20/02/2025

Đi qua nỗi đau “chia tay” như thế nào?

Bạn có biết rằng chia tay cũng là một cơ hội để bạn phát triển và yêu thương bản thân nhiều hơn?

Rate this post

Ý chính trong bài:

Vượt qua nỗi đau chia tay là một quá trình đầy thử thách. Khi yêu, chúng ta tạo ra sự gắn bó sâu sắc với đối phương, và sự gắn bó này rất mạnh mẽ. Nó thúc đẩy chúng ta muốn gần gũi với người mình yêu thương và ta cảm thấy vô cùng đau khổ khi mất đi một người quan trọng trong cuộc đời. Nỗi đau này có thể khiến ta hoảng loạn khi nghĩ đến việc không bao giờ gặp lại người yêu cũ, tuyệt vọng về tương lai và cảm thấy mất mát, bị bỏ rơi. Nỗi đau mất mát này vẫn tồn tại ngay cả khi bạn biết chia tay là lựa chọn tốt nhất và ngay cả khi bạn là người nói lời chia tay.

Bao lâu thì bạn vượt qua được nỗi đau chia tay?

Vượt qua chia tay là cả một quá trình và thời gian cần thiết tùy thuộc vào mức độ gắn bó của mối quan hệ và hoàn cảnh kết thúc. Thông thường, mọi người bắt đầu cảm thấy khá hơn sau vài tuần đến vài tháng, nhưng quá trình chữa lành hoàn toàn có thể kéo dài hơn, đặc biệt nếu mối quan hệ hoặc cuộc chia tay đó phức tạp.

Những mối quan hệ lâu dài và sâu sắc thường mất nhiều thời gian hơn để vượt qua. Bạn cũng cần nhiều thời gian hơn để hồi phục sau một cuộc chia tay bất ngờ hoặc khi bạn không hiểu rõ lý do chia tay. Những mối quan hệ độc hại có thể để lại nhiều tổn thương tâm lý, như lòng tự trân trọng thấp hoặc nỗi lo âu về sự gắn bó, khiến quá trình chữa lành kéo dài hơn. Và đôi khi, chúng ta tự làm khó mình bằng cách níu kéo quá khứ, ngay cả khi mối quan hệ đã kết thúc, điều này cản trở quá trình hồi phục.

Nếu tôi không muốn chia tay thì sao?

Sự thật đáng buồn là, một mối quan hệ cần đủ hai người để xây dựng, nhưng chỉ cần một người để kết thúc. Mối quan hệ sẽ chấm dứt ngay khi một trong hai người không còn muốn tiếp tục. Nếu bạn khó chấp nhận sự thật này, dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích để bạn tự nhủ trong những lúc khó khăn.

Nhớ nhung người yêu cũ không đồng nghĩa với việc bạn nên quay lại với họ. Bạn hoàn toàn có quyền nhớ họ! Thậm chí bạn có quyền ước rằng mối quan hệ chưa bao giờ kết thúc. Việc cảm nhận trọn vẹn cảm xúc không có nghĩa là bạn phải hành động theo chúng và quay lại với người cũ.

Bạn không nên ở trong một mối quan hệ với người không muốn ở bên bạn. Bạn không thể ép buộc ai đó hãy yêu bạn. Bạn xứng đáng có được một người yêu bạn nhiều như bạn yêu họ.

Giá trị và phẩm giá của bạn không phụ thuộc vào một mối quan hệ tình cảm. Hãy tập trung xây dựng một cuộc sống ý nghĩa cho riêng mình, dù có người yêu hay không. Nếu bạn xây dựng được một mối quan hệ gắn bó an toàn với chính mình, những mối quan hệ sau này sẽ lành mạnh hơn rất nhiều.

Sự khép lại đến từ bên trong bạn, không phải từ người yêu cũ. Thay vì tìm kiếm sự khép lại từ họ, hãy tập trung vào việc tự mình nhìn nhận và hiểu rõ những trải nghiệm trong mối quan hệ và cuộc chia tay. Bạn không cần phải thích hay đồng tình với việc chia tay, nhưng hãy cố gắng chấp nhận thực tế.

3 bước để vượt qua chia tay

Khi tư vấn cho thân chủ đang trải qua vấn đề chia tay, tác giả thường đưa ra ba lời khuyên chính: 1) tạm thời ngừng liên lạc; 2) tập trung vào bản thân và các mối quan hệ khác; 3) cho phép bản thân trải qua trọn vẹn mọi cảm xúc.

Đầu tiên, cách tốt nhất để chấp nhận sự kết thúc của một mối quan hệ là tạm thời ngừng liên lạc với người yêu cũ. Bạn cần cho tâm trí và hệ thần kinh thời gian để buông bỏ sự gắn bó. Mỗi lần tiếp xúc với người yêu cũ, dù chỉ là xem bài đăng của họ trên mạng xã hội, điều đó sẽ kích hoạt lại cảm xúc gắn bó và kéo dài thời gian phục hồi của bạn. Làm bạn với người yêu cũ là điều tốt, nhưng chỉ nên thực hiện sau khi bạn đã có đủ thời gian và không gian để thực sự buông bỏ mối quan hệ. Vì vậy, sau khi chia tay, hãy ngừng liên lạc trực tiếp (không nhắn tin, gọi điện hay gặp gỡ), tắt thông báo của họ trên mạng xã hội và nhờ bạn bè chung không nhắc đến họ với bạn. Bạn sẽ biết mình sẵn sàng liên lạc lại khi không còn nghĩ về người yêu cũ hàng ngày nữa.

Cuối cùng, điều quan trọng là bạn phải cho phép bản thân trải nghiệm trọn vẹn những cảm xúc sau chia tay. Mất mát một mối quan hệ là một quá trình đau buồn và bạn có thể trải qua tất cả những cảm xúc thường thấy như: buồn bã, tức giận, phủ nhận, tuyệt vọng, và nhiều hơn nữa. Hãy chống lại sự cám dỗ làm tê liệt cảm xúc bằng rượu bia, tình dục bừa bãi hoặc vội vàng bước vào mối quan hệ mới. Cảm xúc có vòng đời tự nhiên của nó và nếu bạn không dành thời gian và không gian để xử lý chúng, chúng sẽ ẩn sâu và gây ra vấn đề vào những thời điểm không mong muốn. Bạn có thể sợ hãi bị cảm xúc nhấn chìm nhưng hãy nhớ rằng cảm xúc, ngay cả những cảm xúc mãnh liệt và đau đớn nhất, đều vô hại và không tồn tại mãi mãi. Nếu bạn mở lòng để cảm nhận chúng, chúng sẽ đến và đi như những con sóng. Hãy hít thở sâu khi những con sóng cảm xúc ập đến và tự nhủ rằng bạn sẽ ổn thôi.

Tận dụng tối đa việc chia tay

Khi chúng ta đầu tư thời gian và nỗ lực vào việc chăm sóc bản thân, xây dựng cuộc sống ý nghĩa và xử lý những trải nghiệm, cảm xúc của mình, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa tích cực ngay cả từ những trải nghiệm khó khăn nhất. Hãy tìm kiếm những khía cạnh giúp bạn trưởng thành hơn sau cuộc chia tay. Bạn có đang học cách đối mặt với những cảm xúc khó khăn? Bạn có rút ra được những bài học quý giá về tình yêu và các mối quan hệ? Bạn có trân trọng những kỷ niệm đẹp trong quá khứ? Tất cả những điều này đều vô cùng quý báu, ngay cả khi bản thân cuộc chia tay là rất đau lòng.

Tác giả cũng khuyến khích thân chủ tận hưởng cuộc sống độc thân một cách trọn vẹn. Nghe có vẻ lạ khi các chuyên gia tư vấn hôn nhân nói điều này, nhưng cuộc sống của bạn còn nhiều điều hơn là các mối quan hệ tình cảm! Thời gian độc thân là cơ hội quý giá để khám phá sở thích, đam mê và con người bạn. Hãy thử những điều mới mẻ, đi khám phá, gặp gỡ những người mới. Hãy tìm hiểu bản thân và những gì bạn yêu thích. Hãy tập trung yêu thương chính mình, hơn là bất kỳ ai khác.

Tác giả: Chandra Khalifian, Ph.D., and Kayla Knopp, Ph.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *