20/01/2024

Khi nào thì mọi thứ vẫn ổn nếu bạn không ổn?

Khám phá cách gỡ bớt những thói quen cũ trong việc chối bỏ cảm xúc.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: Unsplash

Câu trả lời chính là “luôn luôn”.

Chúng ta có xu hướng cố gắng làm cho bản thân và người khác “cảm thấy tốt hơn”, xuất phát từ lòng trắc ẩn và lòng thấu cảm. Thế nhưng hai yếu tố này thường dễ gây nhầm lẫn và thay vì thật sự yêu thương và đồng cảm, ta lại áp dụng trạng thái “ổn” cho chính bản thân và mọi người xung quanh. 

Sẽ như thế nào nếu chúng ta chỉ đơn giản là cảm nhận những những gì đang diễn ra? Khi bệnh, chúng ta biết phải uống thuốc để khỏe hơn. Vậy nếu tinh thần của chúng ta không khoẻ hoặc cảm thấy đau đớn thì sao? Có thuốc dành cho những nỗi đau này không? Không có hướng dẫn cụ thể nào luôn có sẵn. Thế nhưng thông thường, việc tìm kiếm giải pháp cho những nỗi đau về tinh thần sẽ khiến ta vô thức trì hoãn quá trình “làm việc” với cảm xúc của chính mình.

Có một vài sự thật chúng ta cần biết: Ta cần đối mặt với tất cả trải nghiệm cảm xúc của bản thân, dù chúng có đau đớn đến nhường nào; nếu không, chúng sẽ tiếp tục xuất hiện trong cuộc sống của ta bằng cách này hay cách khác. Là con người, sẽ có lúc ta cảm thấy bất ổn, đó là lẽ đương nhiên. Và đối với những trải nghiệm cảm xúc của bản thân, ta chứ không ai khác thường là kẻ phán xét và chỉ trích gay gắt nhất.

Nếu tôi vừa chia tay với một người tôi yêu rất nhiều và không cho phép bản thân cảm thấy đau lòng, khả năng cao tôi sẽ mang đến tổn thương cho người tiếp theo hoặc phá hỏng cả mối quan hệ. Thay vào đó, chủ động đối mặt và cho phép bản thân được ở lại với cảm xúc của chính mình sẽ giúp tôi chữa lành những vết thương. 

Điều này có dễ chịu không? Chắc chắn là không. Nhưng nó có cần thiết cho sự trưởng thành về mặt cảm xúc không? Chắc chắn rồi.

Chúng ta thường đáp lại câu hỏi “Dạo này sao rồi?” với câu trả lời đơn giản như “Bình thường”, hay thậm chí là “Cũng không ổn lắm, nhưng chắc sẽ ok thôi”. Nhưng điều này có thật không? 

Nguồn: Unsplash

Vào mùa thu năm 2015, tôi đã đối mặt với khoảng thời gian tăm tối nhất. Tôi trải qua một cuộc chia tay đầy đau thương, cố gắng vượt qua nó bằng những mối tình thay thế và cuối cùng, tôi chỉ cảm thấy trống rỗng và cô đơn sâu sắc.

Tôi không thật sự cảm thấy tốt hơn cho đến khi tìm đến nhà trị liệu tâm lý. Trước đó, tôi từng nói với bản thân rằng mình không cần ai khác vì chính tôi cũng là người học và thực hành tâm lý. Thế nhưng tôi đã đào một chiếc hố quá sâu cho những nỗi đau của mình và không tìm được cách để thoát khỏi chúng. Tôi quen dần và cảm thấy thoải mái khi ở cùng những nỗi đau. 

Tâm lý gia của tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho phép bản thân được cảm nhận – bằng cách chia sẻ thật cởi mở, về việc tôi không ổn, tôi sợ hãi và lạc lối, bằng việc cố gắng kết nối, chia sẻ với mọi người về nỗi đau của chính mình, và bằng việc viết xuống những sự thật thay vì giữ khư khư chúng trong tâm trí. Chỉ khi đó tôi bắt đầu được chữa lành, và cũng bắt đầu hành trình phát triển cảm xúc mà trước đó tôi không nghĩ mình sẽ cần hay có khả năng chinh phục.

Nguồn: Unsplash

Chúng ta cần loại bỏ sự xấu hổ bao quanh trạng thái “không ổn”. Chúng ta phải bỏ dần suy nghĩ bản thân cảm thấy đau khổ là do mình yếu đuối hoặc đã làm sai điều gì đó. 

Nếu điều này đang mô tả bạn, bạn không hề đơn độc trong những suy nghĩ và cảm xúc đầy “rối loạn” này. Đó là cách mà hầu hết chúng ta được nuôi lớn, định hình và được bảo là “bình thường”. Thật ra bình thường không có gì sai, nhưng lành mạnh lại là câu chuyện khác. 

Làm thế nào để học được cách buông bỏ giọng nói trong đầu cứ bảo chúng ta phải chạy trốn hoặc xao lãng bản thân khỏi những cảm xúc cho đến khi chúng ta “ổn” trở lại? Những cảm xúc đó sẽ chẳng đi đâu cả – không bao giờ. 

Chắc chắn có những việc bạn có thể làm để đưa bản thân thoát khỏi những nỗi đau cảm xúc hoặc việc luôn tự cho mình là trung tâm. Nhưng hầu hết những thực hành này đều bao gồm yếu tố tập trung vào bản thân trước khi tập trung vào người khác.  

Hãy lấy yoga làm ví dụ. Thực hành yoga dạy chúng ta rằng nỗi đau là tạm thời, kể cả nỗi đau thể chất, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dựa vào sự không thoải mái của một vài tư thế để giải phóng những căng cứng bên trong cơ thể. 

Nguồn: Unsplash

Yoga không yêu cầu chúng ta phải đắm mình hay nuôi dưỡng nỗi đau để vượt qua chúng. Thay vào đó, yoga truyền tải thông điệp rằng lối thoát duy nhất là đi xuyên qua, chứ không phải đi vòng qua. Lối thực hành này ủng hộ việc không-phán-xét, lòng tự trắc ẩn, lòng từ tâm và sự chấp nhận buông bỏ những gì không còn phù hợp với ta. Yoga không củng cố những hành vi không tương thích như kiểm soát, cố chấp hay mong muốn trở nên giỏi giang hơn tất cả những người còn lại trong phòng tập. 

Trọng tâm nằm ở bạn và chỉ bạn mà thôi – nhưng bằng cách hiện diện cùng những người khác trên cùng một hành trình, chúng ta đạt được mối liên hệ sâu sắc hơn với những cá nhân khác trong lớp học yoga. Hãy thử áp dụng một số nguyên tắc của yoga từ bài viết này vào cuộc sống của bạn. Mọi thứ sẽ không dễ dàng nhưng rất đáng để thử. 

Không sao cả nếu bạn đang cảm thấy đau đớn. Không sao cả nếu bạn cảm thấy sợ hãi. Cũng chẳng sao nếu bạn cảm thấy không chắc chắn, đau buồn, luyến tiếc, cô đơn. Bởi vì cảm thấy bản thân đang không ổn, vốn là một điều bình thường.

Nguồn: Unsplash

Mọi thứ rồi sẽ qua và không gì là mãi mãi. Nhưng bạn luôn có thể trân trọng từng cảm xúc mình trải qua bằng việc hiện diện, đón nhận và không cố gắng chối bỏ chúng. Chỉ hôm nay thôi, hãy hiện diện cùng cảm xúc của mình nhé.

Chúc bạn một ngày vui.

Tác giả: Hannah Rose, LCPC
Biên dịch: Phương Kim
Biên tập: Đào Thị Nguyên HoàngThạc sĩ Tâm lý học
Theo Psychology Today

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *