26/04/2024
Đến gặp nhà trị liệu cũng là một trong số các cách giải quyết vấn đề. Nếu có thêm một cơ hội để hiểu và sống tốt hơn, vậy sao chúng ta không làm?
Ý chính trong bài:
– Chào cậu, dạo này cậu thế nào?
– Chào Agate, nói thế nào nhỉ… Hmmm… Mình cũng không ổn lắm…
– Có chuyện gì đã xảy ra à?
– Ừm, cũng nhiều chuyện. Chuyện cũng xảy ra lâu rồi, nhưng mình vẫn chưa vượt qua được. Mình ngày càng cảm thấy mệt mỏi và bất lực.
– Cậu có muốn tâm sự một chút không? Mình có thời gian và cũng mong có thể giúp cậu cảm thấy ổn hơn. Cậu có thể kể cho mình nghe chuyện của cậu được không?
– Hmmm… cũng được. Mình chỉ sợ làm cậu cũng tiêu cực theo thôi… Dạo gần đây mình rất áp lực với việc học, cậu biết đó, mình bắt đầu chuẩn bị hồ sơ du học khi tốt nghiệp cấp 3. Mình sợ mình sẽ không đủ điều kiện để xin được học bổng, như vậy thì sẽ tốn kém tiền bạc của ba mẹ lắm. Mình sợ rớt học bổng đến nỗi thức nhiều đêm liền để đọc hết tất cả những trường hợp xin học bổng ở các group du học trên Facebook. Mình cố tìm xem có ai có hoàn cảnh giống mình không.
– Mặc dù còn đến 2 năm nữa mới nộp hồ sơ nhưng mà hiện tại cậu đã rất lo lắng phải không? Mình hiểu là cậu muốn giảm bớt áp lực tài chính cho ba mẹ.
– Đúng rồi. Mình tưởng mình sắp phát điên lên rồi. Dạo gần đây, mình rất dễ mất bình tĩnh, mình còn tự thấy mình tức giận rất vô lý, nhưng mình không thể kiềm chế được. Có một lần, mình đã hét vào mặt bạn thân của mình ngay giữa lớp vì bạn ấy muốn nói chuyện với mình khi mình đang giải đề IELTS. Bạn ấy vẫn còn giận mình. Chưa hết đâu, mình còn thường xuyên cảm thấy rất bất công, tại sao bạn bè mình có thể vô tư như thế, đi học, ăn uống rồi hẹn nhau chơi game, còn mình thì chỉ biết học, học, học. Tâm lý của mình bất ổn quá rồi!
– Ồ, chuyện có vẻ nghiêm trọng rồi đấy. Mình hiểu là cậu khó có thể điều tiết được cảm xúc của bản thân. Cậu cũng bắt đầu thấy mình đang bỏ lỡ rất nhiều dịp vui vẻ với bạn bè. Mình hiểu vậy có đúng không?
– Cũng khá chính xác đó Agate. Mình kì cục quá phải không? Nhưng biết làm sao được, chuyện du học rất quan trọng với mình và cả ba mẹ mình nữa. Mình không muốn làm ba mẹ thất vọng. Mình chỉ tập trung vào học thôi, bỏ qua hết những chuyện khác. Vậy mà bài thi thử vừa rồi mình vẫn không đạt được điểm mong muốn. Haizzz…
– Cậu dành hết thời gian cho chuyện học và xin học bổng, còn những vấn đề khác thì bỏ qua hết sao?
– Mình cũng từng thử vài cách rồi đó chứ nhưng cũng không ăn thua gì. Mình hẹn bạn bè đi uống trà sữa, chụp ảnh để thư giãn nhưng lúc nào cũng nghĩ đến đống bài còn chưa học xong nên cũng chẳng vui vẻ gì mấy. Dần dần mình từ chối đi cùng luôn, chỉ ở nhà vùi đầu vào học. Nhiều hôm mệt quá mình cũng không ăn nỗi. Chỉ ăn cho có sức học thôi chứ không cảm thấy ngon lành gì, ăn lẩu tokbokki cũng chẳng còn thấy ngon nữa, dù hồi đó mình được gọi là fan cuồng lẩu tokbokki đó.
– Những chuyện làm cậu vui vẻ trước đây giờ không còn tác dụng nữa à? Dường như cậu cũng đang gác lại niềm vui cá nhân để vùi mình vào học hành thôi phải không, đến nỗi ăn món yêu thích nhất cũng chẳng còn thấy ngon..
– Tình hình chính xác là như vậy đấy. Mình cũng chẳng biết phải làm sao. Chọn vui vẻ thì sợ không xin được học bổng, mà chọn học bổng thì cuộc sống mình xám xịt lại luôn vậy.
– Mình thấy cậu thật sự đã cố gắng rất nhiều vì mục tiêu của mình rồi, nhưng mà cậu càng dồn hết sức lực và tâm trí vào nó thì cậu càng căng thẳng hơn. Chuyện này ảnh hưởng đến cả cảm xúc, tình bạn và cuộc sống hằng ngày của cậu rồi. Mình có chuyện này muốn nói với cậu, mình mong có thể giúp cậu vượt qua thời điểm khó chịu này và tìm được cách xử lý vấn đề hiệu quả, kiểu như sống một cuộc đời cân bằng hơn giữa chuyện học với những chuyện khác…
– Cậu có lời khuyên cho mình sao? Cậu nói đi, mau lên nào!
– Cậu nghĩ sao về chuyện gặp nhà trị liệu tâm lý? Mình nghĩ họ có thể giúp cậu giảm bớt lo lắng khi cậu theo đuổi ước mơ. Mình nghĩ một chút áp lực sẽ thúc đẩy bản thân cố gắng để làm tốt hơn, kiểu như có động lực. Nhưng mà nếu để áp lực kéo dài, nhỡ ước mơ biến thành ác mộng thì sao?
– Có vẻ mình cũng không kiểm soát được cảm xúc và điểm số nữa rồi, không phải mình cứ cố gắng là được. Mà mình thấy mình chưa hẳn là điên đâu? Có nghiêm trọng đến nỗi cần gặp nhà trị liệu không vậy Agate?
– Không…không… Mình không có ý nói cậu điên đâu. Gặp nhà trị liệu là để hiểu rõ hơn về tình trạng hiện tại của bản thân, tìm ra cách phù hợp và hiệu quả lâu dài cho vấn đề. Bất kì ai cũng có thể đến gặp nhà trị liệu, không nhất thiết là có rối loạn tâm thần thì mới đến gặp đâu, bởi vì ai cũng có lúc cần giúp đỡ mà. Cậu hiểu ý mình không?
– À… à… Mình nghe nhiều người nói người bị tâm thần hay bị điên mới cần trị liệu nên mình hơi hoảng khi nghe cậu nói vậy. Mình cũng không biết chính xác trị liệu là như thế nào nữa, có phải là nhà trị liệu sẽ cho mình lời khuyên để mình nhanh chóng vui vẻ và học tốt hơn không?
– Thật ra thì nhà trị liệu sẽ không cho cậu lời khuyên đâu, họ sẽ đồng hành cùng cậu trong quá trình cậu tìm hiểu và sắp xếp lại tâm trí của cậu mà thôi. Cậu có thể hiểu như thế này, trong lúc khó khăn cậu sẽ thấy bầu trời mù mịt giông tố chẳng thấy lối đi đâu, nhà trị liệu sẽ cùng cậu tìm cách vượt qua lớp mây giông đó. Khi mà cậu đã có thể thấy được các lối đi, họ sẽ cùng cậu nói về lợi thế, nguy cơ hay những điểm cần lưu tâm để cậu có thể tự quyết định bản thân sẽ đi con đường nào. Họ sẽ đồng hành cùng cậu, giúp cậu vững vàng hơn cả về tâm trí lẫn cảm xúc để cậu có thể tự đưa ra những quyết định phù hợp với bản thân.
– Có nghĩa là nhà trị liệu sẽ giúp mình tự lập, tự đưa ra quyết định chứ không chỉ dẫn mình nên làm gì và không nên làm gì. Phải vậy không?
– Đúng rồi đó.
– Nhưng mà như vậy thì lâu lắm, nhà trị liệu cho mình lời khuyên có phải nhanh hơn không? Mình hết chịu nỗi rồi, chỉ muốn thoát khỏi tình trạng này càng nhanh càng tốt thôi. Mình không nghĩ là mình có thể giải quyết chuyện này nhanh đâu, cậu thấy đó mình đã chịu đựng nó một thời gian dài vì không tìm ra cách rồi mà.
– Mình biết là cậu mệt mỏi, muốn nhanh chóng ổn định cảm xúc để tập trung vào chuyện học. Nhưng mà chuyện cũng không phải mới xảy ra ngày hôm qua, cậu cũng cần có thời gian dành cho chính mình, có không gian kết nối lại với bản thân sau một khoảng thời gian dài bỏ bê chính mình. Mỗi người sẽ có sức bật và khả năng phục hồi khác nhau, thời gian qua cậu đã quá khắc nghiệt với chính mình rồi, mình nghĩ giờ là lúc cậu cho bản thân thêm thời gian để tái tạo lại năng lượng. Cậu nghĩ sao?
– Cậu nói cũng hợp lý, chính vì mình chỉ nghĩ đến chuyện xin học bổng nên mình gác lại hết tất cả những niềm vui khác của bản thân. Như kiểu cuộc đời mình sống chỉ vì học bổng vậy, nhưng mà mình cũng rất thích trò chuyện với bạn thân của mình, mình vẫn thích được check-in, chụp ảnh đẹp ở các quán trà sữa xinh xắn, mình cũng muốn ăn uống ngon miệng… Sao mà khó cân bằng quá, chắc là mình sẽ gặp nhà trị liệu xem sao. Mình cũng hơi sợ, mà cũng cảm thấy có hy vọng.
– Mình hiểu là cậu đang lo lắng về chuyện gặp nhà trị liệu. Những nhà trị liệu tốt sẽ nói cho cậu biết tiến trình làm việc diễn ra như thế nào, những vấn đề nào cần đào sâu tìm hiểu và có thể giải đáp băn khoăn liên quan đến quá trình trị liệu của cậu.
– Ồ, thật sao? Như vậy thì có vẻ ổn hơn. Mình sẽ yên tâm hơn khi biết nhà trị liệu đang làm gì với vấn đề của mình. Cám ơn cậu đã lắng nghe nỗi lòng của mình, và còn gợi ý cho mình gặp nhà trị liệu nữa. Mình sẽ tìm đến nhà trị liệu, nhiều khi không biết phải làm sao thì thật sự là cần người giúp, cảm thấy như sắp giảm bớt gánh nặng vậy Agate ơi.
– Không có gì nè. Hy vọng sau khi gặp nhà trị liệu, cậu sẽ có thể vừa theo đuổi ước mơ vừa tận hưởng khoảng thời gian học trò của mình.
– À mà khoan đã, làm sao tìm được nhà trị liệu đây Agate? Mình chỉ hay nghe mọi người nhắc đến tâm lý học hay chuyện trị liệu, tham vấn tâm lý thôi, mình không biết nhà trị liệu là ai với họ làm việc ở đâu cả. Nhà trị liệu là sẽ làm việc ở bệnh viện phải không?
– Đúng rồi, một số nhà trị liệu sẽ làm việc ở bệnh viện, hoặc họ cũng làm việc ở các văn phòng, công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, ở trường học thì có chuyên viên tham vấn tâm lý học đường nè. Nhà trị liệu cũng có thể làm việc ở các tổ chức phi chính phủ, tổ chức bảo vệ trẻ em hay nhà văn hóa thanh niên, nhà văn hoá phụ nữ,… Nhiều nhà trị liệu làm việc độc lập, có nghĩa là họ có văn phòng riêng, không thuộc tổ chức nào hết. Nhà trị liệu làm việc ở nhiều nơi lắm.
– Quào, nhiều như vậy thì mình biết tìm đến ai bây giờ?
– À, đúng là khó biết được ai là người có thể giúp đỡ mình, dù gì cậu chưa gặp họ bao giờ mà. Hmmm… Cậu có thể làm thế này, bây giờ thông tin của nhà trị liệu cũng thường được giới thiệu trên website hoặc fanpage của các tổ chức để mọi người dễ tìm, cậu có thể xem quá trình đào tạo và kinh nghiệm làm việc của họ ở đó. Cậu cũng có thể biết được họ chuyên làm việc với những chủ đề nào, ví dụ như cảm xúc nè, sang chấn nè, chăm sóc giảm nhẹ nè, hay các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ,… Nhà trị liệu cũng sẽ thường làm việc với một số đối tượng nhất định, ví dụ như trẻ em, vị thành niên hay gia đình,… Nếu cậu không tìm được những thông tin này trên mạng, cậu có thể gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho họ để hỏi thêm cho rõ, bởi vì trước khi cậu gặp nhà trị liệu, cậu sẽ cần đặt hẹn trước. Lúc đó nhà trị liệu hoặc người trực tổng đài sẽ hỏi một số thông tin cơ bản về cậu và vấn đề mà cậu đang gặp phải, cậu và họ có thể trao đổi thông tin với nhau. Lúc này cậu có thể hỏi những thông tin mà cậu quan tâm về quá trình trị liệu, chi phí và quan trọng nhất là nhà trị liệu sẽ làm việc với cậu. Cậu hoàn toàn có quyền biết những điều này, nên cứ thoải mái hỏi nhé!
– Thì ra là vậy, nói chuyện, làm quen trước khi gặp mặt chính thức. Để mình về tìm thử xem sao…
– Cậu có thể tìm bằng từ khoá í, như là nhà trị liệu, chuyên gia tâm lý, chuyên viên tham vấn trị liệu, hay trị liệu tâm lý, tham vấn tâm lý, tham vấn trị liệu,… Còn bằng tiếng Anh thì sẽ là counselor, clinical psychology, therapist,…
– Ồ, cậu không nói là về mình chỉ biết tìm “dễ cáu gắt thì phải làm sao?” thôi í. Có nhiều cách để tìm quá nè, cám ơn Agate nhiều nhé!
– Cậu cần biết thêm điều gì thì cứ hỏi mình nhé. Mình biết gì mình sẽ nói cho cậu biết.
– Nhất trí nha!
Tác giả: Trần Lâm Thuý Vy – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Tài liệu tham khảo:
Saripalli, V., & Ferguson, S. (2022, March 28). When to See a Therapist: 7 Signs It’s Time to Talk. Psych Central. Retrieved April 26, 2024, from https://psychcentral.com/health/signs-its-time-to-see-a-therapist
Bình luận (0)