11/07/2024

Chúng ta phải cảm nhận được mất mát trước khi có thể vượt qua nó và trưởng thành

Đã đến lúc đối diện nỗi đau và khám phá một bản thân mới mẻ!

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: Unsplash

Vậy là gần một năm kể từ ngày bố tôi mất. Mặc dù bố tôi đã sống đến tuổi gần 90 và những vấn đề về sức khỏe của ông đã bắt đầu xuất hiện khi tôi còn nhỏ, thế nhưng sự ra đi của bố vẫn là một cú sốc khủng khiếp đối với tôi. Đến bây giờ, vẫn như thế. Sự ra đi của bố là điều có thể dễ dàng dự đoán trước, nhưng tôi vẫn không thể tin nổi. Sự thương tiếc trào dâng bên trong tôi mỗi khi tôi nghĩ về một trò đùa mà bố ưa thích, mỗi khi tôi nghe thấy lời dạy của bố vang lên trong đầu tôi và mỗi khi tôi nhìn thấy tro cốt của bố được cất trong lọ sốt mayonnaise hiệu Hellmann trên giá sách của tôi, cho đến khi tôi tìm được hộp đựng phù hợp hơn (Bố tôi thích đồ của Hellmann, nhưng không tới mức như thế). Mỗi lần tôi nức nở vì đau khổ, nghe có vẻ kỳ lạ nhưng tôi lại thấy biết ơn vì điều đó. Bởi tôi hiểu rằng dẫu sao cuộc sống khổ sở này còn tốt hơn rất nhiều so với những sự lựa chọn khác.

Nhiều năm trước, tôi từng là tình nguyện viên tham vấn cho những người đang trải qua đau buồn do tang chế, và tôi nhớ rất rõ khoảnh khắc trong chương trình đào tạo khi mọi thứ bỗng trở nên thông suốt. Công việc của tôi không phải là xóa bỏ nỗi đau buồn của mọi người, mà là giúp họ cảm nhận nỗi đau đó. Thật ra, bạn có thể không cần đến tham vấn hoặc trị liệu tâm lý nếu bạn đang thực sự trải qua giai đoạn đau buồn. Nhưng mấu chốt là, bạn có thể rất cần đến chúng nếu bạn KHÔNG trải qua điều đó. Nỗi đau buồn giống như một cơn ác mộng kinh hoàng và nó vốn dĩ phải như vậy. Vấn đề chỉ xảy ra khi nỗi đau đó bị kìm nén hoặc thậm chí chưa bắt đầu xuất hiện. Đó là lúc bạn cần một không gian an toàn, bạn cần thời gian, và cần một người lắng nghe thấu hiểu – người sẽ giúp bạn biết tự đối mặt với nỗi đau mất mát và tìm thấy sức mạnh để vượt qua nó.

“Đôi khi, thứ khiến chúng ta tổn thương là sự mất mát của một người, một mối quan hệ, hay thậm chí là một ước mơ đã tan vỡ. Vấn đề là, nếu chúng ta trốn tránh những cảm xúc của mình, chúng ta sẽ mãi bị mắc kẹt ở đó.”

Là một nhà tâm lý trị liệu theo trường phái tâm động học (psychodynamic), tôi đã học được rằng khả năng cảm nhận mất mát và đau buồn chính là nền tảng của sức khỏe tâm lý, từ thuở thơ ấu đến khi về già. Bất kể giai đoạn nào trong cuộc sống, việc không thể trải qua cảm giác mất mát và đau buồn đồng nghĩa với việc chúng ta bị kẹt lại, không thể phát triển, tuyệt vọng cố gắng níu giữ người nào đó hoặc thứ gì đó đã mất. Đó có thể là một người thân, một mối quan hệ hoặc một giấc mơ không thành hiện thực. Nhưng nếu chúng ta chỉ biết lướt web, dùng chất kích thích, hoặc trốn tránh cảm xúc của mình, thì kết quả sẽ giống nhau: chúng ta bị mắc kẹt. Không có mất mát, không có đau buồn, thì sẽ không có sự trưởng thành.

Thật thú vị – và cũng khá an tâm – là những kiến thức tôi học được trong quá trình đào tạo về tâm lý trị liệu cũng được khẳng định lại khi tôi nghiên cứu thông tin cho cuốn sách về tuổi trưởng thành của tôi. Khi hỏi mọi người về thời điểm họ nhận ra mình đã trưởng thành, nhiều người đã nói về việc mất mát một người thân yêu. Họ phải tự tìm kiếm sức mạnh nội tâm để đối mặt với sự mất mát đó và trải qua tất cả những cảm xúc đi kèm. Cuối cùng, họ cảm thấy trải nghiệm này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ và thúc đẩy sự trưởng thành theo một cách nào đó.

Một ví dụ là Sara, cô ấy luôn cảm thấy mình không biết phải làm gì trong những tình huống nhất định và cần phải nhờ người khác tư vấn – cho đến khi cô ấy mất mẹ và trải qua nỗi đau tang chế. Giờ đây, Sara cảm thấy mình có thể vượt qua mọi vấn đề và tự tìm ra giải pháp bên trong bản thân. Cô ấy nói: “Khi mẹ mất, tôi đã phải đi qua thử thách cam go và sống sót sau mất mát đó, bước tiếp và trưởng thành từ nỗi đau, trở thành phiên bản chân thực nhất của chính mình.”

Một số người khác nhận ra họ vẫn chưa thể thực sự đau buồn và điều đó đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Sam, người mất mẹ năm 13 tuổi, kể rằng anh chỉ khóc vào ngày tang lễ và không bao giờ cho phép mình khóc thêm lần nào nữa. “Tôi nghĩ đó là một điều rất tồi tệ,” anh nói. “Trong một thời gian, tôi cảm thấy ổn vì không còn đau đớn nữa. Nhưng bây giờ tôi thực sự đang gặp khó khăn trong việc cảm nhận bất cứ điều gì. Tôi cảm thấy nước mắt nên chảy ra khỏi đôi mắt này, nhưng chúng không thể.”

“Nếu không có dũng khí để trải qua nỗi đau buồn phức tạp này, thì một cuộc sống vô hồn, nửa vời đang chờ đợi chúng ta phía trước.”

Lúc đầu, khi bận rộn với những thủ tục hậu sự, viết điếu văn cho bố và chuẩn bị bánh ăn nhẹ dành cho khách đến viếng, tôi hoàn toàn không cảm thấy đau đớn. Tôi quá tập trung cố gắng giữ mọi thứ ngăn nắp đến nỗi quên mất mình như muốn gục ngã. Tôi cảm thấy hoàn toàn tách biệt khỏi bản thân và bố của tôi – như thể tôi chỉ đang sống nửa trong nửa ngoài cuộc đời mình. Mọi thứ đều mờ mịt vì tôi không thể cho phép bản thân nhìn rõ nỗi đau buồn của chính mình. Lúc đó, tôi biết rằng trạng thái này còn tồi tệ hơn cả việc cảm nhận sự mất mát, nhưng tôi cũng biết mình không thể ép bản thân cảm nhận điều gì đó mà mình chưa sẵn sàng. Giờ đây nhìn lại, tôi nghĩ có lẽ tôi đã rất sợ hãi tất cả những cảm xúc sắp ập đến. Và nỗi sợ đó là có cơ sở. Nhưng tôi biết mình cuối cùng phải đối mặt với chúng, bởi vì nếu không có dũng khí để trải qua nỗi đau buồn phức tạp này, thì một cuộc sống vô hồn, nửa vời đang chờ đợi tôi phía trước.

Vì vậy, tôi biết ơn nỗi đau buồn của mình, cùng với tất cả những đau đớn và tức giận đi kèm. Bởi vì tôi biết rằng đối với tôi, con đường này dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nó có thể không dễ dàng hơn, nhưng nó là chân thực, là sự thật, và nó là của tôi.

Tác giả: Moya Sarner – Nhà tâm lý trị liệu
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo The Guardian

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *