17/12/2024

Hiểu về thuyết gắn bó để vượt qua nỗi đau mất mát

Ý chính trong bài: Khi người thân yêu ra đi, ta mất đi những gì? Câu trả lời cũng muôn hình vạn trạng giống như tình yêu là gì vậy. Khi một người thân yêu, người mà ta luôn dựa dẫm, ra đi mãi mãi, thế giới của ta hoàn toàn thay đổi. Nỗi đau […]

Rate this post

Ý chính trong bài:

Khi người thân yêu ra đi, ta mất đi những gì?

Câu trả lời cũng muôn hình vạn trạng giống như tình yêu là gì vậy. Khi một người thân yêu, người mà ta luôn dựa dẫm, ra đi mãi mãi, thế giới của ta hoàn toàn thay đổi. Nỗi đau buồn giống như khi ta bỗng dưng mất đi những điều tưởng chừng hiển nhiên nhất, những giả định, nhận thức và niềm tin đã ăn sâu vào tiềm thức, vốn định hướng cuộc sống hàng ngày của ta nay đổ vỡ. Giờ đây, thực tại đã khác, người yêu thương đã rời xa mãi mãi, điều này khiến ta hoang mang, đau đớn và bất an.

Nỗi đau buồn không chỉ khiến ta nghi ngờ về những điều cơ bản nhất của cuộc sống, mà còn khoét sâu vào lòng ta một nỗi trống rỗng về bản thân, về sự kết nối với người khác và về cảm giác an toàn. Tất cả những mất mát này, về cảm xúc, thể chất lẫn tinh thần, thường quyện vào nhau, là nguyên nhân tạo nên một nỗi sợ dai dẳng:

Sự gắn bó, Chia ly, và Đau buồn

John Bowlby và Mary Ainsworth cho rằng nhu cầu kết nối với người chăm sóc là bản năng sinh tồn của con người, điều này được điều chỉnh bởi hệ thống gắn bó. Việc mất kết nối với người chăm sóc (tức là người mà ta gắn bó) có thể gây ra nỗi đau chia ly và những tổn thương liên quan đến sự gắn bó. Những biểu hiện đau khổ này là tín hiệu để khôi phục lại kết nối với người chăm sóc.

Trẻ em có kiểu gắn bó lo âu (anxious attachment) có thể phản ứng với sự chia ly bằng cách biểu lộ sự đau khổ quá mức, khóc lóc và tăng động. Trẻ em có kiểu gắn bó né tránh (avoidant attachment) có thể tỏ ra thờ ơ, kìm nén cảm xúc và tránh né người chăm sóc.

Ngược lại, trẻ em có kiểu gắn bó an toàn (secure attachment) tin rằng người chăm sóc chính dù vắng mặt cũng sẽ quay trở lại và không rời đi mãi mãi. Trẻ có kiểu gắn bó an toàn có thể linh hoạt giữa việc muốn gần gũi với người chăm sóc chính và việc muốn vui chơi, khám phá thế giới xung quanh.

Khi một người thân qua đời, chúng ta không chỉ mất đi một người mà ta yêu thương, mà còn mất đi một điểm tựa quan trọng. Lúc còn nhỏ, khi phải rời xa người chăm sóc, ta vẫn có hy vọng về sự đoàn tụ. Nhưng khi trưởng thành, đối mặt với sự mất mát, ta biết rằng sự đoàn tụ về mặt vật lý là điều không thể. Vì vậy, khi phải chia lìa mãi mãi với người mình yêu thương, những bản năng gắn bó thuở ấu thơ có thể trỗi dậy, khiến ta cảm thấy bị bỏ rơi và thiếu thốn tột cùng.

Thế nào là nỗi đau buồn lành mạnh?

Nói một cách đơn giản, nỗi buồn lành mạnh là khi ta có thể linh hoạt chuyển đổi giữa các trạng thái tâm lý khác nhau. Có lúc ta khóc lóc, nhớ nhung, chìm đắm trong nỗi đau mất mát, nhưng cũng có lúc ta vẫn có thể gánh vác những trách nhiệm mới, thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống và tìm thấy những giây phút khuây khỏa. Người có cách biểu hiện nỗi buồn lành mạnh là người vừa có thể đối diện với nỗi đau, vừa duy trì được kết nối với bản thân và những người xung quanh.

Các kiểu gắn bó lo âu, né tránh và vô tổ chức trong thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta đối diện với nỗi đau mất mát sau này như thế nào?

Những kiểu gắn bó không an toàn góp phần gây ra những rối loạn đặc thù trong khả năng cân bằng cảm xúc của một người trước những mất mát, đau buồn. Khó khăn trong việc nhận biết, thừa nhận, kiểm soát hoặc chia sẻ cảm xúc đau buồn là dấu hiệu của những tổn thương gắn bó thời thơ ấu. Nhiều người gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống sau khi mất đi người thân, và họ cũng chưa biết cách điều chỉnh cảm xúc để đối mặt với nỗi đau, vì thế họ tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia trị liệu nỗi đau (grief therapy).

Vì gặp khó khăn trong việc tự lập nên những người có kiểu gắn bó lo âu thường dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc, có nguy cơ bị trầm cảm và biểu hiện các triệu chứng đau buồn rõ rệt hơn. Ngược lại, những người có kiểu gắn bó né tránh có thể thờ ơ, xem nhẹ nỗi đau buồn và tránh né những cảm xúc hoặc sự tổn thương trong giai đoạn mất mát. Những người có kiểu gắn bó vô tổ chức có thể sử dụng những chiến lược đã đề cập ở trên một cách hỗn loạn, đồng thời đấu tranh với những suy nghĩ mâu thuẫn về người đã khuất và thường xuyên rơi vào trạng thái phân ly hoặc cảm thấy xấu hổ tột cùng.

Nhìn chung, những người có kiểu gắn bó không an toàn thường gặp khó khăn trong việc thừa nhận cảm xúc và thường bị mắc kẹt trong một kiểu phản ứng nhất định. Không ai có thể tránh né nỗi đau vô cùng của sự mất mát, nhưng những người này còn phải gánh chịu thêm những tổn thương tâm lý từ quá khứ, với cảm giác bị mất kết nối trong các mối quan hệ. Trị liệu nỗi đau dựa trên thuyết gắn bó là một lựa chọn có thể phù hợp với họ.

Trị liệu nỗi đau dựa trên thuyết gắn bó là gì?

Trị liệu nỗi đau có thể được ví như một hình thức hỗ trợ xã hội đặc biệt, nơi nhà trị liệu với sự đồng cảm sâu sắc và kỹ năng chuyên môn, sẽ trở thành điểm tựa tinh thần, giúp người đang gánh chịu mất mát to lớn điều chỉnh lại cảm xúc và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Liệu pháp khi được thực hiện thành công sẽ giúp thân chủ lấy lại sự cân bằng trong cảm xúc, từ đó có thể sống thật với chính mình và hòa nhập lại với cuộc sống mà không cần phải từ bỏ sự gắn bó với người đã khuất.

Thuyết gắn bó nói lên điều gì về nỗi đau?

Chúng ta đều biết rằng các mối quan hệ của chúng ta với mọi người xung quanh được sắp xếp theo một thứ bậc nhất định, giống như một kim tự tháp. Trên đỉnh tháp chính là những người ta yêu thương và tin tưởng nhất, những người mà sự ra đi của họ sẽ để lại trong ta nỗi đau khôn nguôi. Và đây cũng chính là nền tảng của thuyết gắn bó: mức độ và thời gian ta chìm đắm trong nỗi đau buồn phụ thuộc vào cách ta gắn bó với những người xung quanh, đặc biệt là xu hướng muốn gần gũi hay xa lánh trong các mối quan hệ.

Kosminsky và Jordan tin rằng dù có trải qua tuổi thơ thế nào, ta vẫn có thể vun đắp những mối quan hệ an toàn với bản thân và với những người xung quanh, ngay cả khi đang phải đối mặt với nỗi đau mất mát lớn lao. Khi có được sự gắn bó an toàn trong giai đoạn này, ta sẽ trở nên linh hoạt hơn về mặt tâm lý, điều tiết cảm xúc tốt hơn và dễ dàng vượt qua những thăng trầm vốn là điều tự nhiên của những giai đoạn đau buồn. Nhà trị liệu hiểu biết về thuyết gắn bó sẽ tạo dựng mối quan hệ an toàn với thân chủ, trở thành điểm tựa tinh thần để họ vượt qua nỗi đau và từ từ tìm lại niềm vui sống.

Tác giả: Mark Shelvock RP, CT, MACP, MA & Dr. Phyllis Kosminsky
Lược dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *