29/11/2024
6 cách đơn giản giúp bạn nhìn cuộc đời từ “nửa ly nước vơi” thành “nửa ly đầy”.
Ý chính trong bài:
Bạn có phải là người luôn nhìn thấy những điều tích cực, ngay cả trong những lúc khó khăn? Hay bạn thường nghĩ đến những điều tồi tệ nhất và chỉ tập trung vào những mặt tiêu cực?
Khi nói đến cách một người nhìn nhận thế giới, hầu hết chúng ta đều thuộc vào một trong hai nhóm: lạc quan hoặc bi quan. Theo các chuyên gia, bạn thuộc nhóm nào phụ thuộc rất nhiều vào môi trường nuôi dưỡng của bạn.
“Theo kinh nghiệm của tôi, sự lạc quan vừa là một nét tính cách, vừa là một sản phẩm của môi trường sống”, Karol Ward, LCSW, một nhà trị liệu tâm lý được cấp phép, cho biết. “Trẻ con ngay từ khi còn nhỏ đã cảm nhận được bầu không khí cảm xúc trong gia đình. Nếu bầu khí gia đình thoải mái và yêu thương, trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ ngay cả khi chúng có xu hướng lo lắng bẩm sinh. Nhưng nếu môi trường gia đình căng thẳng và đầy rẫy những rối loạn, sự lạc quan sẽ là một trong những điều đầu tiên biến mất. Thật khó để cởi mở về mặt cảm xúc và luôn cảm thấy hy vọng khi những người chăm sóc bạn không thể hiện những điều đó.”
Nhưng, nếu bạn nhận thấy bản thân thường có xu hướng tiêu cực, thì cũng đừng vội đổ lỗi hoàn toàn cho tuổi thơ của mình.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự lạc quan chỉ khoảng 25% là do di truyền, còn lại là do các yếu tố khác ảnh hưởng, chẳng hạn như điều kiện kinh tế – xã hội, mà những điều này thì thường ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện để trở nên lạc quan hơn khi trưởng thành. Vì vậy, nếu bạn là người thường nhìn thấy những mặt tiêu cực trong mọi tình huống, thì đừng vội nản lòng, vẫn có cơ hội cho bạn thay đổi.
“Một số người lạc quan trong bản tính, nhưng cũng có nhiều người nhờ học luyện mà trở nên lạc quan. Bất cứ ai cũng có thể học cách lạc quan – bí quyết là hãy đi tìm mục đích trong công việc và cuộc sống”, Leah Weiss, tiến sĩ, giáo sư Stanford chuyên nghiên cứu về mindfulness (chánh niệm) tại nơi làm việc, cho biết. “Khi chúng ta làm việc hoặc sống có mục đích, chúng ta cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn và có khả năng nhìn thấy ‘nửa cốc nước đầy’ hơn.”
Định nghĩa lại về sự lạc quan
Nhiều người đánh đồng sự lạc quan với hạnh phúc. Mặc dù hai phạm trù này có liên quan đến nhau, nhưng chúng không đồng nghĩa với nhau. Và mặc dù người lạc quan thường được xem là những người chỉ nhìn thấy mặt tích cực trong mọi tình huống, nhưng các chuyên gia cho rằng điều đó không đúng.
“Tư duy tích cực không có nghĩa là bạn phớt lờ những khó khăn trong cuộc sống. Bạn chỉ đối mặt với khó khăn theo một cách hiệu quả hơn”, Kimberly Hershenson, LMSW, cho biết. “Xây dựng một cái nhìn lạc quan về cuộc sống cho phép một người có một thế giới quan lành mạnh, bất chấp những hoàn cảnh bất hạnh… Cách nhìn đó làm giảm cảm giác buồn bã/trầm cảm và lo lắng, giúp kéo dài tuổi thọ, nuôi dưỡng những mối quan hệ bền vững với người khác và cung cấp kỹ năng ứng phó trong những thời điểm khó khăn. Sống lạc quan cho phép bạn xử lý các tình huống gây stress tốt hơn, nhờ đó giảm bớt những tác động có hại của stress lên cơ thể.”
Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng sự khác biệt thực sự giữa người lạc quan và người bi quan không nằm ở mức độ hạnh phúc hay cách họ nhìn nhận một tình huống, mà nằm ở cách họ đối mặt với khó khăn.
“Lạc quan là kiểu tư duy cho phép con người nhìn nhận thế giới, những người khác và các sự kiện theo hướng tích cực nhất có thể. Một số người mô tả đây là tâm lý ‘nửa cốc nước đầy’,” Tiến sĩ Aparna Iyer, bác sĩ tâm thần và trợ lý giáo sư tại Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas, cho biết. “Người lạc quan nhận thức được những sự kiện tiêu cực, nhưng họ không đổ lỗi cho bản thân vì kết quả xấu, mà họ có xu hướng xem tình huống là tạm thời và tin rằng những điều tốt đẹp hơn sẽ đến trong tương lai.”
Não bộ hoạt động như thế nào khi chúng ta lạc quan?
Chính xác thì điều gì xảy ra trong não khi chúng ta có phản ứng tích cực hoặc tiêu cực trước một tình huống?
Nghiên cứu cho thấy tâm trạng tích cực có liên quan đến hoạt động của bán cầu não trái, trong khi, cảm xúc tiêu cực, như tức giận hoặc chán nản, có liên quan đến hoạt động của bán cầu não phải.
“Hầu như ai cũng có thể được phân loại là người lạc quan hoặc bi quan dựa trên các mẫu sóng não của họ”, tiến sĩ Davidson, giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Thần kinh Cảm xúc tại Đại học Wisconsin, người đã thực hiện nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa hoạt động ở thùy trán và cảm xúc, cho biết. Ông phát hiện ra rằng chỉ có 15% số người trên tổng mẫu mà ông nghiên cứu không có xu hướng nghiêng về bên nào.
Một nghiên cứu khác của ông được công bố trên Tạp chí Tâm lý học về Tính cách và Xã hội đã xác nhận rằng hoạt động sóng não này là yếu tố dự báo mạnh mẽ về cách chúng ta sẽ phản ứng với các tình huống nhất định. Khi xem phim hài, những người có bán cầu não trái hoạt động mạnh hơn thường có phản ứng tích cực rõ rệt. Ngược lại, những người có bán cầu não phải hoạt động mạnh hơn lại dễ có những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ hơn khi xem phim buồn.
Tin tốt là: Bằng cách chủ động thay đổi quá trình suy nghĩ của bản thân, bạn thực sự có thể “tái lập trình” bộ não.
Davidson đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu xem liệu có thể thay đổi hoạt động não bộ của những người thường sử dụng bán cầu não phải nhiều hơn hay không. Với những người làm việc trong môi trường áp lực cao, thường có xu hướng sử dụng não phải nhiều hơn, họ được dạy mindfulness giảm stress và cân bằng cảm xúc. Kết quả rất khả quan: Sau hai tháng luyện tập (ba giờ mỗi tuần), họ đã có sự thay đổi về hoạt động của não bộ. Cụ thể, bán cầu não trái đã trở nên tích cực hơn trong việc xử lý cảm xúc và họ cảm thấy ít lo lắng, nhiều năng lượng hơn và hạnh phúc hơn.
Đúng vậy, nghiên cứu được thực hiện trên những người đi làm này đã chứng minh rằng chúng ta có thể thay đổi cách não bộ phản ứng với các trải nghiệm.
Những lợi ích thiết thực của việc suy nghĩ lạc quan
Liệu việc bỏ công sức để rèn luyện tư duy tích cực có xứng đáng không? Câu trả lời của khoa học là “có”. Nghiên cứu cho thấy một cái nhìn lạc quan mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho sức khỏe và năng suất của bạn.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Clinical Psychology Review, sự lạc quan có liên quan mật thiết đến sức bền tâm lý (resilience). “Lạc quan được chứng minh là giúp con người có thể chất và tinh thần vững vàng hơn, ngay cả những người đã trải qua những biến cố đau thương hoặc bệnh tật nghiêm trọng”, Iyer cho biết.
Khoa học cũng chỉ ra rằng, những người có cái nhìn lạc quan thường chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, sức khỏe tim mạch của họ tốt hơn, hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn, thu nhập cao hơn và có những mối quan hệ thành công hơn.
Với tất cả những lợi ích này, không ngạc nhiên khi nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự lạc quan có thể kéo dài tuổi thọ của chúng ta.
Một nghiên cứu rất quy mô của Trường Y tế Công cộng Harvard cho thấy những người phụ nữ lạc quan nhất có nguy cơ tử vong do các bệnh nghiêm trọng thấp hơn đến 30% trong suốt 8 năm nghiên cứu, bao gồm ung thư, bệnh tim và đột quỵ.
6 cách rèn luyện não bộ để trở nên lạc quan hơn
Bạn đã sẵn sàng để thay đổi góc nhìn và tận hưởng những điều tốt đẹp mà góc nhìn lạc quan mang lại chưa? Tin vui là các chuyên gia khẳng định rằng lạc quan là một phẩm chất có thể rèn luyện được khá dễ dàng.
“Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng sự lạc quan có thể được cải thiện thông qua những phương pháp can thiệp khá đơn giản và ít tốn kém – thậm chí chỉ cần một việc đơn giản như viết ra và suy nghĩ về những kết quả tốt đẹp nhất có thể xảy ra trong những lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, ví dụ như sự nghiệp hay tình bạn”, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Kaitlin Hagan, đồng tác giả chính của nghiên cứu tại Harvard, cho biết. “Khuyến khích áp dụng những phương pháp này có thể là một cách mới để nâng cao sức khỏe trong tương lai.”
“Chắc chắn rằng lạc quan là một đặc điểm có thể học được”, Iyer, người đã làm việc với nhiều thân chủ với mục tiêu nuôi dưỡng một cái nhìn lạc quan hơn, đồng tình. “Việc bạn đã từng là một người bi quan trong phần lớn cuộc đời không có nghĩa là bạn buộc phải luôn là một người như thế. Thực tế là, có rất nhiều cách hiệu quả để có được một tư duy lạc quan.”
Dưới đây là một số cách để bạn có thể bắt đầu nhìn thấy những mặt tích cực trong cuộc sống.
1. Thử đeo một cặp kính lạc quan
Đúng vậy, thay đổi góc nhìn cũng dễ dàng như việc chủ động nghĩ đến những điều tốt đẹp.
“Đối với những thân chủ của tôi, những người thường có xu hướng bi quan, họ có thói quen nhìn nhận mọi thứ qua lăng kính tiêu cực. Tôi sẽ yêu cầu họ thử thách bản thân bằng cách luôn xem xét khả năng có một cách nhìn khác về mọi việc”, Iyer nói. Các chuyên gia gọi chiến thuật này là “tái định hình tích cực” (positive reframing).
“Ví dụ, nếu một thân chủ than phiền rằng trời mưa và âm u đã làm hỏng kế hoạch cả ngày của họ, tôi sẽ thử thách thân chủ bằng cách mời gọi họ tập trung vào những gì họ đã đạt được trong khoảng thời gian đó. Thông thường, họ sẽ trả lời rằng họ đã tận dụng khoảng thời gian đó để thư giãn, đọc sách hoặc tận hưởng những phút giây gần gũi bên người họ yêu thương. Thay vì nhìn sự việc theo hướng tiêu cực nhất, tôi khuyến khích các thân chủ nỗ lực “đeo” những cặp kính lạc quan, cố gắng tìm kiếm những điều tích cực trong mọi tình huống. Dần dần, họ sẽ thấy mình có thể nhìn cuộc sống với thấu kính lạc quan hơn mà chẳng cần cố gắng.”
Sự nỗ lực thay đổi góc nhìn này không chỉ có tác dụng tức thời, mà còn có thể rèn luyện não bộ của bạn để suy nghĩ tích cực hơn. Nghiên cứu của Davidson đã chỉ ra rằng, chúng ta càng chủ động định hình lại các tình huống theo hướng tích cực, thì bộ não càng được rèn luyện để kích hoạt các mạch thần kinh ở những vùng khác nhau. và dần dần thay đổi cách chúng ta phản ứng với những trải nghiệm tiêu cực.
2. Để ý đến những người ở gần bạn
Chúng ta đều có những người bạn thường xuyên than phiền hoặc buôn chuyện. Sau khi dành thời gian với họ, chúng ta thấy mình cũng bắt đầu bị “lây” thái độ tiêu cực đó. Rõ ràng, sự tiêu cực có thể lây lan.
May mắn thay, cảm xúc tích cực cũng vậy.
“Cũng giống như một số bệnh truyền nhiễm”, Christakis nói, “chúng tôi đã phát hiện ra rằng nhiều cảm xúc có thể lan truyền qua mạng lưới xã hội”, Nicholas Christakis, giáo sư y học xã hội và y học tại HMS, người đã nghiên cứu về sự lây lan cảm xúc trong bối cảnh rộng lớn hơn của mạng lưới xã hội, cho biết. Nghiên cứu của ông cho thấy hạnh phúc có thể lan tỏa trong một cộng đồng: khi có một người bạn đời, một người bạn hay một người hàng xóm hạnh phúc sống gần bạn thì cũng có nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Điều đó có nghĩa là đã đến lúc bạn nên kết thân với những người lạc quan rồi đấy!
“Hãy để ý xem bạn thường dành thời gian với những ai trong cuộc sống thường ngày. Nếu bạn kết nối với những người lạc quan và tích cực, bạn sẽ được ảnh hưởng bởi năng lượng tích cực của họ”, Ward nói. “Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn giao lưu với những người bi quan. Bạn càng tiếp xúc nhiều với sự tiêu cực, bạn càng cảm thấy tiêu cực.”
3. Hạn chế xem tin tức
Chỉ cần 5 phút xem tin tức buổi sáng cũng đủ khiến tâm trạng của bất kỳ ai trở nên tiêu cực.
“Các phương tiện truyền thông và báo chí hiện nay có thể khiến mọi người rất khó lạc quan. Thực tế là ngay khi bạn bật tin tức hoặc đọc báo, bạn có thể sẽ bị chìm ngập trong những thông tin tiêu cực và một cái nhìn ảm đạm về thế giới”, Iyer nói. “Tuy nhiên, đây là một cái nhìn phiến diện về thế giới, vì vậy tôi gợi ý rằng mọi người nên hạn chế tiếp xúc với tin tức. Tôi thường khuyến khích mọi người chỉ nên dành đủ thời gian để nắm được những tin tức quan trọng, sau đó hãy tắt các phương tiện truyền thông và dành thời gian làm những việc giúp duy trì sức khỏe và tinh thần lạc quan. Nếu bạn cảm thấy cần phải tìm hiểu thêm về tình hình chính trị hoặc thế giới ở thời điểm hiện tại, bạn có thể thảo luận với bạn bè hoặc người thân; điều này vừa giúp bạn thu thập thông tin, vừa có thể mang lại cho bạn những cuộc trò chuyện sâu sắc và những quan điểm khách quan hơn về tin tức.”
4. Viết nhật ký vài phút mỗi ngày
Các nhà nghiên cứu định nghĩa lòng biết ơn là sự trân trọng những gì quý giá và có ý nghĩa đối với bản thân, hoặc một trạng thái biết ơn nói chung – đây là một nền tảng vững chắc cho tinh thần lạc quan. Nhưng việc luôn duy trì lòng biết ơn trong cuộc sống hàng ngày có quá nhiều áp lực là điều không hề dễ dàng.
Một cách đơn giản để bắt đầu nuôi dưỡng lòng biết ơn là viết nhật ký, một phương pháp rất phổ biến và chỉ mất vài phút mỗi ngày.
“Tôi thường yêu cầu các thân chủ của mình viết nhật ký lòng biết ơn. Vào cuối mỗi ngày, họ sẽ viết ra một hoặc hai điều mà họ đã trải qua hoặc chứng kiến trong ngày khiến họ cảm thấy biết ơn”, Iyer nói. “Điều quan trọng cần lưu ý là điều này có thể là bất cứ thứ gì – một tách cà phê mang đến cho bạn niềm vui, một hành động tử tế ngẫu nhiên của một người lạ hoặc thậm chí là hít thở không khí trong lành trong lúc đi dạo buổi sáng. Điều này sẽ cho phép bạn tập trung vào những điều tích cực trong ngày và nuôi dưỡng một tư duy lạc quan, một nốt nhạc hoàn hảo để kết thúc một ngày của bạn.”
Một nghiên cứu trên Tạp chí Tâm lý học về Tính cách và Xã hội cho thấy rằng, viết nhật ký về những điều mình biết ơn có thể giúp bạn cảm thấy lạc quan hơn. Một nghiên cứu khác trên Tạp chí Nghiên cứu về Hạnh phúc cũng chỉ ra rằng, ghi lại những việc tử tế mà bạn đã làm cũng là một cách hay để nuôi dưỡng tinh thần lạc quan.
Chưa kể đến việc viết ra những điều bạn biết ơn còn mang lại những lợi ích đáng kinh ngạc về mặt thể chất, bao gồm giấc ngủ ngon hơn, sức khỏe tim mạch được cải thiện, giảm đau nhức và ít triệu chứng trầm cảm hơn.
Nhân lúc đã mở sổ nhật ký ra, bạn cũng nên ghi lại những thành tích của mình. “Nghe có vẻ hơi “sến”, nhưng hãy bắt đầu ghi nhận những thành tựu trong cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của bạn. Làm như vậy sẽ giúp bạn tự tin hơn, mà tự tin thì sẽ lạc quan hơn”, Ward nói.
5. Nhận biết những gì bạn có thể – và không thể – kiểm soát
“Trong khi một số người không thể đối phó với sự bất định, thì những người sống tích cực lại có thể thích nghi và phát triển trong điều kiện đó. Hãy chấp nhận những gì bạn có thể và không thể kiểm soát trong mọi tình huống”, Hershenson nói. “Ví dụ, nếu bạn bị mất việc, bạn không thể thay đổi việc bạn bị sa thải. Nhưng bạn có thể chủ động tìm một công việc mới, cũng như chăm sóc bản thân bằng cách ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc.”
Thực hành mindfulness là một cách tuyệt vời để chống lại xu hướng suy nghĩ quá nhiều về những áp lực hàng ngày, mà việc suy nghĩ quá nhiều lại chính là mảnh đất màu mỡ cho sự tiêu cực nảy nở.
“Chúng ta thường suy nghĩ miên man mà không thực sự tập trung vào nhiệm vụ trước mắt”, Weiss nói. “Nếu bạn có thể học cách sống trong hiện tại (đồng thời cho phép những suy nghĩ khác xuất hiện trong đầu nhưng sau đó nhẹ nhàng để lại chúng) mà không phán xét hay suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai, bạn sẽ thấy rằng không còn nhiều chỗ cho sự bi quan”, Weiss nói.
6. Đừng quên ý thức cả về những điều tiêu cực
Cần nhớ rằng, cố gắng để trở nên lạc quan hơn không có nghĩa là phớt lờ những khó khăn hay thực tế phũ phàng. Mặc dù nhìn vào mặt tích cực của vấn đề là điều tốt đối với sức khỏe tinh thần, nhưng việc không thừa nhận những điều tiêu cực có thể gây cản trở cho bạn về lâu dài.
“Sự lạc quan có thể gây hại nếu nó khiến bạn mắc kẹt trong ảo tưởng và phủ nhận thực tế hiện tại của mình. Bạn có thể lạc quan về việc tìm được một công việc tốt hơn hoặc một mối quan hệ yêu đương mỹ mãn, nhưng nếu bạn không giải quyết những vấn đề cản trở bạn đạt được những mục tiêu đó, bạn sẽ không thể nào có được những gì mình muốn”, Ward nói. “Sự kết hợp giữa lạc quan và tư duy thực tế giúp con người ta vững vàng trong cuộc sống. Tư duy thực tế không có nghĩa là không nhìn thấy mặt tươi sáng của cuộc sống; hoàn toàn không phải vậy. Nó đơn giản là một cách để hỗ trợ cho sự lạc quan bằng những hành động thiết thực, để bạn có thể tạo ra một tương lai tích cực thay vì mắc kẹt trong ảo tưởng.”
Tác giả: Brianna Steinhilber
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo NBC News
Bình luận (0)