26/04/2024
Khám phá 7 yếu tố cấu thành nên niềm tin.
Ý chính trong bài:
Niềm tin là nền tảng của mọi mối quan hệ lành mạnh. Nhưng niềm tin thực chất có ý nghĩa là gì? Từ điển Oxford định nghĩa niềm tin là: “sự tin tưởng vững chắc vào độ đáng tin cậy, độ chân thực, khả năng hoặc sức mạnh của một người hoặc một điều gì đó”. Ngoài định nghĩa này, chúng ta thực sự biết gì về việc làm thế nào để tạo dựng niềm tin cho một mối quan hệ?
Nhà nghiên cứu và diễn giả nổi tiếng Brené Brown đã đào sâu vào những nguyên tắc cơ bản là cơ sở của lòng tin dựa trên các nghiên cứu, bà đã chỉ ra 7 yếu tố chính được viết tắt là “BRAVING” (tạm dịch: sự can đảm). Dưới đây là các yếu tố được phát hiện:
1. Boundaries (Ranh giới)
Trước tiên, lòng tin bắt đầu từ việc có những ranh giới rõ ràng và minh bạch. “Tôi tin tưởng bạn nếu bạn rõ ràng về các giới hạn của mình và bạn giữ vững chúng. Bạn cũng hiểu rõ các giới hạn của tôi, và bạn tôn trọng chúng,” bà giải thích. “Không thể có sự tin tưởng nếu như không có những ranh giới.”
2. Reliability (Sự đáng tin cậy)
Yếu tố tiếp theo của lòng tin là sự đáng tin cậy. Theo Brown, đáng tin cậy có nghĩa là lời nói và hành động của bạn LUÔN thống nhất với nhau. “Bạn là người nói là làm và bạn luôn như thế. Bạn không thể giành được sự tin tưởng của người khác nếu chỉ tỏ ra đáng tin cậy duy nhất một lần, đó không phải là định nghĩa của sự đáng tin cậy.”, Brown chia sẻ. Bà cũng nhấn mạnh điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta cần biết rõ về các giới hạn của bản thân để không nhận quá nhiều thứ về mình, dẫn đến cuối cùng không thể hoàn thành hết chúng.
3. Accountability (Nhận trách nhiệm)
Brown giải thích rằng chịu trách nhiệm liên quan đến khả năng thừa nhận các sai lầm và biết nhận lỗi vì sai lầm đó, điều này thúc đẩy lòng tin giữa người với người. Hơn nữa, Brown nói thêm, trong các mối quan hệ, “Tôi chỉ có thể tin tưởng bạn nếu khi tôi mắc lỗi, tôi được phép thừa nhận nó, tôi được nói lời xin lỗi và được sửa sai.”
4. Vault (Sự tôn trọng tính riêng tư)
Những gì được nói ra “ở đâu, với ai” cần được để lại “nơi đó, cùng người ấy”, đó là nền tảng của sự tin tưởng. Chúng ta thường luôn mong đợi người khác giữ bí mật về những điều chúng ta tâm sự. Và thực tế, chúng ta có thể cảm nhận rất rõ khi ai đó làm lộ bí mật của người khác, Brown nhấn mạnh. “Đây là lúc ta mất đi niềm tin với người đó.” – bà chia sẻ. “Vậy nên, ‘vault’ không chỉ là việc bạn giữ bí mật của tôi. Nó còn là việc trong mối quan hệ của chúng ta, tôi thấy bạn thực sự tôn trọng sự riêng tư”.
5. Integrity (Chính trực)
Brown chỉ ra rằng, chính trực có thể là một thuật ngữ khá mơ hồ, vì vậy bà đã tự đưa ra một định nghĩa gồm 3 phần. Theo bà, chính trực là: “Lựa chọn sự dũng cảm thay vì sự thoải mái; chọn điều đúng đắn thay vì vui vẻ, nhanh chóng hoặc dễ dàng; và luôn hành động theo các giá trị của mình, chứ không chỉ nói về chúng”.
6. Nonjudgment (Không phán xét)
Theo Brown, mối quan hệ đạt được sự không phán xét khi bạn có thể kêu gọi sự giúp đỡ hoặc đối mặt với khó khăn mà không bị người khác đánh giá. Ngược lại, đối phương cũng nhận được điều tương tự từ bạn. Brown cho rằng điều này có thể không dễ dàng vì chúng ta thường cảm thấy giúp đỡ người khác dễ dàng hơn là hỏi xin sự giúp đỡ. “Chúng ta nghĩ mình đang có những mối quan hệ tin cậy với những người thực sự tin tưởng chúng ta, vì ta luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Nhưng thật ra, nếu bạn không thể hỏi xin sự giúp đỡ từ đối phương và đối phương cũng không thể đáp lại điều đó – thì đây không phải là mối quan hệ tin cậy.”
7. Generosity (Sự rộng lượng)
Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là sự rộng lượng. Mọi người đều có thể mắc sai lầm, kể cả những người bạn tin tưởng. Tuy nhiên, khi ai đó mắc lỗi, sự rộng lượng – một thành tố của sự tin tưởng – trở nên quan trọng. “Khi tôi làm sai, bạn vẫn dành cho tôi những suy nghĩ tốt đẹp trước khi làm rõ được vấn đề”, Brown chia sẻ.
Ví dụ, thay vì nổi giận với một người bạn tin tưởng khi họ làm bạn buồn, bạn có thể nói: “Dù mình có hơi buồn một chút, nhưng mình biết bạn quan tâm mình và không có ý muốn làm mình tổn thương như vậy”. Cứ như thế, mâu thuẫn được giải quyết, bằng sự hào phóng, cùng với sự tin tưởng và cảm thông.
Tạm kết
Brown kết lại rằng, khi chúng ta phân tách niềm tin thành các thành tố cụ thể và yêu cầu những gì chúng ta cần một cách rõ ràng, ta có thể xây dựng được niềm tin trong các mối quan hệ tốt hơn. Điều quan trọng cần nhớ là tất cả những nguyên tắc này cũng được áp dụng cho việc xây dựng niềm tin ở chính bản thân mình (self-trust), điều được coi là nền tảng cho mọi mối quan hệ tin cậy khác.
Dó đó, dù bạn đang gặp khó khăn với việc tin tưởng vào bản thân hay tin tưởng vào người khác, hãy để ý đến 7 yếu tố được nêu ở trên trong các cuộc trò chuyện với chính mình hoặc người khác. Bạn càng hiểu rõ bản chất của niềm tin, bạn càng có khả năng nuôi dưỡng nó từ bên trong bạn cũng như bên trong mối quan hệ với những người xung quanh.
Tác giả: Sarah Regan
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo mindbodygreen.com
Bình luận (0)