18/09/2023
Khoảng cách thế hệ giải thích cho sự khác biệt về thái độ, giá trị và hành vi của những cá nhân ở những nhóm tuổi khác nhau. Hiểu về những ảnh hưởng của khoảng cách thế hệ có thể giúp xóa mờ phần nào khoảng cách này.
Ý chính trong bài:
Mỗi chúng ta đều có những đặc điểm rất “người” giống nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng có tính cách và góc nhìn cuộc sống rất khác nhau. Lí do là vì mỗi người chịu tác động bởi những bối cảnh văn hoá xã hội khác biệt, hoàn cảnh khi sinh ra, lớn lên và sinh sống. Điều này giải thích cho việc những người ở những thế hệ khác nhau thường gặp khó khăn trong việc thấu hiểu, kết nối và giao tiếp. Chúng ta thường gọi đây là khoảng cách thế hệ.
Điều này thật ra có cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Có những sự khác biệt cản trở quá trình chung sống, nhưng cũng có những sự khác biệt làm nên sự phong phú cho môi trường sống và gia tăng trải nghiệm của những cá nhân ở đó.
Môi trường xung quanh ta lúc nào cũng có sự hoà lẫn của nhiều thế hệ, trong gia đình, ở công ty, hàng xóm, cộng đồng… Hãy tìm cách tận dụng triệt để điều này.
Khoảng cách thế hệ
Một trong những cách phổ biến để phân nhóm dân số là dựa vào tuổi hoặc năm sinh, hay nói cách khác là dựa vào thế hệ.
Những sự kiện lịch sử và văn hoá như khủng hoảng kinh tế, phát triển công nghệ và những cuộc cách mạng tạo nên những dấu ấn khác biệt trong hành vi của những nhóm người khác nhau, tạo nên nét đặc thù nhất định.
Vào năm 2012, Kotler và Keller đã trình bày một trong những cách phân loại thế hệ nổi tiếng nhất. Có 6 nhóm thế hệ theo phân loại này: thế hệ im lặng (silent), thế hệ bùng nổ trẻ em (baby boomers), Thế hệ X, thế hệ gen Y (millennials) và thế hệ gen Z (centennials). Giữa những thế hệ khác nhau, người ta có những thái độ, giá trị và hành vi khác nhau.
Ảnh: Freepik
Sự hiện diện của khoảng cách thế hệ
Ta có thể nhận ra khoảng cách thế hệ trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Nơi nào tập hợp những người từ nhiều thế hệ khác nhau, nơi đó tồn tại khoảng cách thế hệ.
Kiến thức
Chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy sự chênh lệch về kiến thức giữa các độ tuổi, đặc biệt là khi nói đến kỹ thuật số. Các thế hệ trẻ là những người sành sỏi kỹ thuật số. Họ sử dụng Internet và các thiết bị công nghệ thành thạo, thế hệ trước khó mà bắt kịp tốc độ này. Ngoài ra chúng ta cũng thấy rằng kiến thức về ngôn ngữ của giới trẻ có sự khác biệt với các thế hệ trước, tạo nên rào cản giữa các thế hệ (Martín, 2020).
Về cách giao tiếp
Mỗi thế hệ có cách giao tiếp khác nhau. Những người ở những thế hệ khác nhau gặp khó khăn trong việc trò chuyện cùng nhau. Ví dụ như khoảng cách thế hệ gây khó khăn trong giao tiếp giữa giáo viên và học sinh, cha mẹ và con cái hoặc giữa các thế hệ khác nhau cùng làm việc ở một tổ chức hoặc công ty (Fernández & Ulloa, 2006).
Về những giá trị
Giá trị cốt lõi của giới trẻ khác biệt rõ rệt với các thế hệ trước. Ví dụ, thế hệ baby boomer có xu hướng suy nghĩ thấu đáo và ưu tiên cho công việc, còn thế hệ gen X đề cao sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong khi đó, thế hệ gen Y cho thấy tinh thần cộng đồng và hội nhập toàn cầu (Gibson và cộng sự, 2009).
Khi những người thuộc các thế hệ khác nhau cùng chung sống hoặc cùng hợp tác với nhau để đạt được mục tiêu chung, mâu thuẫn vẫn có thể xảy ra vì mỗi thế hệ có những ưu tiên riêng và cách tiến hành khác nhau.
Động lực
Qua từng thế hệ, động lực trong cuộc sống hoặc cách động viên một người hiệu quả cũng rất khác nhau.
Theo một bài báo của Tạp chí Quốc tế về Kinh tế, Quản lý và Khoa học Xã hội, những người thuộc thế hệ trước có xu hướng yêu cầu sự tôn trọng trong giao tiếp, và coi trọng quan hệ cá nhân trong công việc. Ngược lại, các thế hệ trẻ thích phong cách giao tiếp trực diện, rõ ràng (vd gửi email) và coi trọng sự bình đẳng.
Phụ huynh muốn động viên con mình tập trung vào việc học, người lãnh đạo muốn thúc đẩy đội nhóm hiệu quả? Trường hợp nào cũng cần hiểu rõ động lực của từng cá nhân theo đặc trưng thế hệ.
Ưu và nhược điểm của khoảng cách thế hệ
Tất cả những khác biệt kể trên tạo nên nhiều vấn đề khi các thành viên trong gia đình cùng chung sống hoặc các nhân viên hợp tác với nhau trong công việc. Tương tự, hiệu quả của quá trình dạy và học trong bối cảnh giáo dục và mọi tình huống giao tiếp đều có thể bị ảnh hưởng bởi khoảng cách thế hệ.
Tuy nhiên, khoảng cách thế hệ cũng có thể là một lợi thế. Sự khác biệt tạo nên các quan điểm sống phong phú. Ví dụ, thế hệ trẻ có thể hợp tác với những người lớn tuổi hơn và giúp họ làm quen với các công nghệ mới. Người trẻ cũng có thể giúp người lớn tuổi tiếp cận với những hệ tư tưởng mới mà thế hệ trước đây chưa biết.
Ngược lại, các thế hệ trước có thể chia sẻ kiến thức và lời khuyên dựa trên kinh nghiệm thực tế của họ, truyền lại những giá trị quan trọng có thể đã dần mai một ở các thời đại sau.
Vậy làm thế nào để tận dụng khoảng cách thế hệ? Chúng ta có thể thực hiện các bước dưới đây. Ví dụ:
Tóm lại, chúng ta cần chấp nhận rằng khoảng cách thế hệ sẽ xuất hiện ở nhiều khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta có thể tận dụng lợi thế của sự khác biệt thế hệ, cũng như giảm thiểu xung đột bằng cách hiểu được sự khác biệt giữa các thế hệ là gì và ảnh hưởng của chúng đến ta ra sao.
Khi tương tác với các cá nhân ở những thế hệ khác nhau, chúng ta cần phải duy trì thái độ cởi mở và tôn trọng. Trên thực tế, ta có thể phải tiết chế cách giao tiếp của mình để thích nghi hoặc nỗ lực để hiểu các giá trị cũng như điều gì thúc đẩy những người ở các thế hệ khác nhau. Khi vượt qua được khoảng cách này, nhiều cơ hội tích cực sẽ được mở ra.
Tác giả: Tâm lý gia Elena Sanz
Biên dịch: Thạc sĩ Tâm lý Trần Lâm Thuý Vy
Biên tập: AGATE
Theo Exploring Your Mind
Bình luận (0)