13/07/2023

Là chính mình thật sự có ý nghĩa gì?

Hành trình nhìn nhận và chuyển hóa nỗi xấu hổ tiềm ẩn là hành trình giải phóng con người chân thật, hạnh phúc bên trong bạn.

Rate this post

Được viết bởi Tiến sĩ John Amodeo.

Ý chính trong bài:

  • Sống chân thực là một trong những chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc, nhưng sống chân thực là chuyện nói dễ, làm khó.
  • Cảm giác xấu hổ bào mòn tính chân thực và việc chữa lành cảm giác xấu hổ là chìa khóa để sống cuộc đời chân chất và phóng khoáng.
  • Đồng điệu với bản thân – có nghĩa là bộc lộ những gì mà một người thật sự cảm thấy trong lòng – tạo nền tảng cho tình yêu và sự thân mật.

Bạn có nghĩ mình đang sống thật với chính mình? Bạn có lúc nào nhận thấy bản thân đang không là chính mình trước người khác?

Bản chất của việc làm chính mình là trở thành con người thực sự của chúng ta trong từng khoảnh khắc. Thay vì hiện diện và thể hiện con người thật của mình, chúng ta có thể đã xây dựng những cách để cố gắng trông tốt bụng, làm hài lòng người khác và né tránh cảm giác xấu hổ hoặc bị từ chối. Chúng ta tạo nên một cái tôi không thực sự là chính mình, điều thường được gọi là cái tôi giả tạo (false self). Trong quyển sách The Authentic Heart (Tạm dịch: Trái tim chân thực), khái niệm này được gọi là “cái tôi bịa đặt” (fabricated self).

Nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Rogers đã khuyến khích chúng ta sống theo cách mà ông gọi là “phù hợp”, những gì chúng ta thể hiện với người khác nên thống nhất với những trải nghiệm nội tâm. Nếu chúng ta cảm thấy tức giận hoặc buồn bã, chúng ta cần thừa nhận và tôn trọng điều đó. Thay vì nở một nụ cười giả tạo hay giả vờ như mình ổn, thì ta nên nhận thức và can đảm để thành thực về mặt cảm xúc và chân thành với chính mình, điều này tạo ra nền tảng để ta có thể thành thật với người khác. 

Sự chân thật với chính mình, điều này nói dễ hơn làm, nó là cơ sở cho sự gần gũi chân thành với người khác. Chúng ta không thể tận hưởng những mối quan hệ sâu sắc và trọn vẹn nếu chúng ta không chân thật với cảm xúc của chính mình.

Nguồn: Freepik

Vì sao trở nên chân thực và hài hòa trong cuộc sống cũng như trong mối quan hệ với người khác lại khó đến vậy? Điều thường khiến chúng ta đánh mất bản thân là sự xấu hổ không được công nhận.

Xấu hổ là một xung năng vô thức của những hành vi phá hoại. Nhận thức được cách vận hành ẩn sâu bên dưới cảm giác xấu hổ thường là bước đầu tiên hướng đến việc sống một cuộc đời chân thực và trọn vẹn hơn.

Xấu hổ là cảm giác ăn sâu vào tâm trí của chúng ta về việc bị thiếu sót, khiếm khuyết và không xứng đáng được yêu thương. Nó thúc đẩy chúng ta xây dựng một cái tôi mà chúng ta tin (hoặc hy vọng) rằng sẽ được người khác chấp nhận. Bị từ chối, bỏ rơi hoặc bị cười nhạo là một trong những trải nghiệm đau đớn nhất của con người. Chúng ta kéo dài cảm giác lo âu và khiến bản thân kiệt sức khi cố gắng trở thành người được người khác chấp nhận và yêu thương. Thay vì thư giãn và chấp nhận cái tôi chân thực của chính mình, chúng ta bóp méo bản thân để tìm kiếm sự an toàn khó nắm bắt mà bản thân khao khát.

Khi trải nghiệm cá nhân thuyết phục chúng ta rằng chân thật là điều không an toàn, chúng ta cố gắng đánh bóng cái tôi mà chúng ta nghĩ sẽ được chấp nhận. Một số người có thể thể hiện sự thông minh, xinh đẹp và hài hước. Một số khác bộc lộ sự giàu có hoặc quyền lực – chứng minh với thế giới họ “thành công” thế nào. Chúng ta có thể cố gắng trở nên tốt đẹp hơn những người khác chỉ vì muốn được yêu thương.

Cố gắng trở thành một ai đó không phải chính mình để có được tình yêu và sự quan tâm mà ta mong muốn thật sự mệt mỏi và vô nghĩa. Chúng ta có thể bị cảm giác xấu hổ thúc đẩy để tạo nên một cái tôi giả tạo khiến bản thân mất kết nối với lòng tốt và vẻ đẹp mà chúng ta thật sự đang có.

Nguồn: Freepik

Sự xấu hổ làm suy giảm tính chân thực

Cảm giác xấu hổ bào mòn tính chân thực. Nếu chúng ta giữ niềm tin cốt lõi (core belief) rằng bản thân thiếu sót, lối tư duy và cảm xúc này sẽ ảnh hưởng đến những gì chúng ta bộc lộ ra bên ngoài. Cảm giác xấu hổ làm chúng ta mất kết nối với đứa trẻ vui vẻ, hồn nhiên bên trong chúng ta. Cuộc sống trở nên quá nghiêm túc. Chúng ta mất đi khiếu hài hước và vui vẻ. Chúng ta đang bỏ rơi chính mình khi nghĩ rằng không nên sống thật, không thể chấp nhận sự thật chúng ta là những con người với những điểm mạnh và cả điểm yếu. Giá trị bản thân của chúng ta chỉ có thể phát triển trong môi trường ta có thể khẳng định ta là ai, bao gồm việc tôn trọng toàn bộ cảm xúc, thừa nhận những nhu cầu, mong muốn và khiếm khuyết của chúng ta.

Khi chúng ta nhận ra thời điểm cảm giác xấu hổ đang xuất hiện và cách nó làm suy giảm năng lượng sống của chúng ta, thì khả năng phá hoại của nó bắt đầu yếu đi. Dần dần, chúng ta có thể học cách tôn trọng và biết đứng lên bảo vệ chính mình, bất kể người khác có nhìn nhận và đánh giá chúng ta ra sao. Chúng ta ngày càng hiểu sâu sắc việc bản thân không thể kiểm soát những gì người khác nghĩ và ta cũng không còn quan tâm đến điều đó nhiều nữa. Những suy nghĩ (dù đúng đắn hay tưởng tượng) của chúng ta về cách nhìn nhận của người khác về bản thân mình sẽ dần được thay thế bởi lòng tự tôn lành mạnh. Khi có thể là chính mình, bạn cũng sẽ nhận ra bạn đang trao quyền và trao sự tự do cho bản thân.

Nguồn: Freepik

Sống chân thực là một quá trình chú tâm vào dòng chảy của những thay đổi bên trong chúng ta, tách khỏi những ảnh hưởng độc hại của cảm giác xấu hổ và phán xét nội tâm. Chúng ta cho phép bản thân cảm nhận những cảm giác và suy nghĩ của chính mình ở thời điểm hiện tại – và chúng ta sẵn sàng thể hiện những điều đó một cách phù hợp khi ta cảm thấy “đúng đắn” để làm vậy.

Khi bạn nhận thức được cảm giác xấu hổ bên trong mình và ứng phó với nó thật nhẹ nhàng và khéo léo, nỗi xấu hổ sẽ dần tan biến. Bằng cách nhận ra chúng ta có sự xấu hổ, nhưng rằng chúng ta không phải là sự xấu hổ, ta có thể tự do hơn để tận hưởng món quà quý giá của cuộc sống.

Nguồn tham khảo: Psychology Today
Người dịch: Thạc sĩ Tâm lý Trần Lâm Thuý Vy
Biên tập: AGATE

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *