29/12/2023
Bạn có đang mắc phải hội chứng TMIS – quá tải ý tưởng (Too-many-ideas syndrome)? AGATE gợi ý một số giải pháp thiết thực giúp bạn tìm ra “the sweet spot” và biến những ý tưởng này thành hiện thực.
Ý chính trong bài:
Giống như nhiều người làm sáng tạo, tôi dường như bị mắc kẹt vào một sự phiền não mang tên “cảm giác có quá nhiều ý tưởng”, hay còn được gọi là ‘Idea-ism’.
Các triệu chứng của hội chứng quá tải ý tưởng (Too Many Ideas Syndrome) bao gồm sự chần chừ nghiêm trọng, sự trì hoãn, thường xuyên nghi ngờ bản thân xen kẽ với “ảo tưởng sức mạnh”. Sổ tay đầy những ghi chú. Máy ảnh đầy ắp những bức hình. Số lượng bảng theo dõi công việc nhiều vô kể. Một mớ dự án dở dang xếp xó. Lịch trình mỗi ngày kín mít. Tâm trí tràn ngập những ý tưởng luôn chực trào vào những thời điểm không thích hợp và thường xuyên “mơ giữa ban ngày”.
Dù vậy, việc quá tải ý tưởng vẫn tốt hơn là không có ý tưởng nào. Và cuộc sống luôn bất ngờ vì điều gì cũng có thể diễn ra. Vấn đề là bạn cần biết rõ thời điểm nào nên áp dụng những ý tưởng nào. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách làm điều đó.
Điểm trung hoà của quá nhiều ý tưởng
Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng sự thật là chúng ta cần những khoảnh khắc cảm thấy tự tin lẫn thiếu tự tin một cách cực độ để sau đó tìm được một mức độ thoải mái chấp nhận được để sống với tình trạng này. Đó là ‘điểm trung hoà’ (sweet spot), khoảnh khắc mà những ý tưởng của chúng ta trở thành hành động thực tế.
“Lối ra” cho tình trạng quá nhiều ý tưởng
Không có giải pháp nào tuyệt đối cho một bộ óc sáng tạo và tò mò, nhưng có nhiều giải pháp đơn giản để hạn chế sự phiền nhiễu của chúng và giúp bạn tìm đến điểm trung hoà của trạng thái này.
Bước đầu tiên là chấp nhận rằng bạn đang mắc phải hội chứng quá nhiều ý tưởng và bạn cần phải làm điều gì đó để cải thiện tình trạng này. Sau đó, bạn có thể tìm hiểu và thử một số giải pháp sau:
Viết ra những ý tưởng
Việc viết xuống giúp giải phóng những ý tưởng khỏi đầu bạn, tạo khoảng trống cho những ưu tiên khác. Ý tưởng thường được “nhào nặn” trên giấy hơn tốt hơn là chỉ lẩn quẩn trong tâm trí.
Bắt đầu viết blog
Blog là cách tuyệt vời để chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng và nguồn cảm hứng của bạn một cách công khai. Bạn còn có thể nhận được những góp ý hữu ích từ cộng đồng (nhưng bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần cho những công kích không mang tính xây dựng).
Cải thiện kỹ năng quản lý thời gian
Học cách quản lý thời gian và thử nghiệm các công cụ khác nhau. Sắp xếp ưu tiên và chấp nhận rằng bạn không thể làm mọi thứ cùng một lúc, vì vậy hãy sáng suốt trong việc lựa chọn những gì bạn có thể và không thể làm và đặt thời hạn cho chúng.
Đọc: sách, blog, tạp chí và nội dung,…
Thông tin mới luôn rất dồi dào. Gợi ý nhỏ, Pinterest là một công cụ rất đơn giản để thu thập các nội dung bạn cần lưu trữ từ các website. Thu thập thôi chưa đủ, bạn cần thực sự đọc và lên kế hoạch ứng dụng các thông tin đó để đạt được kết quả bạn muốn.
Tìm một người cố vấn (mentor)
Dù là một mối quan hệ cố vấn chính thức hay không chính thức, người cố vấn có thể cùng bạn thảo luận ý tưởng, động viên bạn, hướng dẫn bạn hành động hoặc đơn giản là cho bạn “một cú hích”.
Học thêm về kỹ năng chuyên môn hoặc kỹ năng kinh doanh
Thường thì chúng ta sẽ có ý tưởng nhưng không chắc chắn về cách thực hiện nó. Có lẽ khả năng về công nghệ của bạn cần được nâng cấp hoặc bạn muốn tìm cách đơn giản hơn hoặc chuyên nghiệp hơn để thực hiện điều đó.
Bạn cũng có thể cần học cách tiếp cận ý tưởng như một doanh nghiệp, tập trung và rõ ràng trước khi thực hiện các bước tiếp theo. Một khóa học kinh doanh thực tế sẽ cung cấp cho bạn các công cụ quản lý dự án, không gian để thảo luận ý tưởng với những người cùng chí hướng, cơ cấu và các mối liên hệ mới.
Mời gọi sự góp ý
Tham gia vào các nhóm phê bình, câu lạc bộ, tổ chức, tham gia diễn đàn,… Đừng sợ hỏi ý kiến người khác hoặc tìm kiếm lời khuyên. Hầu hết mọi người đều sẵn sàng giúp đỡ khi bạn hỏi một cách chân thành, lịch sự.
Đánh giá ý tưởng của bạn
Nếu bạn muốn tự tìm cách giải quyết, mô hình dưới đây là một công cụ giúp bạn đưa ra quyết định một cách thực tế về những gì bạn có thể và không thể làm, cũng như những gì bạn sẵn lòng hoặc không sẵn lòng thực hiện.
1. Tôi có thể làm điều này một cách dễ dàng
Trong danh mục này, hãy xếp vào những điều bạn cảm thấy sẵn lòng và có khả năng thực hiện mà cần ít hỗ trợ. Đây là những điều bạn biết rất rõ, những thứ bạn thực hiện “quen tay”. Điều quan trọng là phải đưa vào đây những điều bạn thích.
2. Tôi có thể làm điều này nếu tôi tập trung
Đây là những điều bạn có một chút am hiểu hoặc kinh nghiệm và sẵn lòng thực hiện. Bạn có thể cần sự trợ giúp, lời khuyên hoặc học một số kỹ năng mới, nhưng phần thưởng nhận lại xứng đáng với sự cố gắng.
3. Đáng để tìm hiểu
Đây là những điều bạn quan tâm nhưng có ít kinh nghiệm. Chúng có thể đòi hỏi nhiều sự đầu tư nghiên cứu và do đó có thể mất nhiều thời gian hơn để thực hiện.
4. Sẽ thực hiện nếu thực sự cần
Đây là những điều bạn có khả năng thực hiện và có thể kiếm được tiền từ nó, nhưng bạn có thể không thích làm chúng. Đây có thể là kế hoạch dự phòng của bạn.
5. Không thể
Đây là những điều bạn sẽ không làm. Có thể là những điều bạn không thể thực hiện hoặc bạn không sẵn lòng xem xét tại thời điểm này.
Mẹo nhỏ:
Vẽ một hình ngũ giác trên một tờ giấy lớn. Viết các ý tưởng lên các miếng giấy ghi chú, dịch chuyển, sắp xếp giữa các mục để cân nhắc xem những ý tưởng này thật sự thuộc về đâu. Hãy mạnh dạn ra quyết định!
Kết luận – Sống với quá nhiều ý tưởng
Có quá nhiều ý tưởng vẫn tốt hơn là không có ý tưởng nào. Chắc chắn đầu bạn sẽ luôn suy nghĩ nhưng cuộc sống của bạn tràn ngập sắc màu, đầy tiềm năng và cơ hội. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn sử dụng những lời gợi ý kể trên để nắm bắt ý tưởng khi chúng đang trào dâng nhiều nhất, và sau đó đánh giá chúng.
Nếu ý tưởng thực tế và khả thi, bước tiếp theo là hành động và biến chúng thành hiện thực. Đừng để những ý tưởng tuyệt vời đó chỉ nằm mãi trên sổ ghi chép của bạn!
Tác giả: Amy Morse
Biên dịch: Kim Ngân
Biên tập: Thạc sĩ Tâm lý học Đào Thị Nguyên Hoàng
Theo prowess.org.uk
Bình luận (0)