21/12/2023
Khám phá tác động mạnh mẽ của lo lắng tài chính đối với tâm lý, mối quan hệ và cuộc sống hàng ngày của chính bạn. Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cũng như cách giải quyết vấn đề phổ biến nhưng hoàn toàn có thể vượt qua này.
Ý chính trong bài:
Lo âu tài chính (financial anxiety) hay còn là gọi là căng thẳng tài chính (financial stress) và lo lắng về tiền bạc (money anxiety). Mọi người, bất kể thu nhập, chủng tộc hay giới tính, đều có thể bị ảnh hưởng bởi nỗi lo này.
Một nghiên cứu đầy kinh ngạc của công ty dịch vụ tài chính Northwestern Mutual vào năm 2016 đã cho thấy 85% người Mỹ có lo âu tài chính ở một mức độ nào đó. Hầu hết đều cho rằng lo lắng về tài chính đã có những tác động tiêu cực đến nhiều mặt trong cuộc sống của họ, như sức khỏe, đời sống xã hội và sự nghiệp. Mặc dù thỉnh thoảng ai cũng lo lắng về tiền bạc, nhưng lo âu về tài chính lại khác. Nó là một nỗi sợ ám ảnh về những thứ liên quan đến tiền bạc và có thể khiến bạn suy nhược. Căng thẳng tài chính không chỉ đến từ việc thiếu tiền. Nó có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như nợ nần, mất việc, hoặc các vấn đề trong gia đình. Những người bị lo lắng về tài chính thường xuyên bị ám ảnh bởi các hóa đơn đến hạn.
Họ có thể sợ nhìn vào tài khoản ngân hàng của mình và họ cũng có thể sợ phải đối mặt với bất cứ điều gì liên quan đến tài chính cá nhân. Căng thẳng tài chính có thể gây hại cho sức khỏe của bạn, giống như các dạng lo lắng khác. Nó có thể khiến bạn mất ngủ, chán ăn và khó tập trung. Mặc dù lo lắng về tài chính là phổ biến, nhưng nó không phải là không thể kiểm soát. Bằng cách nhận ra những gì gây ra sự lo lắng của bạn, bạn có thể bắt đầu đối phó với nó. Bạn đã sẵn sàng để bắt đầu chưa?
“Tiền bạc cũng giống như tình yêu. Đối với kẻ giữ chặt nó, nó sẽ giết chết họ một cách chậm rãi và đau đớn. Nhưng đối với người biết chia sẻ nó, nó sẽ tiếp thêm sức sống cho họ.” – Kahlil Gibran-
Lo lắng về tài chính là một tác dụng phụ khác của COVID-19
Bạn có đang lo lắng về tài chính không? Bạn không đơn độc đâu. Thật vậy, hiện nay có rất nhiều người đang phải chịu đựng áp lực tài chính. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do đại dịch COVID-19, ngày càng có nhiều người phải học cách đối phó với lo âu tài chính.
Hiển nhiên là khó khăn tài chính và mất thu nhập sẽ tạo ra lo lắng. Tuy nhiên, khi nỗi lo lắng đó leo thang đến nỗi ám ảnh, nó có thể trở thành chứng rối loạn lo âu. Lo âu về tài chính có nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán giống với chứng rối loạn lo âu tổng quát, chẳng hạn như lo lắng quá mức, khó chịu và khó tập trung. Tuy nhiên, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ không công nhận đây là một chứng rối loạn chính thức.
Điều gì gây ra lo âu tiền bạc?
Cả những trải nghiệm trong quá khứ và hiện tại đều có thể dẫn đến lo lắng về tài chính. Ví dụ, nếu bạn lớn lên trong một gia đình luôn gặp khó khăn về tài chính, bạn có thể có xu hướng lo lắng về tiền bạc ngay cả khi bạn đã trưởng thành và có thu nhập ổn định. Ngoài ra, những sang chấn trong cuộc sống, chẳng hạn như mất việc làm hoặc bị tịch thu nhà, cũng có thể gây ra lo lắng về tài chính. Sang chấn ở đây không nhất thiết phải là một sự kiện lớn đến mức gây ra Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Ngay cả những trải nghiệm nhỏ, như bị từ chối một khoản vay, cũng có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng về khả năng tài chính của mình.
Hãy chú ý đến các triệu chứng
Có nhiều triệu chứng liên quan đến rối loạn lo âu về tài chính. Một số triệu chứng có vẻ rõ ràng, trong khi một số khác thường được cho là tính cách cá nhân. Dưới đây là một vài ví dụ:
Có nhiều cách để đối phó với căng thẳng tài chính một cách trực tiếp.
Sau đây là một số cách thông minh để đối phó với vấn đề này
Tình hình tài chính của bạn có thể không giết chết bạn, nhưng căng thẳng tài chính thì có thể. Vì vậy, điều quan trọng là phải quản lý nó một cách hiệu quả. Dưới đây là 2 mẹo thông minh để giúp bạn đối phó với lo âu tài chính.
Lên lịch kiểm tra tiền thường xuyên
Bari Tessler, một nhà trị liệu tài chính và tác giả cuốn sách “Nghệ thuật kiếm tiền: Hướng dẫn thay đổi cuộc sống để đạt được hạnh phúc tài chính”, cho biết: “Chúng ta cần đối xử với tiền bạc giống như chúng ta đối xử với sức khỏe của mình. Chúng ta nên dành thời gian để chăm sóc tiền bạc của mình, giống như chúng ta dành thời gian để chăm sóc cơ thể của mình. Cần dành thời gian để giải quyết vấn đề tài chính của mình, giống như việc dành thời gian để đi khám bác sĩ thường xuyên. Điều này giúp chúng ta giữ cho tài chính của mình khỏe mạnh và hạnh phúc. “
Bà đã đưa ra khái niệm “money date” (Cuộc hẹn hò tài chính), đây là một buổi ‘hẹn hò’ với chính bạn hoặc với bạn đời của bạn để thảo luận về các vấn đề tài chính. Trong trường hợp bạn “hẹn hò tài chính” với chính mình, bạn có thể tập trung vào các hành động tức thời, chẳng hạn như lên kế hoạch tài chính, học cách sử dụng các ứng dụng quản lý và phát triển tài chính. Cuộc “hẹn hò tài chính” với bạn đời của bạn có thể là cả hai chia sẻ với nhau về những câu chuyện về tiền bạc và thảo luận về cách các bạn có thể tiết kiệm hoặc đầu tư cùng nhau.
Khám phá cách tâm trí và cơ thể của bạn phản ứng
Hãy chú ý đến cảm xúc và phản ứng của cơ thể khi nói về tiền bạc hoặc đưa ra quyết định tài chính. Chẳng hạn, bạn cảm thấy thế nào khi kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng? Bạn thấy lo lắng, căng thẳng hay tự tin? Còn khi chia sẻ về chi phí/ giá cả của công ty mình với khách hàng mới thì sao? Bạn cảm thấy áp lực hay thoải mái? Bari nói: “Hãy cố gắng nâng cao khả năng nhận thức về những cảm xúc và các khuôn mẫu thói quen trong cơ thể và tâm trí của bạn”.
Nếu bạn có phản ứng thể chất trước các cuộc trò chuyện về tiền bạc, hãy thừa nhận và tìm hiểu rõ nguyên nhân. Chẳng hạn, nếu bạn cảm thấy lòng bàn tay đổ mồ hôi hoặc nhịp tim đập nhanh, hãy tự hỏi bản thân xem điều gì đang khiến bạn cảm thấy như vậy. Bạn có đang lo lắng về cách đối tác của mình sẽ phản ứng không? Bạn có cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ về tình hình tài chính của mình không? Việc kiểm tra cơ thể là một kỹ thuật giúp bạn nhận thức được cảm xúc của mình. Nó giúp bạn bước sang một bên và quan sát những gì đang diễn ra, thay vì bị cuốn theo cảm xúc của mình.
Các mẹo khác để giúp đối phó với nó
Căng thẳng tài chính có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp và bất lực. Thay vì đóng băng trong sợ hãi, hãy cân nhắc các cách giảm bớt căng thẳng tài chính để kiểm soát tài chính cá nhân của bạn. Dưới đây là một số gợi ý:
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Giải quyết nỗi lo tài chính cần cả hành động bên ngoài và bên trong. Hành động bên ngoài bao gồm việc tạo ngân sách, giảm nợ và thuê các chuyên gia tài chính. Hành động bên trong có thể khó nắm bắt hơn. Bạn cũng có thể dành thời gian để suy ngẫm về cách bạn kiếm tiền và chi tiêu.
Đạt được các mục tiêu tài chính không chỉ là những con số trên bảng tính. Nó cũng liên quan đến cảm xúc, thái độ và suy nghĩ của bạn.
Bạn vẫn cảm thấy lo lắng về tiền bạc? Hãy cân nhắc đến việc học hoặc đọc thêm những kiến thức liên quan đến quản lý tài chính cá nhân. Bạn càng biết nhiều về cách quản lý tiền của mình thì càng có nhiều quyền kiểm soát tài chính của mình hơn. Cảm giác kiểm soát được tiền của mình sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng.
Theo Exploring Your Mind
Biên dịch: Thạc sĩ Tâm lý học Ôn Bích Ngọc
Biên tập: AGATE
Bình luận (0)