11/07/2024
Đây là một quá trình lâu dài đòi hỏi nhiều kiên nhẫn.
Ý chính trong bài:
Có một hình dung mạnh mẽ về bản thân và lòng tự trân trọng là biết và chấp nhận con người thật của chính mình, bất kể những tác động bên ngoài hay nhu cầu muốn được người khác công nhận. Đó là sống theo giá trị, niềm tin và mong muốn của chính mình một cách chân thực.
Phát triển một hình dung mạnh mẽ về bản thân là hành trình suốt đời, xây dựng lòng tự trân trọng đòi hỏi sự tự suy ngẫm (self-reflection) và hành động có mục đích. Dưới đây là một số chiến lược giúp bạn xây dựng hình dung về bản thân và lòng tự trân trọng nếu bạn cảm thấy mình cần cải thiện những lĩnh vực đó.
1. Có những nguyên tắc không khoan nhượng (non-negotiables)
Những nguyên tắc không khoan nhượng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tự trân trọng bởi vì chúng thiết lập nền tảng cho giá trị bản thân và sự tôn trọng chính mình. Khi đặt ra những nguyên tắc không thương lượng, chúng ta tạo ra ranh giới rõ ràng, dứt khoát với những điều chúng ta không sẵn sàng thỏa hiệp về bản thân mình. Hành động khẳng định bản thân này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng ta coi trọng bản thân và cảm nhận hạnh phúc nói chung của chính mình.
Bằng cách có những nguyên tắc không khoan nhượng, chúng ta bảo vệ bản thân khỏi những tình huống hoặc con người có thể tước đi cảm giác giá trị của mình. Nó cho phép chúng ta ưu tiên các nhu cầu của mình và đấu tranh cho những gì thực sự quan trọng đối với chúng ta. Hành động tự bảo vệ này nuôi dưỡng cảm giác được trao quyền (empowerment) và tự tin, đây là những thành phần thiết yếu của lòng tự trân trọng (self-esteem).
Khi chúng ta kiên định tôn trọng những nguyên tắc bất di bất dịch này, chúng ta củng cố một hình ảnh bản thân (self-image) tích cực. Điều này thể hiện với chính mình rằng chúng ta xứng đáng được tôn trọng và nhu cầu của chúng ta cần được đáp ứng. Thực hành này nuôi dưỡng lòng tin tưởng và chấp nhận bản thân, vốn là những yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tự trân trọng.
Hơn nữa, những nguyên tắc không khoan nhượng giúp chúng ta sống thật với chính mình và duy trì bản sắc cá nhân. Khi hiểu rõ các giá trị và ranh giới của mình, chúng ta sẽ ít có khả năng đánh mất bản thân hay lạc lối trong các mối quan hệ hoặc trong những tình huống nhất định. Khi sống đúng với bản chất, chúng ta sẽ có được nhận thức rõ ràng hơn về bản thân, và điều này giúp củng cố lòng tự trân trọng.
Những nguyên tắc không khoan nhượng là một công cụ thiết yếu để xây dựng lòng tự trân trọng. Những nguyên tắc đó giúp ta thiết lập ranh giới, bảo vệ cảm giác về giá trị của bản thân và củng cố lòng tự tôn. Bằng cách tôn trọng những nguyên tắc này, chúng ta nuôi dưỡng lòng tự trọng, năng lực tự chủ và kết nối sâu sắc hơn với bản chất con người thật sự của mình. Tất cả những điều này đều góp phần tạo nên một lòng tự trân trọng lành mạnh và vững chắc hơn.
2. Giữ lời hứa với chính mình
Giữ lời hứa với bản thân là điều quan trọng để xây dựng lòng tự trân trọng vì nó thể hiện sự yêu thương bản thân và lòng tin vào chính mình. Khi chúng ta kiên trì thực hiện những lời hứa với bản thân, chúng ta đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng ta coi trọng sức khỏe tinh thần của chính mình và ưu tiên các nhu cầu của bản thân. Hành động giữ lời hứa với bản thân là một cách cụ thể để chứng tỏ với chính mình rằng chúng ta đáng tin cậy và có khả năng chăm sóc bản thân.
Ngược lại, việc phá vỡ những lời hứa với chính mình có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trân trọng. Nó tạo ra cảm giác thất vọng và nghi ngờ bản thân, làm lu mờ niềm tin và giá trị của chúng ta. Mỗi lần chúng ta phá vỡ một lời hứa với bản thân, lòng tự trân trọng của chúng ta bị giảm xuống, giống như một quả bóng hơi bị kim châm, dần dần mất đi sự căng phồng.
Bằng cách cam kết thực hiện những lời hứa với bản thân, cho dù đó là thiết lập ranh giới, theo đuổi mục tiêu cá nhân hay ưu tiên chăm sóc bản thân, chúng ta củng cố một hình ảnh bản thân tích cực. Chúng ta bắt đầu tin vào khả năng của mình và phát triển lòng tự trọng. Quá trình giữ lời hứa với bản thân này xây dựng nền tảng cho lòng tự trân trọng, cho phép chúng ta điều hướng cuộc sống với sự tự tin và tin tưởng vào bản thân nhiều hơn.
3. Sống thật với chính mình
Sống thật với bản thân nghĩa là chấp nhận và sống hài hòa với bản chất, giá trị và niềm tin chân thật của bạn. Nó bao gồm việc trung thực với bản thân và người khác về con người bạn là ai, bạn tin tưởng vào điều gì và điều gì quan trọng với bạn. Sống thật với chính mình đòi hỏi hành động và sự thể hiện bản thân một cách chân thành, đúng đắn với bản chất bên trong của bạn.
Khi bạn sống thật với chính mình, bạn sẽ không bị chi phối bởi những áp lực bên ngoài hay kỳ vọng của người khác. Bạn có sự hiểu biết rõ ràng về nhu cầu, khao khát và ranh giới của bản thân và bạn tôn trọng chúng mà không đánh mất bản sắc của mình. Nó có nghĩa là không chần chừ sống là chính mình, ngay cả khi điều đó thách thức những lối mòn cũ kỹ hoặc phải đối mặt với sự phản đối từ người khác.
Sống thật với chính mình cũng có nghĩa là sẵn sàng lắng nghe tiếng nói nội tâm và trực giác của bản thân. Nó bao gồm việc tin tưởng vào phán đoán của mình và đưa ra những lựa chọn phù hợp với giá trị của bạn, ngay cả khi chúng có thể khó khăn hoặc không giống đa số. Để chấp nhận thực tế của bản thân và sống thật với nó, bất kể ý kiến hay phản ứng của người khác, điều này đòi hỏi lòng dũng cảm và sự tự chấp nhận.
Cuối cùng, sống thật với chính mình là về việc sống một đời sống trung thực với bản chất con người của bạn. Nó giúp bạn tạo ra những mối liên kết có ý nghĩa, đưa ra những lựa chọn phù hợp với giá trị của mình, đồng thời mang lại cảm giác thỏa mãn và thấy mình sống thật với chính mình. Bằng cách chấp nhận sự thật về bản thân và sống trọn vẹn với nó, bạn có thể nuôi dưỡng một hình dung sâu sắc hơn về bản thân (a deeper sense of self) và tạo ra tác động tích cực đến bản thân và thế giới xung quanh bạn.
4. Tìm kiếm “tiếng nói” cá nhân
Tìm kiếm “tiếng nói” của chính mình có nghĩa là khám phá và thể hiện góc nhìn, suy nghĩ và quan điểm độc đáo của bạn theo một cách chân thực và đúng với con người bạn. Nó liên quan đến việc khám phá những niềm tin, giá trị và khao khát sâu sắc nhất của bạn, và can đảm để chia sẻ chúng với thế giới.
Khi bạn tìm thấy “tiếng nói” của riêng mình, bạn đang “chạm” đến bản sắc riêng của mình và tự do thể hiện cách suy nghĩ cũng như thể hiện bản thân. Nó không chỉ là có điều gì đó để nói, mà còn là việc tìm thấy sự tự tin và bản sắc chân thực để lên tiếng và được lắng nghe.
Tìm thấy tiếng nói của bản thân là một quá trình tự khám phá và bộc lộ chính mình. Nó đòi hỏi sự tự suy ngẫm, quay vào bên trong và sự sẵn sàng khám phá những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Đó là việc thấu hiểu điều gì thực sự quan trọng đối với bạn và bạn có đủ dũng cảm để truyền đạt nó cho người khác.
“Tiếng nói” cá nhân chính là một món quà, nó là thứ khiến bạn khác biệt so với người khác. Đó là sự kết hợp độc đáo giữa những trải nghiệm, góc nhìn và giá trị của bạn, những điều định hình cách bạn thể hiện bản thân. Giống như dấu vân tay, “tiếng nói” của bạn là riêng biệt và không thể sao chép bởi bất kỳ ai khác.
Khi bạn tìm thấy “tiếng nói” của mình, bạn trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn trong việc bày tỏ ý tưởng và bảo vệ những gì bạn tin tưởng. Nó cho phép bạn kết nối với người khác ở một cấp độ sâu hơn, vì tiếng nói chân thực của bạn sẽ tạo sự đồng điệu với những người đánh giá cao và đồng cảm với quan điểm của bạn.
5. Khám phá những ước muốn và nhu cầu của bản thân
Ước muốn là những thứ bạn khao khát hoặc ao ước có được. Chúng có thể liên quan đến đời sống cá nhân, các mối quan hệ, sự nghiệp, sở thích hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác có ý nghĩa đối với bạn. Khám phá những điều bạn mong muốn đòi hỏi sự quay vào bên trong và suy ngẫm rằng điều gì thực sự mang lại cho bạn niềm vui, sự hứng thú và cảm giác có ý nghĩa.
Ngược lại, nhu cầu là những điều thiết yếu cho cảm nhận hạnh phúc nói chung (well-being) và sự phát triển của bạn. Chúng là những yếu tố cơ bản góp phần vào sức khỏe thể chất, cảm xúc và tâm lý. Nhu cầu có thể bao gồm những thứ như tình yêu, sự kết nối, an toàn, chăm sóc bản thân, phát triển bản thân và sự trọn vẹn.
Bằng cách khám phá những mong ước và nhu cầu của bản thân, bạn sẽ có được sự rõ ràng về những gì thực sự quan trọng đối với mình. Nó giúp bạn đưa ra những lựa chọn và quyết định phù hợp với giá trị của mình và đưa bạn đến gần hơn với một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa. Nó cũng cho phép bạn thiết lập những ranh giới và giao tiếp hiệu quả về những nhu cầu của mình với người khác, thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh cũng như các thực hành chăm sóc bản thân.
Để khám phá những ước muốn và nhu cầu của mình, hãy dành thời gian để tự suy ngẫm. Hãy tự hỏi điều gì mang lại cho bạn niềm vui, hoạt động nào khiến bạn cảm thấy thỏa mãn và những khía cạnh nào trong cuộc sống của bạn là cần thiết cho cảm nhận hạnh phúc của chính bạn. Hãy chú ý đến những cảm xúc, khao khát và những điều khiến bạn tràn đầy năng lượng. Viết nhật ký, đi trị liệu tâm lý, tâm sự với những người bạn tin tưởng hoặc nhận sự dẫn dắt từ người đi trước (mentor) cũng có thể hữu ích trong quá trình tự khám phá bản thân.
6. Đi du lịch, nếu có thể
Khám phá những địa điểm và những nét văn hóa mới có thể mở rộng tầm nhìn của bạn, thách thức những suy nghĩ có sẵn và giúp bạn khám phá thêm về bản thân. Hãy chấp nhận những sự không thoải mái khi đối mặt với những thứ chưa biết và học cách thích nghi với những môi trường khác nhau. Du lịch có thể là một trải nghiệm mang tính thay đổi, thúc đẩy lòng tự trân trọng.
Xây dựng một cảm nhận về cái tôi (sense of self) vững chắc và lòng tự trân trọng là cả một hành trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực. Hãy tự hào về những tiến bộ nhỏ bạn đạt được trên đường đi. Quá trình này cần có sự tự suy ngẫm, lòng tự thấu cảm và sẵn sàng chấp nhận con người thật của chính mình. Bằng cách kiên trì thực hành các chiến lược trên và nuôi dưỡng cảm nhận về bản thân, bạn có thể củng cố lòng tự trân trọng và cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của chính mình.
Tác giả: John Kim LMFT – Therapist
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today
Bình luận (0)