòi hỏi được vận động và rất nhiều sự quan tâm chú ý từ chủ nhân, và còn nhiều những nhu cầu khác.
“Puppy blues” thường biến mất khi chú chó của bạn dần trưởng thành và học hỏi được những kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy cực kỳ tuyệt vọng ngay cả khi chó con đã biết cách cư xử, có thể bạn đang gặp phải vấn đề gì đó nghiêm trọng hơn là “puppy blues”.
Trong bất kỳ trường hợp nào, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đều có thể hỗ trợ bạn. Họ có thể giúp bạn vượt qua “puppy blues” hay điều trị các rối loạn về sức khỏe tâm thần có thể đang ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn.
Tác giả: Hope Gillette
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psych Central
Bình luận (0)