Việc gán nhãn trẻ vị thành niên bốc đồng chỉ làm cho mối quan hệ với các bạn thêm xa cách. Thấu hiểu và giao tiếp dựa trên sự chân thành và tôn trọng sẽ giúp ba mẹ và thầy cô nhìn nhận bạn trẻ vị thành niên ở những góc độ mới mẻ và tích cực hơn.
Lí giải vì sao trẻ vị thành niên thường thực hiện những hành vi bốc đồng
Phương pháp giao tiếp và hỗ trợ vị thành niên phát triển lành mạnh
Có vẻ từ rất lâu rồi, lứa tuổi vị thành niên thường gắn liền với những từ khóa như bốc đồng, nổi loạn và chống đối. Phải chăng chúng ta đã nhìn vị thành niên dưới góc độ phiến diện vì chỉ toàn nhìn thấy những điều “tiêu cực” ở các bạn trẻ? Chuyện gì cũng có hai mặt (hoặc thậm chí là nhiều hơn), và ở vị thành niên cũng vậy. Tìm hiểu và lắng nghe các bạn trẻ vị thành niên trò chuyện một cách chân thành, không phán xét, lắm lúc chúng ta sẽ bất ngờ với những suy tư và lý tưởng của các bạn. Trước tiên chúng ta cần thấu hiểu điều gì ẩn giấu sau những hành động có vẻ như là bốc đồng đó, điều đã che khuất những đặc điểm đẹp đẽ khác của lứa tuổi này. Nhiều nhà tâm lý học và nhà giáo dục đã luôn nỗ lực nghiên cứu và tìm hiểu lí do cho những phản ứng mạnh mẽ của giai đoạn dậy thì. Agate hy vọng những thông tin tổng hợp trong bài viết này có thể giúp chúng ta thấu hiểu các bạn trẻ vị thành niên nhiều hơn.
Định nghĩa về “bốc đồng” ở vị thành niên
Các bạn trẻ vị thành niên thường bị gán cho cái mác “bốc đồng” hay đôi khi là “trẻ trâu” và nhận những ánh nhìn không mấy thiện cảm từ mọi người. Nhưng như thế nào là bốc đồng và vị thành niên bốc đồng? Nếu nhìn vào đặc điểm phát triển của lứa tuổi, ở giai đoạn vị thành niên, các bạn có một số hành động khiến người lớn khó hiểu, bị cho là nguy hiểm và không phù hợp. Chúng ta có thể kể đến một số hành động thường thấy như:
Dễ cáu kỉnh, khó chịu
Thỉnh thoảng nổi giận vô cớ
Trở nên xa cách với gia đình
Hoặc một số hành động có xu hướng cực đoan hơn như:
Trốn học
Đánh nhau
Thách thức người lớn, thể hiện sự bất đồng ý kiến bằng cách nhịn ăn, la hét, đóng sầm cửa khi vào phòng hoặc thậm chí là bỏ nhà đi
Tập tành sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… và một số loại chất cấm
Có những hành vi tình dục không an toàn dẫn đến bệnh tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn
Đua xe
Nhắn tin với những từ ngữ nhạy cảm hoặc không biết cách bảo vệ những bức ảnh có vùng “riêng tư” của bản thân trên mạng xã hội
Phá hoại tài sản công cộng như vẽ bậy lên tường, khắc chữ lên cầu, lên cây hoặc trộm cắp…
Dĩ nhiên là không phải bạn trẻ vị thành niên nào cũng mắc phải những vấn đề trên. Nhưng vì sao ở độ tuổi vị thành niên, các hành động này lại bắt đầu xuất hiện khiến người lớn tặc lưỡi “lúc nhỏ con tôi ngoan lắm, không hiểu sao tới tuổi dậy thì lại thay đổi đến thế”?
Vì sao nên dừng gán nhãn bốc đồng cho các bạn trẻ vị thành niên?
Ngay từ việc một số người trong chúng ta gắn liền tính bốc đồng với lứa tuổi vị thành niên đã là một sự gán nhãn. Vì những hành động này không xuất hiện ở tất cả những bạn trẻ đang ở giai đoạn phát triển này. Mỗi bạn trẻ sẽ có sự phát triển khác nhau trong giai đoạn dậy thì với sự thay đổi về tâm – sinh lý cũng như những hành động thể hiện ra bên ngoài.
Để giải thích cho sự xuất hiện của những hành động được xem là “bốc đồng” ở tuổi vị thành niên. Chúng ta có thể dựa vào một số thông tin dưới đây:
Về mặt sinh học, đặc biệt là sự phát triển của não bộ: Chức năng não bộ của các bạn đang phát triển rất nhanh chóng để dần trở nên hoàn thiện, và cũng có nghĩa rằng các chức năng não bộ vẫn còn thiếu sót. Lúc này hệ thống limbic và phần não trước trán phụ trách việc tự kiểm soát bản thân vẫn còn non nớt nên dẫn đến việc các bạn trẻ vị thành niên dễ có những hành động hung hăng và đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt. Điều này dẫn đến việc hệ thống “phần thưởng” hoạt động mạnh mẽ thiếu sự kiểm soát, từ đó các quyết định được đưa ra một cách vội vàng thiếu sự suy xét cẩn thận về kết quả. Bên cạnh đó, hệ thống “phần thưởng” này còn có cách lập trình như cách chúng ta cá cược. Khi hành vi có mức độ bốc đồng càng lớn thì phần thưởng càng cao. Khi thực hiện thành công một hành động nguy hiểm mà không để lại hậu quả, các bạn có thể tự hào và khoe khoang “chiến tích” với bạn bè – đây chính là một kiểu “phần thưởng”.
Những hành vi bốc đồng thường xuất hiện khi trẻ làm cùng bạn bè, hiếm khi làm những điều này một mình. Khi thực hiện những hành động nguy hiểm có tính kích thích cùng nhau, các bạn có cảm giác mình được tập thể chấp nhận và không bị tẩy chay. Nhu cầu kết bạn và trở thành một phần của nhóm là một trong những khát khao của vị thành niên. Giữa việc có khả năng bị cô lập và thực hiện hành động nguy hiểm để được bạn bè công nhận, phần lớn trẻ sẽ chọn vế sau.
Việc những hành động bốc đồng thường bắt đầu xuất hiện ở tuổi vị thành niên chứ không phải là một lứa tuổi nào khác cũng có thể được lí giải bởi nhu cầu muốn được làm người lớncủa các bạn trẻ vị thành niên. Lúc này, các bạn chưa thật sự lớn nhưng vẫn không còn nhỏ. Các bạn mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn, muốn làm những điều lúc nhỏ không được cho phép vì thường bị cấm đoán bằng câu “con nít mà bày đặt học đòi, chỉ người lớn mới có thể làm điều này” hay “người lớn khác, con nít khác”. Bắt chước người lớn hút thuốc, uống bia, có người yêu,… là những điều mà các bạn vị thành niên luôn muốn thử.
Nhìn ở góc độ tích cực, các bạn vị thành niên đang nỗ lực học làm người lớn, mong muốn có nhiều trải nghiệm sống phong phú cũng như xây dựng các mối quan hệ mới bên ngoài gia đình và thử thách những giới hạn của bản thân. Tuy nhiên, những điều này chỉ tích cực khi có sự hướng dẫn phù hợp và sự đồng hành của người lớn.
Ba mẹ và thầy cô có thể làm gì để giúp đỡ vị thành niên học trên hành trình trưởng thành?
Xây dựng mối quan hệ tích cực và thấu hiểu với các bạn vị thành niên. Thay vì liên tục trách mắng và cấm đoán, người lớn hãy lắng nghe, trò chuyện và hướng dẫn các bạn trẻ trải nghiệm những việc “người lớn mới được làm”. Một trong những cách để con trải nghiệm cảm giác “tự chủ” như người lớn là cùng con tham gia một môn thể thao bất kỳ. Trong thể thao, tất cả đều bình đẳng, các bạn có cơ hội trải nghiệm rõ bản thân và được phép đưa ra những quyết định cho chính mình trong khuôn khổ của luật chơi. Đây là con đường lý tưởng để xây dựng mối quan hệ gần gũi, thấu hiểu cùng con.
Hãy luôn quan tâm nhưng đừng kiểm soát. Ba mẹ và thầy cô có thể quan sát các bạn nhiều hơn, để ý đến sự thay đổi tâm – sinh lý, trạng thái tinh thần và sức khỏe, cũng như các mối quan hệ của vị thành niên. Khi thấy có điều gì đó bất thường, người lớn hãy hỏi thăm gần gũi và giải thích lí do vì sao trò chuyện về điều này lại quan trọng. Sau đó, ba mẹ và thầy cô có thể đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn phù hợp thay vì ép buộc các bạn làm gì đó khi chưa hiểu rõ tình hình.
Trò chuyện về những hành động bốc đồng. Để phòng ngừa hoặc hạn chế việc vị thành niên thực hiện những hành động nguy hiểm và để lại hậu quả, ba mẹ và thầy cô có thể trò chuyện với các bạn về những vấn đề này. Hãy cùng nhau nói về nguy cơ, lợi ích và bất lợi khi thực hiện những hành động đó. Việc cung cấp thông tin và giáo dục bạn trẻ vị thành niên từ sớm về những hành động nguy hiểm là điều rất cần thiết. Thay vì để các bạn tự tìm hiểu thông tin từ những nguồn không đáng tin cậy, ba mẹ có thể là người chủ động “cung cấp” kiến thức cho trẻ.
Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia. Khi những hành động bốc đồng của vị thành niên vượt quá sự kiểm soát của gia đình và bản thân các bạn ấy, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần, đây chính là lúc gia đình cần đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ các chuyên gia trong ngành. Đến gặp bác sĩ nhi hoặc tâm lý gia sẽ giúp ba mẹ hiểu hơn tình hình hiện tại của các bạn, giúp bạn điều chỉnh hành vi phù hợp cũng như hỗ trợ ba mẹ vượt qua những áp lực đang có.
Đôi khi việc gán nhãn, phán xét vị thành niên là bốc đồng, là trẻ trâu không giúp các bạn phát triển đúng hướng, ngược lại sự phán xét còn khiến tình hình tệ hơn khi người lớn và vị thành niên dần trở nên xa cách, thậm chí đối đầu. Sự xuất hiện của những hành động được xem là bốc đồng chính là một phần tất yếu của quá trình phát triển ở lứa tuổi này. Thay vì phủ nhận và chối bỏ những hành động này, ba mẹ và thầy cô có thể thấu hiểu, đồng hành và hướng dẫn các bạn học làm người lớn theo những cách lành mạnh và bền vững.
Tác giả: Thạc sĩ Tâm lý Trần Lâm Thuý Vy Biên tập: AGATE Tài liệu tham khảo:
Li, P. (2023, May 6). 6 Strategies to Reduce Risky Behavior in Teens and Pre-teens. Parenting For Brain. https://www.parentingforbrain.com/risky-behavior/
Morin, A. (2022, June 9). Overview of Youth At-Risk Behavior. Verywell Mind. https://www.verywellmind.com/what-is-youth-at-risk-behavior-2610455
Raising Children Network. (2022, May 27). Risky behaviour in pre-teens and teenagers. Raising Children Network. https://raisingchildren.net.au/teens/behaviour/behaviour-questions-issues/risky-behaviour#risky-behaviour-why-pre-teens-and-teenagers-do-it-nav-title
Teens and Risk-Taking Behavior | Adolescent Psychology. (n.d.). Lumen Learning. Retrieved May 29, 2023, from https://courses.lumenlearning.com/adolescent/chapter/teens-and-risk-taking-behavior/
Bình luận (0)