03/03/2025
Tại sao một câu nói tưởng chừng vô hại lại có thể “phá hủy” một mối quan hệ? Ranh giới mong manh giữa sự bất đồng và sự phủ nhận.
Ý chính trong bài:
Hãy hình dung bạn đang trút hết nỗi lòng với đứa bạn về một ngày làm việc căng thẳng, bạn kể lể về những thất vọng và nỗi lo của mình. Bạn hy vọng nhận được sự chia sẻ hoặc chí ít là một đôi tai biết lắng nghe. Nhưng đáp lại, chỉ là một cái đảo mắt kèm câu nói: “Thôi mà, có gì to tát đâu mà mày cứ làm quá lên.”
Trong khoảnh khắc ấy, bạn cảm thấy như mọi cảm xúc của mình bị phủ nhận hoàn toàn. Bạn bắt đầu tự hỏi: Phải chăng người bạn kia chỉ đơn thuần không đồng tình hay họ đang thực sự coi thường cảm xúc của bạn? Và điều đó có quan trọng không?
Ranh giới giữa bất đồng quan điểm và sự phủ nhận cảm xúc có vẻ mong manh, nhưng nó lại có những tác động sâu sắc đến sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ của chúng ta. Trong khi bất đồng vốn là một phần bình thường, thậm chí cần thiết cho giao tiếp xã hội, phủ nhận cảm xúc lại có thể bào mòn lòng tự trọng và cảm giác an toàn về mặt cảm xúc của chúng ta. Hiểu rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm này sẽ giúp chúng ta xây dựng những mối quan hệ bền chặt hơn, hỗ trợ tốt lẫn nhau và tránh vô tình gây tổn thương cho nhau.
Phủ nhận cảm xúc xảy ra khi một người coi thường hoặc bác bỏ trải nghiệm của một người khác. Nó không đơn thuần là sự bất đồng ý kiến. Ví dụ, khi bạn nói với một người rằng, “Tôi không nghĩ vậy,” đây là một cách thể hiện bạn có quan điểm khác. Tuy nhiên, nếu bạn nói với họ, “Bạn không nên cảm thấy như thế” hoặc “Bạn đang làm quá mọi chuyện lên”, điều này lại là phủ nhận những cảm xúc chính đáng hoặc góc nhìn của người khác.
Phủ nhận cảm xúc có thể là cố ý hoặc không cố ý. Đôi khi, người ta thực sự tin rằng họ đang giúp đỡ bằng cách “kéo ai đó ra khỏi” những gì họ cho là phản ứng thái quá. Thế nhưng, những lời nói đó lại có thể gây ra cảm giác xấu hổ và cô lập, khiến người nghe nghĩ rằng trải nghiệm nội tâm của họ không đáng được quan tâm hay tôn trọng.
Mặt khác, bất đồng đơn giản là có một ý kiến hoặc quan điểm trái ngược. Nó không công kích tính chính đáng trong cảm xúc của người khác. Ví dụ, bạn có thể tranh luận về một vấn đề chính trị, một lý thuyết khoa học hoặc phương án tối ưu để giải quyết một vấn đề công việc. Bản thân sự bất đồng không hề làm giảm giá trị cảm xúc của đối phương; nó chỉ truyền đạt rằng bạn có góc nhìn khác về tình huống.
Một sự bất đồng lành mạnh có thể được diễn đạt như sau: “Tôi tôn trọng cảm xúc của bạn về vấn đề này, nhưng tôi có một góc nhìn khác dựa trên kinh nghiệm và những thông tin mà tôi có.” Hãy lưu ý cách thái độ này tôn trọng quan điểm của người khác (hoặc ít nhất là quyền được có quan điểm đó) trong khi vẫn trình bày một ý kiến khác biệt. Sự bất đồng lành mạnh có thể thúc đẩy sự phát triển bằng cách mở rộng tầm nhìn của chúng ta, dẫn đến giải quyết vấn đề một cách hợp tác và nuôi dưỡng sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau.
Hậu quả của việc phủ nhận cảm xúc
Từ góc độ tâm lý, việc liên tục bị phủ nhận cảm xúc có thể làm xói mòn lòng tự trân trọng, sự tin tưởng và sự sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ yếu mềm khác. Khi cảm xúc thường xuyên bị phớt lờ hoặc chế giễu, người ta có thể dần học cách kìm nén nó hoặc thậm chí nghi ngờ chính thực tại của mình. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm hoặc những khó khăn trong các mối quan hệ.
Phủ nhận cảm xúc có thể hoạt động như một “hình phạt” đối với việc biểu lộ cảm xúc. Theo các nguyên tắc của tâm lý học hành vi, những người thường xuyên nhận được phản hồi tiêu cực hoặc chỉ trích khi họ thể hiện bản thân có xu hướng dần thu mình lại.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc thường xuyên bị phủ nhận cảm xúc có thể làm gia tăng hoạt động ở các vùng não liên quan đến việc phát hiện mối đe dọa (ví dụ: hạch hạnh nhân) và hệ thống phản ứng với stress (trục dưới đồi-tuyến yên-thượng thận). Sự gia tăng phản ứng này có thể dẫn đến tình trạng bất ổn cảm xúc nghiêm trọng hơn hoặc ngược lại, sự tê liệt cảm xúc.
Từ góc độ giao tiếp giữa các cá nhân, phủ nhận cảm xúc được xem là một sự đứt gãy trong “trường liên-chủ-thể”. Mỗi tương tác giữa hai người đều tác động đến không gian tương tác chung của họ. Khi một người phủ nhận thực tế bên trong nội tâm của người kia, không gian cảm xúc chung này có thể trở nên không an toàn.
Ngược lại, sự bất đồng được diễn đạt bằng sự tôn trọng không hề làm suy yếu giá trị hay cảm nhận về thực tại của một người. Nó chỉ đơn giản khẳng định rằng hai cá nhân có những góc nhìn khác nhau. Khi sự bất đồng được thể hiện một cách thấu cảm – bằng cách thừa nhận cảm xúc của đối phương trước khi bày tỏ quan điểm khác biệt – sự bất đồng có thể tạo ra một môi trường an toàn về mặt tâm lý.
Những bất đồng tập trung vào vấn đề thay vì công kích cá nhân sẽ giúp duy trì sự củng cố tích cực cho giao tiếp cởi mở. Khi một người cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu, họ có xu hướng sử dụng vỏ não trước trán – vùng não liên quan đến sự bình tĩnh và khả năng suy nghĩ thấu đáo – thay vì kích hoạt các phản ứng với stress từ hệ viền. Một cuộc tranh luận dựa trên sự tôn trọng công nhận rằng cả hai bên đều có lý do chính đáng cho quan điểm của mình. Theo thuật ngữ phân tâm học, sự công nhận lẫn nhau này là trung tâm của các mối quan hệ lành mạnh.
Làm thế nào để phân biệt giữa bất đồng và phủ nhận cảm xúc?
1. Trọng tâm của câu nói
2. Giọng điệu cảm xúc
3. Tác động đến mối quan hệ
Những lời khuyên thiết thực
1. Thừa nhận cảm xúc
Bắt đầu bằng cách phản hồi lại cảm xúc mà người kia đang bày tỏ. Ví dụ: “Có vẻ như bạn rất thất vọng về những gì đã xảy ra ở chỗ làm. Cảm giác đó cũng dễ hiểu.” Bước đơn giản này có thể giúp cuộc trò chuyện không đi chệch hướng sang phủ nhận cảm xúc.
2. Sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ
Thay vì nói “Bạn sai rồi,” hãy thử diễn đạt, “Tôi có góc nhìn khác về chuyện này.” Việc sử dụng câu nói bắt đầu bằng ‘Tôi’ giúp bạn thể hiện quan điểm cá nhân mà không phán xét hay bác bỏ ý kiến của người khác.
3. Kiểm tra lại cách bạn hiểu
Trước khi phản bác ý kiến của ai đó, hãy thử tóm tắt lại những gì bạn hiểu được từ họ: “Để tôi chắc chắn là mình hiểu đúng nhé: Bạn cảm thấy xấu hổ khi sếp phê bình bạn trước mặt cả nhóm và bạn cho rằng điều đó không công bằng. Tôi hiểu như vậy có đúng không?” Điều này thể hiện rằng bạn đang thực sự lắng nghe, chứ không chỉ chờ đến lượt mình để phản hồi.
4. Ghi nhận cảm xúc ngay cả khi bất đồng quan điểm
Những cụm từ như “Tôi hiểu rồi” hoặc “Tôi tôn trọng việc bạn có cảm xúc mãnh liệt về điều này” có thể được sử dụng trước khi bạn trình bày quan điểm riêng: “Tuy nhiên, đây là lý do tại sao tôi nghĩ tình hình có thể phức tạp hơn.” Bằng cách này, bạn tạo ra không gian cho cả cảm xúc của họ và cách diễn giải khác của bạn.
Tại sao điều này lại quan trọng?
Nuôi dưỡng các mối quan hệ đòi hỏi chúng ta phải luôn tỉnh táo nhận biết sự khác biệt giữa phủ nhận cảm xúc và bất đồng quan điểm. Dù là với bạn bè, người yêu hay đồng nghiệp, cách chúng ta nói về cảm xúc của nhau có thể củng cố hoặc làm tổn hại đến mối quan hệ. Nhận ra thời điểm một cuộc trò chuyện chuyển từ bất đồng sang phủ nhận có thể giúp chúng ta tạm dừng, điều chỉnh lại và lựa chọn ngôn từ một cách cẩn trọng hơn.
Hơn nữa, xét từ góc độ sức khỏe tinh thần, những người thường xuyên trải qua sự phủ nhận cảm xúc có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, đối mặt với các vấn đề về lòng tự trân trọng và nuôi dưỡng sự oán giận hoặc mất lòng tin trong các mối quan hệ thân thiết. Ngược lại, sự bất đồng dựa trên sự tôn trọng và thấu cảm có thể nâng cao kỹ năng giao tiếp, khả năng giải quyết vấn đề và sự gắn kết về mặt cảm xúc.
Lần tới khi bạn muốn thốt lên, “Bạn chỉ đang làm quá lên thôi,” hãy dừng lại và tự hỏi liệu bạn đang đơn thuần bày tỏ một sự khác biệt ý kiến hay đang phủ nhận hoàn toàn cảm xúc của người khác. Những thay đổi nhỏ trong ngôn ngữ – chẳng hạn như sử dụng câu nói bắt đầu bằng “tôi”, phản hồi cảm xúc và tập trung vào vấn đề thay vì con người – có thể giúp bạn truyền đạt một ý kiến khác mà không làm tổn hại đến giá trị của bất kỳ ai. Suy cho cùng, các mối quan hệ lành mạnh không phải được xây dựng bằng cách trốn tránh xung đột, mà bằng cách giải quyết xung đột với sự thấu cảm, tôn trọng và sự quan tâm thực sự đến thế giới nội tâm của nhau.
Tác giả: Jason Shimiaie, M.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today
Bình luận (0)