Bạn có đang “say nắng” đến mức mất kiểm soát? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về Limerence, phân biệt nó với tình yêu và tác động của nó đến cuộc sống.
Các biểu hiện của Limerence, từ việc chăm chút ngoại hình đến tâm trạng thất thường, cùng với nguyên nhân gây ra nó.
Những gợi ý từ chuyên gia tâm lý học (?) giúp bạn vượt qua Limerence.
Bạn có bao giờ trải qua cảm giác “yêu cuồng nhiệt” đến mức gần như phát điên? Cảm giác như cả thế giới chỉ xoay quanh một người, tim đập loạn nhịp khi người ấy xuất hiện và bạn cứ mãi nghĩ về họ dù đang làm bất cứ việc gì?
Trạng thái đó có thể là Limerence! Đây là một thuật ngữ được đặt ra bởi nhà tâm lý học Dorothy Tennov. Bà đã phỏng vấn hàng trăm người về trải nghiệm tình yêu của họ và nhận ra có một nhóm người có cảm xúc mãnh liệt đến mức khác thường, gần như là một dạng “ám ảnh” trong tình yêu. Để mô tả trạng thái này, bà đã đặt ra thuật ngữ “limerence”. Trước đó, chưa từng có một từ ngữ chuyên biệt nào để gọi tên cảm giác này. Có lẽ vì vậy mà Limerence nhanh chóng được đón nhận và trở thành một thuật ngữ phổ biến trong nghiên cứu tâm lý học cũng như trong văn hóa đại chúng.
Vậy Limerence chính xác là gì?
Định nghĩa Limerence
Giống như bạn “crush” ai đó nhưng nó mãnh liệt hơn và đôi khi, ám ảnh hơn. Nói chính xác thì Limerence là một trạng thái tâm lý đặc trưng bởi sự khao khát mãnh liệt với một người, thường đi kèm với những suy nghĩ và tưởng tượng xâm chiếm tâm trí. Bạn có thể liên tục nghĩ về người ấy, phân tích mọi hành động, lời nói của họ và mơ mộng về một tương lai với họ.
Tuy nhiên, Limerence không chỉ đơn thuần là “cảm nắng” hay “yêu thầm”. Có một số điểm quan trọng giúp chúng ta phân biệt nó:
Tính chiếm hữu: Limerence thường đi kèm với mong muốn mạnh mẽ được người ấy đáp lại tình cảm, thậm chí là chiếm hữu họ về mặt tinh thần.
Lý tưởng hóa: Trong mắt người đang trải qua Limerence, đối tượng của họ dường như hoàn hảo, không tì vết. Họ thường tập trung vào những điểm tốt và bỏ qua hoặc biện minh cho những khuyết điểm của người ấy.
Cảm xúc phụ thuộc và thay đổi thất thường: Tâm trạng và cảm xúc của người đang trong trạng thái Limerence thường phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng họ si mê. Họ có thể cảm thấy hạnh phúc tột độ khi được người ấy chú ý và rơi vào tuyệt vọng khi bị phớt lờ.
Tóm lại, limerence là một trạng thái tình cảm phức tạp, vừa có sự say mê, vừa có sự ám ảnh và thường đi kèm với những kỳ vọng không thực tế về đối phương. Hiểu rõ về Limerence sẽ giúp bạn nhận ra những cảm xúc của bản thân và có cách ứng xử phù hợp hơn trong các mối quan hệ.
Biểu hiện của Limerence
Dưới đây là một số biểu hiện từ dễ nhận thấy đến khó nhận thấy hơn ở người đang trong trạng thái Limerence:
Chăm chút ngoại hình: Đây là biểu hiện dễ nhận thấy nhất. Bạn thường dành nhiều thời gian hơn để chăm chút ngoại hình, ăn mặc chỉn chu, trau chuốt hơn hẳn so với bình thường. Bạn muốn gây ấn tượng với người kia bằng vẻ ngoài hoàn hảo nhất.
“Thám tử online”: Bạn dành hàng giờ để “stalk” Facebook, Instagram,… của người ấy, tìm hiểu mọi thông tin về họ, từ sở thích, thói quen đến những mối quan hệ.
Hạnh phúc và tuyệt vọng đan xen: Tâm trạng của bạn như “trên mây” khi nhận được sự quan tâm từ người ấy, nhưng lại chìm sâu xuống đáy vực khi bị phớt lờ. Bạn vui phát điên vì những tín hiệu “thả thính” từ người ấy, dù là nhỏ nhất, và suy sụp khi không nhận được hồi đáp.
“Mất ăn mất ngủ” vì người ấy: Bạn thường xuyên nghĩ về người ấy, cả lúc thức lẫn lúc ngủ. Hình ảnh của họ cứ lảng vảng trong tâm trí bạn, khiến bạn khó tập trung vào bất cứ việc gì khác.
Thế giới chỉ có hai người: Bạn chỉ muốn ở bên người ấy, dành mọi thời gian rảnh rỗi cho họ và gạt bỏ những mối quan hệ khác sang một bên.
Lý tưởng hoá đối phương: Trong mắt bạn, người ấy thật hoàn hảo, không có khuyết điểm. Bạn có xu hướng phóng đại những điểm tốt và bỏ qua những điều chưa hoàn thiện của họ.
Sợ bị từ chối: Bạn luôn lo lắng về việc bị người ấy từ chối tình cảm. Nỗi sợ này có thể khiến bạn không dám thổ lộ hoặc hành động “lạ lùng” để che giấu cảm xúc thật.
Nếu bạn nhận thấy bản thân có nhiều hơn một vài biểu hiện trên, thì có khả năng cao là bạn đang trải qua limerence. Đừng quá lo lắng, vì đây là một trạng thái cảm xúc phổ biến. Quan trọng là bạn cần hiểu rõ bản thân và có cách ứng xử phù hợp để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mình.
Limerence khác với tình yêu như thế nào?
Limerence và tình yêu đều là những cảm xúc mạnh mẽ đối với một người khác. Tuy nhiên, chúng có một số khác biệt quan trọng.
Đặc điểm
Limerence
Tình yêu đích thực
Trọng tâm
thường là một chiều và tập trung vào vẻ bề ngoài, tính cách lý tưởng hóa của đối phương
thường là hai chiều và tập trung vào con người thật của đối phương
Cảm xúc
Ám ảnh, chiếm hữu, hưng phấn hoặc tuyệt vọng thất thường
Tôn trọng, tin tưởng, thấu hiểu, tương đối ổn định
Hành vi
Theo đuổi, tìm kiếm sự chú ý, kiểm soát
Quan tâm, chăm sóc, chia sẻ, hỗ trợ, cam kết
Tính chất mối quan hệ
Tạm thời
Lâu dài
Mục tiêu
Thỏa mãn cảm xúc cá nhân
Xây dựng mối quan hệ lành mạnh, lâu dài
Các giai đoạn của Limerence
Trạng thái Limerence trải qua các giai đoạn khác nhau. Nó được đặc trưng bởi việc “chính chủ” hy vọng tìm được một người để yêu, trở nên mê mẩn họ, và dao động giữa hy vọng được đáp lại tình cảm và nỗi sợ bị từ chối. Theo Dorothy Tenov, có 5 giai đoạn của trạng thái Limerence, được mô tả chi tiết bên dưới:
Pre-Limerence: Ở giai đoạn này, bạn chưa có đối tượng cụ thể, bạn chỉ khao khát được yêu và tìm kiếm bất kỳ ai có vẻ đáp lại tình cảm để bạn có thể “si mê”.
Pre-Reciprocity: Đây là lúc đối tượng si mê xuất hiện, khiến bạn nảy sinh khao khát mãnh liệt. Bạn liên tục tìm kiếm dấu hiệu đáp lại từ họ, tâm trạng thay đổi thất thường và nỗi sợ bị từ chối ngày càng tăng cao.
Reciprocity: Nếu bạn bị từ chối, Limerence thường kết thúc ở giai đoạn này. Ngược lại, nếu bạn được đáp lại, tình yêu nồng nhiệt và có phần ám ảnh sẽ nảy nở. Khi mối quan hệ tiến triển, hoặc là sự say đắm giảm dần do sự không chắc chắn đã không còn, hoặc là sự say đắm vẫn tiếp diễn nếu như sự không chắc chắn về tình cảm và sự cam kết vẫn tồn tại.
Gradual Dissolution (Tan vỡ dần dần): Trạng thái Limerence thường tự nhiên giảm bớt rồi biến mất. Điều này có thể gây khó khăn cho cả hai, khiến họ nghi ngờ về tình cảm của mình. Giai đoạn này có thể dẫn đến tranh cãi, đổ lỗi, thậm chí là chia tay. Tuy nhiên, nếu cả hai hiểu rằng đây là giai đoạn tự nhiên, họ có thể chuyển sang giai đoạn yêu đương thật sự.
Post-Limerence: Sau giai đoạn si mê, một số mối quan hệ có thể trở nên bền chặt và lành mạnh hơn nhờ giao tiếp và sự hợp tác tốt. Thế nhưng, việc mất đi sự say đắm có thể khiến nhiều người đau khổ và dẫn đến chia tay. Trong nhiều trường hợp, bạn lại quay về giai đoạn Pre-Limerence, tiếp tục tìm kiếm một đối tượng mới.
Nguyên nhân gây ra Limerence
Nguyên nhân gây ra Limerence vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng có một số yếu tố được cho là có liên quan:
Yếu tố sinh học: Sự thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, norepinephrine và serotonin có thể góp phần tạo ra cảm giác hưng phấn, ám ảnh và khao khát đặc trưng của limerence.
Yếu tố tâm lý: Những người có kiểu gắn bó không an toàn, từng trải qua tổn thương trong quá khứ, hoặc có lòng tự trân trọng thấp có thể dễ rơi vào trạng thái limerence hơn.
Yếu tố xã hội: Áp lực xã hội về việc phải có đôi có cặp, sự lý tưởng hóa tình yêu lãng mạn trong văn hóa đại chúng cũng có thể góp phần.
Tóm lại, Limerence có thể là sự kết hợp của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội, tạo ra một trạng thái mãnh liệt, phức tạp và khó kiểm soát.
Làm thế nào để vượt qua Limerence?
Vượt qua Limerence không dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể. Dưới đây là một số hướng gợi ý:
Nhận biết và chấp nhận: Thừa nhận rằng bạn đang trải qua limerence là bước đầu tiên. Hiểu rõ bản chất của nó sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn.
Cắt đứt liên lạc: Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với “nguồn” gây ra cảm giác si mê, say đắm, cả trực tiếp lẫn gián tiếp (qua mạng xã hội, tin nhắn,…).
Tập trung vào bản thân: Hướng sự chú ý vào các hoạt động lành mạnh, sở thích cá nhân và việc tự chăm sóc bản thân.
Thay đổi suy nghĩ (Dành cho ai thiên về tư duy lý trí): Thách thức những suy nghĩ lý tưởng hóa về người ấy, tập trung vào thực tế và những khuyết điểm của họ.
Chấp nhận cảm xúc: Đừng cố gắng kìm nén cảm xúc. Thay vào đó hãy dành thời gian chấp nhận và học cách đối diện với chúng.
Kiên nhẫn: Limerence cần thời gian để phai nhạt. Hãy kiên nhẫn với bản thân và quá trình hồi phục.
Tìm kiếm sự hỗ trợ: Chia sẻ với bạn bè, người thân đáng tin cậy hoặc tìm đến chuyên gia tâm lý nếu bạn đã thử nhiều cách và vẫn cần thêm sự hỗ trợ.
Tác giả: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập: AGATE
Tài liệu tham khảo:
The Attachment Project. (n.d.). What Limerence Is and How to Overcome It. The Attachment Project. https://www.attachmentproject.com/love/limerence/
Juby, B. (2024, 05 22). Understanding and Overcoming Limerence. Psych Central. https://psychcentral.com/relationships/limerence?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR3Z6-O08_73KV4dKWP_BnJo8vgFTEFLO9aWN8rWe6D_fHfre3bFs4eEbFU_aem_twPj8SrbxvO-mptfOP7sJw
Bình luận (0)