21/06/2024

Làm thế nào khi bản thân cảm thấy ”không có đủ thời gian”?

Bạn cảm thấy thiếu thời gian? Bài viết dưới đây lý giải nguyên nhân và cung cấp giải pháp giúp bạn tận hưởng thời gian hiệu quả hơn.

Rate this post

Ý chính trong bài:

Nguồn: unsplash

Một trong những lời phàn nàn phổ biến nhất mà tôi được nghe trong các phiên trị liệu của mình là, “Tôi không có đủ thời gian.” Và nếu bạn đặt một chiếc camera trong bếp nhà tôi, bạn sẽ nghe tôi nói với chồng tôi điều tương tự: “Em không có đủ thời gian để đi tập yoga hoặc viết sách.”

Điều này cũng có phần đúng. Chúng ta thực sự thiếu thời gian – đặc biệt nếu bạn đang đối mặt với khó khăn về tài chính, là cha mẹ đơn thân, hoặc bạn phải làm việc trong nhiều giờ. Khi đó thời gian rảnh rỗi của chúng ta rất ít ỏi.

Chúng ta nghĩ rằng có nhiều thời gian thì ta sẽ hạnh phúc hơn, nhưng điều này không nhất thiết đúng. Nghiên cứu của Cassie Holmes tại Trường Quản lý Anderson của Đại học California, Los Angeles (UCLA) cho thấy, khi có thời gian rảnh – quá nhiều (hơn 5 giờ rảnh rỗi mỗi ngày) hoặc quá ít (ít hơn 2 giờ rảnh rỗi mỗi ngày) – chúng ta cảm thấy ít hạnh phúc hơn. Và nếu bạn ở đâu đó ở giữa hai cực này, nghiên cứu cũng không thấy mối liên hệ giữa việc có nhiều thời gian rảnh hơn và mức độ hạnh phúc.

Theo nghiên cứu này, cách bạn sử dụng thời gian của mình mới là điều quan trọng.

Thời gian rảnh thực sự là gì?

Trong thế giới mà công nghệ phát triển như hiện nay, ranh giới giữa thời gian rảnh và thời gian làm việc ngày càng mờ nhạt. Ví dụ, mẹ tôi nói rằng thời gian yêu thích nhất trong tuần của bà là khi bà sạc xe điện và có khoảng một giờ không bị làm phiền để trả lời email. Vậy đó là làm việc hay giải trí? Thời gian rảnh hay thời gian đã lên lịch? Chắc hẳn bạn cũng có lúc không phân biệt rõ ràng giữa công việc và giải trí, và quan trọng không phải là bạn có bao nhiêu thời gian rảnh, mà là bạn sử dụng thời gian của mình như thế nào.

Đây không phải là bí kíp giúp tăng năng suất

Có rất nhiều podcast, sách và bài viết giúp bạn quản lý thời gian tốt hơn, và chúng thực sự có thể hữu ích. Là một tâm lý gia theo trường phái Chấp nhận và Cam kết (Acceptance and Commitment Therapy), tôi quan tâm hơn đến lý do, mục tiêu và cách thức bạn sử dụng thời gian dựa trên các giá trị của mình, hơn là cố gắng tìm thêm “thời gian rảnh.”

Khi bạn cảm thấy mình không có đủ thời gian, bạn có thể sẽ sống vội vã và làm những điều không thực sự khiến bản thân hài lòng.

Vì sao? Bởi vì khi bạn cảm thấy mình không có đủ thời gian, bạn có thể bị cuốn vào cuộc sống và hành động một cách vội vã, khiến bản thân không thực sự thỏa mãn. Tuy nhiên, có thể có những khía cạnh trong cuộc sống bạn cảm thấy mình vô cùng dư dả thời gian và bạn cứ đang trì hoãn những việc thực sự quan trọng. Bạn nghĩ rằng bạn còn khối thì giờ để đi cắm trại với bố hoặc đi ăn với người bạn thân… cho đến khi bố bạn bị chẩn đoán mắc phải căn bệnh nào đó hoặc người bạn thân của bạn chuyển đi nơi khác sống. Chúng ta thực sự không biết được bản thân có bao nhiêu thời gian.

Thời gian là một khái niệm chủ quan

Nghiên cứu cho thấy cách bạn sử dụng thời gian sẽ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận về lượng thời gian mình có. Ví dụ, trong một nghiên cứu, người tham gia được yêu cầu dành 15 phút để chỉnh sửa bài luận cho những học sinh yếu ở các trường trung học công lập. Sau đó, một nửa số người tham gia được ngẫu nhiên chấm dứt nghiên cứu sớm, điều này khiến họ có một khoảng thời gian dư ra ngoài mong đợi.

Ngạc nhiên là, những người được dư ra thời gian cảm thấy họ có ít thời gian rảnh hơn, so với những người dành trọn 15 phút để chỉnh sửa bài luận!

Khi bạn sử dụng thời gian vào những việc ý nghĩa hơn (như giúp đỡ người khác), bạn sẽ cảm thấy mình có nhiều thời gian hơn. Vậy làm thế nào chúng ta có thể sử dụng thời gian một cách khôn ngoan? Trước hết, chúng ta phải vượt qua những thiên kiến nhận thức đã khiến chúng ta sử dụng thời gian một cách lãng phí.

3 kiểu thiên kiên nhận thức khiến chúng ta lãng phí thời gian

Thiên kiến nhận thức là những khuôn mẫu suy nghĩ có thể dẫn đến sự vô lý hoặc sai lầm trong phán đoán. Thường thì chúng ta không nhận thức được những thiên kiến này. Ví dụ, tại sao mỗi khi bạn định ngồi xuống làm báo cáo công việc thì cuối cùng lại bị cuốn vào việc trả lời email? Hoặc tại sao mỗi khi bạn đi xem phim bạn không thể ngừng nghĩ về báo cáo công việc của mình? Đó là do cách suy nghĩ của chúng ta.

1. Hiệu ứng báo động giả (The Mere Urgency Effect)

Hiệu ứng báo động giả là khuynh hướng mà chúng ta ưu tiên những công việc khẩn cấp (hoặc có vẻ khẩn cấp) hơn những công việc khác. Những tin nhắn kêu bíp bíp hay dòng tiêu đề email IN HOA trông có vẻ khẩn cấp, nên chúng ta thường dừng công việc đang làm (dù nó quan trọng hơn về lâu dài) để trả lời những tin nhắn hoặc email ấy.

Ví dụ, tưởng tượng bạn đang trò chuyện với người yêu về một ngày người ấy đã trải qua và điện thoại bạn sáng lên với một dòng tin nhắn nhắc nhở về cuộc hẹn với nha sĩ ngày mai. Bạn sẽ cảm thấy cần phải thêm ngay cuộc hẹn này vào lịch (nếu không sẽ quên) và không chú ý nữa đến người yêu của mình. Sau đó, trong tuần, bạn có thể phàn nàn rằng, “Tôi không có đủ thời gian chất lượng với người yêu của tôi.” Thực ra, bạn đã đánh mất thời gian chất lượng ấy do hiệu ứng báo động giả.

Để vượt qua hiệu ứng này, bạn có thể luyện tập việc đặt những điều thực sự quan trọng lên hàng đầu trong tâm trí mình. Điều gì thực sự quan trọng trong lúc này – trả lời tin nhắn hay lắng nghe người yêu của mình?

2. Hiệu ứng Zeigarnik

Hiệu ứng Zeigarnik là khuynh hướng chúng ta nhớ rõ các công việc chưa hoàn thành hơn là những công việc đã hoàn thành. Đó là lý do tại sao khi bạn đang nấu ăn, bạn lại nghĩ về những việc chưa làm xong trong ngày, và ngày hôm sau khi cố gắng hoàn thành những việc đó, bạn lại nghĩ về những nguyên liệu cần mua cho bữa tối.

Tâm trí của chúng ta có xu hướng muốn giải quyết vấn đề và hoàn tất các công việc. Để vượt qua hiệu ứng Zeigarnik, bạn có thể học cách tập trung trở lại. Thay vì để mình bị cuốn vào những việc chưa hoàn thành, hãy đưa sự chú ý trở lại với công việc hiện tại. Đây là lúc thực hành chánh niệm (mindfulness) trở nên cực kỳ hữu ích – bởi vì bạn sẽ không bao giờ hoàn thành hết được tất cả mọi việc bạn cần làm. Tôi cá là danh sách các việc cần làm của bạn đang ngày càng dài thêm khi bạn đọc đến đây.

3. Phức tạp hoá vấn đề

Chúng ta có xu hướng đánh giá cao các giải pháp phức tạp hơn là các giải pháp đơn giản. Thực tế, cách đơn giản nhất để không cảm thấy bị thiếu thời gian chỉ là hiện diện và tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian mà chúng ta đang có. Ví dụ, nếu bạn xem trọng việc chăm sóc cơ thể, bạn không nhất thiết phải đến phòng gym lúc 5 giờ chiều để thực hiện điều đó. Bạn có thể chăm sóc cơ thể bằng cách để ý giữ thẳng cổ và cột sống khi lái xe, đứng lên vươn vai sau khi ngồi lâu làm việc, hoặc đi dạo quanh sân trong khi xem trận bóng chày của con. Bất kể bạn ở đâu, bạn đều có thể thực hiện điều mình mong muốn mà không cần quá cầu kỳ.

Sử dụng thời gian thông minh: “Time Flexing” (Tạm dịch: Thời gian linh hoạt)

Luyện tập “Time Flexing” có thể giúp bạn vượt qua 3 thiên kiến nhận thức bên trên.

Dưới đây là cách luyện tập.

Chọn một khía cạnh trong cuộc sống mà bạn luôn cảm thấy mình không có đủ thời gian vì thế bạn sống rất vội vã với nó hoặc một lĩnh vực bạn đã bỏ bê từ lâu. Ví dụ:

1. Nới rộng thời gian

Hãy tưởng tượng bạn có thể vẫy đũa thần và sở hữu tất cả thời gian trên thế giới. Việc mở rộng trí tưởng tượng theo cách này giúp loại bỏ các rào cản và cho phép bạn sử dụng thời gian theo cách mình thực sự mong muốn, giúp bạn suy nghĩ sáng tạo hơn. Tưởng tượng bạn có tất cả thời gian của thế giới này, hãy trả lời 3 câu hỏi sau:

2. Thu hẹp thời gian 

Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng thời gian đã co lại và bạn chỉ còn 15 phút để điều bạn muốn – và đây là 15 phút cuối cùng trong đời bạn. Việc nhận thức rằng thời gian có hạn giúp bạn tập trung vào hiện tại và xác định rõ những điều thực sự quan trọng.

Câu trả lời của bạn cho những câu hỏi trên chính là Lý do, Mục tiêu và Cách thức bạn sử dụng thời gian dựa trên các giá trị của mình.

Mỗi khi bạn cảm thấy mình không có đủ thời gian, hoặc cảm thấy mình đang trì hoãn những điều quan trọng, hãy thực hành “Time Flexing” và điều chỉnh sự tập trung và hành động của mình hướng đến những gì quan trọng nhất trong khoảnh khắc hiện tại. Khi bạn thực sự tận hưởng từng khoảnh khắc, bạn sẽ thấy rằng việc có bao nhiêu “thời gian rảnh” không còn quan trọng nữa, bởi vì mỗi khoảnh khắc đều là cơ hội để bạn sống đúng với những điều bạn trân trọng.

Tác giả: Diana Hill
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Mindful

bạn bè biết ơn cảm xúc chăm sóc bản thân cic

Đánh giá bài viết

Rate this post

Nhận thông báo bài viết mới mỗi tuần từ Agate

    Bình luận (0)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *