25/12/2023

Làm sao để ngừng “chốt đơn” theo cảm xúc?

Bạn có đang “chốt đơn” quá tay vào những ngày tâm trạng tuột dốc không phanh?

Rate this post

Ý chính trong bài:

Hầu hết tất cả chúng ta đều từng nhiều lần chi tiêu theo cảm xúc. Chúng ta trải qua một ngày tồi tệ và muốn xoa dịu nỗi buồn bằng một món đồ hoặc quần áo mới. Cũng có thể là vì người mà chúng ta ngưỡng mộ vừa mua một chiếc túi xách đắt tiền hay một chiếc điện thoại mới và ta cảm thấy thôi thúc phải sở hữu món đồ tương tự.

Nguồn: Pexels

Việc chi tiêu theo cảm xúc không phải lúc nào cũng là vấn đề. Nhưng khi nó vượt quá tầm kiểm soát và gây tổn hại đến tài chính của bạn hoặc khi nó được sử dụng thay cho các cơ chế ứng phó lành mạnh hơn, thì nó đang dần trở thành một vấn đề thật sự.

Dưới đây là những điều bạn cần biết về việc chi tiêu theo cảm xúc và cách dừng lại nếu nó đang bắt đầu trở thành một thói quen không lành mạnh.

Chi tiêu theo cảm xúc là gì?

Chi tiêu theo cảm xúc (Emotional Spending) – đôi lúc được mô tả là “liệu ​​pháp mua sắm” hoặc “mua sắm tùy hứng” – là khi bạn mua hàng theo cảm xúc của mình nhiều hơn là nhu cầu của bản thân. Nói cách khác, cảm xúc và mong muốn của bạn vượt qua sức mạnh ý chí hoặc khả năng đưa ra quyết định hợp lý về việc mua hàng.

Nguồn: Pexels

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc mua sắm sẽ giải phóng các hormone như dopamine khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc và cải thiện tâm trạng. Trên thực tế, toàn bộ trải nghiệm mua sắm – từ tìm kiếm, lướt xem các mặt hàng, tới lúc đặt hàng và chờ đợi sản phẩm được giao đến tận nhà để mở ngay – là một trải nghiệm thú vị đối với nhiều người.

Chi tiêu theo cảm xúc không hẳn là điều xấu, nhưng đối với nhiều người, nó có thể trở thành thói quen lâu dài dễ khiến tài khoản ngân hàng của chúng ta rơi vào tình trạng khủng hoảng. Không chỉ vậy, cảm giác ‘hưng phấn’ trào dâng mà chúng ta trải nghiệm khi mua sắm thường không kéo dài lâu, còn cảm giác không thoải mái mà bản thân đang muốn xua đuổi thì vẫn sẽ tiếp diễn. 

Chi tiêu theo cảm xúc và Mua sắm mất kiểm soát

Chi tiêu theo cảm xúc không phải là một chứng rối loạn, nhưng đôi khi nó có thể vượt qua ranh giới và trở thành một rối loạn. Mua sắm mất kiểm soát (Compulsive buying) được coi là một chứng rối loạn tâm lý mà trong đó, một người không thể kiềm chế thôi thúc phải liên tục mua những món đồ không cần thiết một cách ám ảnh.

Nguồn: Freepik

Mua sắm mất kiểm soát là một hành vi gây nghiện và dễ tạo nên tác động tiêu cực đến cuộc sống và sức khỏe của một người ngay cả tại nơi làm việc lẫn trường học, cũng như gây ra sự suy thoái về mặt tài chính.

Nguyên nhân nào gây ra việc chi tiêu theo cảm xúc?

Để học được cách giảm thiểu việc chi tiêu theo cảm xúc, điều quan trọng trước tiên là cần tìm hiểu nguyên nhân tạo nên thói quen này. Nhận thức rõ hơn về các yếu tố kích hoạt hành động của bạn là bước đầu tiên để phá bỏ thói quen không tốt.

Đúng như tên gọi: chi tiêu theo cảm xúc được dẫn dắt bởi cảm xúc. Một số cảm xúc có thể dẫn tới việc mua sắm tùy hứng bao gồm:

Lời khuyên giúp bạn dừng việc chi tiêu theo cảm xúc

Đôi khi, bạn cảm tưởng rằng việc chi tiêu theo cảm xúc thường nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân, nhưng thực tế không như vậy. Dưới đây là một số cách giúp bạn kiểm soát thói quen tốt hơn và giảm thiểu việc mua hàng một cách bốc đồng.

Hiểu về các yếu tố kích hoạt

Lần tới, khi bạn chuẩn bị có hành động mua sắm theo thiên hướng ‘bốc đồng’, tự hỏi xem bản thân đang cảm thấy thế nào. Hãy thử gọi tên cảm xúc đó. Nếu bạn đang trải qua một cảm xúc không thoải mái—lo lắng, ghen tị, buồn bã— liệu việc mua món đồ này sẽ mang lại lợi ích gì cho bạn không? Bạn có đang cố gắng làm cho những cảm giác khó chịu này biến mất bằng cách chi tiêu và mua sắm?

Bạn không nhất thiết phải có tất cả các câu trả lời ngay, nhưng khám phánhận biết được cảm xúc của mình chính là bước quan trọng để bản thân không hành động quá bốc đồng theo cảm xúc.

Nguồn: Freepik

Tìm kiếm những cách lành mạnh hơn để đối phó với cảm xúc

Khi bạn thực hiện chi tiêu dựa trên cảm xúc, bạn thường muốn tận dụng những cảm giác dễ chịu đi kèm khi mua sắm. Các Hormone ‘vui vẻ’ như dopamine được giải phóng khi mua sắm, cảm giác như một phần thưởng ngay tức thì.

Nguồn: Pexels

Nhưng thật ra, vẫn có nhiều cách lành mạnh và ít tốn kém khác để giải phóng những cảm giác hạnh phúc đó. Nếu bạn thấy mình cần mua một món đồ mới để cải thiện tâm trạng, hãy cân nhắc việc:

Lập ngân sách “Chi tiêu theo cảm xúc”

Không phải lúc nào việc chi tiêu theo cảm xúc cũng mang ý nghĩa tiêu cực, đôi khi đó là một thói quen có thể chấp nhận. Bạn hoàn toàn xứng đáng khi tự thưởng cho chính mình một món quà đặc biệt như một cách chăm sóc bản thân. Vấn đề ở đây là khi chúng ta liên tục hành động theo cảm xúc, thì việc chi tiêu sẽ dần trở nên quá mức hoặc không còn xuất phát từ suy nghĩ hợp lý nữa.

Lập ngân sách “chi tiêu theo cảm xúc” sẽ giúp bạn điều chỉnh việc mua sắm mất kiểm soát của mình, bởi vì nó cho phép bạn chi tiêu theo cảm xúc, nhưng sẽ khiến bạn phải đưa ra quyết định sáng suốt hơn khi lựa chọn mua hàng. Hãy đặt ra một giới hạn theo tuần hoặc tháng trong khả năng chi tiêu của bạn và sử dụng đúng mức chi tiêu đó.

Kiểm tra tài chính của bạn thường xuyên

Nguồn: Freepik

Ắt hẳn là nhiều người trong chúng ta thường cố tình ngó lơ các khoản tài chính của bản thân. Chúng ta nhận tiền lương, tiêu xài và hy vọng rằng mình không chi nhiều hơn mức có thể trả. Nhưng phương pháp này thường phản tác dụng và nếu bạn là người chi tiêu theo cảm xúc, bạn có thể dễ sa đà trong việc chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được.

Hãy dành một ngày trong tuần hoặc trong tháng để kiểm tra tài khoản của bạn. Ghi lại kỹ càng những gì bạn đã chi tiêu và số tiền còn lại. Điều này sẽ khiến việc suy nghĩ về tài chính trở thành một thói quen trong cuộc sống của bạn và giúp bạn suy nghĩ thấu đáo hơn trong việc tiêu tiền.

Tận hưởng “sự phấn khích” khi tiết kiệm tiền

Khi chúng ta chọn mua sắm một cách bất chấp hoặc dựa trên sự thôi thúc về mặt cảm xúc, chính là do cảm nhận được nguồn cảm xúc dễ chịu đang kích thích chúng ta. Tuy nhiên, bạn có biết rằng việc tiết kiệm tiền cũng có thể tạo nên những cảm giác tương tự.

Nguồn: Freepik

Quyết định dành ra một số tiền nhất định mỗi tháng để tiết kiệm—và quan sát số tiền đó tăng lên—có thể tạo ra cảm giác hào hứng, hạnh phúc, tự tin và kiểm soát giống như cảm giác bạn trải nghiệm khi chi tiêu theo cảm xúc.

Bạn thậm chí có thể tự động hóa việc chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm mỗi tháng để không cần tốn nhiều thời gian suy nghĩ về điều đó.

Tạm dừng lại

Khi phải cân nhắc việc mua hàng theo cảm tính hơn lý trí, hãy cho mình thời gian để tạm nghỉ trước khi quyết định. Nếu bạn đang lướt xem sản phẩm trực tuyến, hãy bỏ món đồ vào giỏ hàng và rời đi trong vài giờ. Còn nếu đang ở ngay trong cửa hàng và muốn bỏ tiền cho món hàng đó, tạm thời về nhà và cân nhắc nhu cầu thực tế của bản thân trước khi quay trở lại để mua.

Nguồn: Pexels

Trong khoảng “nghỉ” này, bạn vẫn có thể quyết định xem việc món hàng đó có phù hợp với mình hay không, hành động mua sắm khi đó của bạn cũng sẽ bớt bốc đồng hơn. Điều này còn có thể giúp bạn nhận ra rằng bạn không cần món đồ đó để cảm thấy hạnh phúc và hoàn toàn kiềm chế được việc mua nó.

Bạn nghĩ rằng mình đã bị nghiện mua sắm?

Đôi khi chi tiêu theo cảm xúc dễ vượt quá giới hạn và trở thành một chứng nghiện. Hành vi mua sắm mất kiểm soát hay chứng nghiện mua sắm có thể là bởi:

Nguồn: Pexels

Mặt khác, chứng nghiện này còn đi đôi với các vấn đề tài chính, vấn đề pháp lý, vấn đề về mối quan hệ, cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Nếu bạn cảm thấy rằng mình đang đối mặt với vấn đề rối loạn mua sắm cưỡng chế, hãy cân nhắc đến gặp chuyên viên tham vấn hoặc trị liệu có kinh nghiệm. Bạn xứng đáng được cảm thấy tốt hơn với sự trợ giúp phù hợp.

Lời kết

Thỉnh thoảng tận hưởng việc chi tiêu theo cảm xúc hoàn toàn là điều bình thường. Bạn xứng đáng có được thứ bạn thích và không có gì sai khi theo đuổi cảm giác phấn khích đó. Tuy nhiên, nếu việc chi tiêu theo cảm xúc dần trở thành một vấn đề lớn hoặc gây căng thẳng cho mặt tài chính của bạn thì hãy mau tìm cách giải quyết nó ngay nhé!

May mắn là, có rất nhiều cách đơn giản giúp bạn giảm sự chi tiêu theo cảm xúc, và chúng có thể tác động tích cực đến cả tài khoản ngân hàng và trạng thái cảm xúc của bạn. Nếu chi tiêu theo cảm xúc khiến bạn thoải mái trong thời gian ngắn, thì những cách thức lành mạnh khi đối phó với cảm xúc mới thật sự tạo nên tác động tích cực và bền vững.

Tác giả: Wendy Wisner
Biên dịch: Thanh Trinh
Biên tập: Thạc sĩ Tâm lý học Đào Thị Nguyên Hoàng
Theo VeryWell Mind

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *