13/12/2022

Cách giao tiếp với người đang có trở ngại tâm lý

Bạn mong muốn giúp đỡ nhưng lại không biết giao tiếp với bạn bè đang có trở ngại tâm lý như thế nào cho khéo léo? Bài viết này sẽ chỉ ra những lưu ý bạn cần quan tâm xoay quanh vấn đề trên.

Rate this post

Có bao giờ bạn cảm thấy thật khó xử không biết làm gì hay nói gì khi một người bạn của mình tâm sự rằng họ đang trải qua những khó khăn trong cuộc sống? Chúng ta đều muốn thể hiện sự quan tâm dành cho những người thân yêu, muốn trở thành một chỗ dựa tinh thần mỗi lúc họ cảm thấy khó khăn nhất, nhưng đôi khi chính vì vậy mà chúng ta lại sợ làm tổn thương họ.

Vì vậy, học cách giao tiếp một cách đúng đắn đối với những người đang trải qua những bất ổn về mặt tinh thần là một cách hữu ích để giúp đỡ họ vượt qua giai đoạn khó khăn về tâm lý, đồng thời nhắc nhở rằng họ không cô đơn trên hành trình của mình. Sau đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia, nhà tâm lý học về cách để bắt đầu hành trình giao tiếp với bạn bè đang mắc phải bệnh tâm lý.

Lắng nghe và công nhận những cảm xúc của họ

Lắng nghe là bước đầu tiên cũng là bước cơ sở quan trọng nhất trong việc giao tiếp với bất cứ ai đang gặp vấn đề rối loạn cảm xúc. Thật ra, thứ họ cần ở bạn không phải là giúp họ giải quyết vấn đề, họ chỉ cần một người lắng nghe cảm xúc và suy nghĩ của mình. Một tip nhỏ đó chính là trong lúc lắng nghe, đôi lúc hãy lặp lại những gì họ vừa chia sẻ để cho họ hiểu rằng bạn thật sự quan tâm những gì họ nói. Để rồi từ cảm giác được thấu hiểu và quan tâm ấy, họ biết mình không còn cô đơn.

Hầu hết các bạn thanh thiếu niên chia sẻ rằng mỗi khi gặp vấn đề trong cuộc sống, điều họ mong muốn nhận được nhất từ những người xung quanh không phải là giải pháp của vấn đề, mà chính là “sự công nhận” cho hoàn cảnh mà họ đang đối mặt, cũng như những cảm xúc thật sự họ đang trải qua. Có thể chỉ là một câu nói “mình hiểu vấn đề của bạn rồi, bạn chắc hẳn cảm thấy buồn lắm nhỉ”, nghe có vẻ đơn giản, nhưng tác động tích cực của nó đối với họ là rất lớn.

Hãy hỏi rằng họ thật sự cần gì

Thay vì cố gắng tập trung vào việc đưa cho họ một lời khuyên hoặc giải pháp cho vấn đề, hãy hỏi rằng họ thật sự cần gì nhất. Một chuyên gia đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh trầm cảm thường cảm thấy bản thân là gánh nặng, do đó họ thường ít bày tỏ những khó khăn hay mong muốn của mình cho người khác. Hãy chân thành nói với bạn mình rằng bạn thật sự muốn giúp đỡ, dù chỉ một chút nào đó, để tạo cho họ cảm giác thoải mái khi tâm sự vấn đề của mình.

Có thể họ không có gì để nói cả, hoặc không muốn nói, thay vào đó họ có thể đưa ra một đề nghị giúp đỡ, ví dụ như “Bạn có thể liên lạc với mình thường xuyên trong vài ngày tới không?”

Nhắc nhở họ rằng: “Sẽ luôn có cách”

Cũng giống như sức khỏe thể chất, đừng quên rằng sức khỏe tinh thần cũng có thể được chăm sóc, chữa lành. Chúng ta biết rằng hiện nay có rất nhiều phương thức khác nhau để chữa lành tâm lý: tham gia trị liệu tâm lý cùng các chuyên gia; tham vấn cùng các thầy cô ở phòng tâm lý của trường; những đường dây nóng tham vấn tâm lý hay các tổ chức hay các nhóm online về tham vấn tâm lý luôn sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi bạn cần.

Ngoài những cách trên, nhiều phương pháp khác cũng được các chuyên gia khuyên sử dụng để đối phó với stress, căng thẳng hay trầm cảm đó chính là tập thiền, viết nhật ký, đi dạo mỗi ngày hoặc nghe podcast và những bài hát yêu thích của mình.

Vì vậy hãy luôn nhắc nhở họ rằng: “Sẽ luôn có cách”.

Đừng bao giờ đánh giá hoặc xem nhẹ cảm xúc của họ

Một số người đang trải qua khó khăn về mặt tâm lý chia sẻ rằng họ thường nhận những lời khuyên từ người khác rằng: “đừng buồn nữa, hãy vui lên” hoặc “có gì đâu mà buồn”. Sự thật là khi nghe những lời như vậy, bản thân họ sẽ cảm thấy những người xung quanh không thật sự hiểu những điều tồi tệ mà họ đang chịu đựng, đồng thời việc “đừng buồn nữa” cũng không phải việc họ có thể tự kiểm soát trong giai đoạn này. Việc nên làm chính là hãy để họ được thoải mái nói ra tình trạng hiện tại và cảm nhận của họ, hoặc thể hiện sự quan tâm qua những câu hỏi như: “Bạn gặp vấn đề này lâu chưa nhỉ?”.

Đừng “nhìn mặt mà bắt hình dong”

Có rất nhiều người thể hiện ra bên ngoài rằng mình ổn trong khi bên trong họ hoàn toàn trái ngược. Có thể họ muốn che giấu cảm xúc của mình, không muốn để ai thấy được khía cạnh mềm yếu của bản thân.

Vậy thì làm cách nào để nhận biết kịp thời một người đang gặp trở ngại tâm lý?

Có một vài dấu hiệu cho thấy một người đang mắc phải vấn đề về tâm lý như: luôn nói “không” đối với mọi lời mời hay kế hoạch mới, không trả lời tin nhắn hoặc đột nhiên không còn “online” trên mạng xã hội, thói quen ăn-ngủ bất thường (ăn-ngủ quá nhiều hoặc không ăn-ngủ được); mất kết nối với bạn bè; dễ nóng giận, cáu gắt; thể hiện những ý nghĩ tuyệt vọng; có những dấu hiệu “tự hại” (self-harm) đối với bản thân. Đôi lúc, thường cho mình là gánh nặng của người khác cũng chính là một dấu hiệu cảnh báo đáng lưu ý.

Hơn nữa, điều dễ thấy nhất ở những người trầm cảm đó chính là họ đột ngột thay đổi tính cách của mình – trở nên im lặng rụt rè hơn bình thường, mất tập trung hơn thường ngày…

Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu trên ở bạn bè mình và cảm thấy người bạn ấy thật sự cần được giúp đỡ, cách tốt nhất là hãy nói điều này cho một người lớn đủ độ tin cậy để nhờ họ giúp đỡ bạn kịp thời nhất.

Giao tiếp trực tiếp với nhau sẽ góp phần nhân đôi hiệu quả

Chúng ta có thể tâm sự với những người bạn gặp vấn đề tâm lý qua tin nhắn, tuy nhiên những điều này nếu được thực hiện trực tiếp thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Bởi lẽ, lời nói và tông giọng cũng tác động đến sự kết nối giữa người với người, khi bạn nhận được tin nhắn từ người bạn rằng cậu ấy đang gặp vấn đề – hãy chủ động hỏi rằng liệu bạn có thể, ít nhất, gọi điện cho cậu ấy hay không.

Nếu chỉ có thể nhắn tin, hãy nói với họ rằng hãy yên tâm, bạn luôn ở đó với họ và luôn sẵn sàng gặp mặt trực tiếp nếu họ cần sự an ủi, động viên. Gặp mặt và trao đổi trực tiếp có thể giúp bạn hiểu hơn về những gì họ đang trải qua, từ đó có sự trắc ẩn với câu chuyện của họ hơn.

Hơn nữa, hãy lưu ý rằng việc nhắn tin rất dễ gây ra những sự hiểu lầm. Do đó, hãy chậm lại một chút trước khi nhấn “gửi” bất cứ tin nhắn nào, đọc kĩ lại và giả định rằng bạn nhận được tin nhắn tương tự từ người khác thì bạn sẽ cảm thấy thế nào.

Một trường hợp khác khi bạn thật sự không biết nói gì hay giúp đỡ bạn mình như thế nào, hãy thẳng thắn trao đổi điều đó. Hãy nói rằng: “Mình rất muốn giúp đỡ, nhưng mình thật sự không biết phải giúp bạn thế nào cho phải”, đồng thời thể hiện rằng bạn sẽ luôn bên cạnh khi họ cần và quan tâm họ một cách chân thành nhất.

Tìm kiếm nguồn giúp đỡ có sẵn

Hiện nay khi những vấn đề về sức khỏe tinh thần ngày càng trở nên trầm trọng và phổ biến, các phương thức tìm kiếm sự giúp đỡ cũng ngày càng được mở rộng. Ngoại trừ việc có thể liên hệ nhờ sự giúp đỡ từ người lớn, các bạn còn có thể cân nhắc các nguồn sau đây:

Đường dây nóng 111 hỗ trợ và bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp: http://tongdai111.vn/

Đường dây nóng Ngày Mai khi có nhu cầu tâm sự, giãi bày cảm xúc và cần người lắng nghe: https://duongdaynongngaymai.vn/

Hoặc để tăng “sức đề kháng” giúp phòng ngừa các vấn đề tâm lý, bạn có thể tham khảo các khóa học dành cho thanh thiếu niên 12-19 tuổi tại AGATE Class: https://agate.vn/youniverse.html

Reference

[1] Seventeen: What Should I Say to Someone Who Is Depressed?

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *