Kiệt sức là một phản ứng tâm lý trước những tác nhân gây căng thẳng không được giải quyết trong một thời gian dài.
Học sinh là một trong những đối tượng đứng trước nguy cơ kiệt sức cao.
Chúng ta có thể phòng ngừa và vượt qua kiệt sức bằng cách nhận diện, xác định nguyên nhân, chăm sóc bản thân, quản lý thời gian, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia.
Hội chứng kiệt sức là gì?
Theo từ điển Tâm lý học APA, kiệt sức là tình trạng kiệt quệ về thể chất, cảm xúc và tinh thần. Vô số các nghiên cứu về kiệt sức đã được triển khai nhằm đánh giá mức độ kiệt sức trong công việc của nhiều đối tượng làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo WHO, kiệt sức chưa được xem là một rối loạn sức khỏe tinh thần mà là nguy cơ trong công việc.
Ngày nay, thế giới thay đổi trong chớp mắt với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin. Từ đó, những yêu cầu của xã hội cũng tăng theo từng ngày từng giờ. Để đáp ứng được những yêu cầu của xã hội hiện đại thông qua việc đạt được những thành tích nhất định trong học tập, học sinh cũng là một đối tượng đứng trước nguy cơ kiệt sức trong việc học. Điều này được thể hiện trong·một nghiên cứu được Kiuru và các cộng sự thực hiện vào năm 2008. Kết quả cho thấy sự chênh lệch giữa khả năng học tập của học sinh và kỳ vọng của bản thân, thầy cô, và cha mẹ có thể dẫn đến kiệt sức.
Hãy tưởng tượng rằng lớp học bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 4 giờ chiều. Sau đó là chuỗi thời gian đến các lớp học thêm và chuẩn bị bài tập cho ngày học hôm sau. Khối lượng bài tập nhiều và đòi hỏi về chất lượng bài tập tăng cao khiến mức độ căng thẳng của học sinh liên tục chạm đến ngưỡng chịu đựng. Thế nhưng các em lại không có thời gian nghỉ ngơi đủ dài để cảm nhận được ý nghĩa trong những nỗ lực của mình hay để phục hồi năng lượng cho thử thách tiếp theo. Khi đó học sinh bị kiệt sức trong học tập.
Vậy kiệt sức trong học tập có biểu hiện như thế nào?
Kiệt sức có mức độ nghiêm trọng hơn so với cảm giác căng thẳng hay mệt mỏi. Kiệt sức là một sự kiệt quệ về thể chất, tinh thần và cảm xúc có thể dẫn đến trạng thái vô vọng và mất động lực. Những dấu hiệu chính của kiệt sức bao gồm:
Luôn cảm thấy kiệt quệ
Thiếu động lực hoặc hứng thú đối với cả những việc bạn đã từng yêu thích
Đa nghi, vô cảm và tiêu cực
Cảm giác mình đang dậm chân tại chỗ
Thường nộp bài trễ hoặc đi học trễ
Khó khăn trong việc tập trung và đưa ra quyết định
Kiệt sức xuất hiện khi học sinh không có cơ hội giải quyết những căng thẳng diễn ra liên tục trong quá trình học tập. Những biểu hiện của kiệt sức lại có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng học tập của học sinh. Điều này tiếp tục dẫn đến căng thẳng khi thành tích sút kém. Vòng lặp cứ thế diễn ra và còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ của học sinh trong gia đình và trường học.
Kiệt sức và những học sinh có cách học và tư duy đặc biệt
Ai cũng có thể kiệt sức. Một số học sinh có cách học và tư duy đặc biệt, nguy cơ kiệt sức của các bạn tăng cao vì một vài yếu tố như sau:
Các yếu tố về nhận thức – Các bạn cần nhiều thời gian hơn và sự nỗ lực nhiều hơn để có thể bắt kịp nhịp độ của các bạn cùng lớp. – Các bạn cần được hỗ trợ cá nhân sau khi hoàn thành thời khóa biểu trong lớp. – Các bạn khó tập trung cần nỗ lực gấp nhiều lần để tập trung. Các bạn ấy có thể ngồi vào bàn học hàng giờ và khó để hoàn thành được nhiều bài tập nhưng vẫn cảm thấy kiệt quệ sau đó.
Các yếu tố cảm xúc – Các bạn không thể kiểm soát được việc có tư duy và nhu cầu học tập đặc biệt dễ cảm thấy tự ti và bất lực. – Các bạn dễ mất động lực hơn và điều này càng khiến việc học trở nên khó khăn hơn. – Các bạn hiểu rất rõ cảm giác thất bại. Điều này có thể khiến các bạn trở nên cực kỳ lo lắng và căng thẳng về thành tích của mình. – Những bạn đồng trang lứa có thể khó đồng cảm được với những người bạn đặc biệt. Điều này khiến các bạn có nhu cầu học tập đặc biệt thường cảm thấy cô đơn.
Cách phục hồi và phòng ngừa kiệt sức trong học tập
Kiệt sức không thể bị xem nhẹ vì những hậu quả mà kiệt sức gây nên có thể làm suy giảm chất lượng đời sống nói chung và chất lượng học tập nói riêng. Do vậy cần làm thế nào nếu như bạn nhận thấy bản thân có một số biểu hiện của kiệt sức?
Nhận diện kiệt sức – Kiệt sức không phải là một sự kiện xuất hiện sau một đêm. Kiệt sức được dần hình thành sau một quá trình dài tích lũy những căng thẳng tiêu cực. Do vậy, bước đầu quan trọng nhất là nhận diện được việc bản thân mình đang kiệt sức. – Bạn có thể hỏi mình một số câu hỏi như: “Liệu mình có đang mệt mỏi đến mức không cảm nhận được mục đích của việc học không? Liệu số ngày đến trường trong mệt mỏi có nhiều hơn số ngày vui vẻ không?” Nếu câu trả lời là có thì có lẽ bạn đang trong quá trình kiệt sức.
Xác định nguyên nhân – Hãy dành thời gian để đánh giá lại quá trình học tập của mình. Những yếu tố có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức cần được xem xét như dành quá nhiều thời gian cho việc học, không có thời gian cho các tương tác xã hội, hoặc không cảm thấy nhận được sự hỗ trợ phù hợp trong trường học. – Khi xác định được nguyên nhân, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh như thầy cô hoặc cha mẹ để được hỗ trợ phù hợp.
Chăm sóc bản thân: chăm sóc bản thân là một cách vừa giúp phục hồi và vừa giúp phòng ngừa kiệt sức. Một số gợi ý trong việc chăm sóc bản thân là hãy dành thời gian để ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, luyện tập thể dục thể thao, viết nhật ký, vẽ tranh giải tỏa cảm xúc, hoặc trò chuyện với bạn bè, ba mẹ, thầy cô về những điều diễn ra trong ngày…
Quản lý thời gian: – Hãy chia nhỏ thời gian học và cho phép bản thân có những khoảng nghỉ ở giữa. Nếu bạn cần 2 tiếng để hoàn thành bài tập thì bạn có thể nghỉ giải lao khoảng 15 phút để đi dạo, ăn một chút gì đó sau 1 tiếng tập trung. – Bắt tay vào làm bài tập ngay sau khi nhận được yêu cầu của giáo viên sẽ góp phần giúp khoảng thời gian làm bài của bạn dễ chịu hơn. Hạn chế căng thẳng khi phải hoàn thành tất cả trong một khoảng thời gian ngắn.
Thiết lập mục tiêu học tập hợp lý: Việc đặt ra những mục tiêu xa vời sẽ khiến bạn dễ rơi vào trạng thái chán nản nếu bạn thất bại. Ví dụ như thay vì đặt mục tiêu 10 điểm trong tất cả các môn học, bạn có thể bắt đầu với những mục tiêu cụ thể hơn như chủ động đặt câu hỏi khi thầy cô giảng bài, hiểu bài ngay trong giờ học, tự tóm tắt lại bài học trong vòng 24h sau khi nghe giảng, dành 30′ mỗi ngày tập trung tự học cho mỗi môn học. Việc đạt được những mục tiêu thực tế sẽ tạo động lực để bạn có thể duy trì được thành tích học tập.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia: Hội chứng kiệt sức trong học tập (hay bất kỳ một tình trạng sức khỏe tinh thần nào) cũng tương tự như những cơn cảm sốt. Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của những chuyên gia trong lĩnh vực. Sau khi đã thử tất cả những gợi ý trên nhưng bạn vẫn cảm thấy không thể tự xoay sở với tình trạng kiệt sức của mình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những chuyên viên tham vấn trong trường học. Tuy nhiên, nếu trường của bạn không có phòng tham vấn học đường, bạn có thể tham khảo một số dịch vụ tham vấn chuyên nghiệp tại Menthy, Psychub, Văn phòng Tư vấn Tâm lý Tí Tách,… hoặc một số dịch vụ hỗ trợ tâm lý từ xa như Đường dây nóng Ngày Mai, Hỗ trợ Tâm lý – Xã hội khẩn cấp…
Tác giả: Ngọc Trinh Biên tập: AGATE Tài liệu tham khảo:
Blanton, K. (2023, March 1). Burnout Symptoms: How to Recognize Signs and Treat Job Burnout. Prevention.com. Retrieved July 14, 2023, from https://www.prevention.com/health/mental-health/a43126662/burnout-symptoms/
Burnout- The Student Epidemic – Wesley Chapel High School – Newspaper Pawprints. (2023, February 14). Wesley Chapel High School – Newspaper Pawprints. Retrieved July 14, 2023, from https://wchspawprints.com/2461/student-life/burnout-the-student-epidemic/
Cherry, K. (2022, October 22). Burnout Recovery and Prevention. Verywell Mind. Retrieved July 14, 2023, from https://www.verywellmind.com/burnout-recovery-and-prevention-6753704
Dealing with Study Burnout | Office of Academic Support & Counseling. (n.d.). Albert Einstein College of Medicine. Retrieved July 14, 2023, from https://www.einsteinmed.edu/education/student-affairs/academic-support-counseling/medical-school-challenges/study-burnout.aspxDeshler, D. (n.d.). Burnout in School. Understood.org. Retrieved July 14, 2023, from https://www.understood.org/en/articles/burning-out-in-school-what-it-means-and-how-to-help
Bình luận (0)