18/07/2022

Bí quyết dành cho teen khi thiếu tự tin trong giao tiếp

Bạn đã từng ở trong cuộc trò chuyện cùng hội bạn nhưng bỗng dưng câu chữ bay đi đâu mất? Cùng Agate tìm lời giải cho những lần thiếu tự tin trong giao tiếp nhé.

Rate this post

Tóm tắt: Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng gặp một tình huống giao tiếp mà mình không biết nói tiếp câu chuyện thế nào. Hay là lúng túng với buổi thuyết trình dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Để khôi phục sự tự tin, chúng ta sẽ bắt đầu từ việc chỉ ra những điều thật sự khiến mình lo lắng, rồi thách thức lại chính những điều đó. Bạn cũng đừng quên cho tinh thần một khoảng thư giãn để nhắc nhở về những giá trị của chính mình nhé.

Khi nghĩ đến hoạt động giao tiếp, có phải bạn luôn cảm thấy một nỗi lo thường trực? Trong một buổi trò chuyện với những người tưởng đã thân quen, bạn lại cảm thấy hồi hộp không tiếp lời được? Hay là trải nghiệm “đứng hình” ngay giữa câu chuyện, rồi lại luống cuống nói nhanh tới mức không hiểu mình đang nói gì.

Mỗi khi gặp những tình huống này, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng mình chưa đủ giỏi nên việc giao tiếp chưa được lưu loát. Đừng vội gắn nhãn cho bản thân như thế chứ!

Đôi khi nút thắt nằm ở tâm trí đang có những rào cản ngăn ta bộc lộ chính mình. Chúng ta có thể làm gì để cải thiện sự tự tin từ tận gốc nhỉ?

Agate mời bạn cùng phân tích vấn đề, tìm cách giải quyết và vượt qua trở ngại này dưới góc nhìn của tâm lý học nhé!

Gọi tên điều thật sự khiến bạn lo lắng

Để nhận biết điều gì đang cản trở hoạt động giao tiếp, bạn sẽ cần một khoảng thời gian tĩnh lặng. Đầu tiên hãy chọn một nơi yên tĩnh, có thể là ngay tại phòng của bạn, rồi ngồi xuống một cách thoải mái.

Tiếp theo, hít thở một vài hơi thật sâu, nghĩ đến một tình huống giao tiếp mà bạn cảm thấy thiếu tự tin. Vào thời điểm đó, có những ý nghĩ nào xuất hiện trong tâm trí? Có phải là bạn lo sợ rằng người đối diện sẽ phán xét; hay bạn sẽ nhận lại lời từ chối khiến cho nhu cầu kết nối không được đáp ứng?

Nếu những ý nghĩ còn mơ hồ, hãy dùng bút viết để mô tả nó. Bạn có thể viết vào quyển sổ nhật ký như một cách lưu lại trải nghiệm của mình.

Sau khi đã nhìn ra những ý nghĩ, bước tiếp theo là nhận biết cảm xúc. Bạn cảm thấy thế nào mỗi khi gặp khó khăn với giao tiếp? Bạn e ngại rằng thông tin mình chuẩn bị nói ra không được chính xác? Hay bạn sợ gây ấn tượng không tốt với bạn bè?

Việc can đảm quay vào bên trong bản thân, trả lời thành thật những câu hỏi này đã là hoàn thành bước đầu cho việc đi tìm giải pháp.

Thách thức lại những ý nghĩ bạn vừa tìm thấy

Thông thường, những vòng lặp về suy nghĩ hoặc cảm xúc được hình thành từ những sự kiện khi còn nhỏ. Bạn đã không có một sự lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng hoặc trốn tránh. Nhưng bây giờ chúng ta đã có đầy đủ khả năng để phân tích rõ ràng vấn đề. 

Bạn hãy thử trả lời một số câu hỏi: Liệu những ý nghĩ đó có bao nhiêu khả năng là sự thật? Nỗi lo của bạn đã từng trở thành thực tế chưa? Có những bằng chứng nào giúp bạn chứng minh điều ngược lại?

Thư giãn tinh thần trước khi bắt đầu giao tiếp

hình ảnh minh họa học sinh ghi chép vào sổ
Ghi chép những điều làm bạn lo lắng là một cách giải tỏa cho tinh thần

Có một cách thư giãn tinh thần mà bạn có thể thực hiện ngay vào mỗi thời điểm cần thiết, đó là vận động cơ thể. 

Không nhất thiết là các hoạt động thể dục, bạn có thể vận động giác quan qua các thao tác đơn giản. Hãy chọn một hoặc kết hợp nhiều hoạt động dựa trên sở thích của mình, chẳng hạn như ghi chép ý nghĩ vào quyển sổ, nghe nhạc hoặc đơn giản là uống một cốc nước.

Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại Mỹ khuyến khích chúng ta rèn luyện thói quen vận động các giác quan. Vì cơ sở khoa học đã chứng minh sự vận động mang đến lợi ích đa dạng như cân bằng cảm xúc, giúp bạn trở về tâm thế bình tĩnh và tăng cường sự tập trung.

Chẳng hạn như khi muốn chuẩn bị cho buổi thuyết trình lưu loát, bạn hãy đến lớp sớm hơn mọi hôm 10-15 phút. Sau khi đã ngồi tại bàn của mình, bạn hãy thực hiện hoạt động hít thở sâu trong 5 phút. Theo nghiên cứu của Đại học Stanford, hoạt động này có tác dụng thư giãn tinh thần, giúp bạn nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh.

Tiếp theo đó, hãy ghi chép về trình tự của bài thuyết trình trong một quyển sổ nhỏ. Quá trình ghi chép sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn, sẵn sàng cho buổi thuyết trình thành công.

Nhắc nhở mình về những giá trị của bản thân

Bạn có biết, gốc rễ của sự tự tin đến từ chính niềm tin về giá trị của bản thân và sự tôn trọng chính mình.

Viết nhật ký là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để tạo ra một không gian tự soi chiếu. Hãy cùng luyện tập thường xuyên viết ra những điều sau đây theo gợi ý của Agate để tự nhắc nhở về những giá trị tốt đẹp của mình nhé:

Đối với những lần thất bại, hãy xem đó là nấc thang giúp chúng ta từng bước phát triển bản thân. Hãy ghi nhận những bài học quý giá mình đã rút ra, bạn sẽ thấy bản thân đã trưởng thành và kiên cường hơn mình nghĩ đấy!

Viết ra những điều này thường xuyên sẽ giúp bạn hình dung và luôn ghi nhớ những giá trị tốt đẹp mình sẵn có. Đừng để những giải pháp “chín ép” tiếp tục kéo ta lấn sâu hơn vào căng thẳng, lo âu hay tự dằn vặt bản thân. Hãy tìm lại và nuôi dưỡng sự tự tin từ bên trong chính mình!

Lời kết

Qua bài viết này, bạn đã lựa chọn hay sẽ cải thiện cách thức nào để bồi đắp sự tự tin khi giao tiếp? Hãy chia sẻ cùng chúng mình qua phần bình luận nhé!

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *