29/11/2024
Nhạy cảm là một món quà hay là một gánh nặng? Khám phá nghịch lý của sự nhạy cảm và cách biến nó thành sức mạnh đích thực.
Ý chính trong bài:
Nhiều người coi sự nhạy cảm (sensitivity) và đồng cảm (empathy) là những món quà – và đúng là như vậy – nhưng những món quà này lại đi kèm với một gánh nặng mà ít ai nhìn thấy. Những người nhạy cảm thường có cảm xúc sâu sắc, họ cảm nhận thế giới một cách mãnh liệt hơn người khác, họ dễ dàng cảm nhận cả niềm vui lẫn nỗi buồn của thế giới xung quanh. Chính sự nhạy cảm quá mức này khiến họ cảm thấy cô đơn, vì thật khó để tìm được người cùng cảm nhận thế giới theo cách của họ.
Một thách thức tiềm ẩn là sự nhận thức nhạy bén này có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với lo âu xã hội (social anxiety), hoặc góp phần gây ra lo âu xã hội. Khi bạn luôn chú ý đến những thay đổi nhỏ nhất trong giọng điệu, nét mặt hoặc ngôn ngữ cơ thể của ai đó – và luôn lo lắng cho hạnh phúc của họ – bạn có thể cảm thấy quá tải. Chuyện này còn rắc rối hơn nữa bởi vì bạn rất nhạy cảm với cảm xúc và những thay đổi tinh tế của những người xung quanh. Vì quá tỉ mỉ, bạn có thể tự thu mình lại, tua đi tua lại những cuộc trò chuyện trong đầu, tự hỏi liệu mình đã nói đúng hay chưa, hoặc cảm thấy có trách nhiệm với tâm trạng của những người xung quanh. Chính sự để ý quá mức này có thể khiến bạn phải hao tốn nhiều năng lượng trong các mối quan hệ xã hội, làm bạn cảm thấy kiệt quệ. Bạn quan tâm sâu sắc đến việc kết nối, nhưng chính hành động kết nối đó lại có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp.
Chính sự nhạy cảm này ảnh hưởng đến cách bạn giao tiếp với mọi người, khiến bạn thường bị thu hút bởi những người hay chia sẻ về những khó khăn, nỗi sợ và yếu đuối của họ. Việc lắng nghe và chia sẻ cùng người khác tuy rất ý nghĩa, nhưng cũng khiến bạn mệt mỏi và cảm thấy thiệt thòi. Giống như bạn luôn là chỗ dựa vững chắc, là ngọn hải đăng soi sáng giúp người khác vượt qua giông bão, nhưng bản thân bạn lại lẻ loi giữa biển khơi.
Xã hội thường không khuyến khích con người ta thể hiện sự nhạy cảm, đặc biệt là ở nam giới. Xã hội thường đề cao sự khắc kỷ, kiểm soát và cứng rắn, đồng thời coi sự dịu dàng là yếu đuối. Kết quả là, nhiều người dựng lên những bức tường cảm xúc để bảo vệ bản thân, khóa chặt những phần nhạy cảm nhất trong con người họ. Và chúng ta phải có sức mạnh thực sự mới có thể chống lại sự cám dỗ đó. Phải có một ý chí kiên cường mới có thể giữ được sự nhạy cảm trong một thế giới luôn đề cao sự cứng rắn.
Giữ được sự cởi mở và dịu dàng, ngay cả khi đã từng bị tổn thương, đòi hỏi một sự can đảm phi thường. Con đường dễ dàng hơn là dựng lên những bức tường, khép mình lại và để sự đau khổ lấn át tâm hồn. Nhưng câu hát “I’m sensitive, and I’d like to stay that way,” (Tạm dịch: Tôi nhạy cảm, và tôi muốn giữ nguyên như vậy”) của Jewel đã nói lên một sự thật giản dị nhưng sâu sắc: việc giữ được sự nhạy cảm, trong mọi hoàn cảnh, là một hành động phi thường. Sống với một trái tim cởi mở không chỉ là dũng cảm – nó còn là một dạng sức mạnh thách thức những kỳ vọng của thế giới.
Khi bạn mở lòng với thế giới, bạn đang bước đi trên một con đường chông gai. Bởi vì chắc chắn sẽ có lúc bạn bị tổn thương. Và khi thế giới làm bạn đau, bản năng của bạn là phản kháng, khép mình hoặc bảo vệ bản thân bằng sự tức giận. Nhưng sức mạnh thực sự không nằm ở việc né tránh nỗi đau mà là đối mặt trực diện với nó. Sức mạnh ấy nằm ở việc lựa chọn sống bao dung, nhẫn nại chăm sóc vết thương lòng cho đến khi chúng lành lại.
Đây là lúc lòng tốt lên ngôi – đó không phải sự yếu đuối, mà là sức mạnh. Sức mạnh thực sự nằm ở việc chọn lòng tốt trong một thế giới thường đề cao sự tàn nhẫn. Lòng tốt không có nghĩa là nhu nhược hay cam chịu – mà là kiên định với tình yêu thương, ngay cả khi thế giới cố gắng đẩy bạn vào sự đau khổ. Để có thể tử tế, bạn cần phải yêu thương chính mình sâu sắc, một tình yêu trở thành pháo đài bất khả xâm phạm. Bạn không thể mang lòng tốt đến cho người khác nếu bạn chưa nuôi dưỡng được nó trong chính mình. Và khi bạn yêu thương bản thân, bạn sẽ không còn chấp nhận sự lạm dụng hay đối xử tệ bạc từ người khác, bạn cũng không cần phải làm hài lòng ai để phải quay lưng lại với chính mình.
Tử tế không phải là yếu đuối – tử tế là điều khó khăn nhất mà bạn có thể làm được khi bị người khác làm tổn thương. Nổi giận, đổ lỗi hay rút lui thì dễ dàng hơn nhiều. Thách thức thực sự là giữ cho trái tim mình luôn cởi mở, ngay cả khi nó đang đau đớn. Đó mới là loại sức mạnh mà chúng ta cần nhiều hơn nữa – sức mạnh bắt nguồn từ sự dịu dàng, kiên cường và yêu thương.
Vì vậy, nếu bạn cảm thấy sự nhạy cảm của mình khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn, hãy biết rằng bạn không đơn độc. Con đường này không dễ dàng, nhưng nó rất xứng đáng. Sự nhạy cảm của bạn là một món quà, không phải là một khuyết điểm. Và dù cho thế giới có thể không luôn hiểu được điều đó, thì sự can đảm để sống cởi mở, tử tế và chân thành với chính mình vẫn là một dạng sức mạnh hiếm có. Hãy tiếp tục bước đi trên con đường đó, và bạn sẽ tìm thấy những người bạn đồng hành.
Tác giả: Shawn Abreu MD
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Theo Psychology Today
Bình luận (0)