19/05/2023

Động lực bị “thổi phồng” quá mức. Điều gì mới thực sự hữu dụng?

Nếu một vận động viên phụ thuộc vào động lực mỗi ngày để tập luyện, có lẽ họ sẽ tìm thấy nó một lần trong mười lần tập. Nếu một nhà văn phụ thuộc vào nguồn cảm hứng để phác thảo cuốn tiểu thuyết của họ, thì có lẽ tần suất thấy cảm hứng sẽ là 1/50. Vậy chúng ta có thể làm gì để kiên quyết hơn trong các mục tiêu của mình?

Rate this post

Được viết và xác minh bởi nhà tâm lý học Valeria Sabater.

Ý chính trong bài:

Trong những năm gần đây, lời khuyên lắng nghe cơ thể và trực giác của mình đã trở nên không còn xa lạ. Tuy nhiên, thật may mắn vì động lực không chỉ đơn thuần là làm theo mong muốn của bản thân tại thời điểm nào đó vì dường như “mong muốn” chúng ta thường nghe thấy nhất là “tôi không muốn làm tí nào đâu”.

Động lực là một trong những khía cạnh tâm lý được chú ý nhiều nhất trong những năm gần đây, đến mức vai trò của nó hoàn toàn bị thổi phồng. Nhiều người cho rằng nó gần giống như viên đá Rosetta (Thuật ngữ ‘Rosetta Stone’ hiện được dùng để chỉ một nguồn tài nguyên phi thường biến mọi ý chí trở thành thành tựu, khiến mọi mục tiêu thành công mỹ mãn-nd). Tuy nhiên thực tế thường phức tạp hơn nhiều.

Người được xem là có động lực thường được các đầu sách về tự lực (self-help) định nghĩa là có khả năng đánh thức sức mạnh nội tại, tự đề ra những mục tiêu có ý nghĩa, luôn tập trung hành động và cố gắng vượt qua mọi trở ngại, khó khăn để đạt được mục tiêu. Định nghĩa nghe rất tuyệt, nhưng thực tế có bao nhiêu người sẽ làm được điều đó? Vậy thì làm thế nào để chúng ta, những người bình thường, có thể tự tạo động lực hay kích hoạt được những hành vi của người có động lực?

Nếu một vận động viên phụ thuộc vào động lực mỗi ngày để tập luyện, có lẽ họ sẽ tìm thấy nó một lần trong mười lần tập. Nếu một nhà văn phụ thuộc vào nguồn cảm hứng để phác thảo cuốn tiểu thuyết của họ, thì có lẽ tần suất thấy cảm hứng sẽ là 1/50. Bởi vì những gì chúng ta cảm thấy hầu hết thời gian là sự thiếu chủ động và thậm chí là sự thờ ơ.

Nguồn: Freepik

Dù vậy thực tế trên không nên là lý do để bạn hình thành nhận thức tiêu cực về bản thân. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, chúng ta có thể làm gì để kiên quyết hơn với các mục tiêu của mình?

“Để đạt được mục tiêu, bạn phải học cách chịu đựng sự khó chịu bằng nỗ lực mỗi  ngày của mình. Bạn thậm chí có thể phải từ bỏ một số thứ để đạt được nó.”

Nếu vai trò của động lực được thổi phồng quá mức, điều gì mới thực sự hữu dụng?

Thử nhớ lại những ngày bạn phải ôn bài môn học nào đó để chuẩn bị cho kì thi. Bạn có cảm thấy có động lực để làm điều đó? Câu trả lời ắt hẳn là không, trừ khi đó là môn học bạn thích thú và là thế mạnh của bạn. Như một quy luật, khi bạn bắt đầu thực hiện một nhiệm vụ, một mục tiêu hoặc một đầu việc cụ thể, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái, đầy nghi ngờ, thiếu năng lượng và thậm chí thấy stress.

Rất khó để luôn cảm thấy có động lực 100 phần trăm mỗi ngày và trong bất kỳ tình huống nào. Hơn nữa, kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ của mình để có thể tập trung đạt được mục tiêu cũng là điều không hề dễ dàng. Trên thực tế, tâm trí của bạn thường đi theo một hướng (‘tôi phải tiếp tục với dự án đó’) và cảm xúc của bạn đi theo hướng khác (‘tôi cảm thấy stress, tốt hơn là tôi nên hoãn lại cho đến ngày mai’).

Nguồn: Pinterest (By emy l)

Trong toàn bộ tiến trình tâm lý hành vi của bạn, những gì bạn có thể kiểm soát là hành động của chính mình. Hành vi của bạn có thể thay đổi tâm trạng của bạn. Những gì bạn chọn làm trong từng thời điểm, bất kể bạn cảm thấy thế nào, chính là điều sẽ giúp bạn đạt được mục đích đã đề ra một cách dễ dàng hơn.

“Nếu bạn cứ chờ đợi để được truyền động lực bởi những cảm xúc tích cực mỗi khi muốn bắt đầu làm một việc gì đó, thì đến cuối cùng bạn cũng trì hoãn nó mà thôi.”

Cụ thể hơn, chúng ta cần hành động như thế nào?

“Kích hoạt hành vi” – Cứ làm thôi!

Kích hoạt hành vi (Behavioral activation) là một cách tiếp cận thường được sử dụng trong can thiệp lâm sàng ở những bệnh nhân mắc trầm cảm. Phương pháp này bao gồm việc khiến một người đưa các hành vi vào cuộc sống của họ để mang lại những thay đổi trong suy nghĩ, tâm trạng và chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Công nghệ Curtin (Úc) chỉ ra rằng phương pháp kích hoạt hành vi cũng có những lợi ích to lớn trong đời sống hằng ngày. Nghiên cứu khẳng định kích hoạt hành vi cho chúng ta thấy ta không cần phải ‘cảm thấy tốt’ để làm một điều gì đó.

Nguồn: Freepik

Những người mắc chứng trầm cảm thường phải đối phó với những suy nghĩ như “Tôi không thể chịu đựng được nữa” hàng ngày. Tương tự như vậy, khi bạn muốn bắt đầu một công việc hoặc đi tập thể dục, tâm trí của bạn sẽ bắt đầu lên tiếng “dụ dỗ” và bạn nghe thấy mình đang nói “Tôi sẽ làm điều đó vào ngày mai”. Chìa khoá ở đây chính là sự tự kỷ luật (self-discipline), hãy cứ bắt đầu làm việc hoặc học bài, bất chấp cảm giác mệt mỏi, chán nản, thiếu động lực. 

Lựa chọn suy nghĩ nào nên giữ lại và suy nghĩ nào nên gạt sang một bên

Hẳn đã có lúc bạn ước mình có một công tắc có thể thay đổi suy nghĩ của bản thân. Sẽ rất tuyệt khi cảm thấy tràn đầy năng lượng và hy vọng mỗi ngày. Tuy nhiên, cảm giác thấy có động lực đang bị “làm quá” và sự thật là không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy ‘siêu tích cực’ khi bắt đầu làm điều gì đó. Thực tế là bạn thường thiếu cảm giác: “Tôi có thể”, “Tôi xứng đáng”, và “Tôi sẽ đạt được những gì tôi muốn”

Trong những tình huống này, chỉ có một lựa chọn. Bạn không thể chọn lựa hay thay đổi những cảm xúc mà mình có, nhưng bạn có thể chọn lựa cách mà bản thân muốn suy nghĩ. Nếu tâm trí bạn nói những thứ đại loại: “Hôm nay, tôi không muốn làm gì cả. Mai rồi tính” hãy thay thế những suy nghĩ đó bằng “Tôi biết tôi không thực sự cảm thấy thích việc này, nhưng tôi sẽ tiếp tục làm và để xem điều gì sẽ xảy ra”

Hãy nhớ, chỉ có sự kỷ luật mới đưa bạn đến nơi bạn muốn. Điều này nghĩa là đừng để những ý nghĩ tiêu cực, không mong muốn làm ảnh hưởng đến bản thân; thay vào đó, tự nhắc mình về những lí do vì sao mình muốn chinh phục điều này. “Mặc dù bộ não bạn đang rủ rỉ rằng “điều này không đáng để bắt đầu”, nhưng hãy cứ bắt tay thực hiện. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ nhận thấy sự tiêu cực và những đám mây thờ ơ tan biến.”

Sử dụng kỷ luật và lòng tự trân trọng (Self-esteem)

Động lực giống như gió, thỉnh thoảng xuất hiện, kéo buồm căng và làm thuyền tăng tốc. Tuy nhiên, chúng ta sẽ làm gì khi không có gió hoặc gió không thổi đúng hướng? Gặp phải tình huống đó, chúng ta cần có cơ chế hoạt động để điều khiển con thuyền di chuyển theo hướng mong muốn. Việc này đòi hỏi bạn chấp nhận sẽ phải đi “ngược gió” – ngược lại với mong muốn nhất thời của chính mình và những gì cơ thể bạn yêu cầu.

Hành vi có động cơ ban đầu xuất hiện trong não bộ của chúng ta để duy trì cân bằng nội môi (homeostasis). Nó có nghĩa là nếu cảm thấy đói, chúng ta sẽ tìm kiếm thức ăn. Nếu có nguy hiểm, chúng ta sẽ chạy trốn. Là con người, chúng ta không muốn cảm thấy khó chịu và phải cố gắng đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, điều này hầu như luôn đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với những bất tiện như dậy sớm, bỏ bớt thời gian giải trí, v.v.

Điều này giải thích tại sao bộ não khiến chúng ta trì hoãn hoặc phát tín hiệu stress. Bí mật nằm ở sự kỷ luật, ở phương pháp kích hoạt hành vi và ở lòng tự trân trọng lành mạnh.

Hãy nhắc nhở bản thân mỗi ngày về sự chăm chỉ và bền bỉ cần thiết để đạt được mục tiêu. Nhưng bạn cũng đừng quên công nhận chính mình: bạn xứng đáng với những điều bạn mong ước, và bạn đang không ngừng nỗ lực cho những điều này thành hiện thực.

Nguồn tham khảo: Exploring Your Mind

Biên dịch: Kim Ngân

Biên tập: Nguyên Hoàng

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *