11/07/2024
Ý niệm về bản thân (Sense of Self) thường tiết lộ cách bạn nhìn nhận về chính mình và giá trị nội tại mà bạn đang theo đuổi.
Ý chính trong bài:
Mỗi người chúng ta đều có một “tấm gương bên trong”, phản chiếu cách chúng ta đánh giá về mình và bản sắc của mình, có thể theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Hình ảnh về bản thân mà bạn có trong trí của mình được các nhà tâm lý học gọi là “khái niệm về bản thân” (self-concept), hay “sense of self” (tạm dịch: cảm nhận về bản thân/ cảm nhận về cái ngã/ ý niệm về chính mình).
Ý niệm về bản thân và cách nhìn nhận về bản sắc cá nhân có thể ảnh hưởng đến quan điểm của bạn về sự thành công, thất bại hay ý nghĩa của bạn trong cuộc sống.
Để có một “strong sense of self” (tạm dịch: ý niệm mạnh mẽ về bản thân), chúng ta cần nhìn vào bên trong để có thể hiểu sâu sắc cách ta đánh giá, suy nghĩ và cảm nhận về chính mình.
Sense of self là gì?
Ý niệm về bản thân là cách bạn nhìn nhận mình như một tổng thể, là điều khiến bạn khác biệt so với những người khác.
Ý niệm về bản thân, còn được gọi là ‘khái niệm về bản thân’, thường đóng vai trò định hướng cách bạn đưa ra đánh giá và cũng có thể ảnh hưởng đến tính khí và hành vi của bạn.
Ý niệm về bản thân – bạn là ai và bạn tin mình là ai – thường có nhiều khía cạnh. Nó có thể bao gồm nhận thức về những giá trị của bản thân, tính cách và các mối quan hệ của bản thân.
Bạn có thể nhìn nhận về chính mình theo những cách khác nhau tùy thuộc vào vai trò mà bạn đảm nhận trong cuộc sống, chẳng hạn như bạn trong vai cha mẹ hoặc anh chị em trong gia đình sẽ khác với bạn trong vai tại nơi làm việc và trong đời sống cá nhân. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng vẫn là một người duy nhất.
Thế nào là một ý niệm mạnh mẽ về bản thân?
Chấp nhận bản thân như mình vốn là có thể là yếu tố quan trọng để xây dựng một ý niệm mạnh mẽ về bản thân. Hiểu rằng không có ai là hoàn hảo và mọi người đôi khi sẽ mắc sai lầm cũng giúp củng cố cho cảm nhận về bản thân của chính mình.
Ý niệm mạnh mẽ về bản thân nghĩa là một người sở hữu một hình dung rõ ràng và thống nhất về chính mình – đôi khi được gọi là “sự rõ ràng về khái niệm bản thân”.
Chẳng hạn, những người có niềm tin vào giá trị bản thân (self-worth) thường ít có khả năng gục ngã khi bị chỉ trích. Hoặc, bạn có thể thoải mái chấp nhận rủi ro hơn vì bạn tin vào khả năng hồi phục của mình khi mọi thứ không được suôn sẻ.
Thế nào là một ý niệm mờ nhạt về bản thân?
Những người không có ý niệm rõ ràng về bản thân có thể có một giọng nói chỉ trích ở bên trong nội tâm, rất “ồn ào” hoặc dai dẳng. Có một tiếng nói tiêu cực như thế trong đầu có thể hủy hoại sự tự tin và khiến bạn cảm thấy vô vọng.
Những dấu hiệu cho thấy ý niệm về bản thân của bạn có thể cần được củng cố:
Tính chân thực và Ý niệm mạnh mẽ về bản thân
Cố gắng sống chân thực với chính mình có thể giúp bạn có được một hình dung rõ ràng hơn về bản thân. Các nhà nghiên cứu coi tính chân thực là khía cạnh cơ bản nhất của cảm nhận hạnh phúc (well-being) và là cốt lõi của một cuộc sống lành mạnh.
Jill Osborne, một nhà tham vấn chuyên nghiệp từ Georgia, nói rằng một phần của việc sống thật với bản thân là trung thực với chính mình lẫn người khác về con người của bạn, cả về những điểm mạnh và điểm hạn chế.
Tính chân thực cũng có nghĩa là sẵn sàng thay đổi nếu cần thiết, Jill Osborne nói.
Nếu bạn dành thời gian để suy nghĩ về những niềm tin của mình và sẵn sàng bảo vệ điều gì đó quan trọng với bạn, thì khả năng cao là bạn có một cảm nhận về bản thân rất rõ ràng.
Tầm quan trọng của việc có một Ý niệm mạnh mẽ về bản thân
Các nghiên cứu từ năm 2014 cho thấy một cảm nhận thống nhất về bản thân có thể liên quan đến lòng tự trân trọng (self-esteem) và mục đích sống của một người.
Một ý niệm mạnh mẽ về bản thân có thể cho phép bạn tin tưởng vào khả năng và đánh giá của mình, cũng như duy trì sự tự tin để đề ra mục tiêu và đạt được chúng.
Ảnh hưởng của việc không có ý niệm mạnh mẽ về bản thân (low sense of self)
Một số nghiên cứu khác cho thấy, việc không rõ ràng về khái niệm bản thân có thể liên quan đến:
Những sự không chắc chắn như vậy có thể kích thích những suy nghĩ tiêu cực hoặc tự ti, gây hại cho sức khỏe tâm thần của bạn theo thời gian.
Ví dụ, ý niệm về bản thân của bạn có thể xấu đi hoặc giảm sút nếu bạn liên tục nói những điều tiêu cực với chính mình như:
Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến cảm nhận về bản thân
Niềm tin mạnh mẽ vào giá trị bản thân và những gì bạn có thể đóng góp là yếu tố then chốt để phát triển hoặc duy trì một ý niệm mạnh mẽ về bản thân.
Việc lớn lên trong một gia đình đầm ấm với sự yêu thương và hỗ trợ từ cha mẹ hoặc người chăm sóc thường được ví như “một hạt giống của giá trị bản thân”, hạt giống này sẽ tiếp tục triển nở cho đến khi bạn trưởng thành, Osborne chia sẻ.
Những người có cái nhìn tự ti về bản thân có thể đã từng trải qua bạo hành hoặc sang chấn. Osborne thường nhắc các thân chủ của mình rằng những điều tồi tệ xảy ra trong quá khứ không nhất thiết ràng buộc và định nghĩa cách bạn nhìn nhận bản thân hay sống cuộc sống ở hiện tại.
Làm thế nào để phát triển và củng cố cảm nhận về bản thân
Những cuộc đối thoại nội tâm và những lời chỉ trích bản thân có thể tiết lộ những “manh mối” quan trọng về điều bạn thích hoặc không thích ở chính mình. Chúng giúp bạn nhìn nhận những điểm bạn nên tập trung cải thiện và tôn vinh những phẩm chất đáng trân trọng mà bạn đang có.
Dưới đây là một số điều cần cân nhắc để phát triển và củng cố cho “sense of self” của bạn:
Nuôi dưỡng bản thân
Osborne lưu ý rằng: “Bất cứ điều gì bạn có thể làm để nuôi dưỡng khía cạnh tích cực của bản thân đều có thể hữu ích.”
Nếu bạn cảm thấy không kết nối được với bản chất thật của mình, hãy cân nhắc xem bạn sử dụng thời gian rảnh của mình vào những việc gì? Liệu những việc đó có truyền tải những thông điệp mang tính hỗ trợ và giúp bạn xây dựng sự tự tin hay không?
Bao quanh bản thân bởi một môi trường mang tính hỗ trợ
Khi bạn ở gần những người luôn ủng hộ bạn, họ có thể giúp bạn nhận ra những điều tuyệt vời nhất ở bản thân, từ đó giúp củng cố cảm nhận về bản thân bạn.
Hướng đến đức tin hoặc tâm linh cũng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân.
Osborne, người tìm thấy sức mạnh từ đức tin, cho rằng việc có một con đường tâm linh – hay “một điều gì đó lớn lao hơn bản thân bạn” – có thể là điểm tựa vững chắc và là nguồn sức mạnh khi bạn gặp khó khăn.
Chữa lành những vết thương quá khứ
Osborne giải thích rằng, việc xử lý những vết thương lòng và chữa lành những sang chấn tâm lý có thể hữu ích trong việc cải thiện “sense of self”.
Tìm đến trị liệu tâm lý là một cách để giải quyết vấn đến liên quan đến sự thiếu cảm nhận về bản thân. Nhà trị liệu hoặc nhà tham vấn có thể giúp bạn xác định những nguyên nhân khả dĩ khiến bạn thiếu tự tin hoặc khiến bạn mất kết nối với chính mình. Họ cũng có thể hướng dẫn bạn một số kỹ năng ứng phó quan trọng và các chiến lược giúp xây dựng lòng tự tin.
Tạm kết
Ý niệm về bản thân – cách bạn nhìn nhận về giá trị của bản thân – có thể liên quan đến lòng tự trân trọng của bạn và cảm giác như thể bạn hiểu được lẽ sống của mình.
Khi không có một ý niệm mạnh mẽ về bản thân, bạn có thể cảm thấy mất phương hướng hoặc quá khắt khe với bản thân.
Ý niệm mạnh mẽ về bản thân có thể liên quan đến niềm tin của bạn với chính mình, hoặc liên quan đến cách bạn được nuôi dưỡng. Những người không có ý niệm mạnh mẽ về bản thân có thể đã trải qua những biến cố hoặc sang chấn trong quá khứ.
Khi hiểu được toàn bộ con người của mình, bạn sẽ có thể trân trọng bản thân một cách sâu sắc. Chấp nhận những khía cạnh tích cực của tính cách sẽ củng cố lòng tự trân trọng của bạn và có thể hỗ trợ bạn có một đời sống chân thật.
Hãy cân nhắc những điều sau để giúp bạn nuôi dưỡng một ý niệm mạnh mẽ về bản thân:
Tác giả: Catherine Kolonko
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psych Central
Bình luận (0)