20/01/2024
Thời gian thực chất không giúp chữa lành vết thương nào cả. Việc chúng ta nỗ lực chăm sóc các tổn thương của chính mình mới là điều thực sự giúp những vụn vỡ trong lòng lành lại.
Ý chính trong bài:
Chữa lành những vết thương lòng không đồng nghĩa với việc xóa sổ chúng hoàn toàn. Chữa lành là khi những niềm đau không còn chi phối cuộc sống của bạn nữa. Để đạt được như thế, cần đến một quá trình chuyển hóa cẩn trọng. Điều quan trọng là sau quá trình chuyển hóa này, bạn sẽ không còn là phiên bản bạn “từng là”. Chữa lành không có nghĩa là quay trở lại quá khứ, mà là tạo dựng và định hình cho một phiên bản mới – vững chãi và có giá trị hơn.
Ai cũng mang trong mình những vết thương cần được chăm sóc. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà bản thân có thể bị tổn thương bất cứ lúc nào, từ những hình thức bạo lực trần trụi đến tinh vi. Trong số đó có thể kể đến sự phân biệt giới tính, kì thị, bắt nạt, đe dọa thể chất hoặc bắt nạt qua mạng, rối loạn chức năng gia đình hay thậm chí là những quy chuẩn về cái đẹp và thành công đều mang dấu hiệu của bạo lực.
“Khi lý trí cuối cùng cũng hiểu được điều gì đã xảy ra, những vết thương lòng đã in hằn quá sâu.” – Carlos Ruiz Zafon
Trong vài thế kỷ qua, tâm lý học phương Tây đã đạt được những thành công khác nhau trong nỗ lực áp dụng các kỹ thuật chữa lành những tổn thương. Về cốt lõi, đây là ngành khoa học tập trung vào việc giảm thiểu nỗi đau và cung cấp các phương pháp phù hợp để cải thiện cách suy nghĩ cũng như hành vi của mỗi cá nhân. Mục tiêu chung là tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống.
Dù vậy, sẽ không có phương pháp nào hữu hiệu nếu “người bị thương” không sẵn lòng thay đổi. Điều thường thấy là thay vì giải quyết vấn đề, người ta thường chọn phớt lờ chúng – dù chúng có thể là một sự việc đơn lẻ hoặc cả một quá khứ ám ảnh. Chúng ta cứ thế gồng mình, phòng thủ và tiến về phía trước không ngoảnh lại.
Không khó để có thể đoán đây lại là một chiến lược đối phó dở tệ. Một niềm tin sai lầm khác mà chúng ta vẫn thường mắc phải là việc tin rằng thời gian sẽ chữa lành tất cả mọi vết thương một cách tự nhiên. Thế là mặc nhiên chúng ta để tháng năm trôi qua rồi chờ đợi mọi việc được giải quyết mà không cần làm gì. Và chắc chắn thời gian sẽ không làm lành vết thương nào cả. Chúng ta hành động như thế nào trong khoảng thời gian đó mới là điều thực sự giúp những vết thương “lành lại”.
Làm lành vết thương: Truy tìm những ẩn ức
Alba, 30 tuổi, mất đi người cha thân yêu sau một cơn đột quy vào 8 tháng trước. Những người xung quanh từ người yêu, bạn bè đến gia đình, đều bất ngờ với cách cô ấy đối phó với nỗi đau của mình. Không nghỉ việc một ngày nào, ngược lại, cô trở nên tập trung quá mức và bắt đầu làm việc với tốc độ điên cuồng.
Chưa ai thấy cô khóc hoặc thể hiện bất kỳ phản ứng cảm xúc nào. Cô ấy tích cực hơn bao giờ hết. Cô hầu như không ở nhà. Dường như cô đang vắt kiệt sức cho công việc để không phải suy nghĩ hay cảm nhận gì cả. Khi đã mệt mỏi và căng thẳng cực độ, cô quyết định đến gặp bác sĩ để tìm được cách thư giãn và cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, bác sĩ đã khuyên cô đến gặp một tâm lý gia.
Qua những đánh giá ban đầu, tâm lý gia có thể nhìn thấy hai điều rất rõ ràng. Thứ nhất là Alba chưa trải qua bất kỳ giai đoạn nào của một quá trình đau buồn phổ biến. Thứ hai là cô đã tạo ra một phiên bản “Alba bình thường” nhằm che giấu một nỗi đau sâu sắc. Alba cần hàn gắn những vụn vỡ trong lòng mình – không chỉ mỗi sự mất mát khi cha cô qua đời mà cả những tổn thương trong quá khứ đang được kích hoạt bởi sự ra đi của cha cô. Tất thảy đang đảo lộn cuộc sống của Alba.
Câu chuyện của Alba nhắc nhở chúng ta lưu tâm hai điều. Khi đối mặt với cảm xúc đau khổ, trống rỗng và hoang mang từ những sang chấn như lạm dụng, mất mát hoặc sự phân biệt đối xử, chúng ta thường chỉ cố gắng phớt lờ và cho qua. Đó là lý do tại sao chúng ta tạo ra một phiên bản không thật của chính mình, một phiên bản để chối bỏ những gì đã xảy ra.
Dù chúng ta có tránh né hay chối bỏ thế nào, vết thương vẫn ở đó, âm ỉ đau. Rồi chúng sẽ từng chút một lan rộng và thậm chí “làm đau” thêm bằng những rối loạn tâm lý kèm theo (cô lập, rối loạn nhân cách, lo âu, trầm cảm, v.v…)
Sơ cứu cảm xúc
Trong cuốn sách The Primal Wound (Tạm dịch Vết thương sơ khởi), tiến sĩ John Firman khẳng định rằng chữa lành không có nghĩa là xóa bỏ đi những tổn thương tâm lý mà là việc cho phép bản thân tiếp tục phát triển và thay đổi. Quan trọng nhất là ta từng bước học cách “ôm ấp” những vết thương sâu.
Khi ai đó tìm đến sự hỗ trợ từ tham vấn tâm lý, điều đầu tiên họ chú ý là môi trường thấu cảm, một môi trường ấm áp và thân mật mà trong đó tâm lý gia đang cố gắng kết nối với thân chủ của mình. Từ đó, người thân chủ từng bước cố gắng thiết lập kết nối một cách cảm thông và sâu sắc với những thương tổn và nhu cầu bên trong. Họ phải tái kết nối với tất thảy nỗi đau mà họ đã cố gắng bỏ mặc và phớt lờ.
Bằng cách này, chúng ta có thể chữa lành vết thương sơ khởi và những hậu quả tiêu cực kéo theo, từng chút một. Đó là một quá trình cần thật nhiều kiên nhẫn và thận trọng. Tương tự, một điều khác mà Tiến sĩ Firman giải thích trong cuốn sách của ông là sự quan trọng của việc biết cách sơ cứu cảm xúc cho tất cả những vết thương mà chúng ta gặp phải mỗi ngày.
5 gợi ý sơ cứu cảm xúc để làm dịu nỗi đau
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: Nếu bạn chỉnh lại mái tóc của mình mỗi ngày, sao không làm điều tương tự với trái tim? Những vụn vỡ trong lòng hoàn toàn có thể lành lại, chỉ cần bạn bắt đầu ngay hôm nay.
Tác giả: Tâm lý gia Valeria Sabater
Biên dịch: Kim Ngân
Biên tập: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Theo Exploring Your Mind
Bình luận (0)