26/04/2024

Vùng an toàn là gì?

Rời khỏi vùng an toàn: tại sao bạn nên làm điều đó ngay hôm nay? Khám phá lợi ích không ngờ của việc dấn thân và mở rộng giới hạn bản thân.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: freepik

Vùng an toàn là nơi chúng ta cảm thấy được đảm bảo và không chịu bất kỳ rủi ro nào, nhưng đồng thời cũng không thể phát triển. Nó không chỉ đơn thuần là một không gian vật lý mà còn là một khái niệm tinh thần. Nó không chỉ là hàng rào bảo vệ chúng ta xây dựng xung quanh, mà còn bao gồm cả những thói quen hằng ngày và cách suy nghĩ. Vì vậy, nó có thể trở thành lý do chính đáng để chúng ta không dám hành động, không dám mạo hiểm, không phát triển và cuối cùng, chúng ta không thực sự trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn.

Những điều kỳ diệu thường xảy ra bên ngoài vùng an toàn, nơi sự thay đổi và phát triển diễn ra. Tuy nhiên, cũng có những khoảng không gian gây hoảng sợ mà ai cũng e ngại. Do đó, điều quan trọng là tìm ra điểm cân bằng trong cuộc sống, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về vùng an toàn của bản thân và những gì chúng ta có thể đạt được khi vượt qua những giới hạn đó.

Khái niệm về vùng an toàn bắt nguồn từ đâu?

Khái niệm về vùng an toàn có nguồn gốc từ một thí nghiệm cổ điển trong lĩnh vực tâm lý học, tiến hành vào năm 1908 bởi nhà tâm lý học Robert M. Yerkes và John D. Dodson. Họ phát hiện ra rằng, khi ở trong trạng thái thoải mái tương đối, con người sẽ duy trì một mức độ hiệu suất nhất định.

Tuy nhiên, để cải thiện hiệu suất này, con người cần trải qua một mức độ lo lắng nhất định, bước ra ngoài và chinh phục một không gian mà ở đó sự căng thẳng có thể tăng lên đôi chút. Họ gọi đây là “vùng lo lắng lý tưởng” và chỉ ra rằng nó nằm ngay bên ngoài ranh giới của vùng an toàn của chúng ta.

Đây là cách các nhà nghiên cứu tạo ra điều được biết đến là Định luật Yerkes-Dodson, chi tiết được thể hiện qua biểu đồ bên dưới:

Nguồn: Psychology Spot (Chuyển ngữ tiếng Việt bởi AGATE)

Các thí nghiệm mới đã xác nhận lý thuyết của họ và chỉ ra rằng động lực và sự nỗ lực hướng đến mục tiêu sẽ tăng lên cho đến khi xác suất thành công hoặc mức độ không chắc chắn đạt 50%. Khi vượt qua ngưỡng này, chúng ta bắt đầu cảm thấy chán nản, mất động lực và mức độ lo lắng tăng cao đến mức gây mất cân bằng và dễ dẫn đến những sai lầm. 

Vùng an toàn trong chúng ta có thể là gì?

Vùng an toàn của chúng ta có thể là chiếc ghế sofa yêu thích ở phòng khách, nơi chúng ta thường xuyên nán lại thay vì ra ngoài và khám phá thế giới, nó cũng có thể là cửa hàng quen mà chúng ta luôn chọn mua sắm, là công việc mà chúng ta đã gắn bó hơn 10 năm, hay cũng có thể là điểm đến du lịch mà chúng ta luôn chọn quay lại mỗi dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên, vùng an toàn cũng chính là cách chúng ta phản ứng với lời chỉ trích, đối mặt với những cơ hội có thể chứa đựng rủi ro, và cả cách chúng ta tương tác, giao tiếp với người thương hoặc cha mẹ.

Khái niệm vùng an toàn đề cập đến một trạng thái tâm lý mà ở đó chúng ta cảm thấy an toàn và không phải trải qua cảm giác lo lắng hay sợ hãi nào. Đây là “không gian” mà chúng ta hoàn toàn hiểu biết và có thể kiểm soát gần như tất cả mọi thứ. 

Những thói quen hằng ngày mà chúng ta duy trì giúp chúng ta xây dựng nên vùng an toàn của bản thân, bởi vì chúng ta biết chính xác điều gì sẽ xảy ra trong từng tình huống. Khi giảm thiếu tối đa những điều không chắc chắn, chúng ta cảm thấy mình có thể kiểm soát mọi thứ, và nhờ đó, cảm giác an toàn được tạo ra.

Để giữ mình trong vùng an toàn, chúng ta phải tránh những rủi ro và sự bất định, điều này dẫn đến việc chúng ta có xu hướng bị động trong cuộc sống. Cảm giác an toàn này tuy khiến khiến ta an tâm nhưng cái giá phải trả là chúng khiến ta mất đi động lực để trải nghiệm cuộc sống, chúng ta rơi vào vòng xoáy của sự đều đều và đơn điệu. Đó là lí do vì sao chúng ta cứ bám lấy những địa điểm, những truyền thống, thói quen, những mối quan hệ nhất định, chúng ta tránh xa mọi thứ mới mẻ bởi nó mang lại sự bất định và hỗn loạn. Vì thế, có thể nói rằng vùng an toàn là không gian mà chúng ta dùng cả cuộc đời để xây dựng, nhưng cũng chính nó đã xây dựng ngược lại con người của chúng ta. 

Có 2 vùng an toàn mà chúng ta thường vô thức hướng đến

Dù mỗi người có một vùng an toàn khác nhau, nhưng chúng ta thường bị thu hút bởi 2 không gian này khi muốn tìm kiếm sự an toàn: vùng an toàn của quá khứ và vùng an toàn của hiện tại.

1. Vùng an toàn của quá khứ: Đây là khoảng không gian rất hạn chế, bởi lẽ dù có thể mang lại cảm giác thoải mái, nhưng chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra. Hồi tưởng về quá khứ có thể làm chúng ta cảm thấy được an ủi, nhưng chìm đắm trong những thứ ấy sẽ ngăn cản sự phát triển của chúng ta.

Chúng ta thường tìm về quá khứ để tìm kiếm sự an ủi khi phải đối mặt với những điều bất như ý trong hiện tại hoặc tương lai. Khi ấy, chúng ta lại dựa vào những niềm tin hoặc những giải pháp cũ kỹ, không còn phù hợp chỉ vì đó là điều chúng ta từng biết, thay vì hướng tới tương lai, chúng ta lại bám víu vào những gì quen thuộc. 

2. Vùng an toàn của hiện tại: Đây là nơi chúng ta đang sống, có thể ví dụ như một cái hố đen lớn được tạo nên từ những thói quen lặp đi lặp lại theo những cách thức đã quá quen thuộc.

Không gian này chứa đầy những thói quen mà chúng ta thực hiện nhưng không tự vấn liệu chúng có phù hợp với mục tiêu của mình hay không. Đó là những việc chúng ta làm chỉ vì sự thuận tiện nhất thời mà việc đó không thực sự đưa chúng ta đến nơi chúng ta muốn, hoặc biến chúng ta trở thành người mà muốn trở thành. Vùng an toàn của hiện tại là tất cả những thói quen tự động đã ngăn cản ta đạt đến những mục tiêu được đề ra.

Nói tóm lại, chúng ta tìm kiếm vùng an toàn của quá khứ khi cảm thấy sợ hãi và chúng ta bám víu lấy vùng an toàn của hiện tại chỉ vì sự lười biếng.

Dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc kẹt trong vùng an toàn của chính mình

Abraham Maslow từng cho rằng sự phát triển của một cá nhân có thể được xem như một chuỗi các quyết định hằng ngày. Mỗi quyết định đều cho phép chúng ta chọn giữa việc quay trở lại với sự an toàn hoặc tiến lên phía trước để phát triển bản thân. Bước ra khỏi vùng an toàn là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển này. 

Vùng an toàn là không gian tâm lý mà chúng ta tự xây dựng qua nhiều năm tháng, và đôi khi chính ta không nhận ra mình đã bị giam cầm bởi nó. Chúng ta quen thuộc với vùng an toàn đó đến mức không còn nhận ra những giới hạn mà nó đặt ra cho khả năng phát triển của bản thân. 

Những dấu hiệu sau đây có thể cho thấy đã đến lúc bạn cần bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình: 

Nhận thức được những dấu hiệu này có thể là bước đầu tiên để thực hiện những thay đổi, giúp bạn đạt được sự phát triển, lấy lại niềm vui, hứng khởi và cảm thấy ý nghĩa hơn với cuộc sống.

Tác giả: Jennifer Delgado
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Spot

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *