17/05/2024
Không có điều gì hoàn toàn chắc chắn ở trong đời và chúng ta không cần sự chắc chắn để ra quyết định.
Ý chính trong bài:
Bạn lên một kế hoạch chi tiết và tự nhủ sẽ thực hiện nó. Chẳng hạn bạn định đi tập gym vào ngày mai, hẹn ăn tối với một người bạn, hoặc đề nghị sếp tăng lương. Nhưng rồi một điều gì đó bất ngờ xảy ra, rồi mọi chuyện diễn tiến không hề như trong dự định, và bạn lại chẳng làm gì, một ngày nữa trôi qua trong sự day dứt và hối hận.
Nếu bạn đang tự hỏi làm sao để ngừng tiếc nuối với các quyết định của mình, câu trả lời ngắn gọn là làm hai điều sau: (1) ra quyết định mà bạn sẽ không hối tiếc và (2) quyết tâm thực hiện các lựa chọn của mình đến cùng. Nói cách khác, khi bạn dự định nói chuyện với sếp, đi tập gym, hoặc đi chơi với bạn bè, hãy kiên định thực hiện nó. Tương tự, mỗi khi bạn làm điều gì, hãy tuân theo các giá trị của bản thân để tránh những hành động sau này làm bạn hối tiếc.
Tuy nhiên, đối với hầu hết chúng ta, việc ra quyết định có thể phức tạp hơn. Sự trì hoãn và sức mạnh ý chí khiến cho những lựa chọn của chúng ta không còn đơn giản chỉ là trắng hay đen. Dưới đây là cách làm sao để chúng ta hạn chế sự lo âu có thể đến từ việc phải đưa ra quyết định và cách ngừng cảm thấy tiếc nuối về những quyết định đã xong.
Vì sao chúng ta cảm thấy choáng ngợp bởi những lựa chọn?
Hầu hết các lựa chọn không chỉ có hai phương án. Và không có câu trả lời nào là hoàn toàn đúng hay sai. Những quyết định thường phức tạp và cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng.
Có thể bạn đã dự định hôm nay sẽ nói chuyện với sếp về chuyện tăng lương, nhưng rồi báo cáo tài chính quý được công bố, và bạn nhận thấy đây không phải thời điểm thích hợp để nói về chuyện lương thưởng với sếp. Cũng có thể bạn đã lên kế hoạch đi tập gym, nhưng bạn cảm thấy mình kiệt sức, lúc này chăm sóc bản thân là một lựa chọn tốt hơn. Hoặc, có thể bạn phải hủy hẹn với bạn bè vì một nghĩa vụ hoặc trách nhiệm bất ngờ xuất hiện hay đơn giản là bạn cảm thấy không có đủ năng lượng để giao tiếp xã hội.
Khi chúng ta có quá nhiều mục tiêu, kể cả những mục tiêu tích cực, chúng ta dễ bắt đầu cảm thấy quá tải. Điều này có thể kích hoạt trạng thái “sập nguồn” (shut down) ở cơ thể. Chúng ta có thể đưa ra những quyết định bốc đồng hoặc thiếu suy nghĩ chỉ để tìm kiếm sự thoải mái tức thời, thay vì tập trung vào các hành động sẽ đưa ta đến gần hơn với mục tiêu. Sau đó, những cảm giác lo lắng và hối tiếc xuất hiện, tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn khi chúng ta cứ mãi lặp đi lặp lại sự tự dằn vặt, cảm giác có lỗi, xấu hổ, hoặc buồn bã.
Vậy, làm thế nào để đưa ra được lựa chọn đúng đắn? Làm sao để khám phá được thôi thúc bên trong và ra những quyết định không dẫn đến hối tiếc? Đối với những quyết định lớn, có sức ảnh hưởng, phải làm sao nếu chúng ta mắc sai lầm và cảm thấy rất tồi tệ vì đã làm tổn thương đến người khác?
Cảm giác hối tiếc dù lớn hay nhỏ đều khiến ta bị tiêu tốn năng lượng cũng như không gian suy tư về chúng. Ngay cả những hối tiếc nhỏ nhặt, tưởng như “không đáng kể” cũng có thể khiến ta không ngừng suy nghĩ. Điều này có thể bắt nguồn từ cảm giác lo lắng. Khi quá lo lắng, ta không thể đánh giá được vấn đề chính xác như thực tế, cũng như mức độ thật sự ảnh hưởng của nó lên cuộc sống của ta. Bao nhiêu người trong chúng ta đã từng cứ nghiền ngẫm trong tâm trí một lời nhận xét tiêu cực về bản thân? Hoặc cứ nghĩ đi nghĩ lại về một tình huống mà bản thân rất xấu hổ dù biết có thể chẳng ai để ý hay nhớ đến nó nữa?
Khi lo lắng, chúng ta gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa những lựa chọn nhỏ nhặt như “hôm nay nên mặc gì?” và những quyết định quan trọng trong cuộc sống như “tôi có nên nhận công việc này không?”. Nếu tất cả vấn đề của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, đều có cùng mức độ ảnh hưởng về cảm xúc, chúng ta rất dễ bị quá tải.
Ra những quyết định mà bạn sẽ không hối tiếc
Nếu bạn đang tìm cách để không phải hối hận về các quyết định của mình, có một vài giải pháp và công cụ mà bạn có thể áp dụng để giảm bớt cảm giác bị áp lực khi phải đưa ra lựa chọn.
1. Nhận diện các yếu tố kích hoạt
Khi cảm thấy choáng ngợp bởi các quyết định phải đưa ra, việc xác định những yếu tố bên trong khiến bạn cảm thấy quá tải là điều cần thiết. Chẳng hạn, khi bạn nghĩ rằng mỗi quyết định được đưa ra đều phải “đúng đắn”, những quyết định dù là nhỏ nhặt cũng có thể khiến bạn “đứng hình”.
Khi bạn bắt đầu cảm thấy quá tải bởi quá nhiều lựa chọn, hãy chú ý đến cảm xúc của mình. Bạn đang cảm thấy thế nào về quyết định này? Hãy cố gắng xác định nguồn cơn của cảm xúc và xem chúng có thể ảnh hưởng thế nào đến quyết định của bạn. Hãy nhìn vào bức tranh toàn cảnh: Liệu điều này có ý nghĩa về lâu dài không? Khi cảm xúc ngắn hạn lấn át những dự định dài hạn, hãy nghĩ xem bạn sẽ khuyên người bạn thân nhất của mình như thế nào nếu họ ở trong tình huống tương tự. Khi chúng ta lùi lại một bước, chúng ta có thể nhìn nhận tình hình rõ ràng hơn.
2. Chia nhỏ vấn đề
Khi có một vấn đề bạn không thể buông bỏ, việc phân tách vấn đề thành từng bước nhỏ có thể giúp ích. Nếu có điều gì đó thực sự làm bạn phiền muộn hoặc một quyết định nào đó làm bạn hối tiếc, hãy phân nhỏ nó ra, xem xét kỹ lưỡng và giải quyết từng phần một. Có thể bạn đã từng nghe câu: “Làm thế nào để ăn hết một con voi?” Câu trả lời là: “Hãy ăn từng miếng một.” Nếu các vấn đề và nuối tiếc của bạn dường như không thể vượt qua, hãy chọn một hành động mà bạn có thể thực hiện ngay để tìm ra giải pháp. Chia nhỏ chúng thành 4-5 phần và lên lịch để xử lý từng phần.
Việc phân tích vấn đề của bạn có thể chỉ đơn giản là đánh giá lại quyết định khiến bạn hối tiếc để xem bạn có thể làm gì để ngăn chặn tình huống tương tự trong tương lai. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy rất tệ vì đã không tập thể dục sáng nay, hãy suy nghĩ xem điều gì bạn có thể làm lần sau để khiến bản thân có thể bước ra khỏi cửa và đi tập. Đó có thể là để giày tập của bạn ngay cạnh giường, chuẩn bị sẵn một danh sách nhạc yêu thích, hoặc thậm chí mặc sẵn quần áo tập khi đi ngủ. Tìm cách để tự động viên bản thân vào lần tới và coi sự cố hôm nay như một cơ hội để học hỏi.
3. Tìm hiểu vấn đề kỹ lưỡng
Khi bạn phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng, hãy nghiên cứu thật kỹ thông tin trước khi đưa ra quyết định để tránh hối tiếc về sau. Việc chủ động tìm hiểu, chuẩn bị trước cho bản thân về một tình huống nào đó giúp chúng ta có cái nhìn nhận rõ ràng và sâu sắc hơn về vấn đề. Chúng ta thường hối tiếc hơn về những quyết định sai lầm nếu như ta đã không cân nhắc kỹ lưỡng hết các lựa chọn trước đó.
Bạn cũng nên xem xét những nguồn thông tin mà bạn tham khảo. Tìm kiếm nhiều nguồn khác nhau và cố gắng ra quyết định dựa trên kết quả mong muốn tốt nhất, chứ không phải để làm hài lòng người khác. Ví dụ, bạn có thể được một người anh họ tư vấn nên mua điện thoại của một hãng nọ, tuy nhiên bạn cũng nên đọc thêm các phản hồi, đánh giá của người dùng, tìm hiểu thông tin về hãng và chọn chiếc điện thoại mà bạn thực sự thích.
4. Đánh giá các lựa chọn của mình
Sau khi đã tìm hiểu kỹ về các quyết định có thể của mình, hãy viết nó xuống. Lập một danh sách ưu và nhược điểm đơn giản. Nghe hơi ngớ ngẩn, nhưng nó thực sự là một công cụ uy lực khi chúng ta đang phân vân giữa các lựa chọn. Khi bạn viết xuống danh sách này, hãy thực sự xem xét những tác động của các lựa chọn. Đây có phải là một vấn đề lớn hay một quyết định quan trọng không? Nó nên được ưu tiên như thế nào?
Sau khi đã liệt kê các ưu và nhược điểm, quyết định thường trở nên rõ ràng hơn và bạn có thể hành động với sự tự tin. Không ai trong chúng ta có thể thể dự đoán được tương lai, nhưng khi bạn đã làm hết khả năng của mình, bạn sẽ cảm thấy thoải mái dù kết quả cuối cùng ra sao.
5. Gọi cho một người bạn tin cậy
Nếu bạn vẫn đang lo lắng về điều gì đó có thể khiến bạn hối tiếc, hãy xin lời khuyên từ một người bạn tin tưởng, đặc biệt là người có thể tôn trọng quyền tự quyết của bạn. Khi chúng ta lo lắng về một quyết định đã qua hoặc một vấn đề tiềm ẩn chưa đến, chúng ta có thể bị mắc kẹt trong một vòng lặp suy nghĩ luẩn quẩn. Chúng ta bắt đầu nghĩ ngợi về điều làm ta hối hận và chính nó làm gia tăng cảm giác tuyệt vọng, bất lực ở trong ta. Điều này làm chúng ta rơi vào trạng thái “đóng băng”, đó là tình trạng mà một người chỉ tập trung vào một phần phiến diện của thực tế và bỏ qua những điều có lợi hoặc các lựa chọn tích cực hơn.
Một người bạn tốt có thể giúp chúng ta trở lại với thực tại và nhìn nhận mọi thứ ở nhiều góc độ hơn. Họ có thể thường nhắc chúng ta rằng, ta có đủ khả năng để xử lý những vấn đề mà cuộc sống đem lại, và họ có thể giúp ta chia nhỏ vấn đề ra thành các phần dễ xử lý hơn.
Vượt qua cảm giác hối hận
Vậy là bạn đã đưa ra một quyết định và đang cảm thấy hối tiếc. Nếu bạn đã trì hoãn hoặc lảng tránh một công việc nào đó, làm thế nào bạn có thể nhìn nhận khác đi về những sự nuối tiếc này để buông bỏ chúng?
Hãy nghĩ rằng việc bạn lựa chọn nghỉ ngơi là để chăm sóc bản thân chứ không phải là sự thất bại. Nhìn nhận quyết định của bạn là một cơ hội để tái tạo năng lượng và hãy háo hức chờ đợi sự trở lại đầy nội lực của bản thân một khi bạn đã sẵn sàng hoạt động hết công suất. Chúng ta thỉnh thoảng đều cần nghỉ ngơi, cả về mặt tinh thần lẫn thể chất. Một vận động viên biết rõ rằng những ngày nghỉ ngơi trong quá trình tập luyện là vô cùng quan trọng – đó là lúc cơ được phục hồi và trở nên khoẻ hơn.
Chúng ta cần những ngày có kế hoạch và bận rộn cũng như những ngày để thư giãn và nghỉ ngơi. Trong những khoảng thời gian nghỉ ngơi, chúng ta lưu giữ ký ức, tái tạo khả năng xử lý và phản ứng với cảm xúc của bản thân – ta “tiêu hoá” những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Sau đó, khi quay trở lại với cuộc sống thường ngày, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn.
Sự chánh niệm (Mindfulness) và sự hiện diện, ý thức về khoảnh khắc hiện tại có thể giúp chúng ta làm rõ các quyết định của mình. Nó giúp chúng ta duy trì sự tập trung, hướng sự quan tâm và ý thức về những động lực thúc đẩy cũng như các giác quan của chúng ta. Chánh niệm cũng là công cụ hữu ích để đẩy lùi những những ý nghĩ lung tung tự động chen lấn vào trí óc (intrusive thoughts), giúp chúng ta ngừng nghĩ đi nghĩ lại về những nỗi ân hận. Cuối cùng, nó giúp chúng ta cải thiện năng lực cảm xúc mà tất cả chúng ta đều cần để đối phó với các vấn đề hàng ngày.
Khi ta phải đưa ra một quyết định, không nên quá sợ hãi trước sự hối tiếc. Cảm giác hối tiếc là một phần không thể tránh khỏi trong đời sống. Nếu bạn dám nói rằng bạn sống mà không có gì hối tiếc, rất có thể bạn chưa có đủ những trải nghiệm mạo hiểm (hoặc bạn có thể đang bao biện cho những sai lầm và không xem xét đủ phần trách nhiệm của mình khi mọi thứ diễn ra không đúng). Khi nghĩ đến việc sẽ hối tiếc, chúng ta có xu hướng phóng đại những cảm xúc mà mình sẽ cảm thấy. Thường thì nỗi ân hận đến nhanh và mạnh. Nó làm ta đau, nhưng rồi nó cũng qua đi.
Vì vậy, khi bạn đưa ra quyết định, hãy suy nghĩ kỹ lưỡng và khách quan với những thông tin xác thực nhất có thể. Xem xét chúng khách quan, không chỉ dựa trên thiên kiến của bản thân và sau đó hành động. Trong trường hợp bạn cảm thấy hối tiếc, hãy nhớ rằng, luôn có sự lựa chọn khác ở phía trước. Không có điều gì hoàn toàn chắc chắn ở trong đời và chúng ta không cần sự chắc chắn để ra quyết định. Chúng ta đang nuôi dưỡng trực giác và lòng tự tin khi chấp nhận rằng sự chắc chắn không hề có thật. Khi ta hiểu bản chất của cuộc sống là bất định, ta buông bỏ được bớt gánh nặng của sự lo âu.
Nhưng nếu ta có quyết định sai lầm về những chuyện vô cùng quan trọng, và cảm thấy cực kỳ hối hận thì thế nào? Chà, mọi người đều mắc sai lầm mà! Thật buồn và đáng tiếc khi hành động của chúng ta làm tổn thương người khác. Một cách để tránh lặp lại những sai lầm nghiêm trọng này là sống đúng với hệ giá trị của bản thân. Nếu chúng ta đã làm gì đó không phù hợp với những giá trị ấy, hãy xem xét xem làm thế nào để ngăn chặn những lỗi tương tự trong tương lai. Nhiều người trong chúng ta không nhận ra rằng những điều làm chúng ta phiền muộn và hối tiếc thường là những hành động không thể hiện đúng con người của chúng ta.
Hãy sống và hành động phù hợp với giá trị của bản thân và tiến về phía trước. Liệu sự bao dung có là một phần trong hệ giá trị của bạn không? Điều quan trọng là bạn cũng cần tha thứ cho chính mình. Chúng ta có thể cần phải xin lỗi, sửa sai và làm việc để đảm bảo những lỗi sai cũ không lặp lại, nhưng việc liên tục tự dằn vặt bản thân chỉ khiến chúng ta bị mắc kẹt và không thể làm gì khác.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng về những suy nghĩ hối tiếc đã trở thành suy nghĩ lẩn quẩn (rumination), có thể đã đến lúc bạn cần được giúp đỡ. Suy nghĩ lẩn quẩn nghiêm trọng hơn một chút so với lo lắng hay lo âu. Đó là khi chúng ta cứ nghĩ đi nghĩ lại về cùng một vấn đề mà không cảm thấy có lối thoát. Sự lo lắng liên tục do suy nghĩ lẩn quẩn có thể trở nên rất khó chịu và bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn.
Một nhà trị liệu hoặc một nhà tham vấn được đào tạo chuyên nghiệp có thể hiểu và giúp bạn nhìn nhận mọi việc một cách đúng đắn. Trị liệu giúp chúng ta hiểu tại sao mọi chuyện lại diễn ra theo một cách nào đó. Nó có thể giúp chúng ta điều chỉnh cho các giá trị và hành vi của bản thân sao cho phù hợp với nhau hơn và hiểu hơn về các thói quen suy nghĩ của bản thân. Tham vấn cũng có thể cung cấp cho chúng ta các chiến lược đối phó để nâng cao năng lực tinh thần và tiến về phía trước mà không bị cảm giác choáng ngợp làm tê liệt.
Người dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Goodman Psychologist Associates
Bình luận (0)