15/09/2023

Có thể bạn cần định nghĩa lại “sự thành công” nếu muốn nuôi dưỡng con mình trở thành người thành công

Thành công không hẳn là thước đo thành tích hay những điều hiện hữu bên ngoài, mà chính là nội lực bên trong (những thứ không dễ để định lượng).

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nếu hình dung con mình sẽ trở thành người thành công khi trưởng thành, bạn thấy điều gì? Theo một nghiên cứu của Pew Research, hầu hết các bậc cha mẹ đều hy vọng con cái họ lớn lên sẽ độc lập về tài chính và thoả mãn về sự nghiệp của chúng. Đây là những mục tiêu chính đáng, nhưng chúng chỉ là một phần nhỏ của định nghĩa thành công.

Một thước đo chung cho thành công là điều phi thực tế khi mỗi cá nhân trong xã hội đều có những điểm mạnh và yếu khác nhau, theo Lindsey Giller – nhà tâm lý học lâm sàng tại Học viện Child Mind. Đặc biệt là khi thước đo thành công dựa trên các yếu tố như: giá trị cá nhân, số lượng người theo dõi hoặc bạn bè, hoặc các loại bằng cấp.

“Khi nhắc về định nghĩa thành công với những đứa con của mình, tôi nghĩ về việc muốn chúng sẽ thích nghi tốt – những người có thể vượt qua thử thách cũng như những thăng trầm trong cuộc sống”, theo Giller. Ông chia sẻ thêm: “Tôi muốn chúng trở thành những người biết kêu gọi sự trợ giúp, biết cách lên tiếng cho bản thân và lợi ích của mình (self advocate) khi cần thiết và thích hợp, đồng thời dám đưa bản thân ra khỏi vùng an toàn và tự tin áp dụng những điều đó vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống như học tập, sáng tạo, đổi mới, phát triển bản thân.”

Thành công không phải là thước đo thành tích hay những điều hiện hữu bên ngoài, mà là nội lực bên trong (điều khó để định lượng) – Mission Prep (một chương trình điều trị sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên nội trú ở California) rất tán thành quan điểm này. Cô cho rằng, để thúc đẩy thành công theo hướng đó, cha mẹ nên giúp con trẻ xây dựng sự nhận thức vững vàng về bản thân (sense of self).

Nguồn: oohlaladesignstudio.blogspot.com

Chavez chia sẻ: “Bạn cần dẫn dắt và tạo điều kiện để con mình được trải nghiệm đầy đủ quyền tự quyết, có khả năng đưa ra những lựa chọn sáng suốt trong thế giới riêng của chúng. Thành công đối với thanh thiếu niên là khi chúng có thể bắt đầu phân biệt và dần tách khỏi hệ thống gia đình để thể hiện chính mình với tư cách là một cá nhân độc lập.”

Dưới đây là 5 cách để hỗ trợ con trẻ hiện thực hóa điều đó:

1. Khen ngợi hành vi thay vì tính cách

Chavez cho rằng, khi con bạn làm tốt điều gì đó, khen ngợi  là điều bình thường, nhưng hãy khen một cách cụ thể. Thay vì sử dụng lời khen phản ánh tính cách và toàn bộ con người của con (“Con thật là một đứa trẻ ngoan!”), hãy dành lời khen cụ thể cho hành vi bạn quan sát được và hành vi đó ảnh hưởng đến bạn như thế nào.

“Hãy nói với con bạn: ‘Con thấy tự hào về bản thân lắm đúng không?’; ‘Con có tự hào về bản thân không?’; ‘Con làm tốt lắm, con nên thấy tự hào về bản thân.’ thay vì: ‘Ba/Mẹ rất tự hào về con!’”. Bởi vì bạn không muốn con luôn phải tìm kiếm động lực bên ngoài, bạn muốn con làm những việc đó vì con cảm thấy muốn làm vì chính con, vì những cảm xúc con có được khi làm.”, Chavez chia sẻ.

Nguồn: behance.net

2. Giúp con rèn dũa trực giác 

Khi con tìm đến bạn vì chúng đang gặp phải vấn đề – chẳng hạn như tranh cãi với một người bạn – hãy chậm lại và cho chúng cơ hội sử dụng trực giác của mình thay vì đưa ngay giải pháp của bạn cho con. Bằng cách hướng tri giác của chúng quay về với tiếng nói nội tâm, bạn đang giúp con mình rèn luyện việc “tự tìm đáp án” qua những điều cơ thể và bộ não đang mách bảo. 

Bạn có thể sử dụng những lời gợi mở như: Mẹ có thể giúp con thế nào trong tình huống này? Con chỉ cần mẹ  lắng nghe hay con muốn nghe thêm lời khuyên của mẹ? Con có nghĩ ra cách gì đó giúp việc này tốt lên hay không? Con có cần mẹ giúp việc này không hay con muốn cố gắng tự mình giải quyết?

Chavez cho rằng: “Tôi khuyến khích các bậc cha mẹ chiêm nghiệm về vai trò của họ trong thế giới tuổi teen. Bạn có thấy mình giống như người giải quyết và sửa chữa vấn đề không? Hay bạn thấy vai trò thực sự của mình là giúp con nhận rõ những gì đang diễn ra và cung cấp thông tin chi tiết, kỹ năng và nguồn lực để con tự tìm hướng đi?”

3. Nhờ con bạn “giúp một tay”

Hãy giao một số việc nhà cho con. Bạn không chỉ được san sẻ bớt công việc mà điều này còn có lợi cho tinh thần của con về sau. Theo một nghiên cứu kéo dài 75 năm tại Harvard đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ làm việc nhà sẽ thành công hơn khi trưởng thành. Thước đo thành công đó bao gồm điểm cao về năng lực bản thân (self- competence), hành vi xã hội (prosocial behavior) và niềm tin vào năng lực tự thân (self-efficacy).

“Cách chúng ta xây dựng lòng tự trân trọng là thực hiện những hành động đem lại cảm giác này. Làm việc nhà mang lại cảm giác về tập thể, sự kết nối và bắt đầu xây dựng trách nhiệm cá nhân”, theo Chavez. 

Hướng dẫn con bạn cách thực hiện một nhiệm vụ, cùng nhau thực hành và sau đó đặt ra một mốc thời gian thực tế khi con tự thực hiện. Khi trẻ lớn hơn, điều này có thể mở rộng sang các trách nhiệm như tự tưới cây, cho mèo ăn.

“Quá trình này cần thời gian để xây dựng và điều chỉnh mức độ. Nếu bạn đột ngột giao những việc con chưa từng làm trước đây thì chuyện con giãy nảy lên phản đối không có gì đáng ngạc nhiên. Rõ ràng là con đang thiếu những hiểu biết, kỹ năng, và nguồn lực để làm những việc đó.”, Chavez chia sẻ thêm.

4. Lấy con làm “thước đo” cho chính con

Việc xem xét các cột mốc và thành tích của những đứa trẻ khác khi đánh giá sự tiến bộ của con mình là điều tự nhiên. Tuy nhiên, sẽ không có hai đứa trẻ nào có cùng một thang đo thành công. Vì vậy, chúng ta nên tập trung vào những bước tiến riêng biệt của con mình.

Giller nói: “Đối với một đứa trẻ mắc chứng lo âu, một việc đơn giản như đứng trước lớp để thuyết trình cũng là một khoảnh khắc thành công. Cha mẹ hãy tập trung vào khả năng hiện tại của con và tạm gác lại những tiêu chí khác, và để ý điều này cả trong ngôn ngữ khi giao tiếp trong gia đình.”

5. Tập trung vào thành công của chính bạn

Đây là một yêu cầu cao nhưng lại rất quan trọng: Để nuôi dạy những đứa trẻ thích nghi tốt, cha mẹ cũng cần phải nỗ lực cải thiện bản thân. Bạn phải tự điều chỉnh cảm xúc của mình vì bạn sẽ là tấm gương tốt nhất cho con bạn noi theo, để từ đó chúng có thể hình thành những hành vi mà bạn mong đợi.

Nguồn: kimdraws.tumblr.com

Chavez gợi ý một cách khá đơn giản để điều tiết cảm xúc và gia tăng khả năng tự nhận thức. Khi ở trong một tình huống có nhiều cảm xúc trực trào, hãy gọi tên những gì bạn đang cảm thấy và những gì bạn quyết định sẽ làm vì những cảm xúc đó. Đây cũng là cách bạn làm mẫu cho con, khi con trẻ ở độ tuổi vị thành niên đang phải học cách dừng lại lắng nghe cảm xúc và suy xét thay vì hành động bốc đồng ngay lập tức.

“Ví dụ, nếu bạn nhận được tin nhắn hủy hẹn từ một người bạn và con bạn nhận thấy phản ứng của bạn, bạn có thể nói, ‘Lâu rồi không được gặp cô A nên mẹ (ba) mong đợi dữ lắm, vậy mà lại không gặp được rồi. Bây giờ mẹ đang cảm thấy rất thất vọng, buồn ghê vậy đó.” Chavez nói.

Thật không dễ dàng khi phải thay đổi khái niệm thành công vốn đã hiển nhiên trong nếp nghĩ của chúng ta. Nhưng sự thật là thành công không chỉ bao gồm những thành tựu “hữu hình” dễ dàng định lượng. Bằng việc thấu hiểu sâu sắc điều này, cha mẹ không chỉ cởi bỏ bớt áp lực “phải thành công” cho con mà còn có thể trở nên trung dung hơn trong sự nghiệp nuôi dạy con cái của mình. 

Tác giả: Rachel Reiff Ellis
Biên dịch: Kim Ngân
Biên tập: AGATE
Theo Fortune

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *