11/10/2024

Làm sao để ngừng xem mọi thứ là hiển nhiên!

Tại sao ta dần xem nhẹ những điều tốt đẹp trong cuộc sống? Hãy tập cách khơi dậy niềm vui trong những trải nghiệm hằng ngày.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Bạn có để ý thấy sau ba ngày nghỉ dưỡng ở Vĩnh Hy, bạn chẳng còn mặn mà với cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp ngoài cửa sổ khách sạn nữa? Hay anh chàng từng khiến bạn cười nghiêng ngả trong buổi hẹn đầu tiên giờ hiếm khi có thể làm bạn mỉm cười?

Hiện tượng này được các nhà khoa học gọi là “thích nghi hedonic” (tạm dịch: thích nghi với khoái lạc) –  xu hướng giảm dần sự thích thú với những trải nghiệm hạnh phúc theo thời gian. Những điều ban đầu mang đến niềm vui và sự kinh ngạc có thể trở nên nhàm chán và kém hấp dẫn hơn sau khi lặp lại nhiều lần mà không có sự thay đổi. Hiệu ứng này dần dần ảnh hưởng đến khả năng trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống và duy trì hạnh phúc của chúng ta.

Cuốn sách “Look Again” (Tạm dịch: Nhìn lại) là một cẩm nang giúp bạn hiểu về cách thức hoạt động của thích nghi hedonic và những việc cần làm để khắc phục nó. Các tác giả, nhà thần kinh học Tali Sharot và giáo sư luật Harvard Cass Sunstein, không chỉ khám phá cách thích nghi hedonic ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta mà còn gợi ý những giải pháp thiết thực giúp bạn luôn cảm thấy hứng thú với cuộc sống. Nhờ đó chúng ta có thể tìm thấy nhiều điều kỳ diệu, nhiều niềm vui và thay đổi tích cực hơn.

Cách chúng ta trở nên quen dần với mọi thứ

Bộ não là một cỗ máy dự đoán, liên tục “quét” môi trường xung quanh để thu thập thông tin cần thiết. Điều này nghĩa là, những việc thường ngày không đòi hỏi sự chú ý cao độ và ngay lập tức sẽ dần được não bộ làm quen và ngừng gửi tín hiệu “nhắc nhở” đến chúng ta. Những việc quen thuộc này có thể bao gồm những thứ như con đường bạn thường đi hoặc việc nghe đi nghe lại những khó khăn trong công việc của người yêu hay bạn đời.

“Nguyên tắc rất đơn giản: Khi có điều gì đó bất ngờ hoặc không lường trước xảy ra, não bạn sẽ phản ứng mạnh mẽ. Nhưng, khi mọi thứ trở nên có thể đoán trước được, não bạn sẽ ít phản ứng hơn, thậm chí đôi khi không phản ứng,” các tác giả của “Look Again” đã viết.

Phần lớn thời gian, điều này không sao cả, ta không thể lúc nào cũng chú ý đến mọi thứ. Tuy nhiên, khi muốn tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, chúng ta lại khó có thể nhận ra hoặc tận hưởng những điều quan trọng trong cuộc sống vì đã quá thích nghi với chúng.

Ho giải thích thêm: “Những điều tốt đẹp trong đời (dù là thức ăn ngon, đời sống tình dục viên mãn, hay xe hơi đắt tiền) sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc ngập tràn nếu bạn chỉ thỉnh thoảng trải nghiệm chúng. Nhưng một khi những trải nghiệm này trở nên thường xuyên, chẳng hạn khi chúng diễn ra hàng ngày, chúng sẽ không còn mang lại niềm vui thực sự nữa”.

Làm thế nào để không bị “thích nghi” với những điều tốt đẹp

Liệu có cách nào để chúng ta không bị “vô cảm” với những điều tốt đẹp hay không? Tất nhiên là có! Theo các tác giả, có nhiều cách để tái tạo niềm vui hoặc sự hài lòng trong cuộc sống, bằng cách làm chậm lại xu hướng thích nghi của bạn. Dưới đây là một số gợi ý.

1. Hãy tạm dừng những thứ bạn thích (nhưng không phải những thứ bạn không thích). Có vẻ không logic, nhưng việc tạm dừng những thứ bạn yêu thích thực sự có thể giúp bạn trân trọng chúng hơn. Một nghiên cứu được đề cập trong cuốn sách cho thấy, thậm chí việc tạm dừng bài hát yêu thích cũng có thể khiến bạn cảm thấy nó hay hơn khi nghe lại (mặc dù bạn có thể vốn chẳng trông đợi gì cả).

“Muốn không bị quen với một thứ gì đó (một loại thức ăn, một người thương, một công việc tuyệt vời, hơi ấm của ánh nắng, sắc xanh của đại dương), đôi khi, cách tốt nhất là tạm xa thứ ấy một thời gian. Khi quay trở lại, ta sẽ thấy nó quý giá hơn bao giờ hết,” các tác giả viết.

Đối với những trải nghiệm không dễ chịu, cách tiếp cận ngược lại sẽ hiệu quả hơn. Chẳng hạn, nếu bạn đang làm một công việc dọn dẹp nặng nhọc, thay vì nghỉ giải lao và quay lại sau, hãy cố gắng hoàn thành nó ngay lập tức. Nếu bạn tạm dừng và sau đó quay lại, bạn sẽ cảm thấy như mình đang bắt đầu lại từ đầu, bạn sẽ mất đi cảm giác “thích nghi” với những khó chịu trước đó. Vì vậy, tốt hơn là bạn nên “giải quyết cho xong” những việc bạn không thích ngay khi có thể, ít nhất bạn có thể giảm bớt những cảm giác khó chịu.

2. Tập trung vào việc học hỏi và trải nghiệm (thay vì chạy theo vật chất). Khi ta dần quen thuộc với những niềm vui xung quanh, cuộc sống dễ trở nên nhàm chán và bất an. Thay vì tìm kiếm những thứ mới, những người mới để thay thế cái cũ, ta có thể làm mới cuộc sống bằng cách tập trung học điều gì đó mới. Đó có thể là bất cứ điều gì, từ việc hỏi những người bạn của bạn về những câu hỏi sâu sắc hơn cho đến việc học một ngôn ngữ mới.

Trong một thử nghiệm khác, khi người chơi được yêu cầu thường xuyên chia sẻ cảm xúc của mình trong lúc chơi một trò chơi mới, kết quả cho thấy họ cảm thấy hạnh phúc nhất khi họ mới bắt đầu học cách chơi, hoàn toàn không phải khi họ thắng tiền từ trò chơi đó. Các tác giả viết rằng, việc học hỏi tự thân nó đã mang lại phần thưởng, kích thích não bộ tiết ra dopamine, khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy sức sống.

“Bạn có thể quen với những thứ như xe hơi sang trọng hay TV màn hình lớn, nhưng bạn không thể quen với niềm vui của việc học hỏi, bởi vì bản chất của học tập chính là sự thay đổi,” họ viết.

Tương tự, niềm vui có được từ việc trải nghiệm những điều thú vị kéo dài lâu hơn so với niềm vui của việc sở hữu vật chất – và thậm chí niềm vui đó có thể tăng lên theo thời gian. Điều này có lẽ là do sự trải nghiệm giúp ta cải thiện các mối quan hệ xã hội, khẳng định bản sắc cá nhân và ít gây ra sự so sánh xã hội hơn so với việc sở hữu vật chất.

3. Cho đi nhiều hơn nhận lại. Niềm vui từ việc cho đi thì kéo dài mãi, trong khi niềm vui từ việc sở hữu dần phai nhạt theo thời gian. Một nghiên cứu cho thấy, khi người ta được cho 5 đô để chi tiêu cho bản thân hoặc cho người khác, cả hai trường hợp đều khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng những người tiêu tiền vì người khác cảm thấy hạnh phúc lâu hơn.

Các tác giả viết: “Cho đi thường mang lại cảm giác ý nghĩa hơn so với nhận lại. Điều này gợi ý rằng lợi ích từ việc làm điều đem lại ý nghĩa cho người khác sẽ không gây nhàm chán nhanh như khi ta làm gì đó cho chính mình.”

4. Đừng sợ thay đổi. Cuộc sống càng đa dạng trải nghiệm, tâm hồn càng phong phú. Bạn có thể thử tạo bất ngờ cho chính mình hoặc thay đổi thói quen hàng ngày. Điều này sẽ giúp bạn trân trọng cuộc sống hơn.

Tất nhiên, những thay đổi lớn trong đời – như chuyển nhà, đổi việc, hay ly hôn – không phải chuyện dễ dàng. Nhưng đôi khi, ta cần những thay đổi ấy để trưởng thành. Nếu cứ do dự không dám làm điều gì đó có thể thay đổi cuộc sống để tốt hơn, ta có thể sẽ hối tiếc về sau.

Mặt khác, các tác giả chỉ ra rằng, người ta thường nghĩ mình sẽ bất hạnh hơn nhiều sau một thay đổi lớn, nhưng thực tế không đến nỗi tệ như vậy. Lý do là vì con người cũng có khả năng thích nghi với những khó khăn khi bắt đầu lại, nên nỗi đau của giai đoạn chuyển tiếp thường không kéo dài.

5. Hãy thay đổi thói quen và tự tạo bất ngờ cho bản thân. Thay đổi cách làm việc thường ngày giúp chúng ta nhìn nhận mọi thứ dưới một góc độ mới mẻ. Chẳng hạn, thỉnh thoảng thử một quán ăn mới là cách hay để giúp bạn không cảm thấy nhàm chán với những món ăn quen thuộc. Đôi khi tự tạo bất ngờ cho bản thân giúp cuộc sống của chúng ta thêm thú vị và tươi mới.

Thay đổi thói quen còn là cách tuyệt vời để kích thích sự sáng tạo. Nghiên cứu cho thấy, sau khi nhiều người chuyển đến một đất nước khác, khả năng giải các câu đố sáng tạo của họ tăng lên. Ngay cả những việc đơn giản như thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng, hoặc ngược lại, cũng có thể gia tăng sự sáng tạo, vì nó khiến não bộ tập trung vào những điểm khác biệt, cho phép bạn nhìn nhận vấn đề từ một góc độ mới.

Các tổ chức có thể sử dụng kiến thức này để thúc đẩy sự sáng tạo trong đội ngũ. “Ví dụ, họ có thể thay đổi không gian làm việc, khuyến khích nhân viên học hỏi những lĩnh vực hoàn toàn khác so với chuyên môn, tạo ra các nhóm làm việc đa dạng về chuyên môn, hoặc yêu cầu nhân viên luân phiên ở những vị trí công việc khác nhau.”.

Chúng ta cũng quen dần với những điều khó chịu

Sự thích nghi hedonic không chỉ xảy ra với những điều khiến chúng ta hạnh phúc, mà nó cũng xảy ra với những trải nghiệm không vui. Ví dụ, một mùi hôi khó chịu hoặc một người hàng xóm ồn ào có thể không còn gây khó chịu nhiều như trước, bởi vì chúng ta đã quen với những tác nhân gây bực dọc này thông qua những lần chúng lặp đi lặp lại.

Ngay cả khi mọi thứ không như ý, việc cố gắng đối diện với cảm giác khó chịu của bản thân cũng có thể giúp ích. Vì nhờ đó, chúng ta có thể tập trung giải quyết những vấn đề bản chất, chẳng hạn như làm sạch hệ thống xử lý nước thải hoặc nói chuyện với người hàng xóm về việc gây ồn ào.

Các tác giả cho rằng, sự thích nghi hedonic còn ảnh hưởng đến xu hướng nói dối hoặc lan truyền thông tin sai lệch. Vì ban đầu khi thực hiện những hành vi này, chúng ta có thể cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi, nhưng cảm giác này có thể giảm dần theo thời gian nếu hành vi trên cứ lặp đi lặp lại. Bạn hãy lưu ý điểm này khi tham gia hoặc theo dõi thông tin về các hoạt động bầu cử.

Các tác giả chỉ ra một xu hướng đáng báo động khác: con người dễ dàng thích nghi với những trải nghiệm tiêu cực như nghiện ngập, phân biệt đối xử, vô gia cư, hay biến đổi khí hậu. Sự thích nghi hedonic có thể khiến chúng ta dần mất đi sự quan tâm đến những vấn đề dai dẳng như vậy, vì chúng ta cảm thấy chúng dường như ít nghiêm trọng và đáng chú ý hơn. Điều này có thể dẫn đến thái độ chủ quan.

Họ viết rằng: “Sự quen thuộc khiến cảm giác và những cảm nhận của chúng ta không còn là thước đo chính xác cho điều tốt hay xấu, an toàn hay nguy hiểm, vì vậy chúng ta cần tìm cách đánh giá rủi ro một cách khách quan.”

Nhìn chung, chúng ta cần nhớ rằng con người có xu hướng thích nghi với hoàn cảnh, dù là tốt hay xấu. Nếu hiểu được cách thức hoạt động của sự thích nghi hedonic, chúng ta có thể thực hiện những thay đổi trong cuộc sống cá nhân và trong các chính sách xã hội để hướng đến xây dựng một cộng đồng hạnh phúc.

Một khi nhận thức được những quy tắc này, chúng ta có thể nhìn thấy những gì quan trọng nhưng không lại không nhận được sự quan tâm đúng mực và có lẽ nên chủ động đặt xuống những thứ không cần thiết.

Tác giả: Jill Suttie, Psy.D.
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo The Greater Good Magazine

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm mình chăm sóc bản thân

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *