17/12/2024

Đôi khi chúng ta cũng cần “bước ra” khỏi mối quan hệ một chút!

Xây dựng tình yêu vững chắc hơn bằng cách sống trọn vẹn cuộc sống riêng và khám phá những điều mới mẻ.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Các mối quan hệ tình cảm ngày nay thường đi kèm với những kỳ vọng rất lớn. Chúng ta muốn đối phương vừa là bạn thân, vừa là tri kỷ, vừa là người cùng nuôi dạy con cái, chăm sóc lẫn nhau, và là người yêu lý tưởng. Thật khó để một người có thể đáp ứng được tất cả những điều này; thế nên cũng không có gì lạ khi nhiều mối quan hệ đang dần trở nên ngột ngạt bởi những kỳ vọng trên.

Xã hội ngày nay xem tình yêu đôi lứa như một niềm tin tôn giáo, đặt lên nó trọng trách phải mang đến hạnh phúc, mục đích sống và sự trọn vẹn cho nhau. Nhưng sự thật là, nửa kia không thể khiến cho bạn trở nên “hoàn thiện”. Hãy thử tìm kiếm niềm vui, những mối quan hệ và nguồn cảm hứng mới bên ngoài tình yêu ấy. Đó không phải là không chung thủy, mà là cách để bạn sống lành mạnh và hạnh phúc hơn.

Tìm kiếm những người bạn cùng sở thích

Hãy đối mặt với sự thật: Bạn và người ấy không thể có chung tất cả mọi sở thích. Có thể bạn thích tham gia những buổi thử rượu, còn người ấy lại thích đến spa. Hoặc có thể người ấy mê xem thể thao trên TV trong khi bạn đam mê nghệ thuật và anime. Cố gắng ép buộc nhau có chung sở thích chỉ khiến cả hai thêm chán nản và bực bội.

Thay vào đó, bạn nên tìm những người có cùng đam mê. Chẳng hạn, nếu bạn có sở thích xem đá bóng hoặc tham quan triển lãm, bạn có thể cùng bạn bè hoặc cùng đồng nghiệp làm điều này. Bằng cách đó, bạn vừa có thể tận hưởng trọn vẹn sở thích của mình, vừa tạo không gian riêng cho người ấy nghỉ ngơi hoặc gặp gỡ bạn bè, người thân của họ.

Lúc mới yêu, việc lúc nào cũng ở bên nhau và làm mọi thứ cùng nhau quả là điều thú vị. Nhưng theo thời gian, việc có cho mình những sở thích riêng cũng là điều hoàn toàn bình thường. Sự cân bằng giữa các hoạt động chung và riêng là yếu tố quan trọng của một mối quan hệ lành mạnh.

Thực hành nghệ thuật của sự buông bỏ

Bản năng của chúng ta thường mách bảo ta hay “thêm vào” – thêm hoạt động, thêm sở thích chung – như một cách để khỏa lấp sự thiếu thỏa mãn. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, con người thường mặc định cách tốt nhất để cải thiện điều gì đó là cứ thêm vào, chẳng hạn như thêm nguyên liệu khi nấu ăn hay thêm điểm đến vào lịch trình du lịch. Nhưng thực tế lại chứng minh, nhiều khi, “bỏ bớt” mới là giải pháp hiệu quả.

Điều này cũng đúng với các mối quan hệ, nơi xu hướng “thêm vào” này có thể phản tác dụng. Khi cảm thấy xa cách, các cặp đôi thường nghĩ rằng giải pháp là dành nhiều thời gian hơn cho nhau hoặc cùng nhau tham gia các hoạt động ưa thích chung: Chơi tennis hay học nhảy salsa cùng nhau chẳng hạn? Nhưng, giống như nhiều người đã nhận ra trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19, việc ở bên nhau quá nhiều có thể gây cảm giác ngột ngạt.

Điều mà nhiều cặp đôi cần là không gian riêng và sự độc lập. Bớt đi đôi khi lại khiến ta có nhiều hơn. Thời gian xa nhau và những hoạt động riêng sẽ khiến những khoảnh khắc bên nhau trở nên ý nghĩa hơn. Sự xa cách dường như khiến tình cảm thêm gắn kết, và thời gian xa nhau cho mỗi người cơ hội để nhớ nhung và trân trọng đối phương hơn.

Riêng chuyện “giường chiếu” thì không thể chia sẻ với người nào khác được. Tuy rằng với một số người, mối quan hệ mở có vẻ là lựa chọn phù hợp, nhưng nó thường khá phức tạp và dễ nảy sinh nhiều vấn đề về cảm xúc. Thực tế là với hầu hết các cặp đôi, đây không phải là giải pháp khả thi. Nếu bạn đang cảm thấy có gì đó thiếu thiếu trong mối quan hệ hiện tại, trước hết hãy thử tìm cách hâm nóng tình cảm bằng những phương thức lành mạnh, không liên quan đến chuyện “ngoài luồng”.

Đừng dựa dẫm vào người ấy. Hãy cùng nhau nỗ lực

Tất nhiên, yêu đương là phải hỗ trợ lẫn nhau, nhưng người yêu không phải là chuyên gia tâm lý hay chuyên gia tư vấn cuộc sống của bạn. Nếu bạn cứ liên tục dựa dẫm vào người ấy để có động lực, sự an ủi hay để giải tỏa căng thẳng, bạn sẽ vô tình tạo ra một mối quan hệ ngột ngạt, khiến cả hai đều cảm thấy mệt mỏi.

Văn hóa đại chúng thường gieo vào đầu chúng ta suy nghĩ rằng, một mối quan hệ tốt sẽ giúp chúng ta trở nên “hoàn thiện”. Nhưng sự thật phũ phàng là chẳng ai có thể làm được điều đó, ngoài chính bạn. Bạn là một cá thể độc lập, tự chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của bản thân. Nếu gặp khó khăn hay có vấn đề cần giải quyết, hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình, hoặc chuyên gia. Đừng trông chờ rằng người ấy sẽ giải quyết vấn đề cho bạn, và cũng đừng ôm đồm trách nhiệm phải giải quyết vấn đề của họ.

Việc đảm bảo bản thân ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên hay đi ngủ đúng giờ là trách nhiệm của chính bạn, chứ không phải của nửa kia. Bạn không cần ai phải cằn nhằn, thúc giục, nhắc nhở hay trấn an. Điều đó chỉ khiến đối phương cảm thấy mệt mỏi mà thôi. Hãy chú ý đến những biểu hiện ỷ lại của bản thân vào người ấy.

Lan tỏa yêu thương

Con người vốn là sinh vật sống theo cộng đồng. Nhưng trong thế giới hiện đại, khi mà mỗi người đều bận rộn với cuộc sống riêng, chúng ta dần đánh mất sợi dây kết nối với những người xung quanh. Tuy người yêu/người bạn đời rất quan trọng, nhưng việc duy trì tình bạn và các mối quan hệ xã hội khác vẫn vô cùng cần thiết.

Hãy mở rộng các mối quan hệ xã hội của bạn. Kết nối lại với bạn bè cũ, giữ liên lạc với bạn bè hiện tại, dành thời gian cho gia đình, và vun đắp tình bạn ở nơi làm việc hoặc trong cộng đồng. Bạn cũng có thể tham gia câu lạc bộ, tìm kiếm một sở thích mới, và đừng quên dành thời gian gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp sau giờ làm.

Và hãy nhớ rằng: Không phải lúc nào bạn cũng cần người yêu “tháp tùng” bên cạnh. Dù có quý mến người kia đến đâu, người thân của bạn vẫn sẽ có lúc muốn được gặp và trò chuyện với riêng bạn mà thôi.

Kết nối với những hội nhóm cùng sở thích

Ngày nay, việc tìm kiếm những người cùng chung sở thích trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Dù đam mê của bạn là một môn thể thao, một loại hình thủ công, hay một nhóm nhạc, bạn đều có thể dễ dàng tìm thấy và gia nhập một hội nhóm phù hợp chỉ với vài lần click chuột.

Những hội nhóm này có thể mang đến cho bạn niềm vui, sự hỗ trợ, giúp bạn thỏa mãn những nhu cầu của bản thân và giữ cho mối quan hệ luôn tươi mới. Khi bạn có những trải nghiệm thú vị, bạn sẽ có thêm nhiều câu chuyện, kiến thức và năng lượng để chia sẻ với người ấy, giúp tình yêu thêm phần nồng nhiệt.

Kết luận: Đừng chỉ trông chờ vào người ấy để có được hạnh phúc trọn vẹn

Trong các mối quan hệ hiện đại, chúng ta thường kỳ vọng quá nhiều ở đối phương mà quên rằng ta vẫn có chính mình và những người khác xung quanh để dựa vào. Điều tốt nhất bạn có thể làm cho mối quan hệ của mình là tự chịu trách nhiệm về hạnh phúc và sự trọn vẹn của chính mình bằng cách xây dựng một cuộc sống phong phú, đa dạng bên ngoài mối quan hệ đó. Đừng bỏ bê bạn bè, gia đình hoặc đam mê cá nhân, và tránh dựa dẫm vào người ấy quá nhiều.

Suy cho cùng, mục tiêu của bạn là trở thành một người yêu/người bạn đời tuyệt vời: một người thú vị, độc lập, luôn sống trọn vẹn và là người mà ai cũng muốn ở bên. Đừng ngại “bước ra” khỏi mối quan hệ đôi chút. Gặp gỡ nhiều người, vun đắp các mối quan hệ bạn bè, khám phá thêm nhiều sở thích mới mẻ và trải nghiệm cuộc sống ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho mối quan hệ của bạn đấy.

Tác giả: Matt Wotton, MBA and Graham Johnston, MBA
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *