23/02/2024
Chi tiết cách tìm kiếm chuyên gia tâm lý cho cha mẹ có con ở tuổi vị thành niên và làm thế nào để trò chuyện hiệu quả với con về quyết định điều trị tâm lý.
Ý chính trong bài:
Đối với những bậc cha mẹ đang lo lắng về sức khỏe tinh thần của con mình, việc tìm kiếm sự trợ giúp có thể gây bối rối và choáng ngợp. Tuy nhiên, phương pháp điều trị luôn sẵn có và tìm kiếm liệu pháp trị liệu thường là bước đầu tiên hướng tới việc giúp con bạn vượt qua. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn.
Quyết Định Bắt Đầu Liệu Pháp Trị Liệu
Đối với các bậc cha mẹ, thật khó để phân biệt giữa hành vi tuổi teen thông thường và những vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn. Một dấu hiệu quan trọng để phân biệt, và cũng là nền tảng cho nhiều chẩn đoán, chính là việc liệu những khó khăn về mặt cảm xúc, hành vi hay xã hội có ảnh hưởng đến việc học hành, mối quan hệ hay cuộc sống gia đình của con hay không.
Ví dụ, một thanh thiếu niên có thể đột nhiên bỏ học. Một thiếu niên khác có thể trở nên xa cách với bạn bè và tự cô lập bản thân. Một bạn trẻ khác có thể ngủ li bì cả ngày hoặc mất ngủ triền miên. Trong những trường hợp này, cha mẹ hãy cân nhắc trị liệu tâm lý cho con. Ngay cả khi những thay đổi này không có vẻ nghiêm trọng, chúng có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, vì tuổi vị thành niên là một giai đoạn phát triển quan trọng. Can thiệp sớm là điều cần thiết.
Nhà tâm lý học Mitch Prinstein, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), chia sẻ: “Hầu hết các bậc cha mẹ chỉ đưa con đến trị liệu tâm lý khi con họ đã ở trong tình trạng ‘báo động đỏ’. Điều này giống như việc bạn chỉ đưa con đi khám bác sĩ khi con sốt cao 40 độ và ho ra máu. Tốt hơn là nên đi khám ngay cả khi con chỉ mới sổ mũi và sốt nhẹ.”
Tìm kiếm một chuyên gia tâm lý ở đâu?
Cha mẹ có thể nhờ bạn bè, thành viên gia đình và bác sĩ gia đình giới thiệu chuyên gia trị liệu cho con. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy ngại ngùng khi nói chuyện với những người thân thiết về vấn đề này. Tuy nhiên, việc lắng nghe kinh nghiệm của người khác trong những tình huống tương tự có thể giúp bạn củng cố tinh thần và nhận được nhiều thông tin bổ ích.
Tìm kiếm nguồn lực và đề xuất từ trường học của con cũng là một hướng đi, mặc dù một số trẻ vị thành niên có thể sẽ muốn tránh tham vấn tâm lý tại trường để giữ kín quyết định đi trị liệu.
Những Yếu Tố Cần Cân Nhắc Khi Chọn Chuyên Gia Tâm Lý
Có nhiều yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn một nhà trị liệu – và việc này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Cha mẹ cần trở thành những “người tiêu dùng thông minh”: đảm bảo rằng chuyên gia có bằng cấp hoặc chứng nhận về tâm lý và có chuyên môn phù hợp, đồng thời tìm hiểu về quá trình đào tạo và kinh nghiệm của họ.
Một số câu hỏi cụ thể có thể hỏi bao gồm:
Nhà tâm lý học lâm sàng Sharon Saline, Psy.D. cho biết cha mẹ cũng nên đặt ra những kỳ vọng rõ ràng về tính bảo mật. Cha mẹ có thể hỏi:
“Một thiếu niên không lớn lên trong một môi trường hoàn toàn biệt lập” Saline chia sẻ. Do đó, việc lồng ghép góc nhìn của gia đình có thể mang lại giá trị lớn trong việc giải quyết những yếu tố tác động đến sức khỏe tâm lý của con trẻ.
Trên hết cha mẹ nên ưu tiên những chuyên gia được đào tạo bài bản về các phương pháp được chứng minh hiệu quả trong việc giảm thiểu lo âu và cải thiện sức khỏe tâm lý cho trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài ra cũng có thể ưu tiên các chuyên gia có kinh nghiệm làm việc với trẻ vị thành niên.
Bên cạnh chuyên môn, hãy lắng nghe mong muốn của con bạn về giới tính, độ tuổi… của nhà trị liệu. Cha mẹ có thể lựa chọn trước một vài chuyên gia và cho phép con đưa ra quyết định cuối cùng. Mối quan hệ giữa nhà trị liệu và con bạn là yếu tố then chốt của một liệu pháp hiệu quả, vì vậy hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng và lựa chọn người phù hợp nhất.
Trò Chuyện Với Con Về Quyết Định Đi Trị Liệu Tâm Lý
Khi đề cập đến việc đi trị liệu tâm lý, phản ứng của các thanh thiếu niên có thể khác nhau. Một số sẽ sẵn sàng tham gia, trong khi một số khác có thể do dự hoặc phản kháng. Tiến sĩ Prinstein khuyên rằng, trong những trường hợp này, điều quan trọng là tránh gán ghép hay đổ lỗi cho con, khiến con cảm thấy những khó khăn của mình là do bản thân có vấn đề. Một cách ít gây hại hơn đó là giải thích cho con hiểu rằng mọi người đều tồn tại trong một bối cảnh nhất định, không ai sống trong chân không. Những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con có thể do sự không phù hợp giữa bản thân con và môi trường xung quanh. Ví dụ, những cách thức ứng phó từng hiệu quả trước đây có thể không còn phù hợp nữa do những thay đổi trong cuộc sống, chẳng hạn như ly hôn, chuyển nhà, hay thậm chí là đại dịch. Tiến sĩ Saline gợi ý một cách tiếp cận khác: Giải thích là trị liệu tâm lý có thể giúp cả gia đình học cách phối hợp tốt hơn, như một “buổi chỉnh sửa” cho gia đình.
Việc đảm bảo con có cảm giác “có tiếng nói” là cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng – đặc biệt, khi chính cha mẹ hoặc thầy cô thường là người khởi xướng việc trị liệu này. Bác sĩ Lea Lis, chuyên gia tâm lý trẻ em và người lớn, nhấn mạnh: “Hãy trao cho con bạn quyền kiểm soát bất cứ khi nào có thể. Với trẻ nhỏ, bạn có thể áp dụng ‘chế độ độc tài nhân từ’. Nhưng với thanh thiếu niên, con cần cảm thấy sự ‘dân chủ’.”
Bạn có thể yêu cầu con bạn chọn nhà trị liệu mà con thích từ một số nhà trị liệu bạn đã lựa chọn. Hãy giải thích với con rằng con có thể tự do lựa chọn chủ đề mà con muốn chia sẻ. Hãy đề cập rằng trị liệu tâm lý không phải là mãi mãi – nó có thể chỉ kéo dài trong vài tháng. Prinstein nói: “Giống như việc con tập luyện bóng đá, chúng ta sẽ dành thời gian 12 tuần để rèn luyện cách điều tiết cảm xúc. Sau một thời gian, con sẽ trở thành ‘chuyên gia’ về cảm xúc của chính mình.”
Chuẩn bị cho buổi làm việc đầu tiên
Trước buổi làm việc đầu tiên, hãy trò chuyện với con về những gì con có thể mong đợi. Quá trình trị liệu thường bắt đầu bằng một giai đoạn đánh giá, có thể bao gồm một bảng câu hỏi, một cuộc phỏng vấn hoặc các bài kiểm tra trên máy tính.
Trong các buổi trị liệu, thanh thiếu niên có thể tham gia trực tiếp, giải đáp thắc mắc hoặc chia sẻ kinh nghiệm của mình. Nhà trị liệu và phụ huynh có thể gặp nhau, có hoặc không có sự hiện diện của thanh thiếu niên, để thảo luận về môi trường gia đình và nhìn nhận nó từ một góc độ khác.
Cha mẹ cũng nên chuẩn bị tinh thần cho việc quá trình trị liệu có thể mất thời gian để làm quen. Theo Saline, buổi làm việc đầu tiên có thể hơi ngượng ngùng, nhưng theo thời gian, thanh thiếu niên thường cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ cảm xúc thực sự của mình.
Khi quá trình trị liệu tiến triển, thanh thiếu niên nên biết rằng họ có thể đóng vai trò tích cực trong việc định hình quá trình này. Prinstein nhấn mạnh rằng thanh thiếu niên có quyền được lên tiếng và nên được trao quyền để làm như vậy.
Tác giả: Abigail Fagan
Biên dịch: Ôn Bích Ngọc – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today
Bình luận (0)